"Ngôi sao không tắt" - cuốn sách chân dung giá trị

Giới sân khấu và người yêu sân khấu nhiều thế hệ không xa lạ NSND Đào Mộng Long (1915 – 2006). Có thể nói ông là một cây cổ thụ lớn, tiếng tăm lừng lẫy ở cả 3 phương diện: Diễn viên, soạn giả, đạo diễn sân khấu. Hoạt động của ông ôm trọn hơn nửa sau thế kỷ XX, để lại nhiều vai diễn và nhiều vở nổi tiếng, có thể coi là “khuôn vàng thước ngọc” cho các lớp hậu thế noi theo, đặc biệt về phương diện diễn xuất.

Đào Mộng Long được Nhà nước phong danh hiệu NSND ngay từ đợt đầu tiên (1984), là thành viên Hội đồng xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ quốc gia và nhiều huân chương danh giá. Vậy nhưng mới chỉ có một số bài báo ít ỏi nói đến. Người nghệ sĩ tài ba này tỏ ra không mấy mặn mà với việc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thế rồi đến một ngày... Đó là năm 2001, nhân chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có ý thực hiện một cuốn sách về người nghệ sĩ gạo cội Đào Mộng Long – một trong những nghệ sĩ lớn nhất ngành sân khấu lúc đó. Hội này hỏi ý kiến ông về việc chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, ội muốn thực hiện cuốn sách về sự nghiệp hoạt động sân khấu của ông.

"Ngôi sao không tắt" - cuốn sách chân dung giá trị - 1

Cố NSND Đào Mộng Long. Ảnh Tư liệu

Đào Mộng Long trả lời: “Rất cảm ơn thịnh tình của Hội. Nhưng phải cho tôi được chọn người viết”.

Tất nhiên là nguyện vọng của ông được đáp ứng. Và ông nghĩ ngay đến Nguyễn Đình San – nhạc sĩ, nhà báo, nhà lý luận phê bình. Sở dĩ ông muốn Nguyễn Đình San thực hiện cuốn sách viết về mình vì hai người là bạn vong niên chỉ là một phần. Quan trọng hơn là  ông thấy đó là một cây bút luôn rất sắc sảo và trung thực trong mọi nhìn nhận, đánh giá các vấn đề về văn chương, nghệ thuật cũng như chính trị, xã hội và đang có bạn đọc. Quý trọng, nể người nghệ sĩ lớn, Nguyễn Đình San đã nhận lời. Thế là sau 3 tháng làm việc hết mình, cuốn sách có tên Ngôi sao không tắt được hoàn thành và 2 tháng sau đó, ra mắt bạn đọc. Năm ngoái (2023), sách được tái bản và nhận giải B (không có giải A) thể loại sách nghiên cứu, lý luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dịp xét thưởng cuối năm 2023.

"Ngôi sao không tắt" - cuốn sách chân dung giá trị - 2

"Ngôi sao không tắt" được tái bản năm 2023 và nhận giải B (không có giải A) thể loại sách nghiên cứu, lý luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dịp xét thưởng cuối năm 2023. Lễ trao giải diễn ra vào tháng 3/2024

Nguyễn Đình San cho biết, để viết cuốn sách này, ông đã phải vượt qua quá nhiều khó khăn, trở ngại. Đào Mộng Long khi ấy đã ở tuổi 87, sức yếu nhiều, mỗi lần tiếp tác giả để kể chuyện đời mình chỉ có thể ngồi chừng một giờ vì ông mệt, không thể lâu hơn. Nhiều chuyện trong đời của nhân vật đã lùi rất xa vào quá khứ nên đã không thể nhớ. Nguyễn Đình San nghĩ tới cách tìm gặp những nghệ sĩ cùng thời với nhân vật. Nhưng việc này cũng bất khả thi vì họ hầu hết đã qua đời. Người còn cũng đã quá già, không thể đáp ứng. Vậy chỉ còn mỗi cách là kiên trì gợi chuyện, mỗi lần một chút, may ra nhân vật phục hồi dần trí nhớ. Thế rồi, rất kiên trì, bền bỉ, cuối cùng tác giả cũng được việc.

Từ trước cho tới nay, viết chân dung bằng một bài báo thì nhiều. Viết bằng cả một cuốn sách khá ít, ngay cả những nhân vật rất nổi tiếng, có cuộc đời quá phong phú, nhiều biến động in đậm dấu ấn thời cuộc cũng mới chỉ khiến số đông bạn đọc biết đến qua những bài báo. Bởi vì viết thành sách phải dày công, mất nhiều công sức và thời gian. Nhưng Nguyễn Đình San vì rất trân quý, ngưỡng mộ người nghệ sĩ sân khấu tài danh mà đã vượt qua để cuối cùng đem đến cho bạn đọc một cuốn sách dày dặn, chất lượng. Từng trang sách hiện ra thật lôi cuốn, hấp dẫn. Điều đặc biệt thú vị là nhiều chuyện xảy ra đã rất lâu, cách nay tới 7-8 chục năm mà tác giả kể lại trong sách cứ như vừa hôm qua, sinh động và lôi cuốn người đọc. Đào Mộng Long hiện ra trong cuốn sách với đúng những gì ông đã có, đã cống hiến với mọi ngọt bùi, cay đắng, xót xa, tủi khổ cũng như hạnh phúc, thăng hoa đều được tác giả đề cập phong phú, sâu sắc.

Một điều thú vị là Đào Mộng Long và Nguyễn Đình San có nhiều điểm tương đồng về tính cách nên đã khiến người viết thấu hiểu chân tơ kẽ tóc và đồng cảm với nhân vật rất đỗi yêu quý của mình. Đó là sự khẳng khái, thẳng thắn, trung thực. Vậy nên ta thấy tác giả khai thác, phân tích tính cách của nhân vật luôn nhất quán một ý thức luôn đề cao chữ tâm, chữ nghĩa bên cạnh chữ tài. Tài năng về diễn xuất, về đạo diễn của Đào Mộng Long thì xưa nay ai cũng đã thấy, đã ghi nhận và ngưỡng mộ. Nhưng những nét về tính cách, nhân cách của ông thì chưa nhiều người tường tận. Ví như trong khi không ít người làm giám khảo sẵn sàng nhận tiền để thiên vị khi cho điểm các vở diễn, diễn viên trong các Hội diễn nghệ thuật thì Đào Mộng Long đã mắng thẳng vào mặt kẻ dùng tiền để mua giải. Hay khi ông thẳng thừng từ chối đóng phim Đông Dương khi yêu cầu thay đổi đôi điều về tính cách nhân vật trong phim cho phù hợp với người Việt Nam bị đạo diễn bác bỏ, mặc dù tiền cát-sê rất hậu (đạo diễn người nước ngoài). Có lần Đào Mộng Long thẳng thắn từ chối lời mời dựng vở của một đoàn cải lương nọ khi người Trưởng đoàn đề nghị ông ký tăng số tiền so với mức thực lĩnh để họ chia nhau. Không phải ông chê ít mà bất bình với thói khuất tất, gian manh. Nhưng khi ông lĩnh tiền công, đã sẵn sàng công khai bớt lại cho các diễn viên bồi dưỡng vì thấy họ làm việc vất vả mà chế độ đãi ngội lại quá thấp. Người ta nể ông nhưng cũng ngán ông nên đã không thích mời mọc ông nữa. Thế là sự tử tế, ngay thẳng, đàng hoàng đã bị thiệt thòi. Âu cũng là bi kịch của cuộc đời!

