Có một ga xép bước vào văn chương...

Giống như bao nhiêu nhà ga rải rác khắp cung đường tàu cả nước, nó có số phận, có đủ cung bậc vui buồn, tan hợp chia phôi. Nếu có khác chăng, cái ga xép này đã bước vào văn chương, từng in đậm trong lòng khách đi tàu và những người ham chuộng văn chương Tự Lực văn đoàn. Đó là ga xép Cẩm Giàng - một gạch nối trên con đường hỏa xa Hà Nội - Hải Phòng. 

Phố huyện và ga xép 

Từ bốn trăm năm trước đất này gọi là Cẩm Giang (sông Gấm). Bởi ở đây có dòng sông dày đặc hoa lục bình. Mùa hoa nở, cả dòng sông tím ngắt tựa gấm hoa. Vì tránh tên huý của chúa Trịnh Giang phải gọi chệch thành Cẩm Giàng. Đây là nơi giao thoa hai vùng văn hoá quan họ Kinh Bắc và khoa cử xứ Đông.

Phố huyện Cẩm Giàng, cách tỉnh lỵ Hải Dương chừng hơn chục cây số theo đường chim bay, cách Hà Nội bốn mươi cây số. Từ đây có đường đi về trong tỉnh, sang huyện Lang Tài, Bắc Ninh. Ở đầu phố là cầu sắt bắc qua dòng sông, một thời thuyền mắm muối từ xứ Nghệ, Hà Tĩnh lần ra tận đây trao đổi hàng hoá. Phố huyện thời ấy lèo tèo mấy căn nhà gạch, vài chục ngôi nhà tranh tre, nứa lá nằm sát  đường tàu. Xung quanh là ruộng đồng, xa tít có những luỹ tre xanh bọc chặt làng xóm.

Tiếng là lỵ sở huyện, nhưng lèo tèo vài chiếc quán dựng tạm bợ, bờ rào trồng cây găng. Đến mùa găng chín đỏ, trẻ con nhà nghèo thích lắm, nhưng chẳng mấy đứa dám ăn, bởi mùi vị hắc đáng sợ. Đêm đêm chuyến tàu đi qua, thì hình như có một bàn tay vô hình đánh thức, phố ga choàng tỉnh dậy rộn rã ào ạt lên chốc lát. Tiếng bánh xe sắt nghiến đường ray xa dần, thì đêm đen lại lọt thỏm vào cảnh vắng vẻ, buồn thiu. 

Có một ga xép bước vào văn chương... - 1

Ga xép Cẩm Giàng 

Cuối phố có lối rẽ xuống bến đò sông Sen, hai bên xanh biếc những rặng tre. Người đi qua lối này đều ngó vào cổng huyện màu xám, có hai người lính lệ đứng gác như hai con tốt đỏ trong bộ quân tam cúc, phảng phất chút uy quyền của một chính phủ bù nhìn. Những ngày nắng còn đỡ, chỉ mưa một đêm, phố huyện sũng nước nhầy nhụa bùn như thể ruộng bừa chuẩn bị cấy. Phổ ga càng ảm đạm, thấp thoáng vài bóng người lầm lũi, tản vào các con đường nhỏ, rồi mất hút trong các luỹ tre xanh. Kể từ khi xuất hiện cái ga xép ở ngay phố huyện, thì dân tứ chiếng hút về đây lập cư sinh sống, và cái phố huyện càng trở nên sang trọng.

Quả là đất Cẩm Giàng từ xưa đã nổi tiếng khoa bảng! Trải 569 năm, qua 44 khoa thi dưới các triều đại, đất này có 59 vị đại khoa. Đến năm 1920 ở thế kỷ trước, Cẩm Giàng đã có trường Kiêm Bị, một trường học duy nhất, cho học sinh cả huyện học tập.

Ga Cẩm Giàng có thể coi là món quà vô giá với mảnh đất này. Tuy chỉ là ga xép, nằm trọn trong khu đất phố huyện, lại bị ép chặt bởi đoạn đường tàu không thể phình ra được… nhưng vẫn tự hãnh diện trước các làng xã xung quanh là chỗ hội tụ tinh hoa một vùng. Những tin tức gần xa trong nước được ùa vào cái phố nhỏ qua miệng khách đi tàu. Con gái phố huyện tỏ ra khôn ngoan và đẹp hơn con gái nơi khác, thường lấy được tấm chồng có địa vị…

Ông giáo già Nguyễn Duy Huệ từng sống ở đây có bài thơ đã chấm phá vài nét sinh hoạt nơi phố huyện :

Bạn cũ giờ này sống nơi đâu?

Có còn nhớ buổi tắm chân cầu

Vườn chùa hái ổi ai trèo nữa

Lỗ đáo sân ga bỏ đã lâu.

Nhà thương ông ký ngồi xem truyện

Ngõ cụt thằng tây huýt sáo mồm

Im bặt sân trường ông đốc nói

Buồn thiu mẹ ốm đã mươi hôm...

Chuồn chuồn bay thấp cơn mưa tới

Cá nổi ao nghè lá rụng thêm

Hành khất quẩn quanh quầy thuốc bắc

Cụ già dắt cháu bước qua thềm.

Cổng chợ cò cưa ông xẩm hát

Cửa quan cậu ấm đứng tồng ngồng

Trong nhà cụ chánh lau khăn áo

Tới dự phiên chầu buổi nghị đông.

