Vở diễn “Quan thanh tra” của Nhà hát Kịch Việt Nam
Kịch bản “Quan thanh tra” của Nikolai Vasilyevich Gogol (1809-1852)- soạn giả Nga, gốc Ukraina nổi tiếng vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn trình diễn mùa thu năm 2023, sau bản dựng của Nhà hát Tuổi trẻ đầu năm 2016.
“Quan thanh tra” lấy bối cảnh ở một thị trấn hẻo lánh miền nam nước Nga nhưng mang tính điển hình về sự thối nát của bộ máy thống trị cồng kềnh, sa đọa dưới thời Sa Hoàng thế kỷ XIX.
Chuyện mở đầu từ tin đồn có vị quan thanh tra từ kinh thành Peterburg về thị sát. Những tưởng ngài phụng mệnh triều đình vi hành, không trống rong cờ mở mà lặng lẽ thực thi công vụ; những kẻ ăn trên, ngồi trốc, quen thói đe nẹt, áp bức và thu lợi bất chính nơm nớp lo âu… Ivan Aleksandrovich Khlestakov, một viên chức tầm thường, nợ nần chồng chất, lang thang tới đây, náu mình trong khách sạn được hiểu lầm là yếu nhân có quyền cao, chức trọng.
Một cảnh trong vở kịch "Quan thanh tra".
Giới chức cai trị đương quyền, đứng đầu là Thị trưởng Anton Antonovich Skvoz Nick-Dmu Kokhanovsky cùng các đàn em: Chánh án Ammos Fyodorovich Lyapkin-Tyapkin, Viện trưởng Tế bần Artemy Filipovich Zemlyanka, Chủ sự Bưu vụ Ivan Kuzmich Shopkin, Kiểm học Luka Lukic Khlopov, thày thuốc Khristian Ivanovich Gibner, địa chủ Pyotr Ivanovich Dobchinsky và Pyotr Ivanovich Bobchinsky, thương gia Abdulin… xúm lại bàn cách đối phó. Chúng dùng mánh khóe rút ruột từ tài sản cướp đoạt của dân lành để dâng lễ, biếu xén tên lưu manh bỗng dưng được gắn danh hờ là vị quan quyền uy dấu bặt tung tích, phiêu bạt tìm kiếm, điều tra nhân tình, thế thái nhằm bưng bít sự thật. Thậm chí, Anton vốn trịch thượng, vênh vang còn sẵn sàng hiến cả vợ và con gái cốt yên thân.
Kịch xoáy vào những thủ đoạn đê tiện, những toan tính xảo quyệt của lũ quan nha mong yên vị. Lộ bản chất ích kỷ, hiếu danh, những hành vi, động thái tố giác, bóc mẽ nhau, phơi bày một xã hội thời thượng mục ruỗng. Bức thư gửi bạn của thanh tra dởm Ivan Aleksandrovich Khlestakov trốn thoát sự vây bủa u mê là dấu hiệu gỡ nút, đưa những mâu thuẫn thật, giả lên đỉnh điểm, giải tỏa xung đột, phản ánh thực trạng chế độ chuyên chế đầy ắp những dị dạng lố lăng.
Dịch giả, đạo diễn, TS, NSƯT Lê Mạnh Hùng đã cố gắng thu gọn một nửa thời lượng của bản gốc “Quan thanh tra” còn khoảng ngót hai giờ đồng hồ mà vẫn giữ được tư tưởng chủ đề và những tình tiết trọng yếu của tác phẩm. Anh không mỹ lệ hóa, không dùng những cảnh trí lộng lẫy, xa hoa, những sinh hoạt phù phiếm. Tất cả đều bình dị, giản đơn nhưng ẩn chứa thông điệp giàu ý nghĩa.
