Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba: Rực rỡ những ngày đêm
Những ngày cuối tháng 6, tôi đến Đà Nẵng, thành phố ven sông Hàn này xinh đẹp và sôi nổi lạ thường. Một lễ hội pháo hoa đang diễn ra đêm đêm bừng sáng trên bầu trời, thu hút khách du lịch bốn phương dồn về. Một thay đổi về hình hài sông núi với việc có Quảng Nam sáp nhập trở lại Đà Nẵng, hiện đại, vươn cao hơn. Và đặc biệt một liên hoan điện ảnh lớn mang tầm vóc quốc tế - Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba, khiến thành phố như “ăn điện ảnh, ngủ điện ảnh” suốt một tuần lễ dài và thụ hưởng bát ngát những thành quả điện ảnh - những hoa thơm trái ngọt của điện ảnh châu Á.
Lễ khai mạc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần lần thứ Ba - DANAFF III
Người dân không chỉ được thụ hưởng, mà như lời ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng: “Liên hoan Phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba là một sự khẳng định của Đà Nẵng về định hướng phát triển trở thành trung tâm sáng tạo văn hóa và công nghiệp điện ảnh mới của Việt Nam và khu vực. Đà Nẵng xác định điện ảnh không chỉ là nghệ thuật, mà còn là động lực phát triển kinh tế, là phương tiện quảng bá hình ảnh thành phố, là cầu nối giữa con người với con người, nơi nuôi dưỡng và lan tỏa các giá trị chân, thiện, mỹ”.
Tôi cũng rất ấn tượng lời bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO: “Liên hoan phim lần này khuếch đại sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với phim ảnh của Việt Nam, cũng như của toàn bộ khu vực, từ Trung Quốc đến Kyrgyzstan, Nhật Bản, Ấn Độ và cả Hàn Quốc. Chúng ta cần tiếng nói của tất cả mọi người. Và đặc biệt là Đà Nẵng đang trở thành nơi giao thoa của những ý tưởng và sáng tạo, nơi văn hóa sản sinh ra văn hóa; nơi sự đổi mới của tuổi trẻ gặp gỡ nghề thủ công truyền thống và những kiến thức được dựng xây qua nhiều thế hệ, chỉ cách đây một vài km là Hội An - một di sản thế giới được UNESCO ghi danh và cũng là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Tại đây, UNESCO thực sự cảm nhận được sự ấm áp, chân tình như một gia đình".
Hội thảo “Điện ảnh Hàn Quốc – Bài học thành công quốc tế và Kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh”
Theo sát 7 ngày đêm của Liên hoan, điều cảm nhận lớn nhất của tôi đây chính là liên hoan điện ảnh tầm vóc, quy mô lớn, phong phú, hấp dẫn. Như lời TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng (DANAFF): DANAFF III đã làm được nhiều việc lớn. Trước hết là tôn vinh di sản, phát huy di sản quý báu của điện ảnh thông qua hai chương trình trọng điểm là Nửa thế kỷ phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước và Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc. "DANAFF năm nay có 11 phim công chiếu quốc tế lần đầu tiên tại đây. Riêng 14 phim châu Á dự thi, có 4 phim world premiere hoặc international premiere. Đây là con số mà hai năm trước chúng tôi rất mơ ước, năm nay có rồi", bà Lan nói. Sự kiện cũng tổ chức được DANAFF Talents (Tài năng triển vọng DANAFF) với chuỗi hoạt động liên hoàn: workshop Ươm mầm tài năng mùa thứ 3, vườn ươm dự án gồm Chợ dự án các phim nghệ thuật châu Á và Chợ dự án các phim thể loại của Việt Nam. Vườn ươm dự án, theo TS Ngô Phương Lan, "đánh dấu bước phát triển chiến lược, thể hiện tầm nhìn của DANAFF là phát triển tài năng triển vọng, cổ vũ những câu chuyện sáng tạo, xây dựng cầu nối bền vững giữa các nhà làm phim trẻ và cộng đồng điện ảnh quốc tế".
Gala Giao lưu nghệ sĩ với khán giả
Tôi đã cùng nhiều nhà báo, nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhà làm phim nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc… gần như tham dự gần hết các chương trình chiếu phim, giao lưu với khán giả và trao đổi kinh nghiệm tại các chương trình và hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan phim. Vì trước hết nó đều là những tinh hoa nghệ thuật, hấp dẫn, lôi cuốn minh, thông qua đây mỗi người đều thấy có thêm nhiều tri thức, tình cảm đắp bồi. Và đặc biệt được thưởng thức nhiều hơn những hoa thơm quả ngọt của điện ảnh Hàn Quốc, điện ảnh Việt Nam và nhiều đất nước khác.
Đó là các chương trình rất đặc sắc như Toàn cảnh điện ảnh châu Á, Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh, các hội thảo: Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất và Điện ảnh Hàn Quốc: Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh, Chương trình Điện ảnh Việt Nam hôm nay với 18 bộ phim Việt Nam mới sản xuất trong một năm qua cùng chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc chiếu lại bộ phim rất xuất sắc của Hàn Quốc…
7 ngày đêm “Sống điện ảnh, ăn điện ảnh, cảm thụ và trưởng thành cùng điện ảnh” tại DANAFF với chúng tôi là vậy…
DANAFF TALENTS đã khép lại thành công với chuỗi hoạt động từ Vườn ươm dự án, Workshop ươm mầm tài năng, Masterclass cùng hội thảo phát hiện tài năng, kinh nghiệm quốc tế và bài học Việt Nam
*
Tôi ở cùng khách sạn với những ngôi sao điện ảnh Việt Nam chói sáng một thời: NSƯT Đặng Tất Bình cùng phu nhân NSND Lan Hương - “Em bé Hà Nội”, Thanh Loan, Chiều Xuân, Minh Châu, Minh Thu, Nguyễn Hữu Mười, rồi Minh Trang, Hoàng Cúc, Ngô Lệ Quyên, Võ Hoài Nam… Các đạo diễn Phi Tiến Sơn, Đào Duy Phúc, Bùi Tuấn Dũng, Nguyễn Quang Dũng, Đinh Tuấn Vũ, Nguyễn Trinh Hoan… Thời gian dài đã trôi qua, họ vẫn như những ngôi sao điện ảnh chói sáng ngày nào, lạc quan, yêu đời và vẫn một tình yêu với điện ảnh như ngọn lửa luôn rực cháy trong tâm hồn.
NSƯT Tất Bình - nguyên Giám đốc Hãng phim truyện I tâm sự với tôi rằng: “Trong giới điện ảnh, anh thuộc diện “Tuần chay nào cũng có nước mắt”, tham ra hầu hết các sự kiện liên hoan phim. Nhưng chưa thấy liên hoan nào hoành tráng như Liên hoan lần này. "Rất yêu quý và trân trọng Ngô Phương Lan. Thành công lớn này trước hết từ chính tầm trí tuệ, khả năng ngoại giao, tài năng tổ chức của Trưởng ban tổ chức Ngô Phương Lan”.
Tôi đi cùng ba đoàn làm phim dự ba buổi công chiếu và giao lưu với người xem Đà Nẵng tại các rạp chiếu: Sinh mệnh, Truyền thuyết Quán Tiên và Ra Bắc vào Nam. Sinh mệnh và Ra Bắc vào Nam sản xuất đã hơn 20 năm, Truyền thuyết Quán Tiên cũng đã hơn 5 năm… nhưng với người xem như được xem lần đầu, các bộ phim mang lại xúc cảm mạnh mẽ, có thể nói là mãnh liệt.
Tôi đã được nghe chia sẻ về bao tình cảm của họ với phim, từ những em sinh viên, những giáo viên, cựu chiến binh và cả nhiều những người lao động lam lũ… với nội dung các bộ phim, với những ngày tháng vất vả các nghệ sĩ nằm rừng nằm núi sáng tạo tác phẩm về những nghệ sĩ đóng phim ngày ấy giờ đây số phận ra sao…
Tôi cũng đã chứng kiến đạo diễn Đào Duy Phúc và diễn viên Võ Thành Tâm xúc động kể lại những ngày tháng làm phim với hơn hai tháng nằm ở một cánh rừng miền núi Quảng Bình quay phim, và đạo diễn Phi Tiến Sơn nghẹn ngào khi kể lại những câu chuyện của những ngày làm phim Ra Bắc vào Nam… Cảm xúc những người làm phim dù qua bao năm tháng vẫn mạnh mẽ biết bao, và tình yêu công chúng với điện ảnh và những bộ phim chiến tranh của chúng ta cũng mãnh liệt làm sao…
Cũng xin nói thêm, năm nay Liên hoan phim còn công chiếu số phim kỷ lục: Hơn 100 phim cho các chương trình Phim châu Á dự thi, Phim Việt Nam dự thi, Toàn cảnh điện ảnh châu Á và Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc. Đây là số lượng phim được công chiếu nhiều nhất trong ba kỳ liên hoan phim trở lại đây.
