Tột cùng văn hóa là con người

(Arttimes) - “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh)

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Văn hóa là phạm trù phổ quát chi phối toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội. Ở nước ta, từ khi nắm quyền lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao, coi trọng văn hóa như là mục tiêu cuối cùng của nhiệm vụ chiến lược xây dựng một nước Việt Nam độc lập - hòa bình - tự do - hạnh phúc buổi đầu và tiến lên xây dựng xã hội giàu mạnh - văn minh - công bằng - dân chủ ngày hôm nay. Chúng ta đang bước vào thời đại cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa sẽ kích hoạt các lĩnh vực sản xuất vật chất, đưa nền kinh tế quốc dân bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, dẫu kinh tế tăng trưởng vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện không ngừng (tính theo trung bình thu nhập đầu người/ năm) thì văn hóa vẫn là mục tiêu phấn đấu cuối cùng. Nếu chúng ta “hòa mạng” vào thế giới phẳng, chỉ số kinh tế dẫu có lạc quan đến đâu cũng khó đuổi kịp các nước tiên tiến hiện nay. Muốn sánh vai cùng các nước trên năm châu bốn biển, con đường của Việt Nam sẽ đi chính bằng hai chân vững chãi - văn hóa và kinh tế. Ai đó nói không phải không có lý: kinh tế là “tay ga”, văn hóa là “tay phanh” (chức năng điều hòa). Từ trong quá khứ hiển hách chống ngoại xâm, Nguyễn Trãi đã hào sảng viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo). Chiến thắng ngoại bang của cha ông ta trong một nghìn năm độc lập đồng nghĩa với chiến thắng của văn hóa Việt Nam trước sự xâm lăng của các văn hóa khác (được hiểu như là “sức mạnh mềm”). Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), đến nay đã 91 năm trôi qua trong dòng chảy lịch sử, Đảng luôn luôn đề cao nhiệm vụ chiến lược văn hóa, từ Đề cương Văn hóa (1943), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948), đến nhiều văn kiện tiếp theo có tính chất quyết sách về một lĩnh vực tinh tế nhất của đời sống tinh thần xã hội, văn hóa đã đi vào đời sống toàn diện, thường trực, bền vững. Văn hóa thấm nhuần đến chân tơ kẽ tóc mọi hoạt động của cộng đồng người Việt Nam (hơn 96 triệu người trong nước, gần 5 triệu người ở nước ngoài). Cơm no áo ấm buổi ban đầu gian khổ, đến ăn gon mặc đẹp nhờ Đổi mới, tiến tới đàng hoàng hơn, to đẹp hơn xứng đáng với hình ảnh một Việt Nam mới có cội rễ con Rồng cháu Tiên đang vươn dậy theo hình ảnh Phù Đổng bên bờ biển Đông.

Văn học là bộ phận tinh túy (tinh tế) của văn hóa. Nhìn ra thế giới rộng khắp có thể chưa mát mày mát mặt, bằng chị bằng em, nhưng nhìn gần vào khu vực ASEAN chẳng hạn, chúng ta có quyền tự hào về văn hóa Việt Nam, trong đó văn học đóng vai trò cốt lõi, căn cơ. Văn học, nếu không nói là tất cả chí ít cũng là bộ phận chủ chốt, quan trọng của văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Mười thế kỷ văn học trung đại (X - XIX) đã để lại cho hậu thế những di sản tinh thần - văn hóa đẳng cấp với các giá trị cổ điển từ thơ thần Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sỹ, Bình Ngô đại cáo, đến Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc. Thế kỷ XX với những biến động lịch sử vĩ đại đã để lại Tuyên ngôn Độc lập (một trong những Bảo vật quốc gia). Một đất nước ngút ngàn khói lửa của những cuộc chiến tranh chính nghĩa chống ngoại xâm vẫn sinh ra và lưu truyền hậu thế những Danh nhân Văn hóa Thế giới: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh. Năm 2020, Việt Nam tổ chức Kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất Đại thi hào - Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Du, tác giả kiệt tác Truyện Kiều. Không chỉ chúng ta chiêm bái bậc đại kỳ tài văn học mà cả thế giới ngưỡng mộ (tính đến năm 2020, đã có gần 70 bản dịch Truyện Kiều, trong 21 ngôn ngữ thế giới), sức lan tỏa văn hóa của tác phẩm là một bằng chứng về tài năng và tâm hồn Việt Nam. Giáo sư AHN KYONG - HWAN, cựu Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, cựu Giáo sư Trường Đại học CHOSUN, dịch giả bản dịch Truyện Kiều tiếng Hàn Quốc đã viết: “Việt Nam là một đất nước văn hiến mãi mãi vì có tác phẩm Truyện Kiều bất hủ” (Văn hóa Nghệ An, số 41, tháng 7-2020). Truyện Kiều trở thành bất hủ vì Đại thi hào biết cúi xuống số phận con người, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha” (Kính gửi cụ Nguyễn Du). Kiệt tác Truyện Kiều vượt ra ngoài khuôn khổ một tác phẩm văn học thông thường, nó trở thành một giá trị, biểu tượng văn hóa Việt Nam: “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo). Hơn thế, nó hướng tới con người, đề cao nhân phẩm con người, sức vượt của con người giữa những bể khổ mênh mông ở cõi trần.

