Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng”

Ngày 20/9, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí và thông tin về Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm. Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra sáng 7/10 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với sự tham dự của các đại biểu đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận, hợp tác song phương (CMOs), đại diện các cơ quan quản lý văn hóa, các nhạc sỹ, nghệ sỹ… đã đồng hành gắn bó cùng Trung tâm trong 20 năm qua.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng” - 1

Cuộc gặp gỡ báo chí “VCPMC - 20 mùa xuân rực rỡ”.

Nguồn thu tăng trưởng qua từng năm

Tính đến tháng 9/2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký thoả thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại sự kiện, đại diện trung tâm cho biết tổng số tiền VCPMC thu được từ khi thành lập đến nay tăng trưởng qua từng năm. Trong đó, năm 2002 là 78 triệu đồng, 2012 thu 48 tỷ đồng, 2021 là 160 tỷ đồng và năm nay dự kiến đạt trên 230 tỷ đồng.

Tổng số tiền Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu được trong 20 năm (2002 - 2021) là trên 1.000 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định gần 100 tỷ đồng.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng” - 2

Biểu đồ về tiền tác quyền VCPMC thu được 20 năm qua. Ảnh: VCPMC

Nguồn thu tập trung ở một số lĩnh vực như: Nghệ thuật biểu diễn và các loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng âm nhạc; phát thanh và truyền hình; trực tuyến với các mảng website, ứng dụng di động, nhạc chuông, nhạc chờ...

Ông Đinh Trung Cẩn - tổng giám đốc VCPMC thông tin, dòng nhạc thu được nhiều tiền tác quyền nhất là nhạc đỏ tức nhạc cách mạng với sức sống trường tồn, sử dụng trong phát thanh, truyền hình và nhiều chương trình văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, nhạc cổ điển thì khá kén người nghe, sử dụng. Dòng nhạc thị trường, nhạc nhẹ có sự trồi sụt rất rõ rệt tùy theo sức nóng của tác phẩm. Có những bài "hot" có tác quyền tăng rất nhanh nhưng thời gian kéo dài không lâu và nhanh chóng sụt giảm.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng” - 3

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chia sẻ thông tin về Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Ảnh: VCPMC

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 và những năm tiếp theo, VCPMC tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan (Joint Licensing) cụ thể là: Hội bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Universal Music Pte., Sony Music… và nhiều đối tác chiến lược khác; đồng thời triển khai phần mềm “VCPMC Music Connection”... nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng và đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu quyền theo quy định và hướng dẫn của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành.

Hiện nay, VCPMC có phạm vi hoạt động trên cả nước, trụ sở chính tại Hà Nội, Chi nhánh phía Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng. Đồng hành, gắn bó, chia sẻ trên mỗi chặng đường hình thành và phát triển, ở mọi giai đoạn dù có khó khăn đến đâu, chính là các thành viên VCPMC - những nhạc sĩ, tác giả thuộc nhiều thế hệ đã tin tưởng ủy thác cho VCPMC suốt 20 năm qua.

Nơi các nhạc sĩ, tác giả gửi gắm niềm tin tưởng

VCPMC là mái nhà chung nơi các nhạc sĩ, tác giả tin tưởng ủy thác và đồng hành, là “cánh tay nối dài” cho hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, góp phần làm chuyển biến nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng từng bước đi vào đời sống xã hội, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng” - 4

Các đại biểu tham gia trại sáng tác. Ảnh: VCPMC

Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, ông thực sự xúc động khi VCPMC đã trải qua chặng đường nhiều vinh quang, thắng lợi trong 20 năm qua. Từ những ngày đầu, văn phòng với không gian nhỏ, mọi thao tác đơn giản, mọi văn bản đều chép bằng tay nhưng giờ mọi thứ đã khác, có những phát triển không ngờ. VCPMC như là nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng. Việc có VCPMC là bước đi văn minh. Những người đã khởi dựng VCPMC là những con người dũng cảm, là những con người trong thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh mong muốn và kỳ vọng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, phối kết hợp với các cơ quan chức năng, đưa ra những cảnh báo vi phạm nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như hạn chế tối đa xâm phạm quyền tác giả âm nhạc, nhất là trên môi trường số hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ 4.0.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng” - 5

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: VCPMC

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh: “Hội Nhạc sĩ Việt Nam tin tưởng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với 20 năm xây dựng và trưởng thành sẽ tự tin vững bước trước những đòi hỏi, thách thức của thời đại kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chỉ có như vậy, nền âm nhạc Việt Nam mới ngày một phát triển văn minh hơn”.

Chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết anh tham gia Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam từ năm 2006, lúc ấy tiền tác quyền nhận được là 9 triệu đồng và đến năm 2021, số tiền nhận được là hơn 1,2 tỷ đồng. "Đối với tôi đây là mái nhà, nơi mang lại những lợi ích hợp pháp và khiến tôi tin rằng có thể sống được với nghề" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: “Nốt nhạc đầu tiên cho bản giao hưởng” - 6

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ tại buổi gặp mặt. Ảnh: VCPMC

Họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao - cho biết ngay từ khi VCPMC thành lập, gia đình ông đã đăng ký chuyển giao tất cả tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao. Bố ông không còn sống nhưng tiền tác quyền thu được đủ nuôi mẹ, con cháu không phải hỗ trợ. Đó là niềm mơ ước của cha ông khi còn sống.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là tổ chức phi lợi nhuận, trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ được Hội nhạc sĩ Việt Nam.

VCPMC được thành lập ngày 19/4/2002 theo Công văn số 28/BTCCBCP-TCPCP ngày 18/4/2002 của Ban Tổ chức cán bộ (nay là Bộ Nội vụ) và Quyết định số 19/2002/QĐ ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Bên cạnh việc thu tác quyền, kể từ năm 2016, Bộ phận pháp chế Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thường xuyên khảo sát, phát hiện vi phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi xâm phạm ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc; thực hiện các bước cảnh báo vi phạm, báo cáo vi phạm, áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả thành viên...

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.