Dòng sông tuổi thơ

(Arttimes) - Quê hương tôi có con sông Nghèn xanh biếc, nơi đây đã gắn bó với ký ức tuổi thơ của biết bao người con thị trấn…. Sông Nghèn bắt nguồn từ hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố đổ về Sông La. Từ đây, nhánh lớn đổ ra Sông Lam, còn nhánh nhỏ chảy qua Trung Lương (Đức Thọ), Can Lộc, Thạch Hà rồi ra Cửa Sót (Hà Tĩnh) để hòa vào biển cả…

Dòng sông tuổi thơ - 1

Sông Nghèn. Ảnh Hồng Vân 

Từ bao đời nay,con người quê tôi luôn gắn bó với dòng sông trong xanh và mát rượi. Mãi đến bây giờ những người con xa xứ chúng tôi vẫn đầy ắp những kỷ niệm về dòng sông ngày ấy. Đó là những buổi trưa hè oi ả và những buổi chiều tà, dòng sông bỗng nhiên nhộn nhịp của lũ trẻ con lẫn người già đến tắm, giặt. Cái cảm giác của bọn trẻ chúng tôi kể cả con gái và con trai cởi trần truồng lặn ngụp, bơi lội, đuổi nhau và những trận cười át tiếng sóng vỗ. Người dân quê tôi coi “đi tắm rào” (tắm sông) là một hình thức sinh hoạt cộng đồng. Họ thông tin cho nhau mọi chuyện vui, buồn, giúp nhau trong cuộc sống. Mỗi khúc sông thoai thoải lại có một bãi đá được trải dài từ bờ ra đến gần giữa sông để phù hợp với việc tắm giặt khi thủy triều lên, xuống. Những tảng đá lâu ngày ngâm mình dưới nước bị rong rêu bám rất trơn, vậy mà ai cũng muốn được đứng lên đó để thăm dò độ nông, sâu, càng ra xa, càng tốt. Trẻ em quê tôi cứ mười tuổi là phải biết bơi qua sông Nghèn,những ai không biết bơi thường ngồi trên bờ tụ tập các trò chơi. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên theo cha đi tắm sông và học bơi, ông bế tôi đứng lên vai rồi từ từ bước đi, có đôi lúc nước ngập đầu, chảy vào mồm và mũi. Đó là cảm giác ban đầu làm tôi sợ hãi. Cha tôi dặn: “Con đừng sợ, phải mạnh mẽ lên mới thành công được”. Quả thật, sau khi tự mình bơi được qua sông, tôi cảm thấy rất hãnh diện với bạn bè.

Những bãi tắm bên sông ấy, cũng là nơi hò hẹn và chứng kiến bao mối tình đẹp đẽ của các chàng trai, cô gái. Những chiều hè, sau ánh hoàng hôn, các nam thanh, nữ tú đến đây trò chuyện tâm tình, trao duyên.Tại đây có nhiều bến đò đã trở thành nơi tiễn đưa bao người con quê tôi lên đường nhập ngũ và nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Chỉ còn lại những ký ức đẹp bên dòng sông là trường tồn mãi với thời gian như nhà thơ Tế Hanh viết: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre/Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng/Chẳng biết sông có giữ ngày, giữ tháng/Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi/Hỡi con sông đã tắm mát cả đời tôi…”

Dù xa quê đã mấy chục năm rồi nhưng hình ảnh người dân đổ ra bờ sông hóng gió của những đêm hè nóng bức vẫn còn đọng mãi. Những đêm trăng sáng từ người già, đến trẻ em đều có chung một niềm đam mê ra sông hóng gió và nghe Đài tiếng nói Việt Nam. Một số chương trình ấn tượng của “nhà đài” hồi đó như “sân khấu truyền thanh”, “câu chuyện cảnh giác”, “đọc chuyện đêm khuya” và đặc biệt là chương trình văn nghệ, tiếng thơ với giọng ngâm đầy truyền cảm của nghệ sĩ Châu Loan đã tạo nhiều ấn tượng trong lòng mọi người…

