Nơi ấy có nhiều nhà

Đầu tháng 8-2023, giới văn nghệ Hà Tĩnh có tổ chức buổi kỷ niệm 95 năm sinh, 20 năm mất của nhà viết kịch Phan Lương Hảo (1929-2003), người đầu tiên ở tỉnh nhà được Giải thưởng Nhà nước năm 2012. Ông quê làng Bùi Xá, huyện Đức Thọ. Cái huyện nhỏ này, đời nối đời, sinh ra nhiều nhân vật mà tên tuổi được ghi trong sử sách.

Phan Lương Hảo là một cái tên khá khiêm tốn. Sinh ra trong gia đình một nhà Nho, nên ông được đi học sớm. Nhưng mới lớn lên, chàng trai đã gia nhập bộ đội chống Pháp, được đi học trường quân chính. Khi hòa bình lập lại, có lẽ vóc dáng khiêm tốn, không hợp với bộ đội chính quy, hiện đại, anh cán bộ Trung đội được ra quân, làm việc mấy năm ở Vụ Nghệ thuật của Bộ Văn hóa.

Nơi ấy có nhiều nhà - 1

Chân dung Nhà viết kịch Phan Lương Hảo thời trẻ.

Từ 1962, ông chuyển về Ty Văn hóa của Nghệ Tĩnh cho đến ngày về hưu 1990. Những năm này, ngoài công việc chuyên môn, ông đã sáng tác, thơ ca, hò vè, kịch ngắn phục vụ các nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ. Đây là thời gian cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, mà Hà Tĩnh là một trọng điểm đánh phá. Những năm kham khổ tận cùng, dưới trời mưa bom bão đạn, vừa làm mọi việc cơ quan, vừa cùng “người vợ tào khang” không mấy khi khỏe mạnh nuôi một đàn con nhỏ, vừa lo sáng tác những tác phẩm kịp thời để các đơn vị văn nghệ quần chúng dàn dựng, biểu diễn, động viên khí thế sản xuất và chiến đấu ở vùng quê đã sinh ra những khẩu hiệu: “Tiếng hát át tiếng bom, Xe chưa qua, nhà không tiếc. Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh thắng giặc Mỹ, cực chừ sướng sau!”

Nhiều tác phẩm kịch ngắn, kịch thơ, đã được xuất bản và dàn dựng, biểu diễn trong những năm 60 -70 của thế kỷ XX: Theo bóng nghĩa kỳ, Bóng ma lùi dần, Nối lại đường tơ, Mẹ con cô thủ kho, Chiếc cày ông Tư, Bên công sự, Trận địa mới, Gái Núi Nài, Gói quà...

Nỗi đau lớn nhất của ông là cô con gái Phan Thư Hòa (1956- 1972) bị mất trong một trận bom Mỹ ném xuống quê nhà khi đang tham gia lao động cùng bà con … Nén nổi đau lớn, Ông viết kịch bản Cô Tám, một nữ tướng của Phan Đình Phùng, vở kịch dài đầu tiên, Đoàn kịch Hà Tĩnh dựng 1973, đã đi biểu diễn ở trong và ngoài tỉnh, được công chúng hoan nghênh.

Đó cũng là cái đà để sang những năm sau này, nhiều vở dài mới được liên tục đón nhận: Chiếc đồng hồ báo thức (1984), Khúc ca rừng vải (Sau đổi là Mai Thúc Loan 1985), Khúc hát rừng thông (1986), Xôn xao rừng quế (1990), Huyền thoại núi Hồng (1998), Đi tìm rốn mỏ (2002 ), Trăng soi nổi oán (2002)...

Có thể nói, Phan Lương Hảo là tác giả những vở sân khấu dài duy nhất của Hà Tĩnh những năm cuối thế kỷ XX. Kịch bản được các đoàn kịch, chèo, cải lương dàn dựng. Nhưng Nghệ Tĩnh là cái nôi của dân ca, ngoài Ví Giặm, còn có Ca trù, Hát phường vải, nói vè,… Môi trường diễn xướng văn nghệ dân gian nhiều màu sắc.

Sau một số vở mở đường, dư luận trong giới chuyên môn vẫn bị phân tán: Nên hay không nên Sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh? Liệu tách dân ca ra khỏi môi trường diễn xướng dân gian, có làm mất đi những đặc trưng của các hình thức tồn tại của dân ca? Mãi đến Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, đợt 4, vở Mai Thúc Loan của đoàn kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh và 2 nghệ sĩ Vũ Thị Minh – Danh Cách được Huy chương Vàng, thì mối băn khoăn mới có câu trả lời.

Chỉ tiếc là, thiếu những tác giả địa phương tiếp nối, qua nhiều năm, Đoàn tồn tại bằng những vở diễn được chuyển thể từ các kịch bản thuộc các loại hình khác. Góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của quần chúng, nhưng các đoàn dân ca kịch còn là cái nôi bảo tồn, gìn giữ, đào tạo và truyền nghề để làm thanh xuân hóa vốn quý về tinh thần, tình cảm, trí tuệ cả ngàn năm của tổ tiên đã sáng tạo trong quá trình dựng và mở nước.

