“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”: Tâm nhãn hướng về miền biên cương

“Đồng đội của chúng tôi đã nằm rải rác ở trong những ngọn núi, những cánh rừng, những dòng sông, những con suối của Cao Bằng và Vị Xuyên, máu xương của anh em chúng tôi đã thấm đẫm vào đất mẹ” – đó là những bộc bạch mang nặng bi thương của ông Nguyễn Thái Long, nhân chứng của cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979.

“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” - Một hồi đáp cảm động và đầy trách nhiệm trước các cựu chiến binh, trước bạn đọc và trước lịch sử của tác giả Nguyễn Thái Long đã ra mắt sau 44 năm chiến dịch bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979-2/2023). Trong không gian đầy hoài niệm, qua lời kể của những nhân chứng sống, một lần nữa những ký ức hào hùng sống dậy, nhắc nhở các thế hệ hôm nay về cuộc chiến thiêng liêng bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc trong mùa xuân năm ấy.

“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”: Tâm nhãn hướng về miền biên cương - 1

Có rất nhiều nhân chứng của cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979 đã đến tham dự buổi trò chuyện của tác giả Nguyễn Thái Long.

Tại buổi ra mắt sách, nhà văn Phạm Xuân Nguyên trong vai trò người dẫn chuyện cho biết, tác giả của cuốn sách này là một người lính, một người lính thực thụ, ông đã có mặt ngay từ khi tiếng súng vang trên bầu trời biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979. Từ chiến trường khốc liệt trở về, suốt bao năm tháng, ông và các đồng đội của mình không nguôi nỗi nhớ về những người đã ngã xuống và ông không thể nào quên những ngày chiến tranh ác liệt đó, những trăn trở ấy đã thôi thúc ông viết và công bố cuốn hồi ức “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”.

“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”: Tâm nhãn hướng về miền biên cương - 2

Diễn giả Phạm Xuân Nguyên chia sẻ tại buổi trò chuyện.

Với giọng nói nghẹn ngào như chỉ trực trào cảm xúc, tác giả Nguyễn Thái Long không thôi xúc động: Ngày hôm nay, ở xung quanh khán phòng này và cả ngoài kia nữa, tôi hình dung bóng dáng của khoảng 500 liệt sĩ, đồng đội của chúng tôi đã hy sinh ở Cao Bằng và Vị Xuyên các anh ấy đã tìm về đây, lắng nghe chúng ta trò chuyện.

“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”: Tâm nhãn hướng về miền biên cương - 3

Tác giả Nguyễn Thái Long hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh ấy.

Rạng sáng ngày 17/2/1979, tiếng súng vang lên dữ dội trên phòng tuyến đèo Khau Chỉa, mở ra cuộc chiến đấu chống quân xâm lược oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương trên mặt trận phía Đông tỉnh Cao Bằng. Theo lời kể của tác giả, trung đoàn 567, một trung đoàn địa phương làm kinh tế của tỉnh Cao Bằng với vũ khí và con người dù được trang bị ít ỏi nhưng đã chặn đứng mũi tấn công của trung đoàn 42 của Trung Quốc.

Điều ám ảnh với ông nhất có lẽ là sự ra đi của đồng đội, những người chẳng cách đó không lâu vẫn cười nói, kề vai sát cánh bên ông đã nằm lại để bảo vệ biên cương tổ quốc. Giọng ông nghẹn lại: Đồng đội của chúng tôi đã nằm rải rác ở trong những ngọn núi, những cánh rừng, những dòng sông, những con suối của Cao Bằng và Vị Xuyên, máu xương của các anh em chúng tôi đã thấm đẫm vào đất mẹ. Và từ đó ông đã trông thấy linh hồn của họ trên từng đám cỏ lau lung lay trước gió và cả trong những lá cỏ tranh mềm và sắc như dao.

“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”: Tâm nhãn hướng về miền biên cương - 4

Nỗi nhớ thương đồng đội, niềm đau đáu của người ở lại hiện rõ trên khuôn mặt của những cựu chiến binh.

Ông chia sẻ, cuốn sách được viết ra bắt đầu từ những đêm trắng như đêm 17 tháng 2, những ký ức chiến tranh không thể nào quên, nó trở về bám rễ, rồi hằn sâu trong tâm trí những người lính cầm súng bảo vệ biên cương phía bắc của Tổ quốc ngày ấy. Những tên người, địa danh trong cuốn sách này đều được ông giữ nguyên. Bởi vậy, nguyên tắc trung thực được ông đặt lên hàng đầu.

Để hoàn thiện được cuốn sách, ông đã phải viết đi viết lại nhiều lần nhưng nếu không viết ra, ông cảm thấy như mình mắc nợ đồng đội, mắc nợ nhân dân Cao Bằng đã sát cánh chiến đấu và có lỗi với con cháu mình vì đã để chúng không biết gì về Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên nơi mấy chục năm trước đã thấm đẫm máu đào những người chiến sĩ biên cương, những người lính Trung đoàn 567.

“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”: Tâm nhãn hướng về miền biên cương - 5

Bìa cuốn sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”.

Người viết lời giới thiệu cho cuốn sách - Phó giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương tâm sự: Trong cuộc đời mình, bất cứ khi nào tôi vẫn luôn day dứt và dành vị trí trong tâm thức, con tim của mình đối với những người lính đã tham gia vào các cuộc chiến bảo vệ đất nước, đó luôn là một vị trí thiêng liêng, tôi thật tâm kính nể các anh.

“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”: Tâm nhãn hướng về miền biên cương - 6

Phó giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương chia sẻ tại buổi trò chuyện.

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” để lại cho các thế hệ muôn đời sau một kho tư liệu vô giá mà nhờ đó họ sẽ được sống lại và cảm nhận được hơi thở, nhịp đập, sức nóng lên chiến trường Cao Bằng, Hà Giang nói riêng và trên toàn tuyến biên giới phía bắc những năm 1979-1989 nói chung. Và cũng qua đó, các thế hệ sau sẽ rút ra được từ cuộc chiến tranh này những bài học quan trọng về dã tâm của kẻ xâm lược, về tinh thần chiến đấu quả cảm nhưng thấm đẫm nhân văn, nhân ái của quân dân chúng ta.

“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" đã tái hiện chân thực và sinh động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc qua hai giai đoạn chính vào năm 1979 ở Khau Chỉa (Cao Bằng) và năm 1985 ở Vị Xuyên (Hà Giang).

Cuốn sách gồm 369 trang, chia làm 5 phần: Cao Bằng, một dải biên cương; Khau Chỉa mười hai ngày đêm khói lửa; Trở lại Tà Lùng; Vị Xuyên-Lời thề trên đá; Những người lính trở về.

Tác phẩm như là một tâm nhãn, tấu lên để tưởng nhớ và dành cho những liệt sĩ đã nằm lại ở biên cương, những đồng đội, những người là nhân chứng đã chiến đấu tại mặt trận và dành cho cả những tâm hồn vẫn luôn thổn thức về năm tháng ấy.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phụng dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954

Phụng dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954

Lần đầu tiên sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các tác phẩm xuất sắc đạt giải Nhất, giải Nhì tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức năm 1954 được phục dựng lại và biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.