“Ngàn bài thơ khác”, say mê và kiên trì với thơ tối giản của Trần Lê Khánh

Trong khoảng thời gian ngắn, nhà thơ Trần Lê Khánh công bố đều đặn mỗi năm một tập thơ. Tại NXB Hội Nhà văn: “Lục bát múa” (2016), “Dòng sông không vội” (2017), “Ngày như chiếc lá” (2018), “Giọt nắng tràn ly” (2019), “Xứ - rung một ngọn mây” (2020). Tại NXB White Pine Press (Hoa Kỳ): “The beginning of water”. Một gia tài thi ca đáng kể, ít ra là về mặt số/ khối lượng. Nhưng đó chưa phải là tất cả, vẫn còn những phần khác trong gia tài thi ca của Trần Lê Khánh, và nhà thơ đã chứng minh những phần khác ấy qua việc công bố “Ngàn bài thơ khác” (NXB Hội Nhà văn, 2022), tập thơ vừa giành giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022.

“Ngàn bài thơ khác”, theo đúng nhan đề của nó, là tập thơ gồm một nghìn bài, được cấu trúc thành ba phần. Phần 1: “Con đường nhân loại”, phần 2: “Cánh én bay chậm hơn mùa xuân”, và phần 3: “Sự gọn gàng của tỉnh thức”. Một nghìn bài thơ, đây là con số vượt ngưỡng đối mọi tập thơ, một con số có thể khiến nhiều độc giả phải choáng váng, hoa mắt đau đầu nếu cầm nó trên tay và đọc một cách thật nghiêm túc. Nhất là, một nghìn bài thơ ấy lại theo khuôn khổ giống nhau gần như chằn chặn: kiểu bài thơ ít câu thưa lời, mỗi bài thường chỉ ba bốn câu, năm câu là nhiều, mỗi câu cũng thường chỉ dăm chữ, và vần ở đây thì rõ ràng được/ bị xem như một điều không hề đáng kể.

Nhiều người đọc ắt sẽ mệt mỏi. Thế nhưng, xét ở phương diện khác, khuôn khổ của một nghìn bài thơ ấy lại chính là một trong những dấu hiệu hình thức của một dòng thơ, tuy không thuộc dòng chủ lưu, nhưng vẫn luôn tồn tại trong thi ca Việt Nam hiện đại và đương đại: thơ tối giản, với nhiều cái tên tác giả khá đặc sắc. Vậy nên một nghìn bài thơ, nội điều đó có lẽ cũng đủ cho thấy nhà thơ Trần Lê Khánh đã say mê và nỗ lực kiên trì với thơ tối giản đến thế nào.

“Ngàn bài thơ khác”, say mê và kiên trì với thơ tối giản của Trần Lê Khánh - 1

Tác giả Trần Lê Khánh 

Về thơ tối giản, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm đã viết một tiểu luận đáng chú ý: “Chủ nghĩa tối giản và thơ Việt Nam đương đại” (In trong tập “Giới hạn của những huyền thoại”, NXB Văn học, 2018). Trong tiểu luận này, dựa trên những quan điểm cơ bản về cái tối giản và chủ nghĩa tối giản trong “thời đại thậm phồn” của học giả người Anh Greg Mc Keown, thành viên của Diễn đàn Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu, tác giả cuốn sách “Nghệ thuật theo đuổi sự tối giản”, Nguyễn Thanh Tâm đã cắt nghĩa chính xác về sự xuất hiện và tồn tại của thơ tối giản trong thơ Việt Nam đương đại:

“Thơ Việt Nam đương đại đang thể hiện một cách khá sinh động tâm thức của con người trong không gian sống giao thoa các hệ hình tiền hiện đại, hiện đại, hậu hiện đại. Hình thái đời sống này dường như làm tăng thêm áp lực đối với con người Việt Nam. Chính vì vậy, sự tối giản trong thơ như một phương cách, một thái độ, một ứng xử, nhằm giải tỏa trạng thái căng thẳng của cá nhân”.

Anh liệt kê một danh sách: “Tiêu biểu cho khuynh hướng này, chúng ta có thể kể đến Lê Đạt với thơ hai câu, Dương Tường (Đàn), Mai Văn Phấn (Hoa giấu mặt; Thả), Nguyễn Khoa Linh (Nghiệm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9), Hàm Anh (Gọi tháng Ba), lu (lấp kín một lặng im; sự đã rồi anh ngồi anh hát), một số bài thơ ngắn của Nguyễn Thế Hoàng Linh...”. Tôi đồng thuận và xin được bổ sung thêm vào danh sách này: Phùng Cung, với rất nhiều bài trong tập “Xem đêm”, Mai Quỳnh Nam (Phép thử thuật tư biện, Không tỳ vết), và bây giờ là Trần Lê Khánh, với “Ngàn bài thơ khác”.

Những đặc điểm nào làm nên chất tối giản cho “Ngàn bài thơ khác” của Trần Lê Khánh? Tôi sẽ thử trả lời câu hỏi này, trước hết, bằng cách lẩy ra ngẫu nhiên ở mỗi phần trong tập thơ này hai bài để làm ví dụ:

“mưa tạnh

trên ghế đá công viên

đọng lại một người

như giọt nước không rơi” (chờ đợi)

“đêm giũ những ánh đèn mờ

hàng cây giũ những chiếc lá khô

phố Nhà thờ

em giũ những tiếng chuông chùa sầu lắng” (sáng sớm mùa đông)

“em đuổi những con kiến lửa

ra khỏi cơn sốt

của chiếc lá vàng mùa thu” (hết tháng mười)

“hạt sương

ngủ trên chiếc lá

giật mình thức giấc

thấy mình màu xanh” (nirvana)

“một hôm

bức tượng trên cây thánh giá bay về trời

Ngài đã hoàn thành sứ mệnh gánh khổ cho loài người

chỉ còn cây thánh giá trơ trọi

mà không còn những cây đinh” (nỗi buồn của Chúa)

“chiến tranh kết thúc

đám lá ôm chầm lấy nhau

có những chiếc lá

mất đi chiếc bóng của mình” (cây si đầu làng)

Và tiếp theo, đặt chúng bên cạnh những bài thơ, ví dụ như:

“Con sẻ nhỏ ngủ quên mùa lá nở

tự phai mình trong một cánh rừng thu” (lấp kín một lặng im, lu)

“Chợt nhớ về xứ cũ

Nâu sồng quên mộng xanh” (Quên, Nguyễn Khoa Linh)

“Sau cơn mưa

Cây non

Từ khe đá

Vươn ra biển” (Thả, Mai Văn Phấn)

“Không thể dự phần cùng họ

cuộc chơi xanh đỏ trắng đen

anh tồn tại bằng cách đứng yên

bằng cách đứng riêng”  (Không tỳ vết, Mai Quỳnh Nam)

“Nói với anh

Nói với bóng tối

Bằng hơi thở

Chỉ còn hơi thở” (Gọi tháng Ba, Hàm Anh)

“Anh rình trắng nghìn trăng nghiêng ngó mộng

Bước thị thơm chân chữ động em về” (Tấm chữ, Lê Đạt)

“Chiều sâm cầm

Vườn dâu đòi xanh biển

Con chim chích buông cành bay liệng

Vẽ vòng sóng vỗ xa xưa” (Dâu biển, Phùng Cung)

“Ngàn bài thơ khác”, say mê và kiên trì với thơ tối giản của Trần Lê Khánh - 2

Nhà thơ Trần Lê Khánh (thứ ba từ trái sang) cùng các tác giả đoạt giải xuất sắc Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2021.

Ta sẽ thấy, đây đều là những bài thơ hiện diện như là kết quả của nỗ lực giản lược, rút/ hút gọn đến kiệt cùng văn bản, khiến chúng không còn có thể gọn hơn được nữa. Hay nói một cách khác, tất cả những gì thừa thãi, rườm rà, vướng víu - hoặc có thể gây cảm giác về sự thừa thãi, rườm rà, vướng víu - thì đều đã bị các tác giả - bằng thao tác lựa chọn - cắt gọt, vứt bỏ bằng hết. Không ngữ khí từ. Không hư từ. Không vần (để tránh lan tỏa vọng âm, tuy nhiên vẫn đảm bảo tính nhạc cho thơ qua chủ ý giữ nhịp).

Không bày tỏ cảm xúc (chủ thể giữ thái độ khách quan nhất đến mức có thể). Chỉ duy nhất một cái nhìn, một phát hiện, một nhận thức, một suy tư, một chiêm nghiệm, một hành động (như trong bi kịch cổ điển). Rất ít miêu tả (bởi vì có rất ít đối tượng trong trường nhìn của chủ thể). Thời gian cũng được nén đến tối đa, để chỉ còn là một khoảnh khắc, hoặc nói theo giọng nhà Phật, là một sat-na: một sat-na của sự đốn ngộ đối với tác giả và một sat-na của sự bùng nổ nhận thức văn bản đối với độc giả. Văn bản thơ trở nên ngắn, ngắn đến hết mức, là vì thế.

Tóm lại, với những thi phẩm kiểu này, thì ưu tiên hàng đầu với các tác giả và cũng là điều kiện hàng đầu đặt ra mà họ buộc phải vượt qua, là xoay xở với tối thiểu các phương tiện và vật liệu để đạt được đến tối đa ý đồ sáng tạo và hiệu quả thẩm mỹ của bài thơ. Tôi hiểu thơ tối giản là như vậy. Nhưng mặt khác, đến đây tôi chợt nhớ đến Đỗ Bích Thúy trong tập tản văn “Tôi đã trở về trên núi cao”, khi viết chân dung một người bạn, họa sỹ Phạm Hà Hải, nhà văn có dẫn một quan điểm nghệ thuật của họa sỹ, đại loại: vẽ, nghĩa là phải biết vứt bỏ hết những gì không phải là mình, để cái còn lại chính là và chỉ là mình mà thôi. Theo ý nghĩa như thế, thì thơ tối giản, hay tối giản trong thơ, cũng chính là năng lực và nỗ lực vứt bỏ tất cả những thừa thãi, rườm rà, vướng víu để bảo tồn và làm bật lên cái tôi, cái cá nhân cá tính riêng khác của người nghệ sỹ ngôn từ. Trần Lê Khánh, với tập “Ngàn bài thơ khác”, theo tôi, đã ít nhiều làm được điều đó.

Một đặc điểm nữa, khá thú vị, như nó được thể hiện ở thơ tối giản của Trần Lê Khánh qua tập “Ngàn bài thơ khác”, là mối quan hệ, sự tương tác giữa cái nhan đề của bài thơ với phần chính văn. Mặt trời của thi ca Nga, Alecxandre Pushkin từng đoan quyết rằng tác phẩm văn học bắt đầu từ cái nhan đề của nó. Trần Lê Khánh có biết điều này hay không thì tôi không chắc, nhưng tôi chắc chắn trong đại đa số trường hợp, nhà thơ khó, hoặc không thể làm ra bài thơ nếu không, hoặc chưa có cái nhan đề. Bởi vì, trong đại đa số trường hợp, cái nhan đề chính là cái mang ý nghĩa luận đề, là “đề bài”: chúng chạm vào người sáng tạo, khiến ý tưởng trong anh ta bật ra, chúng bắt anh ta triển khai ý tưởng ấy và hoàn thiện nó theo một cách tốt nhất, bằng chữ, bằng nhịp và sự liên kết hình ảnh.

Ví dụ: một khái niệm thời gian trừu tượng như “bây giờ và lúc này” (nhan đề bài thơ) đã được Trần Lê Khánh cụ thể hóa một cách rất thơ, và tối giản: “bình hoa vỡ/ tiếng động/ đã sống trong căn phòng/ một cách trọn vẹn”. Hay, với một điều vô cùng cần thiết trong đời sống của con người là “tâm hồn cứu chữa tâm hồn”, Trần Lê Khánh viết: “mưa/ tắm cho mưa/ trên vũng nước đầu ngõ”. Hoặc, trước một tình huống đời thường mà nói chung cánh đàn ông đa phần rất ngại, là “cãi nhau với phụ nữ”, Trần Lê Khánh cũng có cách hình dung rất riêng của mình: “ta cướp/ ngụm capuchino nóng/ ngay trên miệng/ của chiếc ly”. Và đây nữa, cái gọi là “tự do ngôn luận”: “những con chữ/ nhảy bừa vào tờ giấy trắng/ chúng vùng chạy thoát khỏi bàn tay/ của một gã điên”.

Với vài ví dụ kể trên, về sự tương tác giữa cái nhan đề và phần chính văn trong thơ tối giản của Trần Lê Khánh, nhất là hai ví dụ cuối, ít nhiều Trần Lê Khánh đã bộc lộ chất “uy-mua” trong con người thi sỹ của mình, “uy-mua” và đầy tính triết lý được lấy ra từ những hình ảnh hết sức đời thường. Tính chất ấy càng nổi rõ hơn qua một loạt bài thơ có nhan đề là các thành ngữ, tục ngữ, châm ngôn, danh ngôn, thậm chí cả Thiền ngữ hay lời từ Kinh Thánh. Tôi sẽ dẫn ra đây một vài ví dụ:

“người trong giấc mơ

lườm giấc mơ

của chàng thi sỹ” (cái nết đánh chết cái đẹp)

“nốt ruồi son

sống lâu trên ngực nàng

mà chưa bao giờ

sở hữu nó” (tọa sơn quan hổ đấu)

“hắn cắm ánh mắt mình

lên bầu ngực nàng

như cắm bó hoa

vào chiếc bình chật” (môn đăng hộ đối)

“câu kinh tự

bị nứt ra

ta chẳng thấy gì trong đó

ngoài phần hồn” (tự biết)

Trở lại với tiểu luận đã dẫn trên của nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm. Ở phần kết bài viết, anh khẳng định: “Thơ Việt Nam đương đại đang chứng kiến nhiều khuynh hướng thể nghiệm. Mỹ học tối giản là một khuynh hướng, dựa trên nhận thức, thái độ sống, phong cách sống của chủ thể sáng tạo đang gây được nhiều cảm hứng cho công chúng đương đại”. Tôi chỉ chia sẻ một nửa sự khẳng định này. Bởi lẽ tôi tin rằng thơ, thơ nói chung, đang càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc được công chúng chân thành và háo hức tìm đến (chứ không phải là “thơ tìm đến với công chúng” như nhiều người vẫn nói).

Thơ theo “dòng truyền thống”, tức là thơ nghiêng về tính chất “thậm phồn” bởi sự du nhập của các sự kiện, truyện kể, bởi nhu cầu giãy bày cảm xúc cá nhân và vẫy gọi sự đồng điệu đồng cảm của người đọc, mà còn thế, thì nói gì đến thơ tối giản. Thế nhưng dẫu sao thì thơ vẫn đang và sẽ luôn vận động, bởi thế vẫn đang và sẽ luôn xuất hiện nhiều khuynh hướng thể nghiệm. Thơ tối giản nói chung và thơ tối giản nói riêng của Trần Lê Khánh trong “Ngàn bài thơ khác” chính là một trong những khuynh hướng đó. Trần Lê Khánh, người kiên trì với thơ tối giản, như chính sự đinh ninh của nhà thơ khi viết:

“em áp bàn chân

lên mặt địa cầu

lúc mà mình

chẳng biết đi đâu” (Bài thơ cuối)  

Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất