Kéo người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống
(Arttimes) - Với tình yêu và sự trân trọng nghệ thuật truyền thống dân gian Nam Bộ, nhóm Đối thoại Văn hóa Cộng đồng (CCD) - gồm những người trẻ, đã dành tâm huyết thực hiện bộ sách mang tên Lục tỉnh cầm ca.
Trong Lục tỉnh cầm ca, các tác giả tập trung giới thiệu những kiến thức, lịch sử hình thành 4 bộ môn nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ là hát bội, diễn xướng dân gian Nam Bộ, đờn ca tài tử và cải lương. Đồng thời, sách còn giới thiệu những nghệ sĩ đầu đàn, các nhạc cụ sử dụng đi kèm và giới thiệu cách học 4 bộ môn nghệ thuật trên... trong giới trẻ. Những kiến thức cơ bản về bốn loại hình nghệ thuật được trình bày cô đọng, từ bối cảnh lịch sử hình thành các loại hình diễn xướng, sân khấu hóa chất liệu âm nhạc, nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại, giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ tiếp cận và chung tay tiếp tục giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa cổ truyền.
Cuối năm 2017, sau khi tham vấn cùng các nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, nhóm Đối thoại Văn hóa Cộng đồng (CCD) khởi động dự án Diễn xướng Nam Bộ để mong mang nghệ thuật cổ truyền tiếp cận với khán giả trẻ. Diễn xướng Nam Bộ đã tái hiện lại bối cảnh lịch sử hình thành, sân khấu hóa chất liệu âm nhạc - nghệ thuật cổ truyền với góc nhìn đương đại và làm cầu nối cho các thế hệ diễn viên, khán giả. Từ những kết quả đã đạt được, CCD đã tiếp tục thực hiện Dự án Thư viện diễn xướng Nam Bộ lục tỉnh cầm ca.
Chọn cách tiếp cận trẻ trung, sống động, bộ sách dễ gần gũi với độc giả trẻ, bận rộn. Sách có mã QR để độc giả nhập vào thư viện trực tuyến xem, nghe và mở rộng tìm hiểu văn hóa, lịch sử cả 400 năm của vùng đất Nam Bộ. Đây được xem là điểm sáng hiệu quả với mong muốn thu hút nhiều tầng lớp khán giả am hiểu và yêu nghệ thuật sân khấu nước nhà; Để những loại hình nghệ thuật đặc trưng như hát bội - cải lương - đờn ca tài tử - diễn xướng dân gian Nam Bộ không rơi vào tình trạng lãng quên.
Chia sẻ tại chương trình Lục tỉnh cầm ca vừa diễn ra tại Đường Sách TPHCM, ông Phan Khắc Huy (sáng lập nhóm CCD) thông tin: “Ngoài mục đích giới thiệu nghệ thuật cổ truyền đặc sắc của Nam Bộ đến bạn đọc, bộ sách còn hướng đến bước đầu thể nghiệm một giáo trình dẫn nhập, giúp các bạn trẻ tiếp cận và tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền một cách dễ dàng và sinh động hơn”.
Đồng thời, ông Huy cho rằng, việc người trẻ thờ ơ với nghệ thuật truyền thống có lý do chủ quan và khách quan. Chủ quan là do họ thấy phương tiện tiếp cận đang thiếu hấp dẫn, còn khách quan là họ quên hoặc không biết đến sự tồn tại của các loại hình này. Nhiều bạn trẻ đang không biết hát bội là gì, không biết nó có còn tồn tại, đó là thực tế. Vì vậy mà chúng ta cần tạo ra cách tiếp cận khác, trẻ trung hơn, gần gũi hơn. Ngày xưa đi xem hát bội, cải lương, ông bà thường dẫn con cháu đi xem, dần dà con cháu lớn lên mới thấy yêu, thấy thích, nên muốn gìn giữ, phát triển, đừng quên giới trẻ. Mà thực tế cho thấy, chúng ta đang rất quên giới trẻ, cũng như giới trẻ đang rất quên nghệ thuật truyền thống.
Có một thực tế là nhiều chương trình, tác phẩm về nghệ thuật truyền thống của chúng ta làm rất hay, nhưng gần như vắng bóng người trẻ tham dự. Do đó, thật khó để họ hiểu, họ yêu. Điều mà chúng ta cần suy nghĩ là nghệ thuật truyền thống thì càng phải lôi cuốn được người trẻ tham dự. Đồng thời, tạo cho họ sự gắn bó về nhiều mặt, trong đó có cả quyền lợi, giúp họ thành một chủ thể quan trọng của loại hình đó, thì mới mong họ tiếp nhận, gìn giữ, phát triển và đổi mới. Đi vào nghệ thuật truyền thống, không chỉ là gìn giữ, bảo tồn, mà còn là cách để làm phong phú cho nghệ thuật đương đại, có thêm chất xúc tác để đổi mới, thể nghiệm.
Theo GDTD
Bình luận