Dấu ấn của Viện Phim Việt Nam tại Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba
Tôi được biết chị Lê Thị Hà - Viện trưởng Viện Phim Việt Nam tại một hội thảo điện ảnh lớn và rất ý nghĩa trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) vừa qua, Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”. Hội thảo được tổ chức với mong muốn nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện những thành quả, giá trị và vị trí của phim chiến tranh trong sự phát triển của điện ảnh nói riêng, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nói chung.
Tại Hội thảo, cùng những phát biểu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, Tiến sĩ Ngô Phương Lan - đồng Trưởng Ban Tổ chức, Giám đốc DANAFF III, là bài phát biểu rất ấn tượng của Viện trưởng Viện phim Lê Thị Hà. Viện Phim Việt Nam là đơn vị lưu trữ điện ảnh lớn nhất cả nước.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh BTC
Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho biết, phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam sản xuất trước và sau ngày đất nước thống nhất đang chiếm một khối lượng rất lớn và được bảo quản cẩn trọng, theo các quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt tại hệ thống kho lưu trữ của Viện Phim Việt Nam. Trong suốt nhiều năm qua, hoạt động khai thác, phổ biến di sản điện ảnh cách mạng nói chung, phim Việt Nam đề tài chiến tranh nói riêng, luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Viện Phim Việt Nam tập trung đầu tư thực hiện.
Thông qua nhiều hình thức hoạt động phong phú, giá trị văn hóa - lịch sử của hàng trăm tác phẩm điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh cách mạng đã được giới thiệu đến hàng triệu lượt công chúng khắp các vùng miền trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số này, các bộ phim đề tài chiến tranh sản xuất sau ngày đất nước thống nhất, cả phim truyện lẫn phim tài liệu, luôn được đón nhận nồng nhiệt và nhận được sự đánh giá tích cực về chất lượng nghệ thuật từ khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Bà Lê Thị Hà - Viện trưởng Viện Phim Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Cùng với đó, một thông điệp hết sức quan trọng đã được Viện trưởng Lê Thị Hà gửi đến Hội thảo: “Viện Phim Việt Nam luôn mong muốn, sẵn sàng kết nối, hợp tác với các tổ chức, cá nhân cùng chung mục tiêu lưu giữ và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa giá trị di sản hình ảnh động quốc gia, đặc biệt là phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước”.
Theo bà Lê Thị Hà, phim đề tài chiến tranh là một phần rất quan trọng trong di sản điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã chứng minh được giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Các nhà làm phim Việt Nam, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến đã lăn lộn trong mưa bom bão đạn, sáng tác nhiều tác phẩm nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu, khắc họa sự hy sinh oanh liệt của các nhân vật và sự kiện anh hùng. Trong chiến tranh, đội ngũ những nhà làm phim đã trưởng thành đi qua thực tế cuộc chiến đấu của dân tộc, đề tài chiến tranh được thể hiện xuất sắc, chân thực qua từng tác phẩm và được các nghệ sĩ điện ảnh coi như một sự báo đáp tinh thần, lòng tri ân đối với đất nước, những người đã ngã xuống, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc".
Trong lúc giải lao, tôi đã đến xin làm quen với chị, để được hiểu nhiều hơn về người nữ Viện trưởng và Viện phim Việt Nam đã đóng góp rất ý nghĩa cho thành công của Liên hoan phim lần này. Một khoảnh khắc ngắn ngủi quá, nhưng tôi cũng cảm nhận được chị là một người phụ nữ lịch sự và tao nhã, một nhà quản lý văn hoá nồng nhiệt và tinh tế. Được biết cách đây hai năm, từ Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chị được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Phim Việt Nam.
Cũng trong thời gian dù ngắn ngủi ấy, chị nói với chúng tôi về những nỗ lực của đơn vị mình trong việc gìn giữ, bảo quản tư liệu điện ảnh, trong việc số hoá các phim nhựa sang phim số đảm bảo chất lượng để chiếu tại Liên hoan phim. Chị cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện, kết nối, hỗ trợ của Ban Tổ chức Liên hoan phim, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chị Ngô Phương Lan, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam để Viện Phim Việt Nam tham gia một số chương trình trọng điểm, được cùng đóng góp cho sự phát triển bứt phá, thành công của Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ III - 2025.
Bên lề Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”, từ một thành viên Ban tổ chức, tôi đã hiểu thêm sự đóng góp của Viện Phim Việt Nam và của nữ Viện trưởng là rất lớn. “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh” là chương trình trọng điểm mang ý nghĩa sâu sắc hướng đến kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà bà Ngô Phương Lan, Ban tổ chức DANAF III đã tập trung nguồn lực, cũng như dành nhiều kỳ vọng. Chương trình diễn ra từ ngày 30/6 đến 05/7/2025, tại các rạp chiếu phim và điểm chiếu công cộng ở thành phố Đà Nẵng.
Poster chương trình chiếu phim
Hơn hai mươi bộ phim chọn lọc về chiến tranh sản xuất sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975 mang đến cho khán giả những câu chuyện, bối cảnh trước, trong và sau cuộc chiến khốc liệt qua góc nhìn nghệ thuật đa diện, tươi mới, thấm đẫm cảm xúc, giàu tính nhân văn của nhiều thế hệ đạo diễn điện ảnh Việt Nam tài năng. Hầu hết các tác phẩm trong số này đều đã gặt hái được nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín trong nước và quốc tế. Có hơn 2/3 số phim chiếu tại chương trình được khai thác từ kho phim lưu trữ của Viện Phim Việt Nam.
Điều đặc biệt là sau mỗi buổi chiếu, khán giả còn được gặp gỡ, giao lưu với nghệ sĩ, những người làm phim để cùng chia sẻ và thấu cảm hơn về tác phẩm… Xin được nói thêm, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ III, Ban tổ chức đã chiếu lại hơn 20 bộ phim chọn lọc về chiến tranh, được sản xuất sau năm 1975. Một số phim tiêu biểu: Cánh đồng hoang (1979), Mối tình đầu (1977), Về nơi gió cát (1981), Lưỡi dao (1995), Ngã ba Đồng Lộc (1997), Vào Nam ra Bắc (2000), Giải phóng Sài Gòn (2005), Sống trong sợ hãi (2005), Áo lụa Hà Đông (2006), Sinh mệnh (2006), Mùi cỏ cháy (2011), Những người viết huyền thoại (2013), Người trở về (2015), Truyền thuyết về Quán Tiên (2019)…
Thật ra từ trước ngày khai mạc, tôi đã sớm bay ra Đà Nẵng để chứng kiến thành phố lớn và rất xinh đẹp này náo nức ra sao trước lễ hội pháo hoa, trước khổ Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) - một sự kiện văn hoá lớn của nền nghệ thuật nước nhà, có quy mô mở rộng và phát triển vượt trội ngay trước những ngày lịch sử sang trang khi mảnh đất địa linh nhân kiệt này có Quảng Nam lại nhập về trong một cốt cách, một hình hài, một tầm vóc mới…
Tôi cũng đã chứng kiến người dân ở đây háo hức thế nào với Liên hoan phim, đặc biệt khi biết có chiếu miễn phí những bộ phim “vàng” của những năm tháng dù hoà bình nhưng vẫn không quên những bài ca không quên của những năm tháng lửa đạn. Những bộ phim lừng danh một thuở nêu trên, thế hệ lớn tuổi từng xem một lần vẫn thèm muốn xem lại, thế hệ trẻ thì vẫn tha thiết được thưởng thức để hiểu biết thêm về lịch sử một thế hệ. Điều ấy làm những người cựu chiến binh đi qua cuộc chiến như chúng tôi thật sự rất ấm lòng và thêm tự hào về những cuộc chiến tranh vĩ đại của chúng ta mà mình đã được tham gia, để thêm yên lòng về truyền thống dựng nước, giữ nước và yêu nước của dân tộc.
Và rồi với tình cảm ấy, tôi đã đến các rạp CGV Vincom (910A Ngô Quyền), Lê Độ (46 Trần Phú), Galaxy (478 Điện Biên Phủ), công viên Biển Đông (đường Võ Nguyên Giáp)… hoà vào dòng người xem thưởng thức các phim Sinh mệnh (Đạo diễn Đào Duy Phúc), Truyền thuyết Quán tiên (Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), Vào Nam ra Bắc (Đạo diễn Phi Tiến Sơn)… Khi giao lưu với khán giả, đạo diễn Phi Tiến Sơn như nghẹn ngào không nói nên lời trước câu hỏi của người xem về những mất mát trong chiến tranh thể hiện trong phim của anh, về những ngày tháng gian khổ để làm nên bộ phim sáng giá về chiến tranh này. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng rất xúc động khi tâm sự với khán giả dù phim đã lưu giữ hàng chục năm nay và hiện tại đã được chuyển sang định dạng số hoá thì chất lượng rất tốt để phục vụ người xem.
Tác giả Châu La Việt tại DANAFF III
Có một điều rất bất ngờ với tôi là, khi buổi sáng dự hội thảo, đến buổi chiều đạo diễn Phi Tiến Sơn mời tôi cùng đoàn làm phim đến xem và giao lưu với khán giả Đà Nẵng ở rạp Lê Độ, bất ngờ tôi lại gặp đồng chí Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Lê Thị Hà ở đây. Có thể trước khi bay ra Hà Nội, người nữ Viện trưởng này đến các điểm chiếu phim để kiểm tra, đôn đốc, động viên, cũng có thể chị đến để tìm hiểu giao lưu thêm với khán giả để hiểu thêm tình cảm và sự quan tâm của họ với phim ảnh chiến tranh Việt Nam. Nhưng dù là việc gì, cảm nhận của tôi khi gặp lại chị, đây quả là một người Viện trưởng rất am hiểu và có tầm bao quát rất lớn công việc, rất đẹp, tinh tế, và đặc biệt rất nồng nhiệt với công việc của mình…
Bình luận