Và cùng với những ngôi sao điện ảnh Việt Nam, còn là những ngôi sao điện ảnh quốc tế chói sáng: những diễn viên, ngôi sao hàng đầu châu Á, như các diễn viên Hàn Quốc Moon So Ri, Park Sungwoong, ngôi sao truyền hình Philippines Richard.R Faulkerson Jr., nam tài tử Ấn Độ Shantanu Maheshwari, thần tượng Hàn Quốc Idol Nation… Tất cả họ đã đi trên thảm đỏ của Liên hoan rực rỡ, mặt đất đêm ấy rực rỡ những chùm pháo hoa như từng chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Đà Nẵng trong lễ hội pháo hoa. Đà Nẵng, thực sự đã trở thành điểm hẹn điện ảnh mới của châu Á.
Và với tôi, ngôi sao rực rỡ nhất trên thảm đỏ chính là Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nhà tổ chức xuất sắc, xinh đẹp, người luôn tỏ rõ những năng lực vượt trội của mình để không ngừng đóng góp cho sự phát của điện ảnh Việt Nam và châu Á…
Tạm biệt nhé DANAFF III, đến hẹn lại xin lại lên với DANAFF IV…
Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính và Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc LHP - TS. Ngô Phương Lan trao Giải phim châu Á hay nhất cho bộ phim "Giao dịch miền biên giới" - tác phẩm đến từ Cộng hòa Kyrgyzstan.
Các giải thưởng cho những tác phẩm điện ảnh, những nhà làm phim xuất sắc ở từng hạng mục.
Hạng mục Phim châu Á dự thi: Giải Diễn viên nam chính xuất sắc nhất. Diễn viên: Kang-sheng Lee. Phim: "Con mắt người lạ" / Stranger Eyes. Quốc gia: Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)
Giải phê bình cho phim châu Á trong chương trình “Toàn cảnh điện ảnh châu Á” được trao cho phim Sun day (Ngày Chủ Nhật). Quốc gia: Uzbekistan.
Giải khán giả cho phim Việt Nam được yêu thích nhất do khán giả bình chọn: Phim Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội. Quốc gia: Việt Nam
Giải NETPAC (Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á) cho phim Việt Nam xuất sắc được trao cho phim Chị Dâu - The Real Sister. Quốc gia: Việt Nam
Ở hạng mục Phim Việt Nam dự thi, Giải Kịch bản xuất sắc nhất được trao cho Phạm Thị Thanh Thu, Nguyễn Phạm Hoàng Quân, Trần Hữu Tấn. Phim: Chị Dâu / The Real Sister. Quốc gia: Việt Nam
Giải Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất: Diễn viên Việt Hương. Phim: Chị Dâu / The Real Sister. Quốc gia: Việt Nam.
Hạng mục phim châu Á dự thi: Giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho phim "Mưa trên cánh bướm" / Don’t Cry Butterfly
Giải Diễn viên nam chính xuất sắc nhất: Diễn viên Tuấn Trần. Phim: Làm giàu với ma / Betting with Ghost. Quốc gia: Việt Nam.
Giải: Đạo diễn xuất sắc nhất: Đạo diễn Victor Vũ. Phim: Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu / Detective Kien: The Headless Horror. Quốc gia: Việt Nam
Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo: Phim Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết về Kim Ngưu / Legend of the Golden Buffalo. Quốc gia: Việt Nam.
Giải Phim Việt Nam dự thi hay nhất. Phim: Chị Dâu / The Real Sister. Quốc gia: Việt Nam.
Giải thưởng ở hạng mục phim châu Á dự thi:
Giải: Kịch bản xuất sắc nhất. Biên kịch: Ladan Shirmard, Ebrahim Azizi. Phim: Dính chàm / Muddy Foot. Quốc gia: Iran.
Giải Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất. Diễn viên: Nurzhan Beksultanova. Phim: Abel / Abel. Quốc gia: Kazakhstan
Giải Diễn viên nam chính xuất sắc nhất. Diễn viên: Kang-sheng Lee. Phim: Con mắt người lạ / Stranger Eyes. Quốc gia: Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).
Giải: Đạo diễn xuất sắc nhất • Đạo diễn: Guan Hu • Phim: Hắc Cẩu / Black Dog. Quốc gia: Trung Quốc.
Hạng mục phim châu Á dự thi: Giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Guan Hu.Phim: "Hắc Cẩu" / Black Dog. Quốc gia: Trung Quốc
Ngoài ra, Giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho Phim Mưa trên cánh bướm/ Don’t Cry Butterfly. Quốc gia: Việt Nam, Singapore, Philippines, Indonesia; Phim Châu Á hay nhất được trao cho Phim Giao dịch miền biên giới/ Deal at the Border. Quốc gia: Cộng hòa Kyrgyzstan.
Bình luận