“Lôi Vũ” – Một sáng tạo thông minh, hiệu quả của sân khấu Lệ Ngọc

Đó là một thử thách không nhỏ đối với Sân khấu Lệ Ngọc và với riêng nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai. Một kịch bản quá quen của một tác giả lớn cũng đã quá nổi tiếng, lại từng xuất hiện nhiều trên các sân khấu lớn của Việt Nam với những đơn vị sân khấu có các thế hệ diễn viên tài năng. Đó là những cái bóng lớn không dễ để những đơn vị sân khấu về sau có thể vượt qua.

Cặp vợ chồng nghệ sỹ Văn Hải – Lệ Ngọc – những người chủ trì Sân khấu Lệ Ngọc, đạo diễn Quỳnh Mai với sự tự tin, sự đoàn kết của một tập thể gắn bó và một nỗ lực phi thường đã hoàn thành vở kịch vĩ đại này chỉ trong vòng 2 tuần lễ. Tôi không thể hình dung được các diễn viên đã học thuộc lời thoại như thế nào trong một vở diễn kéo dài suốt 2 giờ chỉ trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục như vậy?

“Lôi Vũ” – Một sáng tạo thông minh, hiệu quả của sân khấu Lệ Ngọc - 1

Kim Tử - một kịch bản của Tào Ngu đã được Lệ Ngọc dựng

Một thách thức rất đáng kể nữa là “Lôi Vũ” nguyên gốc có thời lượng diễn trên sân khấu kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Nhiều đoàn đã phải diễn trong 2 buổi. Nay phải rút gọn, cô lại để chỉ còn 2 tiếng, tức một nửa thời gian. Vậy buộc phải cắt bỏ nhiều lời thoại, nhiều cảnh, lớp. Bỏ chỗ nào, để chỗ nào là điều khó khăn, đòi hỏi đạo diễn phải đọc, nghiền ngẫm thật kỹ kịch bản nguyên gốc của Tào Ngu. 

Nhưng công chúng không bao giờ để ý, quan tâm đến mọi chuyện trước khi mục sở thị vở kịch được diễn trên sân khấu. Họ chỉ quan tâm một điều duy nhất là vở diễn ra sao, hay hay dở, đem đến cho mình điều gì, thấy hứng thú thưởng thức hay cảm thấy tiếc thời gian.

Tôi đã xem “Lôi Vũ” của Sân khấu Lệ Ngọc với tinh thần của một khán giả như thế, chỉ quan tâm đến hiệu quả cuối cùng đến với mình khi xô ghế đứng dậy, ra về. Rất yên tâm để có thể khẳng định: Ekip làm việc đã thành công mỹ mãn, đã trình diễn thật hay một tác phẩm sân khấu thuộc hàng kinh điển, ra đời cách đây đã 90 năm (vở kịch được Tào Ngu viết năm 1933 khi tác giả mới 23 tuổi).

Điều đặc biệt cần nói là đạo diễn Quỳnh Mai đã rất thông minh khi quyết định phải “Việt hóa” vở kịch tức là có những thay đổi khác hẳn nguyên tác theo hướng sao cho gần gũi với tâm lý của người Việt Nam hơn. Đó là muốn mọi sự dù có thể trải qua một chuỗi dài truân chuyên, gian khổ nhưng cuối cùng phải dẫn tới kết thúc “có hậu”. Nếu có phải cay đắng, hy sinh mất mát, đau khổ thì cũng ở mức độ sao cho có thể chịu đựng được. Thảm khốc và tang thương quá mức sẽ khó được người Việt Nam chấp nhận. Vậy nên đạo diễn Quỳnh Mai đã có những thay đổi rất đáng chú ý.

Truyện kịch “Lôi Vũ” đã quá quen thuộc với nhiều người. Đó là một tấn bi kịch hết sức trớ trêu, ngang trái, sự đan xen của những dục vọng và nỗi bất hạnh đến tột cùng của các nhân vật chính trong vở. Một người vợ (Phồn Y) luôn sống trong nhung lụa, thừa mứa vật chất nhưng đói khát tình cảm, luôn cháy bỏng khát vọng về tình yêu, hạnh phúc đến mức đã dấn thân quan hệ bất chính với con riêng của chồng. Những người anh, em cũng vô tình mà quan hệ loạn luân. Kết thúc vở bi kịch dài là cái chết của mấy anh em cùng mẹ khác cha, còn vợ chồng Chu Phác Viên và Phồn Y cùng hóa điên vì biết rõ chuyện ngang trái, loạn luân trong gia đình mình. Nếu dừng kịch và đóng màn ở đây thì đúng với nguyên tác của Tào Ngu. Nhưng như vậy quá thảm khốc.

Vậy nên đạo diễn đã cho thêm một cảnh cuối cùng mang tính giả tưởng là toàn bộ các thành viên trong gia đình nhà Chu đó đoàn tụ, vui vẻ. Mục đích của đạo diễn là để cân bằng lại tâm lý cho khán giả sau khi vừa chứng kiến tấn bi kịch quá thê thảm, cực kỳ tang thương của các nhân vật trong vở. Cảnh giả tưởng này chỉ diễn ra trong vài phút nhưng đã như một vầng sáng lóe lên giữa đêm tối mù mịt mà con người mất phương hướng không thể nhìn ra bất cứ thứ gì. Nhân hậu và lạc quan vốn dĩ là một tâm lý của người Việt ta. Sự sáng tạo rất thông minh này của đạo diễn đã được người xem chấp nhận.

So với nguyên tác, “Lôi Vũ” đã cắt bớt, để chỉ còn lại non một nửa dung lượng. Việc cắt này là rất khéo léo, gồm tước bỏ bớt những cảnh, những đoạn, những lời thoại rườm rà. Người xem thấy hoàn toàn chấp nhận được, bảo đảm được tính logic nhất quán của chuyện kịch và sự phát triển hợp lý của tâm lý, tính cách các nhân vật. Nếu không đọc toàn bộ kịch bản của Tào Ngu, ta sẽ không thể biết đạo diễn đã cắt bỏ đi quá nửa dung lượng. Xem kịch, ta thấy mạch chuyện cùng tâm lý các nhân vật nối tiếp và bộc lộ vẫn rất nhuần nhuyễn, ổn thỏa, không một chút khiên cưỡng, gượng ép. Nếu đạo diễn cắt bỏ và xử lý không khéo, ắt sẽ rơi vào tình trạng này.

Diễn viên diễn đều tay, hoàn thành tốt vai trò, đặc biệt thành công là các vai Chu Phác Viên, Phồn Y, Thị Bình, Chu Bình, Lỗ Phượng.

“Lôi Vũ” – Một sáng tạo thông minh, hiệu quả của sân khấu Lệ Ngọc - 2

Lễ khởi công vở "Lôi Vũ" của Sân khấu Lệ Ngọc

Không đáng ngạc nhiên về sự thành công của vở này bởi Sân khấu Lệ Ngọc đã có nhiều kinh nghiệm khi đưa một tác phẩm mới lên sân khấu. Nhưng điều thú vị là với nữ đạo diễn Quỳnh Mai thì đây là lần đầu tiên dựng kịch nói mà trước đó chị là một cái tên quen biết nhưng là với sân khấu kịch hát (cải lương, chèo). Chị cũng lần đầu tiên bén duyên với Sân khấu Lệ Ngọc. Xem ra duyên này sẽ bền lâu vì ngay lần đầu đã thành công vang dội mà bằng chứng rõ nhất là buổi biểu diễn nào, ở đâu cũng chật kín khán phòng. Xem vở do chị đạo diễn, tôi cứ nghĩ chị đã đạo diễn kịch nói nhiều, lão luyện lắm. Với “Lôi Vũ” ở Sân khấu Lệ Ngọc, chị đã tạo dựng nên một vở sáng sủa, tươm tất, thông minh, giàu trí tuệ. Có cảm giác Quỳnh Mai và Sân khấu Lệ Ngọc sinh ra là để đến với nhau như một cặp uyên ương sẽ còn mặn nồng dài lâu và mãi vẫn nồng nhiệt, si mê như buổi ban đầu. 

Cùng một mức độ thành công và hiệu quả như nhau nhưng nếu đơn vị sân khấu của nhà nước được bao cấp nhiều thứ thì Sân khấu Lệ Ngọc hoàn toàn tự lo liệu từ A đến Z. Nhưng hiệu ứng xã hội lại rõ hơn, mạnh hơn thì không thể không thấy rõ tâm huyết và tài năng của họ.

Nghe nói Sân khấu Lệ Ngọc sẽ đem vở diễn này tham dự Tuần lễ sân khấu Trung Quốc – ASEAN nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện sân khấu này vào tháng 10 tới theo lời mời của Ban tổ chức. Chúc vở chiếm được sự ngưỡng mộ của khán giả nước bạn cũng như tại Việt Nam.

Với “Lôi Vũ”, thêm một lần đơn vị này khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng công chúng mộ điệu. Đó mới là hạnh phúc đích thực của người làm nghệ thuật chân chính hơn bất cứ một nhãn hiệu, danh hiệu nào.

Nguyễn Đình San

Nơi ấy có nhiều nhà
Nơi ấy có nhiều nhà

Đầu tháng 8-2023, giới văn nghệ Hà Tĩnh có tổ chức buổi kỷ niệm 95 năm sinh, 20 năm mất của nhà viết kịch Phan Lương...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Quảng Ninh: Công ty Than Vàng Danh luôn duy trì khu nhà ở tập thể công nhân kiểu mẫu

Quảng Ninh: Công ty Than Vàng Danh luôn duy trì khu nhà ở tập thể công nhân kiểu mẫu

Song song với hoạt động đẩy mạnh thực hiện kế hoạch sản xuất của công ty, công ty cổ phần Than Vàng Danh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đến đời sống của người lao động, đặc biệt công ty ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng công trình tập thể kiểu mẫu với tiện nghi đầy đủ khép kín, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh hoạt cho công nhân mỏ.

Những điểm đến nổi bật nhất châu Á

Những điểm đến nổi bật nhất châu Á

Sự đa dạng về văn hóa và địa lý ở lục địa lớn nhất thế giới này thật đáng kinh ngạc và nó chính là một trong những điểm nhấn thu hút du khách kéo đến ngày một đông.