Loạt hot TikToker đu trend "đúng nhận sai cãi", cơ quan chức năng lên tiếng

"Đúng nhận sai cãi" đang khiến cả cộng đồng mạng xã hội Tiktok xôn xao.

Những ngày gần đây, từ khóa "đúng nhận sai cãi" liên tục phủ sóng khắp các nền tảng mạng xã hội. Loạt người nổi tiếng lẫn những nhà sáng tạo nội dung đình đám liên tục "bắt trend", nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng.

Loạt hot TikToker đu trend "đúng nhận sai cãi", cơ quan chức năng lên tiếng - 1

Video "đúng nhận sai cãi" đang lên top xu hướng ở TikTok

Theo đó, câu nói "đúng nhận sai cãi" bắt nguồn từ tài khoản TikTok C.Đ.T.H ở Kinh Môn, Hải Dương có hơn 145,6 nghìn người theo dõi. Cách thức xem vận mệnh của người tự xưng là cô đồng này là dùng dao, cắt đôi quả cau và xem bên trong của quả cau để đưa ra những phán đoán về người, việc nào đó đã hoặc sắp xảy đến.

Đáng chú ý câu nói "đúng nhận sai cãi" được cô liên tục nhắc lại với người xem sau khi nói hết một câu, một vấn đề, với tốc độ nhanh, nhấn mạnh trong các clip bất ngờ lên "xu hướng" TikTok. Cộng đồng mạng hài hước trêu đùa: "Tay cô cầm dao như thế, sai cũng không dám cãi". 

Loạt TikToker bắt trend "đúng nhận sai cãi" gây chú ý

Nhiều TikToker đã bắt đầu học hỏi, bắt chước câu "đúng nhận sai cãi" để sáng tạo ra những nội dung mang tính chất hài hước, giải trí. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn cover lại hình ảnh cô đồng với nhiều vật phẩm như bổ quả dưa, mít, nho,... khiến dân mạng bật cười. Nổi bật có Long Chun, Tun Phạm, Hoàng Hiệp. Các video này sau khi được chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội đều nhận về lượt xem khủng và đông đảo bình luận rôm rả từ dân mạng. "Hài hước quá anh ơi", "Nói thế thì ai mà cãi lại được", "Lên xu hướng liền đấy", "Cô nói sai thì cãi lại, mà cãi lại cô dỗi luôn",... là những bình luận dưới bài đăng.

Hầu đồng là một trong những tín ngưỡng văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016. Hầu đồng hay còn có tên gọi khác là hầu bóng là một nghi thức trong những hoạt động tín ngưỡng dân gian, thờ nữ thần mẹ Đạo Mẫu dòng Shaman giáo của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, có nhiều người dùng cách biến tướng tín ngưỡng này để trục lợi, nhuốm màu sắc thực dụng, mê tín dị đoan. Các chuyên gia văn hóa cho rằng, việc mượn hình thức hầu đồng để đưa ra những nhận định như kiểu cô đồng T.H thực chất là hành vi truyền bá mê tín dị đoan.

Hiện nay, Cục Cục Phát thanh - truyền hình - thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết sẽ có ý kiến yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến bói toán, mê tín dị đoan của cô đồng T.H. 

UBND thị xã Kinh Môn, Hải Dương cũng đang vào cuộc xác minh, kiểm tra vụ việc liên quan đến cô đồng này. 

Minh Hà

Tin liên quan

Tin mới nhất