Những ý kiến thẳng thắn tâm huyết trong Hội nghị Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ
Chiều ngày 30/12, tại Hội nghị Gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ được tổ chức tại Hà Nội, Tổng bí Thư Tô Lâm chủ trì cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà, các Ban, Bộ, ngành gặp gỡ, lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ thẳng thắn của các văn nghệ sĩ với mục tiêu tìm ra những giải pháp qua đó góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cùng dự Hội nghị có đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và sự tham dự của 200 đại biểu văn nghệ sĩ.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các văn nghệ sĩ
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Luôn cổ vũ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều tác phẩm có chất lượng đóng góp, góp phần bồi đắp, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
PGS, TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ôn lại lịch sử Liên hiệp, các thành tựu của văn nghệ sĩ dưới mái nhà chung của Liên hiệp trong suốt 76 năm qua. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng chỉ rõ những hạn chế cần được nhận diện như thiếu vắng những tác phẩm lớn, có tầm vóc thời đại; do ảnh hưởng của thị trường và sản phẩm ngoại lai, một bộ phận sáng tác chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu chiều sâu, làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, thế hệ kế cận có khả năng nối tiếp dòng chảy văn nghệ còn hạn chế, trong khi lớp nghệ sĩ “gạo cội” ngày càng vơi đi. Việc đào tạo, bồi dưỡng nghệ sĩ trẻ chưa được thực hiện bài bản và đủ mạnh mẽ...
Ông cho rằng đội ngũ văn nghệ sĩ cần có khát vọng, lý tưởng cao cả, sự sáng tạo để có tác phẩm hay, mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thể hiện bổn phận, trách nhiệm với Đảng và Nhà nước, với nhân dân.
Qua đó, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế và nhạy cảm. Đội ngũ văn nghệ sĩ mong muốn có môi trường, điều kiện thuận lợi để cống hiến, sáng tạo hết mình, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa, văn hóa nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào thành tựu phát triển toàn diện của đất nước”.
Hội nghị gặp mặt, Hội nghị cũng lắng nghe những ý kiến tâm huyết của Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy vai trò của văn học nghệ thuật về lực lượng vũ trang nhân dân, NSND Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nói về việc thu hút nguồn tuyển và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù; nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm… các đại biểu bày tỏ niềm vui, vinh dự và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, với mong muốn đất nước ta ngày càng phát triển; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tại Hội nghị, các văn nghệ sĩ cũng thẳng thắn đóng chỉ ra những “điểm nghẽn” còn tồn tại của văn học nghệ thuật.
PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng chỉ ra các điểm nghẽn của điện ảnh và truyền hình đồng thời đề xuất nhiều nội dung trong đó có đề cập đến việc chính sách ưu đãi chưa hấp lực đối với các nhà làm phim nước ngoài và Việt Nam. Cần có sự quan tâm ưu đãi thuế, cải tiến các thủ tục hành chính.
Ông cũng một lần nữa chỉ ra tình hình sau cổ phần hóa với dư vị đắng chát của Hãng phim truyện Việt Nam đã nhiều lần đề đạt, công tác thanh tra được tiến hành, đã có quyết định sau thanh tra nhưng đến nay vẫn là sự im lặng kéo dài… vừa qua tập thể tiếp tục có đơn đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng trên để có lối ra phù hợp.
NSNA Trần Thị Thu Đông cho biết, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có nguồn tư liệu ảnh đồ sộ cách đây 10 năm được đầu tư xây dựng Trung Tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam nhưng đến nay cơ quan chỉ thực hiện chức năng sưu tầm và lưu trữ trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, thay mặt Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, NSNA Trần Thị Thu Đông tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện kinh phí biến nơi đây thành không gian sáng tạo và chuyển đổi số nhiếp ảnh Việt Nam hiện đại, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng, văn học nghệ thuật phải luôn phải bám sát đời sống, gắn vận mệnh mình với tổ quốc. Ông khẳng định “Không có một nhà văn chân chính nào đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và tổ quốc”. Trong văn học, cái mới, lạ, gai góc không đồng nghĩa với hiểm nguy. Nhà văn cho rằng, văn học như một bàn tay thiện lành và vô trùng, khi chạm vào những vết thương của xã hội sẽ xoa dịu, chữa lành. Khi bàn tay có phẫn nộ, sẽ mổ tung cùng xã hội loại bỏ những chất độc để tiến bước. Ở kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cần có một cơ thể khỏe mạnh, không chỉ tinh gọn mà còn không mang trong nó những vết thương, điểm nghẽn, khối u cản bước tiến.
Nhà văn cũng bày tỏ mong muốn sẽ có viện dịch thuật văn học mang tầm cỡ quốc gia dẫn văn học ra thế giới, đóng góp vào công nghiệp văn hóa.
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân sâu sắc đến các thế hệ văn nghệ sĩ và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu đã đạt được trong hoạt động văn học nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sỹ gần 80 năm qua, khẳng định từ khi thành lập đến nay Đảng luôn quan tâm đến văn hóa văn nghệ.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị
Ông ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các văn nghệ sĩ. Tổng Bí thư khẳng định văn học nghệ thuật là độc lập, tự chủ, tự do sáng tạo, không có khuôn mẫu, rập khuôn. Tổng Bí thư đồng thời chỉ ra thực trạng nền văn học nghệ thuật có dấu hiệu chững lại, kém khí thế nhiệt huyết. Tổng Bí thư khẳng định, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên mới, trông chờ sự đóng góp tích cực của văn hóa, văn học nghệ thuật, của đội ngũ văn nghệ sỹ trong giai đoạn cách mạng mới.
Tổng Bí thư đề nghị gia tăng mạnh mẽ đóng góp, cống hiến của đội ngũ văn nghệ sỹ trong thực hiện các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.
Bình luận