Khép lại vụ án sát hại Thủ tướng Olof Palme

Anh Nguyễn Trọng Huệ bạn tôi khi ấy là Tham tán Thương mại Việt Nam tại ba nước Bắc Âu, nhưng trụ sở chính cơ quan lại đóng tại Stockholm - thủ đô Thụy Điển, nhờ vậy mà trong những ngày lưu lại ở đây trong một chuyến công tác, tôi đều tá túc ăn nghỉ tại ngay văn phòng Thương vụ Việt Nam. Vào một ngày nghỉ, anh Huệ đánh ô tô đưa tôi đi thăm thành phố. Sau khi đi thăm một số địa danh tiêu biểu của thành phố đẹp nổi tiếng này, trước lúc dự định đi tiếp vào khu du lịch của các hòn đảo chằng chịt nằm trong vịnh biển ở đây, tôi bỗng nẩy ra ý định muốn được ghé thăm nơi an nghỉ của cố Thủ tướng Olof Palme.

Nghe lời đề nghị, Huệ nhìn tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên. Tôi giải thích, tuy không hiểu nhiều về ông thủ tướng này, nhưng chỉ nguyên một việc vào năm 1972 trong khi Trung Quốc là anh em môi hở răng lạnh với ta mà lại lật kèo phản thùng bắt tay với Mỹ, bật đèn xanh để Mỹ ném bom B52 rải thảm Hà Nội và miền Bắc, thì ông Olof Palme, khi đó là Thủ tướng Thụy Điển một nước tư bản Bắc Âu xa xôi, lại dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối Mỹ ném bom Hà Nội, đòi Mỹ ngừng ném bom và rút quân khỏi Việt Nam. Chỉ nguyên việc đó thôi đã đủ cho tôi thấy vô cùng yêu mến và kính trọng ông rồi.

Nguyễn Trọng Huệ cho xe quay ngược lại hướng đang chạy, và trên đường đến nghĩa trang anh đã kể cho tôi nghe nhiều chuyện về ngài cố thủ tướng. Ngoài những chuyện ông sống giản dị trong chung cư của công nhân ngành thép, tự lái xe đi chợ, tự nấu ăn khi tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại nhà… như nhà báo Thép Mới đã kể nhiều lần trên báo chí ta cách nay mấy chục năm… thì nhiều người sẽ phải vô cùng ngạc nhiên nếu biết Olof Palme lại là người sinh ra trong một gia đình thượng lưu giầu có nổi tiếng nhưng đã từ bỏ tầng lớp xuất thân để trở thành đại diện của tầng lớp bình dân trong phong trào Cánh Tả, sau đó trở thành người lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Tự do Thụy Điển.

Năm 1969, trong cuộc bầu cử Quốc hội, Đảng của ông thắng lớn và ông trở thành Thủ tướng (nhiệm kỳ 1970 - 1976). Dưới sự lãnh đạo của ông, Thụy Điển đã trở thành quốc gia có sự công bằng và minh bạch cao nhất thế giới, người dân quốc gia này luôn được xếp hạng trong nhóm nước có mức sống vật chất và tinh thần hàng đầu thế giới.

Cuối tháng 12/1972, khi Mỹ ném bom B52 Hà Nội, Olof Palme trên cương vị thủ tướng ngay lập tức đã phát động một chiến dịch phản đối đế quốc Mỹ, ông dẫn đầu đoàn biểu tình hàng chục vạn người giương cao khẩu hiệu phản đối chiến tranh. Ngày 23/12/1972 ông đã đọc một bài diễn văn trên đài phát thanh quốc gia lên án chiến dịch ném bom Hà Nội, so sánh nó với những hành động tàn bạo của phát xít Đức trong Thế chiến II và gọi đó là tội ác chiến tranh.

Chính phủ Hoa Kỳ phản ứng gay gắt, coi việc so sánh này là “lời lăng mạ bỉ ổi” và quyết định đóng băng quan hệ ngoại giao với Thụy Điển kéo dài hơn một năm. Tinh thần chống chiến tranh, tranh đấu cho công bằng xã hội một cách hăng say và liên tục của Olof Palme đã không nhận được sự hài lòng của lãnh đạo nhiều nước phương Tây cũng như các thế lực tài phiệt cực hữu trong nước, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân. Năm 1982, lần thứ hai Olof Palme trúng cử và trở thành Thủ tướng nhiệm kỳ 1982-1988.

Khép lại vụ án sát hại Thủ tướng Olof Palme - 1

Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme bị ám sát đầy bí ẩn vào năm 1986.

Vào buổi tối ngày 28/2/1986, ông cùng với bà Lisbeth vợ ông đi xem một bộ phim hài tại rạp chiếu bóng Grand cinema trên phố Sveavagen, khi bước ra khỏi rạp, trong lúc hai người đang hòa mình trong dòng người tản bộ dọc phố Sveavagen để tới ga tầu điện ngầm đi về nhà, ông đã bị một kẻ lạ mặt áp sát phía sau bắn một phát súng lục vào lưng, bà Lisbeth bị bắn phát đạn thứ hai. Kẻ sát nhân đã tẩu thoát không để lại dấu vết. Ông bà đã được đưa vào bệnh viện ngay sau đó, nhưng vết thương của ông quá hiểm nghèo, ông đã qua đời vào sáng sớm ngày 1/3/1986, bà thủ tướng phu nhân chỉ bị thương.

Hệ thống an ninh quốc gia Thụy Điển đã được huy động tối đa lực lượng để điều tra tìm ra thủ phạm cũng như động cơ giết người. Nhưng kể từ đó cho tới mấy chục năm sau, cái chết của Olof Palme vẫn luôn là một điều bí ẩn, vụ đại trọng án ám sát nguyên thủ quốc gia vẫn hoàn toàn nằm trong bóng tối.

Liên tục trong hàng chục năm, số người bị thẩm vấn đã lên con số 10 nghìn, hồ sơ thẩm vấn xếp chật trên 250 mét giá sắt lưu trữ ở trụ sở Cảnh sát Quốc gia Thụy Điển. Nhưng ngần ấy thứ vẫn chưa đủ chứng cứ để kết luận thủ phạm là ai. Vụ án đã phải dừng lại vì kéo dài quá thời hiệu cho phép xét xử pháp luật qui định.

Đối với bà Lisbet Palme, sau khi chồng bị sát hại, bà dành hết tâm sức để thực hiện ước nguyện dang dở của chồng. Bà đã trở thành Chủ tịch Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Thụy Điển, đồng thời là Chủ tịch Quỹ quốc tế Olof Palme (thành lập năm 1989) ủng hộ giúp đỡ những trẻ em nghèo bất hạnh trên thế giới…

Theo chân Nguyễn Trọng Huệ, tôi bước vào khu vườn của ngôi nhà thờ mang tên Adolf Fredrik nằm ở trung tâm Stockholm. Thì ra đây là nhà thờ nơi sinh thời ông bà Palme vẫn năng lui tới cầu nguyện. Vì ngưỡng mộ nhân cách của một con người có cuộc đời thanh cao đẹp đẽ mà giáo hội Thụy Điển đã chuẩn y lời thỉnh cầu của nhà thờ Fredrik, cho phép an táng thi hài ông trong vườn cây khuôn viên nhà thờ.

Mộ Olof Palme chỉ là mấy phiến đá ghép nằm ngang mặt cỏ rộng chừng 3 mét vuông, ở giữa đặt một tảng đá hoa cương thô mộc nguyên khối có khắc chữ ký của ông, bên cạnh đó trồng một cây sồi nhỏ. Không có tên tuổi, không có mộ chí ghi công tích. Tất cả chỉ là một sự tĩnh lặng và êm đềm, êm đềm đến thanh thản. Tôi đặt mấy bông hoa đỏ dưới chân tảng đá và cúi mình tưởng tượng về ông, một con người tôi chưa hề biết mặt, khác biệt chủng tộc giống nòi, khác biệt thế hệ tuổi tác… mà sao trong khoảnh khắc lặng thầm tôi chợt thấy gần gũi lạ thường.

*

Nhiều năm sau chuyến đi Thụy Điển năm ấy, trong một lần tra cứu tài liệu để viết một bài báo, tình cờ tôi đọc thấy một cái tin có liên quan tới câu chuyện dang dở trên đây, tôi lưu lại tin đó để rồi hôm nay xin được chắp nối kể tiếp câu chuyện bí ẩn về cái chết của ngài thủ tướng khả kính.

Sinh thời, Olof Palme là một người rất yêu quí, ngưỡng mộ đất nước và nhân dân Việt Nam. Ông là người đặt nền móng vầ hết lòng vun đắp cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài Thụy Điển - Việt Nam. Ông cũng là người kiên trì chủ trương hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình tiêu biểu như Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Nhà máy Giấy Bãi Bằng…

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.