Nguyễn Đình San tỏ ra am hiểu sâu sắc về sân khấu chẳng kém gì âm nhạc và văn học là hai lĩnh vực ông thường xuyên hoạt động. Dễ hiểu bởi tuy học Đại học Tổng hợp Văn nhưng khi tốt nghiệp lại bằng một luận án về sân khấu có tên “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sân khấu chống Mỹ cứu nước” (Luận án được thực hiện năm 1967). Vì thế mà ông phân tích các vai diễn xuất sắc của Đào Mộng Long khiến người đọc thấy rất thuyết phục. Không phải người xem nào cũng thấy được tài năng đặc biệt của Đào Mộng Long khi vào vai người hát xẩm trong vở Âm mưu và hậu quả của Bửu Tiến như Nguyễn Đình San phân tích trong cuốn sách. Tác giả cuốn sách kể: Ông chưa bao giờ xem một vai diễn nào trên sân khấu lại đặc sắc, có thể nói là bậc kỳ tài để lại cho mình ấn tượng đặc biệt như thế. Đó là vai người hát xẩm mù trong vở Âm mưu và hậu quả của Bửu Tiến và Nguyễn Hoàng Mai.

Cảnh như sau: Trên một đường phố, có rất nhiều người đi lại. Người hát xẩm xuất hiện ở đó, hát để kiếm sống. Nhưng diễn viên trong đoàn có hạn, đã huy động hết vào các vai khác, không thể thực hiện được yêu cầu của vở. Đào Mộng Long đề nghị với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi để mình xử lý. Và ông đã khiến tất cả mọi người sửng sốt, bái phục. Tất nhiên là đạo diễn rất ưng ý. Ông đã diễn như là kịch câm khiến người xem hình dung rõ từng người trên đường phố đến bỏ tiền vào chiếc mũ của ông. Cánh tay gầy guộc của người xẩm mù run rẩy khi chìa ra xa, lúc co lại gần tuỳ theo người cho tiền ở xa hay gần. Lúc ông giơ tay cao, lúc hạ xuống thấp tuỳ theo người bố thí cao hay thấp. Nếu người cho tiền xu, ông nghe tiếng tiền rơi mà nhoài ra nhặt (Khi ấy tiền có mệnh giá nhỏ làm bằng kim loại). Rồi cứ nhìn nét mặt của Đào Mộng Long giao đãi với ngời nọ, người kia trên sân khấu (tưởng tượng), người xem có thể thấy được thái độ của họ đối với người xẩm mù. Có người cảm thông, thương xót mà nhẹ nhàng đặt tiền vào mũ ông. Có người khinh miệt mà ném tiền vào. Cũng có người miễn cưỡng vì thấy nhiều người cho, không lẽ mình lại không? Ông xẩm cúi đầu đa tạ, nét mặt đầy vẻ cầu luỵ, hàm ơn mọi người. Và kìa, người xem lại thấy mặt ông rạng rỡ với nụ cười rất tươi và tay ông khẽ vuốt mái tóc ai đó. Họ hình dung đó là một em bé tốt bụng, vừa thương, vừa thích thú tiếng đàn, giọng ca của ông mà cho ông chút tiền nhỏ. Đào Mộng Long đã phát huy cao nhất óc tưởng tượng và sử dụng lối ước lệ để diễn kịch câm. Cái tàì của Đào Mộng Long là chỉ một mình ông, lại không nói lời nào ngoài hai câu hát xẩm ngay từ phút đầu mới xuất hiện trên sân khấu mà người xem đã hình dung ra rất nhiều loại người ở cái ngã tư đường phố Sài Gòn ấy. Các diễn viên khác sau khi thấy ông diễn như vậy phải thốt lên: “Anh Long diễn thế thì chúng em thất nghiệp hết đó!”.

Đọc Ngôi sao không tắt, ngoài một sự nghiệp sân khấu chói sáng của Đào Mộng Long được Nguyễn Đình San kể lại và phân tích sâu sắc, bạn đọc còn thấy rõ một cuộc đời quá nhiều chìm nổi và mọi ngóc ngách tâm trạng phong phú, rắc rối của người nghệ sĩ tài danh. Cuốn sách có sức hấp dẫn bạn đọc chính ở những điều đó.

Khánh Kim

Tin liên quan

Tin mới nhất