Đối ngoại văn học thời Covid - Trực tuyến và Hợp tuyển

(Arttimes) - Trong công tác đối ngoại nhân dân, thì một phương pháp đối ngoại sâu sắc bậc nhất đó là bằng văn học. Hội nhà văn Việt Nam trong nhiều năm qua đã hết sức nỗ lực và liên tục đổi mới trong việc kết nối với bạn văn chương bốn phương trời, trao đổi các đoàn nhà văn, nhà thơ tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, dịch văn học và xuất bản song phương, đa phương. Năm 2020, năm có đại dịch Covid, liệu đối ngoại bằng văn chương có bị… mất mùa?

Văn học chính là tâm hồn của một xã hội. Khi chúng ta mở ra cánh cửa văn chương với các quốc gia, cho phép các tâm hồn thám hiểm sâu hơn lẫn nhau thì đó là cuộc thám hiểm kỳ thú nhất, sâu rộng nhất, cuộc thám hiểm mang tính nhân văn với nhiều cung bậc cảm xúc, cho phép các dân tộc hiểu biết nhau hơn, từ đó có sự đồng cảm để đi đến một thế giới đại đồng, hòa bình, hữu nghị. Năm 2019, trước khi có Covid, việc đối ngoại bằng văn học của nước ta đạt hiệu quả cao, nhất là các hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam đã có thành tựu đáng kể trên cả ba ý nghĩa: Quảng bá tác phẩm, Giao lưu văn hóa, Củng cố và thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với nhà văn khu vực và thế giới. Về công tác quảng bá tác phẩm, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ III (tháng 2/2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã được Ban Bí Thư, Ban Tuyên giáo Trung ương ủng hộ và đã diễn ra tại ba địa bàn: Hà Nội - Quảng Ninh - Bắc Giang với nội dung chủ yếu giới thiệu văn học Việt Nam với bè bạn nước ngoài, qua đó giới thiệu văn hóa Việt Nam.

Đối ngoại văn học thời Covid - Trực tuyến và Hợp tuyển - 1 Nhà thơ Hữu Thinh cùng một số nhà thơ tại Việt Nam tham gia World Festival of Poetry 2020

Đã có 200 đại biểu từ 51 quốc gia trên thế giới tới dự Hội nghị, lần đầu tiên có đại diện của trên 10 nước Mỹ La Tinh. Các ý kiến phát biểu của các Trưởng đoàn nước bạn đều có nội dung tốt, đánh giá cao và khâm phục tinh thần yêu nước và chiến đấu của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi văn hóa Việt Nam và đánh giá cao công tác chuẩn bị Hội nghị. Hội nghị cũng tổ chức các buổi đọc thơ tại các trường như Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội, thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia. Các tác phẩm của bạn hầu hết ngợi ca Việt Nam, ngợi ca Bác Hồ. Sự kiện Liên hoan thơ Quốc tế lần III tại Văn Miếu - Quốc tử giám (Hà Nội), và phối hợp sự kiện tổ chức tại Quảng Ninh, Bắc Giang đã thu hút hàng ngàn công chúng tham gia, thu được hiệu quả tốt. Trong khuôn khổ Hội nghị, có tổ chức Hội thảo về Bảo tồn - Giao lưu văn học Việt Nam trong tiến trình hội nhập thế giới. Hội thảo thu được sự nhất trí cao: Việt Nam sẵn sàng cởi mở, tiếp thu tinh thần hiện đại của thế giới trên cơ sở giữ gìn, bảo vệ văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hội thảo đã được sự đồng tình, thấu hiểu của bạn văn quốc tế, giải đáp được nhiều thắc mắc cho bạn. Sau Hội nghị, nhiều bạn văn từ các nước đã mang về tài liệu gồm khái quát lịch sử 10 thế kỷ văn học Việt Nam, hợp tuyển thơ, truyện ngắn của các tác giả tiêu biểu Việt Nam, đã dịch sang tiếng Anh, và họ đã sớm đăng tải các tác phẩm văn học mới, tư liệu lịch sử mới này tại Ý, Hungary, Rumani, Hàn Quốc, Đài Loan… Nhiều giáo sư đã lấy đó làm tài liệu giảng dạy trong các trường Đại học. Hội nghị được dư luận nhận định mang lại thành công, ý nghĩa quảng bá tốt cho hoạt động văn học, văn hóa Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tổ chức xét Giải thưởng văn học sông Mekong, tổ chức tại Myanmar tháng 10/2020. Có 30 tác phẩm tham dự thể hiện sâu sắc mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân Lào, Cam pu chia. Đó là những tác phẩm tốt và tiêu biểu viết về quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, Cam pu chia. Bên cạnh đó, cũng trong năm 2019 các đoàn nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã tham gia các sự kiện văn học lớn tại nước ngoài như: Diễn đàn văn học tại Trung Quốc, Diễn đàn văn học tại Kazakhstan, Đoàn dự Hội thảo thơ hiện đại tại Hàn Quốc, Đoàn dự Hội nghị văn học Hội nhà văn Á Phi Mỹ La tinh tại Pakistan, Dự hội thảo Việt Nam học tại Đài Loan, Đoàn đi nhận giải thưởng văn học ASEAN tại Thái Lan, Dự hội nghị hòa bình tại Hàn Quốc. Vào đầu năm 2020, ngay trước khi đại dịch Covid xảy ra, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã kịp cử đoàn nhà thơ, nhà văn đi dự Hội chợ sách quốc tế tại Kolkata (Ấn Độ), Hội chợ sách quốc tế La Habana (Cuba). Đoàn nhà văn Việt Nam đã kết nối tốt với các bạn văn từ hai quốc gia bạn hữu gần gũi, có quan hệ tốt đẹp qua nhiều thập kỷ, cũng như mở ra mối quan hệ giao lưu, quảng bá với nhiều bạn văn từ các quốc gia khác tới tham dự Hội chợ sách quốc tế kể trên. Nhưng khi làn sóng Covid thứ nhất tràn vào Việt Nam thì Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVIII buộc phải hoãn lại, kéo theo việc khoảng 50 nhà thơ quốc tế dự kiến tới Việt Nam tham dự sự kiện cũng phải dừng chuyến bay.

Tiếp theo đó, hàng loạt các chuyến thăm, đi thực địa, giao lưu, diễn đàn, hội thảo quốc tế, Giải thưởng văn học quốc tế theo kế hoạch năm 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cho hội viên tham gia cũng phải dừng để chờ diễn tiến tiếp theo của dịch bệnh. Covid có thể ngăn cản các sự kiện văn học tổ chức theo phương pháp trực tiếp, nhưng không ngăn được sự sáng tạo của các nhà văn toàn cầu. Cũng do Covid, những đề tài mới đã nảy sinh, khơi nguồn sáng tạo văn thơ khiến các nhà văn, nhà thơ thế giới cầm bút viết sung sức hơn bao giờ hết, với cách tiếp cận, giải quyết vấn đề mới mẻ. Trong các hoạt động đối ngoại bằng văn học, hình thức tổ chức cũng được đổi mới. Nhờ công nghệ 4.0, những hội thảo, diễn đàn văn học quốc tế được tổ chức hiệu quả, từ seminar chuyển sang webinar, từ các Liên hoan thơ trực tiếp với các chuyến bay dài và khâu hậu cần phức tạp vất vả tốn kém, được chuyển sang Liên hoan thơ trực tuyến, khi các thành viên được mời chỉ cần ở tại chỗ, trong nhà mình, với máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, vẫn có thể tham gia đọc thơ, tham luận với bạn văn chương toàn cầu mà không mất một đồng chi phí đi lại, ăn ở.

Như vậy, trong thời gian buộc phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, phương pháp kết nối trực tuyến đã được thực hiện nhanh và hiệu quả, khiến các nhà văn, nhà thơ trên toàn cầu “gặp gỡ” nhau nhiều hơn, giao lưu liên tục, kết bạn nhiều hơn, và không bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý, bởi kinh phí hay số lượng người tham gia và vô vàn điều kiện khác của hình thức giao lưu, gặp gỡ trực tiếp truyền thống. Về phía Hội Nhà văn Việt Nam cũng cử các nhà thơ tham gia một số sự kiện trực tuyến như Liên hoan thơ Thế giới, Marathon thơ Thế giới, Liên hoan thơ châu Âu, Liên hoan nghệ thuật Glosi, Diễn đàn nhà văn Á Phi - Mỹ Latin về Hoạt động văn học hậu Covid-19,… Những sự kiện quốc tế này là dịp để các nhà thơ Việt Nam đọc thơ, giới thiệu vẻ đẹp thơ, văn hóa, con người Việt Nam với bạn hữu quốc tế, là dịp kết nối với các nhà thơ quốc tế, chung tay bên nhau chia sẻ khó khăn, nâng đỡ tinh thần cùng nhau vượt qua khủng hoảng đại dịch, tiếp tục giới thiệu, dịch thơ và quảng bá thơ song phương và đa phương.

Hội nhà văn Việt Nam tiếp tục kết nối chặt chẽ với Ngôi nhà thơ Como, Ban tổ chức Liên hoan thơ châu Âu (Italia), để ký Bản hợp tác quảng bá văn học Việt Nam tại Ý, và cử đại diện tham gia Liên hoan thơ châu Âu trong các năm tiếp theo. Hội cũng đã kêu gọi các tác giả gửi tác phẩm dự Giải thưởng văn học sông Mekong 2020, do nước bạn Cam pu chia là chủ nhà tổ chức. Trong công tác quảng bá tác phẩm năm 2020, Hội Nhà văn Việt Nam đã hợp tác với các tổ chức văn học quốc tế, các nhà xuất bản quốc tế, các nhóm dịch giả, biên tập viên xuất bản được các tập thơ Nhật ký trong tù; Sông núi trên vai; Ẩn số; Thơ chiến tranh Việt Nam; tập truyện ngắn Trại bảy chú lùn, tập truyện ngắn và thơ Việt Nam - Ấn Độ, tập truyện ngắn nữ Việt Nam, Hợp tuyển thơ môi trường, hợp tuyển thơ vì sự bình đẳng giới, hợp tuyển thơ chống Covid… tại các nước như Italia, Hungary, Mỹ, Slovakia, Ấn Độ... Các tác phẩm thơ của nhà thơ Việt Nam cũng được tạp chí Văn hóa NEUMA của Romania đăng hàng số trong suốt năm 2020, đăng trên một số tạp chí văn học của Hàn Quốc, Nga, Nepal,… Như vậy, có thể thấy rằng, trong thời Covid, công tác đối ngoại văn học đã dịch chuyển từ sự kiện trực tiếp sang sự kiện trực tuyến và in hợp tuyển (bằng ngôn ngữ nước ngoài) của nhiều tác giả; in tuyển tập thơ, truyện ngắn của từng tác giả ở nước ngoài. Việc dịch văn học, việc sáng tác bằng ngôn ngữ tiếng Anh của các tác giả Việt Nam cũng đã trở thành một xu hướng mới, được dư luận quan tâm. Đã có những dịch giả mới, những tác giả mới được truyền thông trong nước và nước ngoài nhắc đến, những tác giả Việt Nam được giải thưởng văn học nước ngoài,… báo hiệu một bước tiến mới, sáng tạo, đa dạng hơn trong đối ngoại bằng văn học ở nước ta. 

Kiều Bích Hậu  None

Tin liên quan

Tin mới nhất