Loạn danh nhan sắc, ai cũng có thể trở thành “hoa hậu”
(Arttimes) – Thời gian qua, hàng loạt những cuộc thi nhan sắc “mọc lên” như nấm sau mưa gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội. Ai cũng có thể trở thành hoa hậu, kể cả đã từng qua phẫu thuật thẩm mỹ. Một số cô người mẫu kiêm diễn viên đã quá tuổi, bỗng đột nhiên mất tích vài ngày rồi trở về với chiếc vương miện của một cuộc thi nào đó bên trời Tây đã không còn là chuyện lạ. Việc loạn xưng danh hoa hậu phải chăng do công tác quản lý còn lỏng lẻo, không kiểm soát?
Nhan sắc hoa hậu quá “nhàm”
Tổ chức ồ ạt, không có kiểm soát, nhan sắc các thí sinh hoa hậu quá “nhàm” khiến cho dư luận xã hội cảm thấy phát ngán. Năm 2017 có 2 cuộc thi được công chúng chờ đón là "Hoa hậu Đại dương" và "Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam". Nếu như cuộc thi "Hoa hậu Đại dương" được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm đại sứ của các dự án bảo vệ môi trường biển thì "Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam" lại nhằm tôn vinh những nhan sắc thế hệ mới, tự tin, quyến rũ và năng động. Thế nhưng cả hai cuộc thi này đều không tránh khỏi những lùm xùm.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp phép, thế nhưng, ngay trong đêm bán kết đã vấp phải sự phản đối của dư luận khi tổ chức trong hoàn cảnh người dân Khánh Hòa phải chống chọi với cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay. Dù có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đêm bán kết này, nhưng rõ ràng việc vướng phải những rắc rối ấy đã khiến cuộc thi mang điểm trừ trong mắt khán giả.
Những cuộc thi nhan sắc được tổ chức ở Việt Nam đã vậy, những người đẹp Việt Nam dự thi các đấu trường sắc đẹp quốc tế năm qua cũng nhạt nhòa. Người đẹp Mỹ Linh không gây được ấn tượng gì tại "Hoa hậu Thế giới 2017" nên cô chỉ có mặt ở top 40.
Mặc dù, nhận được nhiều kỳ vọng khi tham gia cuộc thi "Hoa hậu Hòa bình thế giới" - tổ chức tại sân nhà, cô cũng là gương mặt đại diện của nhà tài trợ - nhưng cuối cùng Huyền My chỉ lọt được vào Top 10.
Thành tích ấy không phải là quá thấp nhưng Huyền My lại không tạo được thiện cảm khi cô bị khán giả và ban giám khảo cho rằng còn thiếu hoạt bát, hòa đồng trong quá trình thi. Ngoài ra, những người đẹp như Thùy Dung ở "Hoa hậu quốc tế" hay Khánh Phương tại "Hoa hậu Siêu quốc gia" đều mờ nhạt... Chính vì thế, vị thế của Việt Nam trên bản đồ sắc đẹp quốc tế năm nay đã không được cải thiện nhiều.
Việc ngày càng tràn lan các cuộc thi hoa hậu, người đẹp mặc dù chúng ta đã có những quy định cứng cho thấy hình thức xử phạt của các cơ quan chức năng còn nhẹ, chưa xác đáng. Những nam thanh nữ tú sẵn sàng nộp phạt vài chục triệu để sau đó họ thu về tiền tỷ từ các danh xưng trên. Ngay cả những cuộc thi tầm quốc gia cũng đã có những lùm xùm không đáng có, mập mờ trong tiêu chí cho thấy việc quản lý, kiểm soát bị buông lỏng. Những danh hiệu tràn lan không chỉ khiến các giá trị văn hóa, thẩm mĩ bị sai lệch mà còn cổ xúy cho thế hệ trẻ lối sống thực dụng, chuộng hư danh...
Trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu?
Vụ việc Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh đăng quang ngôi vị hoa hậu đã gây tranh cãi trong dư luận xã hội. Một cuộc thi tầm cỡ nhưng nhan sắc hoa hậu lại hết sức tầm thường.
Và trước những phản ứng gay gắt của dư luận xã hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định tước vương miện và ngôi vị hoa hậu của Lê Âu Ngân Anh.
Trước đó, có những cuộc thi mà danh hiệu hoa hậu, nam vương được trao như mưa rào. Thậm chí, có những cuộc thi hết sức lạ lùng, như Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam..., bị khán giả phản ứng.
Theo giám đốc truyền thông của một công ty chuyên tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước, một cuộc thi lời hay lỗ phụ thuộc vào nhà tài trợ. Những cuộc thi càng có nhiều tài trợ thì càng có lời, nên không cần phải mua bán giải. Chỉ cần chọn ra top 3 xứng đáng, không bị dư luận phản ứng thì đã góp phần tăng giá trị của thương hiệu cuộc thi.
Cũng theo vị giám đốc này, nếu đọc kỹ, thì thật ra vẫn cấp phép đối với thí sinh thi quốc tế, nhưng phía địa phương nơi quản lý nhân khẩu của hoa hậu cấp phép, giảm thủ tục từ phía Cục Nghệ thuật biểu diễn. Điều này cũng hợp lý.
Tuy nhiên, cũng cần phải quản lý các người đẹp khi đi ra đấu trường quốc tế để tránh việc họ làm bậy, bôi bẩn hình ảnh Việt Nam, nên cần có chế tài cụ thể, mức phạt cũng không chỉ "giơ cao đánh khẽ". Đây cũng là cái khó và đòi hỏi trách nhiệm cao từ phía nhà quản lý.
Còn việc cho tổ chức tràn lan, không giới hạn các cuộc thi sắc đẹp thì nhiều người cho rằng không nên. Giải pháp hạn chế loạn thi hoa hậu vẫn là nên chăng tuân theo quy định cũ, tỉnh chỉ cấp phép cho cuộc thi người đẹp, cục cấp phép thi hoa khôi, còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép thi hoa hậu. Nếu cấp nào tùy tiện cấp phép, để xảy ra sự cố thì cấp đó phải chịu trách nhiệm.
Nguyễn Thủy
Bình luận