Hoạt động lý luận phê bình: Thực trạng và giải pháp

Ngược lại với hoạt động sôi động của văn học, lý luận phê bình lại tẻ nhạt một cách bất ngờ. Diện mạo phê bình chưa thể coi là sự đồng hành cần thiết đối với sáng tác. Thực trạng phê bình, hơn lúc nào hết, đang bộc lộ những yếu kém mà nó vốn có.

Nghị quyết Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã đưa đất nước vào một cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện. Nền kinh tế quan liêu bao cấp phụ thuộc vào kế hoạch hóa tiến dần sang kinh tế thị trường, từng bước hội nhập vào kinh tế thế giới đã làm thay đổi hẳn diện mạo đất nước. Tăng trưởng kinh tế đã có bước tiến vượt bậc. Cơ sở hạ tầng được cải thiện. Đời sống đại bộ phận nhân dân được nâng cao.

Cùng với bước phát triển vượt bậc kinh tế, những chuyển động xã hội quan trọng đã làm thay đổi bộ mặt văn hóa tinh thần của cả nước. Đời sống tinh thần xã hội phong phú hơn cùng với sự xuất hiện của nhiều thành phần kinh tế. Dân chủ hóa xã hội được nâng lên. Nhận thức thẩm mỹ và thị hiếu của công chúng cũng đa dạng và phong phú hơn khiến cho nghệ thuật đa chiều hơn về nhu cầu, đa thanh hơn trong nội dung sáng tác, đa diện hơn trong hình thức sáng tạo và thể loại.

Sáng tạo văn học không ra ngoài quy luật ấy. Đội ngũ sáng tác, trong đó đông đảo nhất là thế hệ trẻ liên tục xuất hiện từng bước thay thế thế hệ đàn anh, thể hiện sắc sảo dấu ấn của mình trên văn đàn. Xuất hiện ngày càng nhiều thể nghiệm cách tân trong tư tưởng và sáng tạo nghệ thuật. Nhiều tác phẩm đã mạnh dạn vượt ra khỏi phương thức thể hiện rập khuôn, đơn điệu, một chiều mang lại một sinh khí mới cho nền văn học.

Trong bối cảnh ấy, phê bình văn học cũng từng bước thoát ra khỏi phương pháp phê bình xã hội học nặng tính áp đặt những quan điểm xã hội, quan tâm hơn đến ngôn ngữ nghệ thuật và cá tính sáng tạo của nhà văn, vai trò chủ thể quyết định đối với quá trình sáng tác. Hoạt động phê bình đã nỗ lực đáng kể trong việc ghi nhận một phần thực tiễn sinh động của sáng tác. Về mặt định hướng, phê bình cố gắng phê phán xu hướng lệch chuẩn, những biểu hiện lệch lạc trong sáng tác. Trong đánh giá tác phẩm, nói một cách công bằng, phê bình đã công tâm khích lệ những tài năng trẻ, những thể nghiệm sáng tạo mới trong xu thế hội nhập với thế giới và thời đại.

Nhưng phê bình văn học, dù đã thật sự nỗ lực vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của dư luận là hướng dẫn và thúc đẩy phong trào sáng tác trong điều kiện đất nước đổi mới và hội nhập. Ngược lại với hoạt động sôi động của văn học, lý luận phê bình lại tẻ nhạt một cách bất ngờ. Diện mạo phê bình chưa thể coi là sự đồng hành cần thiết đối với sáng tác. Thực trạng phê bình, hơn lúc nào hết, đang bộc lộ những yếu kém mà nó vốn có.

Thực trạng lý luận phê bình

1. Không theo kịp thực tiễn sáng tạo

Trong khi hoạt động sáng tác ngày càng phong phú, sinh động và đa dạng thì hoạt động lý luận phê bình lại có bước lùi so với những thời kỳ trước. Lý luận phê bình thiếu hẳn mối quan hệ gắn bó máu thịt với sáng tác và ngày càng tỏ ra tụt hậu không theo kịp thực tiễn sáng tạo của văn học. Được ghi nhận là khá trầm lắng, thụ động, lý luận phê bình hoàn toàn đánh mất khả năng hướng dẫn được hoạt động sáng tạo. Không những thế, cả lý luận lẫn phê bình đều tỏ ra đuối sức, hụt hơi trong việc ghi nhận những thành quả nhiều mặt của hoạt động sáng tác.

Lý luận phê bình bằng lòng là chiếc bóng mờ so với thực tiễn sôi động của hoạt động sáng tác văn học. Không có khả năng tổng kết được hoạt động sáng tác, những thể nghiệm nghệ thuật mới lý luận phê bình văn học càng không thể đủ sức dự báo được xu thế phát triển mới của nền văn học, hướng dẫn dư luận, định hướng hoạt động tiếp nhận của công chúng một cách khoa học. Lý luận phê bình rốt cuộc chỉ có thể bằng lòng tự hạn chế mình bằng những bài giới thiệu sách, giới thiệu tác giả - tác phẩm hời hợt, cảm tính, thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính hệ thống trong một cái nhìn toàn cục về một nền văn học.

2. Lúng túng, mất phương hướng và thiếu thống nhất

Trong tình hình khủng hoảng về lý luận nhiều mặt hiện nay, trong đó có lý luận nghệ thuật, lý luận phê bình văn học cũng đứng trước những biến động đáng kể. Từ cách tiếp cận văn học nghệ thuật chỉ trên cơ sở triết học duy vật và hệ tư tưởng, chúng ta bắt đầu nghiên cứu văn học, lý luận văn học (ngoài sử học và xã hội học) bằng cả mỹ học, tâm lý học, lý thuyết thông tin…

Quan hệ giữa văn học nghệ thuật và các hình thái ý thức xã hội khác được xem xét biện chứng hơn, đặc trưng của văn học được xem xét thấu đáo hơn. Một số chức năng mới của văn học như chức năng thẩm mỹ, dự báo… văn học được quan niệm là nghệ thuật ngôn từ, quá trình tiếp cận tác phẩm, vai trò người đọc đã đặt ra những vấn đề mới mẻ cho lý luận và nghiên cứu văn học.

Hoạt động lý luận lúng túng vì hệ thống lý luận cũ có nhân tố đã bị vượt qua nhưng chưa mất đi. Hệ thống lý luận mới chưa được tổng kết và trên thực tế chưa hình thành. Trong khi đó, hoạt động sáng tác văn học, bên cạnh những thành tựu, những nét tích cực tiếp thu những nét mới từ tinh hoa văn hóa nhân loại đã xuất hiện những sáng tạo nghệ thuật tiếp nhận một cách xô bồ, thiếu chọn lọc từ xu hướng nghệ thuật thị trường, xa rời thực tế cuộc sống nghệ thuật dân tộc.

Hoạt động phê bình thiếu một hệ thống lý luận mới làm chuẩn mực đã tỏ ra bối rối, mất phương hướng. Đã xuất hiện những quan điểm sáng tác, những đánh giá thẩm định tác phẩm rất khác biệt nhau. Tình hình đó làm cho việc đánh giá tác giả - tác phẩm không đồng  nhất, thậm chí trái ngược nhau khiến công chúng mất phương hướng.

Hoạt động lý luận phê bình: Thực trạng và giải pháp - 1

Diện mạo phê bình chưa thể coi là sự đồng hành cần thiết đối với sáng tác. Thực trạng phê bình, hơn lúc nào hết, đang bộc lộ những yếu kém mà nó vốn có. (Ảnh minh họa)

3. Thờ ơ, né tránh, manh mún và đơn lẻ

Trong khi sáng tác hăng hái xông vào những vùng đất mới, những thể nghiệm sáng tạo thì lý luận phê bình lại tỏ ra thờ ơ với những điểm nóng trong sáng tác đa chiều đa sắc của văn học. Lý luận phê bình có vẻ như không mặn mà trước những vấn đề mới mẻ mà phong trào sáng tác đã đặt ra. Nhiều vấn đề gai góc, hóc búa của sáng tác không được đề cập. Một số lệch lạc, tiêu cực trong hoạt động sáng tác, những tác phẩm non yếu về tư tưởng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc chưa được mạnh dạn mổ xẻ, phân tích.

Những thể nghiệm nghệ thuật chưa được xem xét một cách khoa học và từ đó cổ vũ đúng mức. Bàng bạc trong hoạt động lý luận phê bình là hiện tượng né tránh, ngại đụng chạm, hời hợt, xuề xòa theo kiểu dĩ hòa vi quý. Điều đó đã khiến cho gương mặt lý luận phê bình hiện đại rất nhợt nhạt, thiếu bản sắc, đánh mất tinh thần nồng nhiệt công dân của phê bình những thời kỳ trước và do vậy, đánh mất luôn vai trò tiên phong trên trận địa văn hóa nghệ thuật.

Đã thế, hoạt động lý luận phê bình còn tự làm yếu mình bởi sự phân tán, manh mún. Phê bình thiên về hoạt động một cách tự phát, cảm tính. Hoạt động này, trên thực tế thiếu hẳn một sự tập hợp đội ngũ của những nhà phê bình có tầm và có tâm, những cây bút sắc sảo để tạo ra một sức mạnh tổng hợp có sức thuyết phục có thể tác động rộng rãi đến dư luận xã hội. Đó là lý do khiến lý luận phê bình khó có thể định hướng dư luận, và vì vậy, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sáng tác, làm cầu nối hiệu quả giữa tác giả, tác phẩm và công chúng nghệ thuật.

4. Phê bình báo chí lấn át phê bình hàn lâm

Có một thực tế không thể không quan tâm: cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện truyền thông đại chúng, có thể nói không ngoa rằng, phê bình nghệ thuật hiện nay chủ yếu dựa vào truyền thông đại chúng. Điều đó có nghĩa là việc đánh giá một hiện tượng văn học, một thể nghiệm nghệ thuật, một tác phẩm văn học mới hiện chủ yếu dựa vào các nhà báo, các nhà phê bình không chuyên.

Sẽ là không công bằng khi phủ nhận vai trò phê bình văn học trên báo chí. Nhiều hiện tượng văn học nghệ thuật được báo chí phát hiện trên thực tế đã khẳng định tài năng và chỗ đứng của mình trên văn đàn. Nhiều tài năng trẻ nhờ báo chí mà phát triển, thăng hoa. Nhiều thể nghiệm nghệ thuật đã được ghi nhận trong đời sống nghệ thuật mới một cách tích cực.

Tác động của phê bình báo chí còn ở khả năng định hướng dư luận, đặt lên bàn các cấp quản lý những vấn đề nghệ thuật nóng, giúp các cấp thẩm đủ dữ liệu xem xét, điều chỉnh hoạt động sản xuất hay phổ biến một tác phẩm cụ thể. Trong thời đại thông tin với tốc độ vũ bão như hiện nay, nói cho công bằng, không có phê bình báo chí, văn học nghệ thuật sẽ rơi vào khoảng không vô tận.

Nhưng hoạt động phê bình trên báo chí xuất hiện với tần số dày đặc đã thực sự lấn át hoạt động phê bình hàn lâm. Bên cạnh những ghi nhận tích cực, phê bình văn học trên báo chí đã bộc lộ nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Không ít bài phê bình, thiếu sự hiểu biết về trí thức, vốn sống và khả năng cảm nhận nghệ thuật nên không đủ sự phân tích sắc sảo và tin cậy về chuyên môn.

Xuất hiện kiểu khen chê tùy hứng theo cảm tính và quan hệ quen biết. Ảo tưởng về quyền lực phán xét của cơ quan báo chí đôi khi bị lạm dụng khiến cho hoạt động phê bình trở thành hoạt động có tính cửa quyền, thiếu sự trong sáng, công tâm. Đó là chưa kể không ít bài phê bình khen chê theo kiểu bè phái, khen chê theo lợi ích nhóm, khen hội đồng và đánh hội đồng, khen chê theo phong bì, phong bao và quảng cáo để bán sách… làm nhiễu loạn hoạt động phê bình nghệ thuật khiến người đọc mất lòng tin.

Nguyên nhân của tình hình

Đi tìm nguyên nhân của tình hình trên, có thể thấy mấy vấn đề quan trọng sau đây:

1. Hoạt động sáng tác thiếu sức lay động

Văn học thời đổi mới được ghi nhận có một nghịch lý. Một mặt nó khá nhộn nhịp và sinh động với cách thể hiện đa diện đa chiều phong phú và sinh động. Nhưng mặt khác, văn học lại tác động đến cuộc sống ít hơn nhiều so với văn học thời bao cấp. Có mấy lý do dẫn đến tình hình này.

Một là, hoạt động xuất bản mở ra đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người về nhiều mặt từ tri thức, học hành, kỹ năng sống đã chiếm lĩnh thị trường sách và thu hẹp mảng sách văn học. Sách văn học được in ra với số lượng quá nhỏ (từ 500 đến 1000 cuốn) gần như chìm nghỉm trên văn đàn. Người ta không quá đáng khi nói rằng sách văn học chỉ để các nhà văn đọc với nhau. Thực tế đó khiến cho tác phẩm văn học gần như không có tác động gì đến dư luận xã hội.

Hai là, cùng với sự bùng nổ của các phương tiên giải trí và nghe nhìn, văn học trở thành kênh giải trí tốn kém và mất thời gian nhất khiến nhu cầu đọc sách giảm đi.

Ba là, sáng tác văn học, tuy đa dạng, có thành tựu, đáng tiếc, do xu hướng dị ứng với văn học phản ánh hiện thực, nhiều tác phẩm văn học, những tìm tòi nghệ thuật thiên về hình thức thể hiện, hơn là hướng tới lý giải các vấn đề đời sống, các vấn đề tư tưởng, quan tâm đến con người cá nhân hơn con người xã hội nên mất sức thu hút đối với công chúng. Tình hình trên khiến cho lý luận phê bình mất động lực nghiên cứu và sáng tạo, người làm công tác lý luận phê bình mất cảm hứng thoại và do vậy không còn tâm huyết với nghề nghiệp.

2. Đội ngũ phát triển chưa xứng tầm

Sự phát triển mạnh mẽ của của sáng tác đòi hỏi phải có một nền lý luận phê bình mạnh. Đáng tiếc, đội ngũ này, nhiều năm qua chưa đáp ứng nhu cầu của nền văn học mới. Đội ngũ lý luận phê bình vốn không chuyên, lại mỏng nên không đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ định hướng dư luận và hoạt động sáng tạo. Nhiều cây bút lý luận phê bình được đào tạo bài bản, căn cơ nay lớn tuổi, không theo kịp được thực tế sáng tác đã sớm rời vũ đài, tạo ra khoảng trống rất lớn trên lĩnh vực này, đặc biệt là đội ngũ hoạt động lý luận.

Cùng với sự khủng hoảng về lý luận văn nghệ nói chung, đội ngũ hoạt động lý luận văn học gần như bỏ ngỏ trận địa. Đó là lý do chúng ta không thể đưa ra những vấn đề lý luận mới. Không tổng kết được những nét mới đặt ra từ phong trào sáng tác và những thể nghiệm nghệ thuật điển hình. Lực lượng làm phê bình tác phẩm, chủ yếu là các nhà bào, không được đào tạo lý luận phê bình, ít trải nghiệm sống và khả năng cảm nhận văn học, chỉ có thể làm nhiệm vụ quảng bá sách, giới thiệu tác giả - tác phẩm hơn là đưa ra cái nhìn tổng quát về thực trạng văn học, từ đó dự báo về xu hướng phát triển của nền văn học.

3. Thiếu sự quan tâm đúng mức của vĩ mô

Bước vào kinh tế thị trường, bên cạnh trọng tâm phát triển kinh tế, văn học nghệ thuật ít được quan tâm hơn. Trong đó, lý luận phê bình nghệ thuật nói chung và lý luận văn học nói riêng cũng chịu chung số phận. Đầu tư xã hội cho hoạt động này gần như không có gì trong khi đòi hỏi về nó lại rất lớn. Việc đào tạo đội ngũ kế thừa trong lĩnh vực lý luận phê bình ở hàng loạt các trung tâm đào tạo văn hóa nghệ thuật đang rất khó khăn.

Sự thiếu quan tâm của quản lý vĩ mô từ định hướng xã hội, đổi mới chương trình đến ngân sách đào tạo khiến cho việc đào tạo đội ngũ này lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhu cầu xã hội thay đổi theo cơ chế thị trường cũng là một rào cản đối với việc đào tạo đội ngũ lý luận phê bình. Trên lý thuyết, nền văn học rất cần lý luận phê bình nhưng đầu ra cụ thể cho sản phẩm lại rất nan giải. Người được đào tạo đã ít, ra trường lại thiếu nơi làm việc càng khiến cho hoạt động đào tạo lĩnh vực này rơi vào bế tắc.

Trong khi đó, hoạt động lý luận phê bình thiếu đất để thi thố tài năng. Hoạt động lý luận phê bình nghiêm túc, công phu không có diễn đàn để thể hiện. Những vấn đề nêu trên các tạp chí, báo chuyên ngành số lượng người đọc rất ít, nên nếu có cũng sẽ chìm nghỉm trước dư luận. Việc chen chân vào các phương tiện thông tin đại chúng gần như vô phương. Thù lao thấp, thiếu đất diễn, làm nản chí các nhà lý luận phê bình. Nhiều người quyết định giải nghệ hay chuyển qua lĩnh vực nghiên cứu hoặc biên khảo là vì thế. Đó là chưa kể những tai họa khi thẳng thắn mổ xẻ phê phán một tác phẩm. Các tác giả rất dễ trở thành nạn nhân của sự thiếu văn hóa trong phê bình, thậm chí bị đánh hội đồng, ném đá trên mạng mà hầu như không được ai bảo vệ.

4. Ảnh hưởng của xu thế thả nổi văn hóa cho thị trường

Hoạt động văn học nghệ thuật xét trên bình diện sản xuất cũng là một hoạt động kinh tế, cũng chịu sự tác động của các quy luật kinh tế. Hàng hóa văn học cũng có 2 thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị trao đổi. Nhưng văn học nghệ thuật là loại hàng hóa đặc biệt mang tính đặc thù riêng.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, xu thế văn hóa tiêu dùng có vẻ đang tuyệt đối tính hàng hóa của văn học nghệ thuật. Tình hình này khiến cho một số ngành văn hóa tiếp cận được thị trường thì phát triển còn một số hoạt động trong đó có văn hóa đỉnh cao giảm giá, đình đốn, xuống cấp. Lý luận phê bình văn học cũng bị chi phối bởi xu hướng này. Sản phẩm lý luận phê bình nghiêm túc không phải thứ hàng hóa ăn khách và vì vậy, khó phát triển. Ở chiều ngược lại, hoạt động PR, quảng cáo tác phẩm lại khá rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng nhờ quan hệ thị trường.

Những giải pháp cần thiết

Từ việc nhìn nhận thực trạng và phân tích những nguyên nhân như trên, tôi nhận thấy có mấy giải pháp cấp bách sau đây:

1. Đưa các quan điểm nghệ thuật thành chính sách

Trong đường lối văn hóa văn nghệ của đảng, lý luận phê bình văn học luôn được coi là lĩnh vực có vai trò tiên phong trong việc định hướng và phát triển hoạt động sáng tác. Tuy nhiên, đáng tiếc, việc hiện thực hóa các quan điểm này thành những chính sách cụ thể lại rất lúng túng và chậm trễ.

Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là bên cạnh việc tăng cường nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm các cơ quan lãnh đạo văn hóa nghệ thuật phải lựa chọn được những cán bộ có tâm và có tầm vào các cơ quan này để quyết tâm biến nghị quyết của Đảng thành những chính sách cụ thể của Nhà nước. Trong đó tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phê bình văn học nghệ thuật một cách thỏa đáng với những bước đi cụ thể, thiết thực, hiệu quả như khuyến khích đầu tư xây dựng đội ngũ, xây dựng một hệ thống lý luận nghệ thuật dân tộc hiện đại Việt Nam bằng việc khuyến khích các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này, ưu tiên công bố các tác phẩm lý luận phê bình, chế độ khuyến khích nhuận bút...

2. Đổi mới phương thức đào tạo đội ngũ lý luận phê bình

Xem xét một cách toàn diện hệ thống đào tạo đội ngũ lý luận phê bình trong các trường đại học. Đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu mới để có một đội ngũ kế thừa vững chắc. Nhưng cũng phải đặc biệt chú ý việc đào tạo, đào tạo lại thường xuyên với đội ngũ sẵn có, bảo đảm có một đội ngũ lý luận phê bình có bản lĩnh chính trị và chuyên môn, có tâm huyết và tài năng. Đây là nhiệm vụ thường trực của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Hội  Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Hình thức có thể là các lớp bồi dưỡng ngắn như đã làm, hội thảo chuyên đề, tìm hiểu tham quan ở nước ngoài...

3. Tập hợp lực lượng, xốc lại đội ngũ

Để nâng cao chất lượng hoạt động lý luận phê bình, việc tập hợp lại đội ngũ là rất quan trọng. Một lực lượng mạnh không được tập hợp cũng trở thành yếu, huống chi đội ngũ lý luận phê bình đang rất mỏng như hiện nay. Nhưng để có thể tập hợp lực lượng không thể chỉ hô hào suông mà phải có những giải pháp rất cụ thể. Trong đó vấn đề quan trọng là phải tạo được sân chơi cho các nhà lý luận phê bình.

Hiện nay, chúng ta đang có báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng số lượng in ít và số trang dành cho lý luận phê bình khiêm tốn không đủ trở thành mái nhà chung cho những người hoạt động lý luận phê bình. Vì vậy, nên chăng, Hội Nhà văn Việt Nam cho ra một ấn phẩm riêng về lý luận phê bình để tập hợp lực lượng. Đây cũng sẽ là nơi khuấy động các hoạt động lý luận phê bình, tổ chức các giải thưởng phê bình, các cuộc tranh luận, đối thoại, các diễn đàn về văn học, giới thiệu các thể nghiệm về văn học, định hướng dư luận công chúng.

Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng nên mở rộng phạm vi phát hành của Tạp chí Lý luận phê bình để tạp chí đến với công chúng rộng rãi hơn. Vận động các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên có các ấn phẩm về lý luận phê bình để tăng diễn đàn cho công tác rất quan trọng này.

4. Huy động sức mạnh của hệ thống truyền thông

Các cơ quan truyền thông có vai trò rất lớn trong việc định hướng dư luận, cổ vũ những sáng tạo nghệ thuật mới và phê phán những lệch lạc trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, trong đó có văn học. Tuy nhiên, sức mạnh này đang bị lãng phí rất lớn. Hoạt động lý luận phê bình trên các báo chí diễn ra tùy hứng, tản mạn tùy thuộc vào chủ quan của người phụ trách văn học nghệ thuật ở các cơ quan thông tin đại chúng và đội ngũ phóng viên văn nghệ nên rất thiếu chuyên nghiệp. Hoạt động lý luận gần như bỏ ngỏ trận địa, lĩnh vực phê bình chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu tác giả - tác phẩm trong đó phần lớn là bài PR cho các tác phẩm theo sở thích riêng của từng tờ báo và các nhà báo làm văn hóa nghệ thuật.

Để tăng chất lượng tuyên truyền lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí nhất thiết phải có một sự chỉ huy thống nhất từ vĩ mô, trong đó Ban Tuyên giáo Trung ương đóng vai trò chủ chốt; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nên được tăng cường chức trách trong việc định hướng dư luận và thống nhất tư tưởng mặt trận này. Có kế hoạch để các cơ quan thông tin đại chúng chủ động tăng cường các chương trình có chủ đề về văn học nghệ thuật. Có chương trình giới thiệu một cách bài bản các tác phẩm tiêu biểu, các tác giả trẻ, những thể nghiệm nghệ thuật mới. Các báo chí chuyên ngành cần chủ động hơn trong việc giới thiệu những sự kiện nóng của nghệ thuật. Tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi về các tác phẩm có tiếng vang, những tác phẩm có vấn đề, tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo và văn nghệ sĩ...

Dương Trọng Dật

Tin liên quan

Tin mới nhất