Có một ga xép bước vào văn chương... - 2

Sau lùm tre này có trại văn chương TLVĐ

Một địa chỉ văn chương

Ở ga xép này có dòng họ Nguyễn Tường, quê gốc Quảng Nam ra Bắc sinh sống từ thế kỷ trước. Cụ tổ là Tiến sĩ tam giáp Nguyễn Tường Phổ, được triều đình nhà Nguyễn bổ ra làm tri phủ Cẩm Giàng. Từ đấy mà họ Nguyễn Tường sinh sôi nối dõi. Đến đời thứ 4 là ông thông phán Nguyễn Tường Nhu và vợ là Lê Thị Sâm (tục gọi bà thông Nhu) đã sinh ra 7 người con. Bà buôn bán hàng vặt, và đi cân gạo bán cho khách trên tàu. Bà góa chồng từ năm 37 tuổi, nuôi 7 đứa con ăn học thành tài, thoát khỏi cảnh nghèo. Trong đó 3 người là nhà văn nổi tiếng: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, trụ cột nhóm văn chương Tự Lực văn đoàn (TLVĐ) những năm 1930 -1940 ở nước ta. Cũng là hy hiếm, nhà Nguyễn Tường có 3 đại biểu Quốc hội khoá I năm 1946. Đó là bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo), và bác sĩ Nguyễn Tường Bách. 

Khi các con trưởng thành, đi làm văn, làm báo, rồi nhờ bạn bè giúp, bà Thông Nhu  đã mua ba mẫu ruộng cách xa phố huyện gần một nghìn mét. Thế là đào ao, đắp nền, làm nhà. Bà làm nhà gỗ, cột vuông, bốn chung quanh hiên rộng, trần nhà lát nứa dập thẳng. 

Có một ga xép bước vào văn chương... - 3

Cổng khuôn viên trại văn chương TLVĐ

Ngôi nhà cửa quay bốn hướng, trong kính ngoài chớp. Chung quanh trồng cây xanh. Phía đông trước cửa là ao hình vuông thả cá, trên bờ trồng hoa thơm. Từ tay bà cần kiệm, lại được các con giúp thêm, khu nhà trở thành một cái trại khá đẹp, nằm sát đường tàu, khách ngồi xe lửa Hà Nội - Hải Phòng qua đây cũng có thể nhìn rõ. Cũng trại này thành nơi sinh hoạt và hoạt động văn chương của TLVĐ và nhóm làm báo Phong Hoá, Ngày Nay. Cũng từ đây Thế Lữ sáng tạo thêm làm bối cảnh cho một truyện trinh thám gây xôn xao lúc bấy giờ. Ngày lễ, chủ nhật các con và bạn bè từ Hà Nội về nghỉ ngơi, bàn chuyện văn chương, báo chí, thế sự. Thời ấy người ta gọi trại bà Thông Nhu, là Trại Văn chương TLVĐ.

Phố huyện và ga xép Cẩm Giàng chứa nhiều kỷ niệm ấu thơ của anh em các nhà văn TLVĐ. Thạch Lam sống nhiều năm ở đây, sau này tái tạo những nhân vật phong cảnh trong nhiều tác phẩm văn chương “Nhà mẹ Lê”, “Gió đầu mùa”, “Hai đứa trẻ” , “Dưới bóng hoàng lan”… từng được giảng dạy trong chương trình văn học Việt Nam. 

Trải bao biến cố chiến tranh trại văn chương TLVĐ đã thay đổi. Nơi đây, những năm đầu chống giặc Pháp cũng thực hiện tiêu thổ kháng chiến, con người tản cư ly tán. Hòa bình năm 1954, dân làng hồi hương, gia đình bà Thông Nhu tan đàn xẻ nghé, người lưu vong, người di cư vào nam sinh sống. Khuôn viên có một người chủ mới sử dụng. Đến nay quang cảnh khác xưa, chỉ còn chiếc ao cũ và những cây cối che bóng ven bờ, đêm ngày lọt vào tiếng rầm rịch khi chuyến tàu đi qua…

Chính quyền đã đôi lần hội thảo về cố trạch TLVĐ, có những dự án nâng cấp, khôi phục di tích nhưng chưa thành. Địa phương đã đặt tên con phố nhỏ lối vào cố trạch  đeo biển “Thạch Lam”.

Những năm gần đây có nhiều đoàn khách văn chương từ trong nam, ngoài bắc vẫn thường tới thăm, tìm về một địa chỉ văn chương hắt hiu…

Mảnh đất phố huyện năm xưa, bây giờ mang tên mới Thị trấn Cẩm Giang, sau một lần điều chỉnh địa giới. Thế là cái tên Cẩm Giang (sông Gấm) bốn trăm năm trước, lại vang lên. Đất có tuần! Sau hơn sáu mươi năm lưu lạc, từ bắc vào nam, người mẹ các nhà văn TLVĐ, bà Lê Thị Sâm (tức bà Thông Nhu) đã được con cháu đưa về nằm cạnh chồng (cụ Thông phán Nguyễn Tường Nhu) ở đất quê hương. 

Ga xép Cẩm Giàng bước vào văn chương TLVĐ như thế, và văn chương TLVĐ  làm cho cái ga xép thêm rộng mở.

Khúc Hà Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T