Một không gian thông thoáng, chỉ có ba mảng tường di động do Ths. Hoàng Duy Đông thiết kế đủ diễn tả những địa điểm và thời gian khác nhau. Có thể hình dung buổi nghị luận náo loạn, vung vãi lời lẽ thô lậu và hành động lố bịch, bỉ ổi, cảnh vạ vật bên hè, phòng nghỉ sang bảnh, không khí vũ hội cuồng nhiệt; bình minh ló rạng, nắng trưa oi nồng, lấp lóa chiều tà, bóng đêm che phủ…
Những biểu tượng ước lệ rất đắc dụng: Cặp mắt mèo thao láo, nhấp nhoáng phản quang ẩn chứa mưu toan thâm hiểm, lỗ hổng chui luồn, chiếc cặp đựng tiền lặp đi lặp lại, tung tóe những tờ bạc đút lót, đặc biệt là những chiếc ghế quyền lực bị các nhân vật giữ khư khư như vật bất ly thân… NSƯT Doãn Bằng chủ ý sử dụng mẫu trang phục quen thuộc và Thanh Vân, Đặng Hà thực hiện, đưa ra những bộ comple, váy áo thông thường. Điều cốt yếu là tạo điều kiện khắc họa bên trong những cá tính lắm mầu nhiều vẻ, biểu hiện rõ nét trên nền chung tham lam, ganh ghé kiếm chác và chối tội không thể trộn lẫn.
Vào vai Ivan Aleksandrovich Khlestakov, NSƯT Xuân Bắc biến hóa linh hoạt thân phận một kẻ vô danh tiểu tốt, láu cá tận dụng cơ may, tận hưởng lạc thú trên đời. Tưng tửng giễu cợt, vờ vĩnh tán tỉnh con gái và vợ Anton một cách trơ trẽn, sống sượng, đòi hỏi bữa ăn theo mốt quý tộc, hí hửng ôm của nhét trong bao tải chạy đôn chạy đáo, hứa hão ngày trở lại… gây ấn tượng khá sâu. Trịnh Mai Nguyên trong vai Antonovich Skvoz Nick- Dmu Kokhanovsky diễn đạt sắc sảo tính hống hách, hợm hĩnh, xảo trá của quan tham có vị thế cao nhất. Vẻ đường bệ, oai vệ bề ngoài biến mất khi phải đối mặt trước những cảnh ngộ oái ăm, lộ rõ một tên đại bợm hèn mạt, ham quyền cố vị.
Vào vai Ivan Aleksandrovich Khlestakov, NSƯT Xuân Bắc biến hóa linh hoạt.
Cũng phải kể tới Kiều Minh Hiếu, Nguyễn Thanh Mai, Lâm Tùng, Hồ Liên, Hồng Quang, Hồng Phúc, Hà Vy trong các vai lọc lõi mánh khóe và dàn diễn viên dạn dày kinh nghiệm cùng Lê Duy chọn nhạc, Phan Hà và Như Quỳnh phụ trách ánh sáng, La Tú và Hoàng Vân đảm nhiệm âm thanh góp sức đưa “Quan thanh tra” thành một chỉnh thể sống động. Những bước nhảy dậm dật, hí hửng lùi tiến theo tiếng nhạc xập xình và sử dụng ngôn ngữ kịch câm nhuần nhuyễn là bổ trợ đáng giá trên sàn diễn.
Có thể vương vất đôi chút về chất hài chưa khai thác triệt để, mạch kịch có vẻ gãy khúc, có chỗ gián đoạn, phần thị giác lấn át thính giác khiến kịch gần bức biếm họa hơn là những tố chất cần có của hài kịch.
“Quan thanh tra” của Nikolai Vasilyevich Gogol cách đây gần hai trăm năm, được Việt hóa khá tinh tế, gợi mở liên tưởng về phòng, chống vấn nạn tham nhũng ở nước ta hiện nay, có sức thu hút, kéo người xem đông nghịt khán phòng. Dựng một vở kịch kinh điển nước ngoài gắn với tính thời sự nóng hổi một cách thâm thúy, sâu cay là thành công đáng ghi nhận của Nhà hát kịch Việt Nam.
Đó là một thử thách không nhỏ đối với Sân khấu Lệ Ngọc và với riêng nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai. Một kịch bản...
Bình luận