Các nhà viết kịch có “rửa tay gác bút”?

Năm nào cũng thế, giới sân khấu đều kêu thiếu kịch bản hay và sự thật thế nào? Không lẽ các nhà viết kịch đã “rửa tay gác bút” quy hàng những thách thức nghề nghiệp và cuộc sống để xoay sang công việc khác? Và thế nào là kịch bản hay khi mà hàng loạt những tác phẩm kinh điển thế giới được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam in ra có được bao kịch bản lên sân khấu? Nếu có lên sàn diễn liệu có đông khách? Không lẽ kịch bản hay là kịch bản dễ làm hoặc kịch bản ấy đáp ứng được thị hiếu của toàn thiên hạ?

Tín hiệu tích cực

Sân khấu là mâu thuẫn, xung đột và dường như thực tế đời sống sân khấu hôm nay cũng đầy xung đột, mâu thuẫn. Trước hết là xung đột giữa thiên chức, tính thẩm mỹ của sân khấu với cơ chế thị trường. Sau nữa là xung đột giữa bản thân vở diễn như một loại hàng hóa đặc biệt với phương thức bán hàng trong hoàn cảnh mới. Cơ chế thị trường đặt mục tiêu doanh thu lên trên và trong thời buổi công chúng bận rộn lo phát triển kinh tế gia đình thì người mua vé vào xem phần lớn là người rảnh rang hơn, đến nhà hát để xả stress là chính. Mặt khác, vở diễn được phép công diễn cứ âm thầm lặng lẽ như “áo gấm đi đêm” chỉ vì không có tiền khi mà thời thị trường hôm nay, mọi thứ hàng hóa đều phải tích cực giới thiệu quảng bá.

Dường như nhận thấy những bất cập trong thực tế hoạt động sân khấu, những năm gần đây Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có nhiều biện pháp tháo gỡ với những bước đi đột phá, trước hết tập trung vào khâu kịch bản. Đó là hướng đi đúng bởi trong bộn bề, cái gì cũng tháo gỡ tức là chả tháo gỡ cái gì cả!

Các nhà viết kịch có “rửa tay gác bút”? - 1

Tiểu phẩm Kịch ngắn “Cái giá phải trả” – Kịch bản tham gia Trại sáng tác Kịch bản Sân khấu – Hà Nội năm 2023, do Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai thể hiện.

Năm vừa qua, 4 trại sáng tác cho các nhà viết kịch và một trại bồi dưỡng tác giả trẻ đã được mở. Tín hiệu đáng mừng là mỗi trại sáng tác chọn được ra 3 kịch bản loại khá. Với 12 kịch bản làm vốn liếng của năm đâu phải thiếu trong đó có kịch bản đoạt giải A, 3 kịch bản được các đơn vị nghệ thuật chọn dựng, có kịch bản 2, 3 đoàn phải thương lương thứ tự thời gian sử dụng trước sau kể cũng là một hiện tượng khác nhiều năm trước. Số còn lại đang chờ cuộc thi lớn bởi những quy chế trong đó xin nói sau.

Kinh tế thị trường với tiêu chí doanh thu sẽ khiến cho kịch mục vở diễn mang tính tự phát. Một nền sân khấu đích thực phải có định hướng để đảm bảo tính thẩm mỹ, giáo dục, giải trí hài hòa. Dù kinh phí eo hẹp, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng quyết “cắn răng” đầu tư, chủ động đưa mỗi kịch bản hay nhất ở mỗi trại lên sàn diễn, không còn chuyện kịch bản được đánh giá tốt phải âm thầm nằm trong ngăn kéo như đã từng xảy ra trước đây. Xem ra đầu tư cách này lại là cách tiết kiệm tiền của dân nhất bởi tác phẩm như một công trình cần phải mang tính khả thi, đến được với công chúng. Sự cào bằng sẽ biến tiền dân vô tình thành tiền... từ thiện.

Tìm lửa cho “bột”

“Có bột mới gột nên hồ” và kịch bản cũng là thứ “bột” của sân khấu. Thế nhưng chất lượng “bột” lại là chuyện đáng bàn và các ông bà ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang gồng mình lên để tiếp lửa cho “bột”. Các tác giả ngày ngày ngồi trong hộp bê tông để sáng tác thì khó có thể có kịch bản hay. Nghe nói năm nay có một đợt đi thực tế mấy tỉnh cao nguyên thật hoành tráng dành cho các nhà viết kịch.

Các nhà viết kịch có “rửa tay gác bút”? - 2

Ảnh minh họa

Thực tế, vốn sống bổ sung cho đợt đi này cho các tác giả chắc cũng chỉ hai ba chục phần trăm nếu từng người đi đơn lẻ nhưng tụ nhau lại cùng đi thì cái phần bảy tám chục phần trăm còn lại hẳn sẽ nhân lên nhiều lần bởi sự kích thích theo kiểu cộng hưởng. Sáng tác là vậy. Thực tế hiện ra trước nhiều người cùng quan tâm thì có tranh luận bàn bạc để cái thực tế ấy được nhìn theo nhiều góc độ khác nhau và rồi các tác giả đối chiếu, điều chỉnh đặng tìm ra cách nói, cách phản ánh của riêng mình.

Đây cũng là một thứ lửa để kích thích nhau, khi mà các tác giả giáp mặt nhau dài ngày thì cái “máu nghề” bốc lên hơn mà các nhà nghiên cứu vẫn hay gọi là sự hưng phấn. Nghe nói Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam không chỉ mời các nhà viết kịch đang sung sức mà còn mời cả các nhà viết kịch đã có thành tựu nhưng đang... “rửa tay gác bút” vì nhiều lý do.

Bên cạnh đi thực tế là cuộc thi kịch bản 2 năm một lần với giải thưởng cao nhất đến 50 triệu, thậm chí tới 70 triệu. Chuyện tiền nong, giải thưởng không phải là động lực ghê gớm lắm vì không có giải, người viết vẫn viết mà có giải thì người không muốn viết vẫn không viết. Giải có giảm một nửa hay tăng gấp đôi thì chắc không vì thế mà chất lượng kịch bản cung tăng giảm theo. Thế nhưng có thi, có giải cũng là một sự kêu gọi, kích thích, nhất là các nhà viết kịch bên cạnh công việc sáng tác còn bao nỗi lo toan trong những tháng ngày “bão giá” này. Nó còn là một thái độ xã hội, là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sân khấu ở ngay khâu đầu tiên là tìm lửa cho “bột”.

Sân khấu có GIẢI HÀNG NĂM dành cho hội viên và từ bây giờ lại có CUỘC THI KỊCH BẢN hai năm một lần dành cho tất cả những ai muốn và thích viết kịch với sự bình đẳng từ vị tác giả có vài chục vở dựng đến cháu sinh viên lần đầu cầm bút miễn là kịch bản nói được điều dân cần , dân nghĩ hôm nay qua một hội đồng giám khảo đầy uy tín. Như đã nói phần trên, vì có cuộc thi nên nhiều ông bà tác giả “nhịn” không tham gia giải hàng năm để chờ cuộc thi bởi quy chế là thế, đã được giải rôi, được dựng rồi thì miễn thi. Nhiều người nhìn vào quy chế lại lo lo cho chất lượng kịch bản cuộc thi bởi như thế thì cuộc thi kịch bản này là chỉ duy nhất thi bản thảo kịch bản chứ không phải là thi tác phẩm trong khi văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh họ vẫn chấm những tác phẩm chưa công bố và  đã in ra, đã trưng bày, đã biểu diễn.

Vẫn biết quy chế này là để khuyến khích tìm kịch bản mới nhưng “mới” của tác phẩm được sáng tác trong 2 năm đâu lẫn được với tác phẩm cũ mèm từ chục năm trước gửi tham gia cốt có tí tiền tài trợ. Lẫn lộn chuyện này nên quy chế cẩn thận quá chăng khiến chất lượng cuộc thi có thể giảm chất lượng khi mà viết kịch là để dàn dựng, để chia sẻ những trăn trở với nhân dân của mình đâu phải viết kịch để... chờ giải thưởng! Mặt khác, trong khi bấy lâu chúng ta buồn phiền vì không ít tác phẩm tốt được giải thưởng cứ phải âm thầm nằm trong ngăn kéo thì nay, khi quyết tìm lửa cho “bột” lại vô tình thành quy chế tác phẩm phải trong ngăn kéo mới được tham gia cuộc thi và nhận giải thưởng.

Một vấn đề khác mà các nhà viết kịch quan tâm là hội đồng giám khảo. Không ai nghi ngờ cái tâm cái tài của những người đã đặt những dấu ấn đáng kể trong sự phát triển sân khấu song khi đạo diễn làm giám khảo liệu có đánh giá kịch bản nặng theo góc độ đạo diễn, diễn viên làm giám khảo có nhìn kịch bản theo góc độ diễn xuất và nhà văn làm giám khảo liệu có chỉ nhìn kịch bản ở khía cạnh văn chương mà quên mất những đặc tính sân khấu khi kịch viết ra để diễn chứ không để đọc? Thiết nghĩ hội đồng giám khảo nên có đủ các vị đáng kính trong các lĩnh vực trên và nên chăng có mặt cả nhà phê bình lý luận sân khấu, nhà báo am hiểu về sân khấu như bên điện ảnh, bóng đá vẫn có sự bình chọn của những người theo sát công luận.

Sân khấu đã có những bước đi mang tính đột phá chứng tỏ sự trăn trở tìm tòi của những người quản lý sân khấu. Tuy nhiên, không vì thế mà không còn những vấn đề cần trao đổi để khâu kịch bản được thúc đẩy, kích thích hơn. Rất mong sự hồi âm từ phía Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Hy vọng từ những tín hiệu tích cực trong vài năm gần đây, diện mạo sân khấu sẽ thay đổi bắt đầu từ khâu kịch bản. Những ngọn lửa trong trái tim nhà viết kịch sẽ bùng cháy lên khi mà cơ chế thị trường nhiều khi đè nặng lên thiên chức nghề nghiệp để rồi sẽ chẳng còn ai vì lý do nào đấy mà “rửa tay gác bút”.

Lê Qúy Hiền

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Chiến dịch mùa xuân năm 1975 và đại thắng 30/4 đã qua đi nhưng dư âm vẫn còn ngân vang mãi, trong văn học đương đại, đây là đề tài luôn giữ vị trí quan trọng, tạo nên một trong những dòng chủ lưu của nền văn học dân tộc và hiện đại.