“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh). Lời dạy của Lãnh tụ kính yêu mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho nhiều thế hệ văn nghệ sỹ Việt Nam thời hiện đại nhận đường và xác định trách nhiệm, mục đích sáng tác đúng đắn. Văn học Việt Nam từ sau Đổi mới (1986) đã hội đủ các nhân tố tiên quyết “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để phát triển. Nhưng tâm huyết và tài năng của mỗi nhà văn vẫn là yếu tố quyết định hàng đầu không thể thay thế, làm hộ. Nhìn tổng thể, văn học nước nhà đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, đội ngũ đông đảo các nhà văn Việt Nam thường xuyên được bổ sung là hiện thực đáng quan tâm. Song dường như văn học đang có nguy cơ xa rời đời sống lao động và chiến đấu gian nan nhưng hiển hách của toàn dân. Dường như không ít nhà văn đang ẩn náu trong “tháp ngà” của riêng mình, nên tiếng vọng của đời sống còn mơ hồ, nếu không nói là mờ nhạt. Văn hóa truyền thống, nhất là truyền thống văn hóa dân gian - nguồn sữa tươi mát, giàu có - đang bị lãng quên một cách vô tình hay cố ý. Tinh thần tiếp biến văn hóa truyền thống dân tộc có nguy cơ mai một, trong khi lại náo nức đón nhận văn hóa thế giới vội vàng, thiếu chọn lọc. Những “thi pháp ca dao”, “kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, “ca dao, tục ngữ, dân ca Việt Nam” đang thưa vắng dần người đọc, nhất là các cây bút trẻ. Nhà văn có tuổi không ít người thích “ôn nghèo kể khổ”, nhấm nháp những nỗi niềm xa vắng của một thời chưa xa.

“Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, lời răn của cổ nhân không bao giờ sai. Nói “Tột cùng văn hóa là con người” không phải là lộng ngữ (chơi chữ). Văn hóa, văn học nếu không hướng tới, vì con người sẽ không thực hiện thiên chức “Văn học là nhân học”. Là một người tham gia hoạt động văn học (trên lĩnh vực nghiên cứu - lý luận- phê bình) nhiều năm, nên tôi nhận thấy, khi nhìn sâu hơn mối duyên tơ giữa văn hóa và văn học luôn là mối quan hệ hữu cơ, máu thịt, lâu bền, hiệu quả, cả trong hiện tại và tương lai. Chúng sinh thời nào cũng đã thừa đau khổ, không cần nhà văn đổ thêm dầu vào lửa, không cần nhà văn khoét sâu nỗi nhọc nhằn đắng cay của mưu sinh kiếp người; họ sẵn sàng phẫn nộ khi nhà văn cố ý hạ thấp nhân phẩm con người không vì bất kỳ lý do gì. Trong đau khổ, bế tắc con người cần được văn học chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ. Hơn thế, văn học có thể mở ra viễn cảnh tươi sáng để con người vững bước đi trên con đường thiên lý, vượt qua khổ ải. Văn học trong ý nghĩa đủ đầy của nó là bạn đồng hành của con người, cả trong nỗi buồn đẹp, cả trong niềm vui sống, cả trong băn khuăn lựa chọn và dấn thân. “CON NGƯỜI, hai tiếng ấy vang lên tự hào thay!” (M. Go-rki).

“Tột cùng văn hóa là con người”, thiết nghĩ, không phải là một khẩu hiệu thuần túy hình thức, nó bao hàm cái căn cơ, quan trọng trong nhiệm vụ chiến lược xây dựng xã hội mới trên nền tảng văn hóa được đúc kết từ các giá trị tinh hoa của dân tộc và nhân loại. Ở đây cần thiết giữ vững tinh thần tiếp biến văn hóa dân tộc và thế giới khi xây đắp các giá trị văn hóa Việt Nam thời hiện đại (trong đó văn học đóng vai trò chủ công), lấy con người làm mục đích tối thượng để cuối cùng thắp sáng niềm tin vào “mỗi con người nhấp nhánh một vì sao”.

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 18/2021

None

Bùi Hồng Lĩnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T