Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Ngoài việc giúp người, mây nổi cả…

Người Việt Nam các thế hệ đều biết đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) giàu lòng trị bệnh cứu người. Ông để lại trước tác y học “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 66 quyển và tập “Thượng kinh ký sự” nổi tiếng. Về phương diện thi sĩ, Hải Thượng là một tâm hồn thơ khá đặc biệt trong lịch sử thi ca Việt Nam.

Một hồn thơ giàu cảm xúc     

Cũng có thể nói, cả tập “Thượng kinh ký sự” là một bài thơ trữ tình lớn về cuộc đời, những niềm tâm sự được ký thác giữa thời buổi nhiễu nhương, về tình người sâu đậm. Về hình thức, có thể thấy ngay: Ký sự rất giàu chất thơ. Đó là điều tưởng chừng trái ngược nhưng lại là một thực tế của tác phẩm. Đây là đoạn văn mô tả đêm đầu tiên tác giả tạm biệt quê hương trên đường lên kinh:

Đêm ấy, thuyền đi dưới trăng.

Hai bên bờ vắng ngắt. Chỉ nghe tiếng chó sủa theo.

Một vầng trăng sáng vằng vặc dòng sông. Hai bên bờ, nước lên chờ khách sang sông. Chuông nện chùa xa văng vẳng; sương che cây cỏ mịt mù. Mấy ngọn đèn chài hiu hắt; một đôi cò trắng đuổi nhau. Những người tuỳ tùng đến mượn chén tiêu sầu. Tôi cũng nhân đó ngâm một bài thơ để bày tỏ nỗi lòng...

Đó là một bài thơ bằng văn xuôi tả cảnh rất sinh động, về một đêm trăng đẹp ở làng quê. Những đoạn miêu tả cảnh non sông đất nước tươi đẹp, giàu chất thơ như thế rất nhiều, chạy suốt từ đầu đến cuối tập ký sự.

Đối với các nhà thơ, kể cả các nhà thơ lớn, thơ của họ có bài hay, bài trung bình và bài còn yếu. Đó là chuyện bình thường, nhất là trong một thời gian ngắn mà làm nhiều thơ. Chúng ta thấy nguồn cảm hứng thơ của Hải Thượng rất dồi dào. Gần bốn chục bài thơ được ghi lại trong tập ký sự làm trong vòng chưa đầy một năm, chứng tỏ một năng lực thơ rất khoẻ, một hồn thơ phong phú. Có thể ví tâm hồn tác giả như một dây đàn căng, bất cứ một vật gì chạm khẽ vào là rung thành âm thanh; như mặt hồ đầy, một làn gió nhẹ thổi qua cũng nổi sóng, như một mặt gương trong suốt chỉ cần chút ánh sáng nhạt rọi vào là phản quang... Trước một đêm trăng, khi sang sông, qua dãy núi, ngắm cảnh chùa khuya nhớ nhà, lâu gặp bạn, về thăm quê, đâu đâu Hải Thượng cũng có thơ, một hồn thơ lai láng. Trước hết đó là một tình yêu thiên nhiên đến vô cùng:

Êm đềm một dải nước mây

Quan hà man mát khôn khuây nỗi lòng

Chiếc buồm thuận gió thẳng dong

Giọt sương gieo nặng, cánh hồng thướt tha

Rừng sâu tiếng khách thoảng qua

Bến xa văng vẳng khúc ca bạn chài...

Cũng là tâm hồn Lý Bạch, Nguyễn Trãi khi ngắm trăng với triết lý của Tô Đông Pha: Trên đời, vật nào có chủ ấy chiếm giữ. Chỉ có ngọn gió mát trên sông, ánh trăng thanh đầu núi là của kho vô tận, thưởng thức không bao giờ cạn... Đó là thú vui muôn đời của bác và của tôi.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Ngoài việc giúp người, mây nổi cả… - 1

Tượng Hải Thượng Lãn Ông tại Hoa viên nghĩa trang Chánh Phú Hòa - tỉnh Bình Dương

Đoạn kể tác giả gặp lại người yêu cũ là một bài thơ tình tuyệt đẹp, thể hiện nhân cách phẩm chất của nghệ sĩ trước con người và cuộc đời. Lời thơ như nghẹn ngào xa xót về thân phận con người:

                                        Lầm người, sự bởi vô tâm

                              Nhìn nhau, nay những luống thầm thở than

                                        Một cười, giọt lệ chứa chan

                              Mắt trông, xuân hết hoa tàn thương thay...

Trước đây, các nhà thơ Việt Nam có bàn nhiều đến thơ hướng nội và thơ hướng ngoại. Thơ hướng ngoại là thơ nói tới sự vật sự việc khách quan. Thơ hướng nội là thơ nói về tâm sự, nỗi lòng của thi sĩ. Thực ra, làm gì có thơ hướng nội và thơ hướng ngoại. Thể hiện sự vật sự việc là để nói tâm sự của mình; và ngược lại, nói tâm sự của mình thông qua sự vật sự việc. Có thể chỗ này nặng tâm sự, chỗ kia nặng mô tả, vậy thôi. Từ hai trăm năm trước, thơ của thi sĩ Hải Thượng đã hoà hợp giữa hai yếu tố này. Trong bài “Nhà trọ đêm mưa cảm hoài”, ông viết:

                                        Mưa sa gió táp thình lình

                              Đìu hiu quán trọ mối tình ngổn ngang

                                        Cây xa, mây khói mơ màng

                              Hồ bằng, mặt nước sáng choang sóng dồi

                                        Chim chiều về tổ loi thoi

                              Chuông mai văng vẳng mấy hồi nghe xa

                                        Đừng rằng không ngủ vì trà

                              Cái đêm như vậy khó mà ngủ ngon.

Rõ ràng, tâm trạng rối bời của Hải Thượng hoà lẫn trong cảnh vật ở từng câu Đìu hiu quán trọ, Gió táp mưa sa, Mặt nước sóng dồi, Chuông mai văng vẳng... Hầu như bài thơ nào của Hải Thượng cũng hòa quyện giữa cảnh vật và tâm trạng như vậy. Không có bài thơ nào của ông chỉ mô tả cảnh, hoặc chỉ thể hiện tâm trạng một cách đơn thuần.

Một quan niệm tích cực về cuộc đời và thơ ca

Hồn thơ Hải Thượng không chỉ giàu yêu thương mà còn mang một triết lý sống sâu sắc giữa thời đại đầy phong ba biến động. Theo gương Ức Trai tiên sinh và Trạng Trình, Hải Thượng Lãn Ông sớm tìm đường ẩn dật ở quê ngoại tại Hương Sơn (Hà Tĩnh) xa kinh kỳ. Khi phải xa quê ra kinh chữa bệnh cho Chúa, ông luôn nóng lòng mong ngày trở về. Thơ ông nhiều lần nhắc đến điều ấy:

Kìa ai khôn giả làm ngây

Hư danh quấy mãi thân này làm chi?

Xưa nay, chúng ta thường phê phán hành động ở ẩn là mang tư tưởng yếm thế tiêu cực. Nhưng nghĩ cho cùng, đó là một sự lựa chọn tích cực của thời đại bấy giờ. Nhập thế giữa thời buổi nhiễu nhương chắc gì đã làm lợi cho dân cho nước. Triết lý sống của Hải Thượng rất gần với triết lý của dân gian:

Giàu sang đều giả cả

Công danh mới thật là

Trăm năm để tên họ

Bia miệng chữ không lòa

Bên cạnh sự giàu có của cảm xúc, thơ Hải Thượng còn lắng đọng chất trí tuệ, một triết lý sống cô đúc tấm lòng của một lương y giữa thời đại bão táp:

Vất vả dám đâu mong báo đáp

Cứu người là trọng dạ như in

                                                            (Bệnh trung liêu bệnh)

Đó là một tấm lòng vị tha cao cả “Thương người như thể thương thân” của dân tộc và cao hơn thế là tấm lòng mình vì mọi người.

Đến bài “Đề chùa Phúc Sơn” thì ông rút ra triết lý sống:

Giúp người - ngoài việc ấy

Mây nổi cả thôi mà !

Trong bài “Thuật hứng” ông viết:

Ước đời, hết kẻ ốm đau

Để ta thơ túi rượu bầu thảnh thơi

Thế là rõ, cái thú của ông là cái thú nhàn tản của thi gia. Nhưng cao hơn trang thơ, là ước nguyện được cứu giúp mọi người. Hy sinh niềm ham muốn của mình vì con người, vì cuộc đời, chính là triết lý hành động của những vĩ nhân, của những tâm hồn lớn, của những thi gia chân chính.

Những suy nghĩ này cũng thống nhất trong những lời phát biểu về thơ ca của ông, cho thấy ở ông “văn học là nhân học”, nghệ thuật vị nhân sinh. Trong một lần đi lại với các công khanh, ông đã phát biểu quan niệm về thơ: “Thơ là để nói lên cái chí của mình. Chí của con người như thế nào thì thơ cũng như thế...” và “Thơ cốt ở ý, ý có sâu, thơ mới hay. Phải làm cho người đọc phải suy nghĩ mới hiểu được thì mới hay. Không phải bất cứ điều gì cũng phải nói ra bằng lời. Như thế mới là thơ có giá trị...”. Đó là một quan niệm về thơ văn nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung rất gần gũi với chúng ta ngày hôm nay.

*

Chắc chắn số lượng thơ Hải Thượng sáng tác sẽ nhiều gấp nhiều lần số thơ của ông mà chúng ta hiện có. Mấy chục bài thơ và tập “Thượng kinh ký sự”  chỉ là sáng tác trong một chuyến đi chưa đầy một năm. Có thể là việc nghiên cứu và thực nghiệm y học thu hút quá nhiều tâm trí của ông mà ông không có thì giờ ghi lại những sáng tác văn học của mình. Cũng có thể những sáng tác khác bị thất lạc trong quá trình gió mưa của lịch sử. Nhưng chỉ với tập “Thượng kinh ký sự” và những bài thơ Hải Thượng để lại mà chúng ta có được đã đủ để xếp ông vào số các nhà thơ, nhà văn mà tên tuổi sống mãi trong đời sống văn học dân tộc.

Sự độc đáo của tập ký sự đã cho tập sách có một vị trí riêng, mà không ai, không tác phẩm nào có thể thay thế được. Hồn thơ Hải Thượng luôn dạt dào cảm xúc ngay khi đã về già thật là hiếm có đối với các thi gia. Tuy những sáng tác văn học của Hải Thượng là quá nhỏ bé so với sự nghiệp y học rất to lớn của ông, nhưng chỉ như thế cũng là niềm ước mơ vươn tới của nhiều nhà thơ nhà văn qua các thời đại.

Đinh Quang Tốn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp lập những kỷ lục về sáng tác thơ, nhạc Việt Nam và thế giới

Tối 28/4/2024, tại KCN Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng, Công ty CP Shinec phối hợp với Hội Cựu chiến Binh thành phố Hải Phòng tổ chức Chương trình “Khát Vọng Truyền Nhân” với chuỗi các sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Shinec gồm Lễ Công bố báo cáo phát triển bền vững - Báo cáo ESG; Lễ trao chứng nhận kỷ lục thế giới; Lễ trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho Công ty CP Shinec và Do