Ba tuyển tập thơ nhạc Phạm Hồng Điệp: theo cùng dặm dài đất nước
Cuối năm 2024, Phạm Hồng Điệp vừa cho ra mắt 3 tuyển tập thơ - nhạc: "Miền Đất Việt", "Biển gọi em về", "Tuổi thơ trên đồng" đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành, tập hợp 200 bài thơ mà anh sáng tác trong khoảng 3 năm trở lại đây, trong đó có tới 138 bài đã được nhiều nhạc sĩ tên tuổi lựa chọn và phổ nhạc. Một số lượng tác phẩm đồ sộ.
Trước đó, tháng 4/2024, Phạm Hồng Điệp gây chú ý, bất ngờ đến ngạc nhiên với công chúng khi nhận kỷ lục Việt Nam và kỷ lục thế giới khi là người sáng tác thơ và có nhiều bài thơ được phổ nhạc với số lượng nhiều nhất Việt Nam (trong thời gian 03 năm, từ 2021 đến 2024); người sáng tác thơ về 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và được phổ nhạc với số lượng nhiều nhất (75 bài). Anh cũng tổ chức một số liveshow ca nhạc những tác phẩm phổ thơ anh và nhận được sự yêu mến của công chúng gần đây như liveshow “Ngọn lửa nhiệt huyết truyền cảm hứng” (Hà Nội) và chương trình nghệ thuật “Khát vọng truyền nhân” (Hải Phòng).
Doanh nhân, luật sư, TS Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh, 2024
Phạm Hồng Điệp cho biết, anh không phải nhà thơ và cũng không ước mơ làm thi sĩ, “Phạm Hồng Điệp chỉ là người yêu thơ, dạo chơi giữa vườn thơ với trái tim yêu đời và yêu người” nhưng số lượng tác phẩm và những giải thưởng anh nhận được của anh cho thấy tình yêu ấy thật đáng nể trọng.
Khi tổ quốc thấm sâu trong thớ thịt
Dẫu khác vùng miền cũng thẳm tiếng “Quê hương”
Lật giở tập thơ Phạm Hồng Điệp, tình cờ đọc những vần thơ sâu sắc này đầu tiên, định kiến về một doanh nhân thành đạt “tay ngang” làm thơ trong tôi tan biến. Tôi chăm chú đọc, thưởng thức 3 tập thơ anh – những vần thơ theo cùng dặm dài đất nước, nhận thấy thơ Phạm Hồng Điệp không dành nhiều công phu cho cách lập tứ, bố cục, kết cấu. Thơ anh giản dị, mộc mạc, nhưng giàu cảm xúc, lấp lánh tình yêu, niềm tin và hoài bão. Thấy thêm yêu đời, yêu người, yêu quê hương đất nước và khao vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới.
Ba tuyển tập thơ nhạc của Phạm Hồng Điệp
Sức hấp dẫn của thơ Phạm Hồng Điệp là từ một trái tim nhân ái, luôn có những khát vọng cao đẹp về quê hương, đất nước giàu đẹp bền vững, là tiếng nói của trái tim, là sự phản ánh chân thực về cuộc sống và con người. Thơ anh luôn chan chứa niềm tin yêu, dù trong khó khăn vẫn nhìn thấy cả bầu trời tươi sáng, đúng bản lĩnh của một người trai đất Cảng “ăn sóng, nói gió”. Thơ Phạm Hồng Điệp đầy chất phóng khoáng trữ tình, dễ dàng đi vào lòng người.
Đọc thơ Phạm Hồng Điệp biết được, trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, anh vốn là “một chàng trai ngực trần gió biển”, được sinh ra và lớn lên bên bờ sông Bạch Đằng lịch sử của Hải Phòng. Anh được trải nghiệm tuổi thơ trên cánh đồng với những năm tháng thơ ấu gian khó mặc mưa bom bão đạn theo mẹ làm đủ thứ việc nhà nông không thiếu việc gì để đỡ đần mẹ, từ đó hun đúc ý chí học tập, rèn luyện để xây dựng quê hương giàu đẹp. Sau này trải qua một thời khoác áo lính, học tập, bươn trải trên thương trường, trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống cùng tâm hồn giàu cảm xúc nên dù không có ý định ký gửi cuộc đời vào cái “nghiệp” thi ca, vẫn không thể không viết cái gì đó theo cảm xúc và cách của riêng mình. Chính vì vậy mà Phạm Hồng Điệp có thể sáng tác nhiều đến vậy.
Tuyển tập Biển gọi em về với 45 bài thơ trong đó có 35 bài được phổ nhạc. Đọc Biển gọi em về thấy được tiếng nói đầy bản lĩnh và hoài bão của doanh nhân:
“Doanh nhân nay chẳng ngại những phong ba
Đưa đất Việt vươn tầm cao mới”
(Việt Nam khúc hùng ca).
Là doanh nhân với vốn trải nghiệm phong phú, Phạm Hồng Điệp sáng tác nhiều về khát vọng xanh, về cuộc sống, lý tưởng của một doanh nhân, cũng như khát vọng vươn lên của doanh nhân Việt Nam cho một đất nước hùng cường với âm hưởng thơ hùng tráng, từ đó tiếp tục truyền cảm hứng đến các doanh nhân trẻ. Đó là một mảng rất độc đáo trong thơ anh:
“Làm trai dám nghĩ dám làm
Một lòng khát vọng xây đời, hiến dâng
Trải bao sóng gió phong trần
Đời trai này vẫn chí bền tận tâm
Lên rừng xuống biển đã từng
Phiêu du đây đó lẫy lừng xông pha
Rồi sau những lúc phong ba
Thong dong bình thản mây qua trước thềm"
…
"Chân trời nào cũng xa vời
Cứ đi để biết, để đời thênh thang”.
Biển gọi em về cũng là tiếng nói tri ân cuộc đời này, tri ân con người, thể hiện thế giới tình cảm sâu nặng với quê hương, với mẹ, Shinec-Nam Cầu Kiền. Đặc biệt là tình cảm chân thành, kính yêu của tác giả đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
“Vị tướng lòng dân xin bình thản
Có chúng con dày nghĩa nước non
Dốc lòng tiếp bước, tâm vì nước
Vẹn nghĩa trọn tình dạ sắt son
Sa bàn chiến thắng Điện Biên Phủ
Nhắc nhở lòng con: Người dõi theo”.
Đại tướng là người đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho Phạm Hồng Điệp vươn cao, bay xa như ngày nay với những lời nhắn nhủ, động viên lúc sinh thời.
Miền đất Việt tập hợp 63 bài thơ viết về 63 tỉnh thành trên cả nước, tất cả các bài thơ đều được phổ nhạc. Phạm Hồng Điệp chia sẻ: “Tôi có một may mắn - đó là đã được đặt chân lên 63 tỉnh thành phố của Việt Nam. Những cảm xúc tôi có được từ góc độ cá nhân, của một người từng trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, của đời doanh nhân, luật sư và đặc biệt là một người lính cụ Hồ. Tôi đã cảm, đã cuốn theo nhịp thở của thiên nhiên, của con người nơi tôi đặt chân đến. Để rồi những bài thơ đến với tôi, rất tự nhiên. Vậy là tôi viết. Tôi viết về đời sống con người, văn hoá, phong tục, cảnh quan, thiên nhiên,... những điều mà tôi gặp, tôi chạm trên hành trình tới mọi miền Tổ quốc tôi yêu”.
Với tư duy tả thực, Phạm Hồng Điệp đã viết theo cảm xúc riêng, bằng những góc nhìn đôi khi rất cá nhân, rất đời; “đôi khi lại phiêu theo xúc cảm dẫn dụ, tôi để trí tưởng tượng dẫn tôi đi...”.
Tuyển tập Tuổi thơ trên đồng là những ký ức rất bình dị, rất đời của cuộc sống nông thôn một thời xưa cũ, nơi tuổi thơ lam lũ trên đồng nhưng đầy thương mến của tác giả với lời thơ mộc mạc, chân thành thấm chất quê. Dù trong gian khó, vần thơ vẫn đầy ắp tin yêu:
“Sáng mai đi cày sớm
Mấy thửa ruộng đang chờ
Thẳng tay cày tay cấy
Cho lúa tốt xanh bờ
Rồi trồng cây lang nước
Cho lúa tốt xanh bờ”.
Phạm Hồng Điệp cho biết, tuổi thơ trên đồng cũng “là nội lực, là niềm tin, là dấu yêu hun đúc nên một “tôi” của ngày nay”.
Quê hương là một đề tài lớn trong thơ Phạm Hồng Điệp. Vùng quê với những con người rất thật thà thẳng thắn hào sảng đúng nghĩa người Hải Phòng, giàu truyền thống văn hóa gieo neo vào tâm hồn và thơ anh.
Thơ anh giàu tính nhạc được các nhạc sĩ chắp bút, viết lên những bản nhạc đầy cảm xúc với đa dạng các thể loại dân gian truyền thống, mang âm hưởng bản địa như dân ca, xẩm, chèo… bên cạnh dòng nhạc hiện đại như rap, pop, blue jazz…
Ba tuyển tập thơ của Phạm Hồng Điệp nối tiếp lan toả tình yêu quê hương, đất nước, truyền cảm hứng vươn lên và cống hiến vì một Việt Nam hùng cường trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Bình luận