Nghĩ như thế mới càng thấy tiếc một tác giả như Phan Lương Hảo, hình như chưa từng có một chức tước gì quan trọng, sức khỏe phải chống chọi với nhiều lần đụng đến dao kéo, bởi người đã  giành cả đời mình để nâng những vốn liếng văn hóa dân gian xứ Nghệ hội tụ trong những vở diễn về con người và cuộc sống nhiều biến động, dù nhân vật lịch sử hay hiện đại, thành hay bại, đều thể hiện cái khí chất kiên cường, bất khuất, giàu lòng nhân ái của người dân Nghệ Tĩnh xưa và nay.

Sinh thời, ông cũng đã nhận được nhiều sự tưởng thưởng kịp thời và xứng đáng từ nhiều tổ chức và đoàn thể mà ông tham gia. Giải thường Nhà nước về văn học nghệ thuật được truy tặng 9 năm sau khi tác giả qua đời, là người hoat động văn nghệ đầu tiên của tỉnh được vinh dự này. Nhưng có lẽ, niềm tụ hào lớn nhất mà ông cảm nhận được, là dù chỉ là một cán bộ văn hóa địa phương, ở một vùng quê nghèo, đói cơm rách áo, lại dư thừa bom đạn mà vẫn nuôi dạy được những người con chăm chỉ học hành, có ý chí lập nghiệp.

Nơi ấy có nhiều nhà - 2

Nhà văn Phan Trung Hiếu lên đón nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT dành cho Nhà viết kịch Phan Lương Hảo năm 2012 tại Hà Nội.

Sau người con thứ bị bom mất năm 16 tuổi, ông lại nhận nỗi đau bất ngờ khi Phan Thư Huệ (1969- 1993), người con gái tài hoa, tốt nghiệp nhạc viện, từng có nhiều bài thơ góp mặt trên các báo, và những tuyển tập chất lượng cao, đột ngột qua đời ở tuổi 24. May sao, 3 người con còn lại nối nghiệp cha, đều trở thành những Nhà:

Nhà giáo Phan Thư Hạnh, con gái đầu, nguyên Trưởng khoa âm nhạc ở trường Văn hóa Nghệ thuật Bình Định, từng có 2 tập thơ được in: Nỗi niềm quê hương, Một thoáng Quỳnh.

Con trai Phan Trung Hiếu, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Vinh, về làm việc ở Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1990, về Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, có mấy khóa là Chủ tịch, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đã có nhiều tác phẩm được in: Giấc mơ bong bóng (1994), Mùa chuyển (bút ký 1998), Hành trang đá (Thơ 2002), Chú nhện đu bay (2004), Hạt nắng bé con (2009), Con chim chích chòe, (Thơ thiếu nhi 2014), Dấu thời gian (2014)…. Nhiều tập trong này đã mấy lần được nhận Giải thưởng Nguyễn Du. Tập tự truyện thiếu nhi Vườn đất tháng, năm 2000 được Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2000.

Chị gái của Phan Trung Hiếu là Phan Thư Hiền. Tốt nghiệp Đại học chị về công tác ở Sở Văn Hòa Hà Tĩnh, rồi trở thành Phó Giám đốc Sở, là một tác giả sân khấu, có nhiều kịch ngắn được dàn dựng, biểu diễn, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, chị còn là người chuyên tâm sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu các loại hình văn hóa dân gian, các nhân vật có nhiều đóng góp cho văn hóa dân gian và bác học của Xứ Nghệ.

Đặc biệt, từ ngày về hưu, trên cương vị người phụ trách Hội Văn nghệ dân gian của tỉnh, chị càng có nhiều thời gian và sáng kiến, tổ chức biên soạn nhiều tác phẩm để lưu giữ và phổ biến rộng rãi trở lại những tài nguyên giàu có của văn hóa phi vật thể của quê nhà. Chăm chỉ nghiên cứu, xông xáo đi điền dã nhiều, chị mặc sức tung hoành trong không gian văn hóa vốn giàu tài nguyên.

Với 30 đầu sách đã được xuất bản của chị, bạn đọc biết nhiều hơn về: Các vùng quê dân ca tiêu biểu ở Hà Tĩnh, Hát phường vải Trường Lưu, những giai thoại về Nguyễn Công Trứ, Các vị tiền nhân hát Ca trù và các đào nương được sử sách lưu danh, Danh tướng Lê Khôi với quê hương Hà Tĩnh, Giai thoại Nguyễn Du và những mối tình dang dở, Những người giử hồn và thắp lửa dân ca ví dặm, Khảo sát các vùng văn hóa Cổ Đạm, Cẩm Nhượng, Can Lộc… Nhiều công trình trong đó đã nhận được Giải thưởng Nguyễn Du của tỉnh, của Trung ương hội Văn nghê dân gian Việt Nam, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Năm 2005, chị có tập sách (NXB Sân khấu), mà tên của nó được nhiều người gắn cho riêng tác giả: Người đi tìm Báu vật của muôn đời. Tác phẩm mới nhất của Phan Thư Hiền vừa xuất bản 2023 là một công trình nghiên cứu công phu: Sân khấu truyền thống với truyện Kiều.

Một sức làm việc thật đáng nể, một tình yêu mãnh liệt với truyền thống văn hóa địa phương, chắc chắn nhà nghiên cứu văn học dân gian địa phương Phan Thư Hiền, cùng chị em trong gia đình và đội ngũ làm văn hóa Hà Tĩnh, không chỉ giữ hồn mà còn thắp lửa cho văn hóa quê nhà, một vùng đất giàu tài nguyên văn hóa thuộc hàng đầu của đất nước.

Đúng là nơi ấy, có nhiều Nhà, bắt đầu từ tác giả Phan Lương Hảo.

Ngô Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất