Điểm yếu của quân đội Ukraine phơi bày trong giao tranh với Nga

Trong những ngày giao tranh cuối cùng ở thành phố Severodonetsk, miền đông Ukraine, một trung sĩ thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine gặp phải rắc rối. Trung đội của binh sĩ này bị hổng ở bên cánh, trong khi các lực lượng Nga đang áp sát.

Điểm yếu của quân đội Ukraine phơi bày trong giao tranh với Nga - 1

Binh sĩ quân đội Ukraine canh giữ một vị trí ở tỉnh Donetsk.

Nhưng trung sĩ này không thể kịp thông báo cho các đồng đội ở hướng đó. Với 15 người lính dàn ra trên tuyến phòng thủ kéo dài hơn 180 m, trung đội Ukraine trên chỉ có hai bộ đàm. 

Binh sĩ Ukraine cố gắng la hét nhưng các đồng đội không thể nghe thấy giữa tiếng đạn pháo, tiếng súng máy không ngừng.

Đến khi binh sĩ này tới được vị trí của đồng đội để thông báo, 3 người đã chết.

"Chúng tôi không có cách nào liên lạc với nhau”, trung sĩ Ukraine nói. "Khi chúng tôi tới được phía cánh phải, những người ở đó đã chết".  

Trong khi các nhà lãnh đạo ở Kiev liên tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ thêm nhiều vũ khí công nghệ cao, những thiếu sót ở quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng quan trọng không kém đang làm suy yếu khả năng chiến đấu của các binh sĩ Ukraine, theo New York Times.

Sự cố liên lạc mà một trung đội Ukraine gặp phải vào đầu tháng 6 không phải là trường hợp hiếm thấy. Vấn đề này diễn ra phổ biến trên khắp tiền tuyến và ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của cuộc xung đột, từ phối hợp tác chiến, cung cấp vật tư cho đến điều quân.

Báo Mỹ New York Times phỏng vấn 20 binh sĩ Ukraine trong tuần qua và họ đều nhắc tới vấn đề liên quan đến khó khăn trong thông tin liên lạc.

Điểm yếu của quân đội Ukraine phơi bày trong giao tranh với Nga - 2

Pháo tự hành Ukraine khai hỏa ở miền đông.

Lực lượng Nga liên tục làm nhiễu bộ đàm, trong khi phía Ukraine không có đủ thiết bị liên lạc và thường gặp khó khăn khi kết nối với sở chỉ huy để yêu cầu pháo binh yểm trợ. 

Một số binh sĩ Ukraine nói việc trao đổi với các đơn vị đóng quân gần đó cũng là vấn đề, không ít trường hợp các binh sĩ Ukraine không nhận ra đồng đội và bắn nhầm nhau.

“Quân đội Ukraine đang gặp khó trong việc duy trì thông tin liên lạc, kiểm soát và chỉ huy ở tiền tuyến”, Michael Kofman, chuyên gia am hiểu về Nga tại viện nghiên cứu CNA có trụ sở ở Arlington, Mỹ, nói.

Kể từ năm 2014, quân đội Ukraine bắt đầu cải tổ, hiện đại hóa và làm quen với vũ khí phương Tây. Nhưng cách thức tổ chức tác chiến của quân đội Ukraine hiện nay vẫn mang nặng tư duy thời Liên Xô, theo New York Times.

Các lữ đoàn với quân số khoảng 4.000 người vẫn chiến đấu độc lập. Các quyết định quan trọng trên chiến trường do chỉ huy nắm quyền quyết định hoàn toàn, thay vì trao quyền cho các sĩ quan cấp thấp hơn ở tiền tuyến như quân đội Mỹ.

Giao tranh căng thẳng ở miền đông khiến quân đội Ukraine ngày càng bị tiêu hao nhân lực. Có thời điểm Ukraine tổn thất tới 200 binh sĩ/ngày. Kết quả là các lực lượng được huấn luyện kém hơn liên tục được đẩy ra tiền tuyến.

Những binh sĩ này được điều động từ Vệ binh Quốc gia và các lực lượng dân quân. "Họ ở đó mà không được trang bị bất cứ thứ gì, ngoài những khẩu súng trường”, Vadym, lái xe cứu thương của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine ở vùng Donbass, nói.

Điểm yếu của quân đội Ukraine phơi bày trong giao tranh với Nga - 3

Một binh sĩ Ukraine bị thương trong giao tranh gần thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk.

Binh sĩ trong các đơn vị này nói họ thường bị cô lập, khó có thể liên lạc với nhau cũng như liên lạc với chỉ huy pháo binh và xe tăng. Có không ít trường hợp các binh sĩ Ukraine chiến đấu mà không hề quen biết nhau, 

"Khi thực hiện một số nhiệm vụ, chúng tôi không thể trông chờ vào hỗ trợ từ pháo binh", Kostya, một binh sĩ thuộc đơn vị Phòng vệ Lãnh thổ mới được điều lên tiền tuyến, nói.

Trong những ngày giao tranh cuối cùng ở thành phố Severodonetsk, trung sĩ Ukraine mà New York Times phỏng vấn cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Nhận thấy xe tăng Nga ngày càng áp sát, trung đội của binh sĩ này cần sự yểm trợ của pháo nhưng không thể liên lạc vì bộ đàm bị gây nhiễu.

Đến khi liên lạc được, trung đội này cũng không thể cung cấp tọa độ của xe tăng Nga mà phải trông cậy vào một lực lượng khác có trang bịmáy bay không người lái.

“Khi chúng tôi cần gọi pháo binh thì đơn vị khác nói máy bay không người lái đã hết điện”, trung sĩ này nói. “Chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội và để xe tăng Nga cứ thế tiến lên phía trước”.

Quân đội Ukraine ở tiền tuyến thường không thể liên lạc với các đơn vị pháo và tên lửa yểm trợ. Sự mất kết nối này đã khiến binh lính trên tiền tuyến ngày càng trở nên đơn độc, dễ bị tấn công, đến khi pháo binh khai hỏa thì đã muộn.

Điểm yếu của quân đội Ukraine phơi bày trong giao tranh với Nga - 4

Đám tang binh sĩ Ukraine Roman Sorokin, 29 tuổi, diễn ra cuối tuần trước gần Kiev.

“Có trường hợp pháo của chúng tôi bắn được hai phát thì pháo binh Nga đã bắn về phía chúng tôi 300 phát”, một binh sĩ giấu tên nói với New York Times, sau khi rút khỏi mặt trận gần thành phố Bakhmut ở phía đông.

Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn khi Nga đưa vào tiền tuyến các vũ khí tác chiến điện tử hiện đại. Trung sĩ Ukraine trên nói với New York Times rằng liên lạc bộ đàm rất khó khăn vì liên tục bị Nga gây nhiễu.

"Họ thường sử dụng tín hiệu mạnh hơn trên cùng một tần số", trung sĩ này nói. Một số đơn vị đặc biệt của Ukraine có thể sử dụng bộ đàm mã hóa do Mỹ cung cấp, nhưng tần số đầu ra cao của bộ đàm làm tăng nguy cơ để lộ vị trí.

Theo trung sĩ Ukraine, có trường hợp hai đơn vị đóng quân cách nhau một con sông nhưng không làm cách nào xác minh được nhận dạng của nhau.

"Không ai biết cách nào để liên lạc với họ", trung sĩ này nói. “Trong hơn 20 ngày, chúng tôi đều đứng ở đó. Nhưng không ai có thể liên lạc với đơn vị ở bên kia sông và họ thậm chí còn nổ súng về phía chúng tôi”.

Đăng Nguyễn - NYT

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn