Bà bầu gặp sự cố nhạy cảm trên tàu điện bị thanh niên cười nhạo và cái kết ấm lòng nhờ người xa lạ
Đi khám thai định kỳ bằng phương tiện công cộng, bà bầu gặp phải sự cố không mong muốn.
Mang thai là hành trình thiêng liêng nhưng cũng đầy thử thách. Từ những ngày đầu ốm nghén, mệt mỏi, đến những tháng cuối nặng nề, phù nề và khó di chuyển, các mẹ bầu luôn phải đối diện với vô số thay đổi về thể chất. Một trong số đó là những tình huống nhạy cảm khó nói, đôi khi có thể khiến người trong cuộc cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Mới đây, một câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc đã thu hút sự chú ý khi lột tả chân thực một tình huống éo le mà không ít bà bầu từng trải qua. Nhân vật chính là Tiểu Thiến, 29 tuổi, đang mang thai con đầu lòng.
Bà bầu 29 tuổi gặp sự cố không mong muốn khi đi khám thai bằng phương tiện công cộng.
Hôm đó, Tiểu Thiến một mình đến bệnh viện để khám thai định kỳ. Nhà cô cách bệnh viện không xa nên cô chọn đi tàu điện ngầm cho tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Để tránh đông đúc, cô quyết định đi vào buổi sáng, ngoài giờ cao điểm.
Khi đang đứng trên tàu, cô cảm thấy bàng quang bắt đầu căng tức, định xuống ở ga kế tiếp để tìm nhà vệ sinh. Tuy nhiên, bất ngờ từ phía sau, một thanh niên vội vã va vào cô. Dù lực va không quá mạnh, cú đẩy lại trúng đúng phần bụng khiến cô không kịp phản xạ và lỡ tiểu ngay tại chỗ.
“Cảm giác như cả người cứng đờ, phần quần sau ướt đẫm, tôi chỉ muốn có một cái lỗ để chui xuống cho xong”, Tiểu Thiến chia sẻ. Cô chưa kịp trấn tĩnh thì chàng trai vừa va vào đã lên tiếng trêu chọc: “Chị ơi, chị có hơi quá không đấy? Có mỗi va một cái mà sợ đến mức tè ra quần luôn à?”.
Tiểu Thiến đứng lặng người vì xấu hổ. Nhưng đúng lúc đó, một người phụ nữ trung niên đi cùng toa tàu đã bước lên phía trước và dằn mặt người thanh niên: “Cậu có biết cô ấy đang mang thai không? Mẹ cậu lúc mang bầu cậu có khi còn tè ướt mấy cái quần đấy. Biết thì im đi, đừng mở miệng ra là chế giễu người khác”. Cậu thanh niên nghe xong liền đỏ mặt, im lặng một lúc rồi lí nhí xin lỗi.
Một người phụ nữ lớn tuổi ra mặt giúp đỡ thai phụ.
Trở về nhà, Tiểu Thiến vẫn không thôi cảm giác ngượng ngùng. Khi chia sẻ lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội, cô bất ngờ nhận được sự đồng cảm từ hàng loạt bà mẹ khác. Hóa ra, việc gặp sự cố nhạy cảm trong thai kỳ không hề hiếm gặp. Chỉ là nhiều người, vì ngại, vì xấu hổ, nên chưa từng dám nói ra.
Với bài viết này, Tiểu Thiến hy vọng những mẹ bầu khác có thể cảm thấy nhẹ lòng hơn nếu rơi vào tình huống tương tự. Và trên hết, mong muốn mỗi người trong xã hội sẽ học cách quan sát, hiểu và hành xử văn minh hơn với phụ nữ mang thai - những người đang trải qua một trong những giai đoạn nhọc nhằn nhất của cuộc đời.
Một số người dùng bình luận: “Mang thai vốn đã cực rồi, lại còn phải chịu đựng những ánh nhìn không cảm thông. May mà có cô bác tốt bụng lên tiếng thay”; “Tôi cũng từng trải qua cảm giác tương tự. Lúc đó xấu hổ vô cùng, nhưng nếu có người bảo vệ như vậy thì chắc chắn sẽ thấy ấm lòng biết bao”...
Bị rò nước tiểu khi mang thai: Nguyên nhân và cách xử lý
a. Rò nước tiểu (tiểu không tự chủ) khi mang thai là gì?
Rò nước tiểu hay tiểu són là hiện tượng rỉ nước tiểu không kiểm soát, xảy ra bất ngờ khi người mang thai cười, ho, hắt hơi, vận động mạnh hoặc thậm chí không có lý do rõ ràng. Đây là một tình trạng sinh lý phổ biến, đặc biệt ở tam cá nguyệt thứ hai và ba, khi áp lực lên bàng quang gia tăng. Mặc dù không nguy hiểm, tình trạng này gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng sống, tâm lý mẹ bầu.
b. Nguyên nhân phổ biến
- Tử cung mở rộng: Khi thai nhi phát triển, tử cung lớn dần và chèn ép lên bàng quang, khiến thể tích chứa nước tiểu giảm đi đáng kể.
- Yếu cơ sàn chậu: Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ khiến các cơ và mô liên kết tại vùng chậu trở nên mềm và yếu, làm giảm khả năng kiểm soát dòng tiểu.
- Lưu lượng máu và nước tiểu tăng: Khi mang thai, thận hoạt động mạnh hơn, tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường. Áp lực bài tiết lớn hơn dẫn đến dễ rò rỉ.
- Tác động từ chuyển động đột ngột: Các hoạt động như ho, cười, hắt hơi hoặc va chạm có thể gây tiểu són, nhất là khi bàng quang đang đầy.
c. Cách xử lý và phòng ngừa hiệu quả
- Tập Kegel đều đặn: Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang. Có thể tập từ sớm trong thai kỳ.
- Đi tiểu thường xuyên: Chủ động đi tiểu mỗi 2 - 3 giờ/lần để tránh bàng quang bị căng quá mức gây rò nước tiểu đột ngột.
- Uống nước đúng cách: Vẫn cần uống đủ nước mỗi ngày (1,5 - 2 lít), nhưng tránh uống quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi ra ngoài.
- Giữ cân nặng thai kỳ hợp lý: Tránh tăng cân quá nhanh, vì trọng lượng tăng thêm cũng tạo áp lực lên vùng bụng và bàng quang.
- Sử dụng băng vệ sinh chuyên dụng: Băng dành cho người tiểu són nhẹ giúp giữ vệ sinh, khử mùi và giảm cảm giác bất tiện khi rò rỉ nhẹ.
d. Khi nào cần đi khám bác sĩ:
- Nếu nước rò chảy liên tục hoặc nghi ngờ là nước ối (thường loãng, không mùi).
- Nếu rò nước tiểu kèm cảm giác đau, rát, nóng buốt khi đi tiểu (có thể là dấu hiệu nhiễm trùng).
- Khi tình trạng tiểu són ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, giấc ngủ hoặc gây căng thẳng kéo dài
Bình luận