Con sông Nghèn quê tôi bên bồi, bên lở theo con nước thủy triều lên, xuống (mùa nắng nước mặn chát, mùa mưa thì nước ngọt lợ) đã cung cấp cho chúng tôi biết bao tôm, cua, cá… mùa nào thức ấy, ruốc rươi, ruốc cáy (mắm rươi, mắm cáy). Ruốc cáy vùng Xuân Liệu được coi là đặc sản nổi tiếng. Mỗi lần nhắc đến vị thơm đậm của ruốc cáy chấm với bầu non luộc hoặc cà dừa (cà bát)làm tôi nhớ lại mấy câu ví mộc mạc làng quê: “Dân Xuân Liệu bà tui/Bắt một nạm cáy hôi/Về đâm đâm, phơi phơi/Đem ra chợ mà ngồi/Ruốc nhà tui ngon lắm bà ơi/ Ngon bằng năm ruốc bể/Ngọt bằng mười ruốc bể”Đặc biệt, tôi nhớ mãi những chiều mưa ngâu, chúng tôi rủ nhau đi dọc bờ sông để bắt rươi về nấu với vỏ quýt, một món ăn dân dã đậm chất quê. Hoặc những đêm trăng đầu tháng của ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch), chúng tôi đi vớt những con rạm… Theo người dân kể lại,mỗi năm chỉ có một đêm rạm kết thành từng mảng lửng lờ trôi theo dòng nước để đi “bán gạch”. Đến mùa đi bắt nuốt (một loại giống như con sứa, nhưng bé hơn, chỉ to bằng quả thị), chúng tôi được thưởng thức một loại thực phẩm sạch vừa mát, vừa bổ. Khi tắm, nếu để nuốt chạm vào người thì ngứa lắm, nhưng khi vớt về chế biến xong đem chấm với mắm tôm, chanh, ớt ăn cùng với lá tía tô, kinh giới và bánh đa khô thì còn gì bằng. Hai bên sông là những bãi bần xanh mướt, mùa hè đến quả bần chín thơm. Bọn trẻ chúng tôi thường cưỡi trâu bơi qua sông để trèo hái những quả bần chín, với vị chua, ngọt hấp dẫn,chỉ mới ngửi thôi đã có sức quyến rủ lạ lùng… Lúc nước thủy triều xuống, dưới những chùm gốc bần hiện lên nhiều đàn cua, cáy, cá bống, thòi lòi, tha hồ cho lũ trẻ chúng tôi bắt…

Dọc theo đôi bờ của con sông Nghèn trãi dài nhiều cánh đồng cói, nơi đây đã cung cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề dệt chiếu. Làng Nam Sơn của Thị trấn Nghèn là làng nghề dệt chiếu cói có thương hiệu nổi tiếng từ ngày xưa và đã từng đi vào những áng thơ ca: “Chiếu cói Nghèn gần xa biết tiếng/ Nón Ba Giang kẻ hẹn,người hò” hoặc là “ Chiếu cói Nghèn trãi giường gỗ Thái Yên”…Tiếng dệt chiếu hàng ngày của làng nghề tạo những âm thanh rộn rã cùng tiếng í ới gọi nhau đi bán chiếu khắp mọi nẻo chợ quê.

Bên dòng sông thân thương ấy còn có chợ Nghèn, chợ truyền thống vừa mang dáng dấp thành thị lẫn nông thôn luôn tấp nập người mua, kẻ bán với cảnh tượng trên bến, dưới thuyền thể hiện sự sầm uất của một vùng quê. Với bọn trẻ chúng tôi có lẽ không có gì vui hơn được đi chợ trong những ngày giápTết. Đi chợ để được gặp bạn bè, được mua sắm quần áo mới, mua tò he, câu đối và pháo tép để đốt trong đêm giao thừa là những mong đợi của lũ trẻ chúng tôi trong suốt một năm. 

Vắt vẻo qua sông là chiếc cầu bằng sắt, dài hơn xác giặc nối đuôi, nặng hơn bom Mỹ dội. Từng đoàn xe kéo pháo và những đoàn quân vào Nam tình nghĩa ruột rà. Vào những đêm trăng, trên cầu từng đôi trai gái nhún nhảy đi qua, họ hẹn hò nhau, chờ đợi nhau. Cầu Nghèn đã trở thành niềm tự hào của người dân quê tôi, nhiều bạn trẻ đã thành duyên đôi lứa, vậy nên có thơ rằng:  “Cầu Nghèn sợi chỉ xe duyên/Ai chưa có vợ hãy lên cầu Nghèn”…

Bến cảng sông Nghèn cũng thật sầm uất, nhất là mỗi buổi sớm bình minh từng đoàn tàu, thuyền tấp nập cập cảng, âm thanh rộn rã của tiếng còi tàu cùng tiếng bước chân rậm rịch của những người thợ bốc vác hòa quyện vào nhau tạo không khí hối hả. Chiếc cầu cảng nhô ra giữa sông để xe tải vận chuyển những kiện hàng từ tàu lên bến, bên cạnh là những chiếc cầu gỗ như oằn mình cõng những người thợ bốc vác với những bao hàng nặng trĩu. Trong cảnh tấp nập buổi sáng ấy, giai điệu bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trên Đài tiếng nói Việt Nam vang lên da diết “Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa/Thương con đò cắm sào đứng đợi/ Cả cuộc đời ngày hôm nay trên trang sách mới/ Yêu quê hương mình nhớ về từng thưở xa xưa/…

Con sông Nghèn quê tôi lãng mãn là vậy, nhưng trong những năm chiến tranh chống Mỹ cũng thật đau thương. Vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ XX, nơi đây đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch. Trong ký ức tôi còn nhớ như in. Hôm đó là ngày mồng 5 tháng 8 năm 1964, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau ra cầu Nghèn chơi, khi chúng tôi đang mãi ngắm con sông để tận hưởng gió mát đầu thu. Bổng phía núi Hồng Lĩnh từ sau những đám mây có ba tốp phản lực bay ra. Lần đầu, thấy máy bay chúng tôi đứng cả dậy và reo lên: “tàu bay, tàu bay”…nhưng chỉ chưa đầy mấy phút sau, chúng tôi đã nghe thấy tiếng bom nổ chát chúa ở phía nhà máy điện Vinh, rồi những cột khói, ngọn lửa ngùn ngụt bốc cao. Lúc này chúng tôi chợt hiểu - “chiến tranh” nên vội vàng chui xuống gầm cầu để ẩn nấp. Tối hôm đó, chúng tôi được biết lần đầu tiên máy bay Mỹ đã chính thức ném bom đánh phá miền Bắc nước ta. Từ đây, bến phà Nghèn luôn là mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Ngày cũng như đêm những chiếc máy bay “ thần sấm”,  “con ma” của địch rình rập ném bom. Đôi bờ của con sông Nghèn bị bom đạn địch cày xới tan hoang, những rặng tre, bãi bần cháy sém, tôm, cá chết trắng cả dòng sông. Tôi còn nhớ vào một đêm hè của năm 1968, khi trời vừa xẩm tối, chúng tôi cùng ra bờ sông hóng mát và nhìn những chiếc ca nô đẩy phà từ chỗ ngụy trang ra để chuẩn bị đưa xe qua sông. Bỗng có bốn chiếc máy bay từ biển lao vào, chúng ném bom xối xả xuống dòng sông. Những cột nước dâng cao trắng xóa như những chiếc vòi rồng cùng với đó là những tiếng nổ xé tai. Một chiếc phà bị trúng bom nghiêng hẳn sang một bên, chiếc ca nô bốc cháy ngùn ngụt. Tiếp đó là tiếng kêu cứu của các chiến sĩ lái ca nô. Qua làn khói đen nghi ngút, tôi nhìn thấy chú bộ đội công binh quần áo bị bén lửa nhảy xuống sông, tiếp đó là các cô, các chú dân quân bơi xuồng ra để cứu thương binh. Qua trận oanh kích dữ dội đó, một chiến sĩ lái ca nô đã anh dũng hy sinh, ba chiến sĩ khác bị thương. Lần đầu tiên chứng sự hy sinh mất mát của các chiến sĩ bộ đội công binh trên dòng sông quê hương, thực sự là nỗi ám ảnh khó phai mờ trong ký ức chúng tôi…

Những năm, tháng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng bào tuyến lửa khu IV nói chung và người dân sông Nghèn quê tôi phải hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp của bom, đạn Mỹ. Dòng sông Nghèn hầu như không bao giờ được lặng sóng. Những tàu, thuyền chở vũ khí, đạn dược lương thực, thuốc men qua sông đều bị địch ném bom dữ dội. Có những chiếc thuyền chở gạo bị trúng bom, gạo đựng trong bao ni lon trôi kín cả dòng sông. Có lúc, cả tháng trời những người dân bên sông Nghèn phải ăn gạo ướt vừa chua, vừa nồng. Vì vậy, người dân phải chế biến thành miến, hay bánh cuốn cho dễ ăn. Dọc bờ sông phơi nhiều gạo ướt…Không chỉ gạo mà có lúc cả tàu chở đường cũng bị trúng bom, đường mía tan chảy nhuốm vàng cả một khúc sông…Những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó, ngoài giờ học, lũ trẻ chúng tôi đã biết bảo nhau đi chặt lá, thu gom giẻ cũ mang lên trận địa pháo cao xạ để  giúp các chú bộ đội ngụy trang và lau chùi pháo…

Sông Nghèn chỉ cách ngã ba Đồng Lộc- Ngã ba huyền thoại khoảng 9 km, nơi đây đế quốc Mỹ đã trút xuống hàng vạn tấn bom, đạn nhằm ngăn chặn chi viện của hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trong những đợt đánh phá ác liệt đó có 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 đã kiên cường dũng cảm hy sinh.Các chị đã ra đi ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, để hóa thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam. 

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/1/1973), cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc nước ta chấm dứt, phải mất hơn hai năm sau, cầu Nghèn được xây dựng lại chính thức đi vào hoạt động. Sông Nghèn trở nên hiền hòa như bao đời nay.    

Dòng sông Nghèn thơ mộng giờ đây chỉ còn lại trong ký ức, bởi sau khi được ngọt hóa, sông Nghèn đã không còn trong xanh và tuân theo quy luật của thủy triều lên, xuống. Sông không còn cung cấp cho cư dân đôi bờ tôm, cua, cá, mùa nào thức ấy như những năm xưa. Lũ trẻ bây giờ không thể hình dung được “tắm rào” là gì nữa. Những đồng cói mướt xanh và làng nghề dệt chiếu quê tôi dần đi vào quên lãng, cảnh sớm hôm chài lưới bên sông nay cũng chỉ còn là những tiếc nuối mà thôi…Nhưng dù sao, sông Nghèn cũng là nơi nuôi dưỡng chúng tôi lớn lên. Chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ cùng với những mất mát đau thương trong chiến tranh mà người dân quê tôi phải hứng chịu. Những ký ức và hình ảnh con sông dạt dào kỷ niệm sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của những người con xa quêTôi bỗng chợt nhớ và mượn câu thơ của Tế Hanh trong bài “Nhớ con sông quê hương” để thay cho lời kết: “… Tôi giơ tay ôm nước vào lòng/Sông mở nước ôm tôi vào dạ/Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngã/Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông/Kẻ cuốc cày trưa nắng ngoài đồng/Tôi cầm súng lên đường đi kháng chiến…”.

None

Trần Anh Tuấn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống