Khát vọng được thành thật (Đọc lại “Thời của Đực”, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Lễ)

(Arttimes) - "Thời của Đực" là một trong số không nhiều những cuốn sách đáng đọc trên mặt bằng văn chương hiện nay. Đáng đọc vì nó giàu chất sống.

Nhà văn Nguyễn Đình Lễ (1944 - 2019) đã từng tham gia chiến tranh, có khoảng thời gian 9 năm trong quân ngũ (1964-1973). Năm 1979, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, về làm việc ở Viện Thiết kế - Kiến trúc, Bộ VH, TT&DL. Ông đến với văn chương muộn nhưng với tư thế và tâm thế bình tĩnh, tự tin. Tác phẩm của ông để lại không nhiều nhưng phù hợp với quy luật sáng tạo nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”: 2 tập truyện ngắn (Chợ nói, Người ám quỷ), 2 tiểu thuyết (Chàng Toxu, Thời của Đực). Năm 2020, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in lại 4 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Lễ. Sáng 30-3-2021, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện giới thiệu tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Lễ. Bài viết của chúng tôi góp vào sự kiện này một cách nhìn sáng tác của nhà văn Nguyễn Đình Lễ, thông qua một cuốn tiểu thuyết, như là cách chia sẻ với độc giả văn chương gần xa.

Khát vọng được thành thật (Đọc lại “Thời của Đực”, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Lễ) - 1

Bìa tiểu thuyết 

Thời của đực -

Nguyễn Đình Lễ, NXB Hội Nhà văn)

Thời của Đực - thời của buôn thần bán thánh

Quý vị hãy đọc lại và hết sức chú ý đoạn văn sau: “Việc ông giao tôi về quê tuyển mấy ông già viết sớ bằng chữ Nôm lên đây trước ngày khai trương, phao tin đồn huyền bí về ngôi đền sẽ làm ngay. Còn lễ hội rước thánh thì nhất thiết phải bàn với lãnh đạo xã để có sự đồng thuận cao và cũng đề nghị các ông ấy chọn một nhóm thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn để tôi dạy họ mấy bài nhảy rào leo tường trong lúc chạy rước kiệu thánh cho cuộc vui thêm li kì” (tr.155). Đó là cuộc hội ý của nhóm ba người đàn ông Đức – Quắc – Tùng ở một miền thôn quê thời buổi thị trường, buôn thần bán thánh, chạy theo đồng tiền mà sinh ra lừa đảo. Chưa hết, cái câu nói trên phát ra từ miệng nhân vật Quắc: “Không ngờ mấy miếng võ thời là lính đặc công đến bây giờ lại có đất dùng” (tr. 155). Chao ôi, quá khứ anh hùng này của một người lính được dùng như một thứ mẹo vặt với anh Quắc, coi nó là “diệu kế” để lừa đảo đồng bào mình. Nói Thời của Đực, thời của tan rữa nhân cách, cũng không có gì là quá. Nhưng mặt khác cũng cần nhận ra một lỗ hổng lớn khó lấp bằng - đó là tâm lý đám đông, bầy đàn đã tạo cơ hội cho trò buôn thần bán thánh. Vì có cầu thì có cung. Tiểu thuyết Thời của Đực đã thâu tóm được cái trạng huống/ trạng thái tâm lý lệch lạc của số đông (cũng tương tự như sự cổ vũ bóng đá quá khích gần đây, gây ách tắc và tai nạn giao thông, đám đông thực hành tâm linh trong ác sự kiện tôn giáo). Tôi nghĩ, các nhà tâm lý học, tội phạm học, giáo dục học, xã hội học,... có thể qua/ bằng tiểu thuyết nói chung, Thời của Đực nói riêng, rút ra được những kết luận xác đáng về cơ chế tâm lý đám đông (“bầy đàn”) của con người Việt Nam hiện nay.

Nhà văn Pháp A. Malraux đã viết: “Thế kỷ hai mươi mốt sẽ là thế kỷ của tâm linh”. Điều tiên cảm đó đã ứng vào thực tiễn đời sống xã hội trên toàn thế giới thời hiện tại, ở thế kỷ XXI. Nhưng ở ta, tâm linh đang bị lừa mị cho những mục đích bất chính (trục lợi, thương mại hóa, biến tướng tâm linh, chẳng hạn). Câu chuyện nhỏ sau đây chính tôi là người mục sở thị (nhân chứng): tại một ngôi chùa có tiếng ở Hà Nội, một cậu trai trẻ (nhìn biết ngay là sinh viên đại học) bước vào với dáng vẻ mệt mỏi, cóm róm trong ánh chiều tà. Chàng ngập ngừng, ấp úng trình bày với người nhà chùa nguyện vọng muốn cầu siêu cho... con trai (!?). Được hỏi, con mấy tuổi, tên gì để làm thủ tục, chàng trai nghẹn ngào: “Thưa! Cháu chưa có tên vì chỉ mới được mấy tháng trong bụng mẹ, không được quyền sống như một con người bình thường”. Tôi thấy người nhà chùa viết cái gì đó lên giấy và dõng dạc: “Hết 500.000 đồng làm thủ tục cầu siêu!”. Chàng trai trẻ bối rối nói “Thưa! Cháu không đủ tiền ạ!”. Liền nhận được câu trả lời thẳng băng: “Cứ về, lúc nào có đủ tiền thì đến đây!”. Chàng trai lủi thủi ra về. Từ đó đến nay đã tròn một tháng sau câu chuyện “nhỏ” mà tôi biết, dám chắc chàng sinh viên trẻ dại kia không có đủ số tiền để làm một việc tích đức. Hôm đó trong túi tôi có dư số tiền chàng sinh viên cần, một phút chạnh lòng tôi đã định giúp. Nhưng lại nghĩ, không nên và không thể tiếp tay cho những điều không căn cốt, chính đại, khiến con người đi vào chỗ mê muội, mù quáng.

Thời của Đực - thời của những ý tưởng điên rồ

Ý tưởng điên rồ là nhan đề chương tám. Đức (tên cúng cơm là Đực) - nhân vật chính của tiểu thuyết - đã bị cuốn vào thác lũ tình ái và tiền tài khi “bập” vào Mai Anh, vừa như một nô lệ tình dục vừa như một cơn say làm giàu nhờ vào tiềm lực và thế lực của vợ chồng Mai Anh - Quang. Đức là kiểu nhân vật cấp tiến, hãnh tiến, ăn may, thạo mánh mung do cái cơ chế thị trường, đặc biệt là tình trạng suy thái văn hóa, sản sinh ra và dạy dỗ. Từ một gã “chân đất mắt toét”, có sức mạnh của cơ bắp là chính, tham gia chợ người bán sức lao động, bỗng như ăn mày gặp chiếu manh, mèo mù vớ cá rán, gặp Mai Anh (bà chủ nhiều tiền, háo khát tình dục, cô đơn trong ngôi biệt thự hoang lạnh), nên có cơ hội lên đời. Khi bắt đầu thâm nhập sâu vào chốn thị thành, giới làm ăn mánh mung (thông qua “tấm gương” vợ chồng Mai Anh – Quang), Đức rồ lên với khát khao lập công ty, theo Quắc thì: “Công ty gì mà lại loanh quanh bên ông tượng ở cái đất làng Vồ nhà cậu” (tr. 126). Thực chất cái công ty của Đức là: “Lan truyền được sự linh thiêng của ông tượng”. Nói là làm, tính cách Đức là như thế”. Nhưng rồi cái “công ty ma” này (như hàng nghìn cái khác) đã tan ra như bọt xà phòng, vụt biến như pháo thăng thiên. Nhưng Đức học đâu ra cái ý tưởng điên rồ đó? Không thể ở cái xứ bùn đất quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà có được. Phải ra thành phố. Phải nhập vào thị dân. Phải cọ xát. Phải học tráo trở phương pháp như nhân vật Phụng Beo, như vợ chồng Mai Anh - Quang thì ý tưởng điên rồ của Đức mới có chất xúc tác, phụ gia, kích hoạt, mới có bè đảng đồng chí, đồng lòng. Khát vọng và ý chí làm giàu về bản chất không có gì sai trái theo luật tiến hóa. Nhưng phải chăng chúng ta (trong đó có Đức) đang ở trong giai đoạn “tư bản dã man”, nên chỉ thấy mục đích kim tiền, lợi nhuận mà bỏ rơi các nhân tố căn cơ khác như môi trường, đạo đức, giáo dục, văn hóa. Hãy nghe Mai Anh lên lớp cho chồng: “Em đã nhờ ông thầy tướng số nổi tiếng nhất Hà Nội xem vận mệnh đường quan trường của anh. Thầy phán năm nay đường công danh của anh chỉ còn đúng ngày hôm nay là sao Thái Dương chiếu vào lúc mười giờ. Không nhanh để Thánh ban phước cho ai lại lỡ nhịp rồi mà nhìn thằng khác bước qua đầu lúc ấy mới trắng mắt ra” (tr.113). Đúng là “mục hạ vô nhân”. Với Mai Anh thì thiên hạ chỉ là những “thằng khác”. Vì cái mục đích “lớn lao” ấy, thiết tưởng không có gì mà Mai Anh không làm để chồng mình thành quan nhớn quan bé, còn mình thì thành “bà quan” (!?). Cả một xã hội sốt lên vì lập công ty, làm giàu, lên quan, mánh mung, chia chác,... náo loạn, mê muội, mê cung. Nhưng theo quy luật thì gieo gió thì gặt bão (nên chương mười sáu có tựa Tâm bão).

Có thế lực muốn dựng Đức lên, đứng đầu một tổ hợp làm ăn theo lối mafia, sau này Đức mới hiểu mình là vật tế cho những ý đồ, ý tưởng điên rồ, những mưu toan thâm hiểm của giới kinh doanh bất chính. Ý tưởng điên rồ được tái hiện qua nhân vật “Cụ” (“Cốp”). Cụ là một biểu trưng của thế lực ngầm, luôn ở trong bóng tối, giật giây, điều khiển đám thủ hạ tham lam, tàn nhẫn, bất lương trong cơ chế, lãnh địa mafia cũng như lợi ích nhóm đang tàn nhẫn gậm nhấm, tàn phá xã hội và ăn thịt đồng loại.

Khát vọng được thành thật (Đọc lại “Thời của Đực”, tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Lễ) - 2

Sự kiện giới thiệu tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Lễ

Thời của Đực - thời của tiểu thuyết

Thời của Đực là một trong số không nhiều những cuốn sách đáng đọc trên mặt bằng văn chương hiện nay. Đáng đọc vì nó giàu chất sống. Tác giả của nó thực hành phương châm “sống đã rồi hãy viết” (khác với người văn trẻ bây giờ thì “viết đã rồi hãy sống”). Nhưng điều quan trọng hơn tôi muốn nói về cảm hứng viết của nhà văn. Đúng là tiểu thuyết được viết theo cảm hứng hiện thực, ở đây nhà văn quyết tâm “nhúng bút vào sự thật”. Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh thì, nhân vật tiểu thuyết đã “ngụp lặn” trong cơn cuồng phong về đất đai, dự án. Một nước đa phần là nông ngiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) thì vấn đề ruộng đất khi nào cũng nóng hôi hổi, sôi sùng sục (đất đai là miếng mồi béo bở đang bị các nhóm lợi ích nhòm ngó, lăm le xâu xé, cướp đoạt). Thêm nữa, ông lại còn thấy phải thay đổi cái nhìn tiêu cực của mình và số đông sau khi đọc. Đúng như thế khi ở phần cuối tiểu thuyết Đức hoàn lương, tìm về cội rễ nhờ sức tác động của cái chính nghĩa (thông qua nhân vật Thơm). Như vậy tiểu thuyết Thời của Đực vẫn nằm trong phạm trù truyền thống - kết thúc có hậu (chương mười tám có tựa Chạy bộ). Đoạn kết thi vị: “Nghe xong câu đối, Đức trút bỏ hết quần áo nhảy ào xuống hồ, nước bắn lên tung tóe. Thơm cười như nắc nẻ, Đức ôm chặt lấy Thơm vào lòng, hôn lên khắp người cô gái. Bầu trời vụt sáng lóa, ông Tượng Đất mặc áo giáp vàng cưỡi mây ngũ sắc bay đến, nét mặt rạng ngời nhìn cảnh tượng đôi trai gái đang xoắn lấy nhau trên mặt nước cười vang, rồi chỉ tay về phía trước. Đức nhìn lên trời thấy những ngôi sao sáng lấp lánh nhảy múa xếp thành hàng chữ: chạy bộ đến được ước mơ rồi” (tr.362). Khát vọng hoàn lương của Đức được kích thích bởi nhân vật cô thôn nữ Thơm, như một đốm lửa tạo nên hơi ấm tình người, đó là con người thiên lương có sức phát tỏa, hấp dẫn người khác. Cái kết có hậu, tôi nghĩ, là từ cái nhìn bình tĩnh, khoan dung, an nhiên với đời với người của nhà văn.

Đọc Thời của Đực thấy tác giả bình tĩnh viết theo thi pháp truyền thống, không tơ hào đến các ism – chủ nghĩa này nọ đang mọc lên như nấm sau mưa (Hậu hiện đại, Hậu thực dân, chẳng hạn). Kết cấu vẫn có vẻ như “cũ” theo lối chương hồi (18 chương đều có lời rao cốt truyện), tuyến tính (trình tự xảy ra sự kiện, biến cố, không dòng thức, đồng hiện, cắt dán,...). Thời của Đực có độ nén cao , nhưng có “sức nổ”, “sức mở” lớn, gợi nhiều suy nghiệm sâu sắc về nhân tâm thời đại. Thời của Đực không phải là cuốn tiểu thuyết “bắt mắt” theo lối nghĩ thông thường, cũng không phải là đề tài “nhạy cảm” như người ta thường nói. Nó là một cuốn sách cần đọc một cách bình tĩnh, nhẩn nha theo cách của những người ưa sống chậm, nghiền ngẫm và chiêm nghiệm lẽ đời.

Thời của Đực không phải là một cái gì toàn bích. Tất nhiên! Có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ, như cổ nhân nói. Nhưng tỉnh trí lại, thấy tiểu thuyết Thời của Đực của nhà văn Nguyễn Đình lễ có cả hoa, có cả nụ đấy chứ.

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 14/2021

None

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất