Nghệ thuật công cộng Việt Nam

(Arttimes) - Thuật ngữ nghệ thuật công cộng (NTCC) mới chỉ xuất hiện ở nước ta trong vài năm trở lại đây, nhưng những biểu hiện NTCC chủ yếu tập trung ở Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ XX, khi người Pháp tiến hành cải tạo và xây dựng các đô thị ở Việt Nam theo phong cách đô thị phương Tây như : Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ), Đà Nẵng, Huế… Những biểu hiện NTCC có xuất hiện nhưng còn hạn chế bởi tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, hơn nữa  các đô thị này không phải là trung tâm chính trị, hành chính hay kinh tế trọng điểm thời Pháp thuộc.

Đô thị ý tưởng thời phong kiến

Trong lịch sử đô thị thế giới, một đô thị hay thành phố được xây dựng dựa trên ý tưởng của một vị vua hay một vị  tướng thì không cần đặt ra vấn đề của NTCC nữa vì đương nhiên thành phố đó đã là một quần thể quy hoạch, kiến trúc và nghệ thuật quần tụ để hướng về một hình ảnh đô thị đã được xác định. Nó đã chứa đựng toàn bộ tư tưởng, ước vọng của một cá nhân. Và khi cá nhân đó xứng đáng là đại diện hùng mạnh nhất cho một cộng đồng thì ý tưởng và ước vọng của ông ta cũng là của cộng đồng đó. Điều này có thể  thấy ở Lịch sử thành phố Seoul (bài giảng của GS. Emanuel Pastreich - trường Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc ở Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tháng 6/2015).

Thăng Long là kinh thành là từ khi khi vua Lý Công Uẩn dời và lập kinh đô mới cho nước Đại Việt. Điều này từng được nhắc đến trong Chiếu dời đô của ông vào năm 1010. Ý tưởng của ông là xây dựng một kinh đô cho nước Đại Việt mới hùng mạnh, nằm ở giữa trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, là trung tâm quyền lực, kinh tế, văn hóa chính của đất nước, không nhất thiết chỉ là phòng thủ như Hoa Lư – Ninh Bình. Kết cấu của Thăng Long lúc ấy cũng khá đơn giản, gồm một ngôi thành cho triều đình phong kiến và khu phường thợ 36 phố phường, cùng với nhiều chùa chiền của Phật giáo có tầm cỡ quốc gia. Ở đây, cái ý nghĩa đô thị hay thành thị rất rõ là thành và thị. Đó là trung tâm hành chính trung ương của triều đại phong kiến và thị là nôi sinh hoạt giao thương của cư dân. Bên cạnh đó, nhà Lý chọn vị trí đất danh thắng để xây dựng đền, chùa, đến nay vẫn còn những di sản quý báu. Quy hoạch kinh thành Thăng Long, quy hoạch Hà Nội cũ vẫn nét cơ bản cũng được giữ cho đến tận bây giờ. Bản thân các cổng thành, các chùa chiền, đền miếu, các hình thức xây dựng và trang trí những khu ở của từng phường thợ đã chứa đựng rất nhiều yếu tố nghệ thuật mang ước vọng của một cộng đồng, nhưng nó lại luôn được những cá nhân tài khéo nhất thể hiện. Họ cũng luôn đưa vào sáng tạo những quan niệm về thẩm mỹ, xã hội, triết lý của riêng mình. Như vậy, xét trên một phương diện nào đó, những yếu tố nghệ thuật truyền thống ấy mang một phần tính chất của NTCC.

Nghệ thuật công cộng Việt Nam - 1
Hoàng thành Thăng long, Hà Nội, (Nguồn: Nhà nhiếp ảnh Vũ Thị Ái)

Đến thời Lê sơ, thế kỷ XV, Thăng Long được gọi là Đông Đô, kinh đô mới của triều đại phong kiến Lê sơ với ý tưởng xây dựng hình ảnh đô thị là một trung tâm chính trị, tôn giáo và hành chính của triều đại. Thăng Long - Đông Đô cũng đồng nghĩa là nơi mặt trời mọc, nơi đô hội, hành chính của các đế vương. Ý nghĩa này được giữ cho đến khi người phương Tây sang Việt Nam. Họ gọi miền Bắc là Tonkin, tức là Đông Kinh. Thăng Long một lần nữa là đô thị ý tưởng của triều đại phong kiến mới.

Khi nhà Nguyễn dời kinh đô vào Huế, Thăng Long chỉ còn là trấn thành của xứ Bắc Hà và mang tên Hà Nội. Huế trở thành Kinh đô của nhà Nguyễn.

Nhà Nguyễn xây dựng kinh đô ở Huế và dần dần mở mang bờ cõi về phương Nam, xây dựng các thành trì, thị tứ như : Thành Phú Yên, Thành Gia Định - Sài Gòn…

Nghệ thuật công cộng thời Pháp thuộc

Trước khi người Pháp tiến hành cải tạo và xây dựng đô thị ở nước ta, ranh giới giữa khu vực nông thôn và đô thị ở Việt Nam khá mờ nhạt. Thành thị không phải là một khu vực kinh tế - xã hội riêng biệt. Kinh đô Thăng Long và Kinh thành Huế - hai đô thị lớn của nước ta trong thế kỷ XIX, đều không phải là những đô thị kỹ nghệ hay đô thị thương mại - tài chính với quy mô hệ thống đầy đủ, giống như sự hình thành ban đầu của các đô thị ở phương Tây. Đó chỉ là hai trung tâm hành chính đầu não của chính quyền phong kiến ở hai thời kỳ khác nhau trong lịch sử Việt Nam. Hoạt động kinh tế ở hai khu vực được coi là đô thị này phát triển rất chậm chạp theo hình thức tiểu thương và hầu như vẫn chưa tách rời với các khu vực nông thôn, nơi mà phương thức sản xuất Á Châu vẫn chi phối chủ yếu đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Các cơ sở hạ tầng, cũng như hệ thống đường xá hình thành đơn giản.

Khi Pháp tiến hành công cuộc cải tạo và xây dựng đô thị ở Hà Nội, NTCC với những hình thức ban đầu của thời hiện đại. Đó là những công trình kiến trúc mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu, kết hợp với những điêu khắc mang đậm dấu ấn nghệ thuật Phục Hưng như: Phủ Toàn quyền nay là Phủ Chủ tịch; Nhà hát Lớn (1901); quần thể kiến trúc: Dinh Thống Sứ (nay là Nhà khách Chính phủ) vườn hoa Con Cóc (do có điêu khắc hình con cóc phun nước)… Hay là những công trình kiến trúc kết hợp phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu với nghệ thuật điêu khắc Phục Hưng và những đặc điểm kiến trúc, văn hóa, điều kiện khí hậu tự nhiên của địa phương như: Trường Đại học Đông Dương (1923-1926) nay là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Sở Tài chính (1925-1930) nay là Bộ Ngoại; Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ (1928-1932) nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, hoặc là những điêu khắc ngoài trời như những đài phun nước, những điêu khắc tượng tròn, tượng đài như tượng “Nữ thần Tự do”; tượng chân dung Paul Bert ở vườn hoa Nhà Kèn; Tượng Thống chế Ferdinand Foch ở vườn hoa René Robin (nay là vườn hoa Lênin); Tượng Jean Dupuis ở quảng trường Nhà hát Lớn, Bảo tàng Văn hóa Cham Đà Nẵng, Nhà thờ Đức Bà TP. Hồ Chí Minh, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố  Hồ Chí Minh, … Tất cả những điêu khắc kiến trúc nói trên đều được gọi là NTCC, bởi trước hết, chúng đều được đặt trong các không gian công cộng (KGCC) của đô thị Hà Nội. Chúng được sáng tạo theo tinh thần Tự do - Bình đẳng - Bác ái của cuộc Cách mạng Pháp 1789, đều là những công trình kiến trúc điêu khắc mang tính nghệ thuật cao, kết hợp hài hòa với không gian kiến trúc đô thị, tạo nên một diện mạo mới cho đô thị Hà Nội thời đó. Nếu gạt bỏ những hàm ý chính trị mà chính quyền Bảo hộ đã áp đặt cho các pho tượng điêu khắc ngoài trời, thì những pho tượng này đều là những tác phẩm NTCC được thể hiện tinh tế theo những chuẩn mực nghệ thuật của thời kỳ Phục Hưng ở đỉnh cao, chúng tạo được sự hài hòa về mặt thẩm mỹ cho bố cục, tổ chức không gian kiến trúc của đô thị Hà Nội lúc đó. Tuy nhiên, do không ít các điêu khắc ngoài trời này mang vác những giá trị xa lạ, thậm chí, đi ngược với ý chí và nguyện vọng của người dân thủ đô khi đó, là dấu ấn của tư tưởng thống trị của chế độ thực dân nên đến nay chúng đã không còn tồn tại.

Nghệ thuật công cộng thời chiến tranh và xây dựng xã hội chủ nghĩa

Kể từ sau khi những điêu khắc ngoài trời có cội nguồn “ngoại nhập” ở Hà Nội bị phá bỏ cho đến trước những năm 60 của thế kỷ XX, vì nhiều lý do khách quan, chủ yếu vẫn là do cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, NTCC hầu như không có cơ hội thực hành ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác ở nước ta, ngoài hình thức là tranh cổ động, biểu tượng tuyên truyền cách mạng. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, Sài Gòn cũng xuất hiện một số tác phẩm tượng đài như tượng Trần Hưng Đạo, tượng Khổng Tử, Thánh Gióng, Trần Nguyên Hãn v..v nhưng đều nhỏ bé, không thực sự tiêu biểu. Các di sản phong kiến còn lại không đủ để xây dựng một hệ thống hình ảnh NTCC của thành phố.

Nghệ thuật công cộng Việt Nam - 2
Tượng đài Thánh Gióng (2010), Nguyễn Kim Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội (Nguồn :Tư liệu ảnh Nguyễn Thị Lan Hương).

Vào những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ XX, do nhu cầu cấp thiết của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, NTCC bắt đầu lại được khơi dòng và thực hành dưới hình thức là những điêu khắc tượng đài và tranh cổ động, áp phích. Tuy vậy, do quá mang nặng ý nghĩa chính trị, nhiệm vụ tuyên truyền cổ động phong trào mà lại thiếu chuyên nghiệp nên các tác phẩm NTCC thời kỳ này còn rất đơn điệu về hình thức và hạn chế về chủ đề, nội dung. Các tác phẩm NTCC chủ yếu là những nội dung tôn vinh chiến thắng của cách mạng Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu và lao động của quân và dân miền Bắc thời kỳ này. Ngôn ngữ tạo hình cũng như kỹ thuật và phong cách thể hiện tác phẩm chưa sáng tạo, chủ yếu vẫn mang tính mô phỏng. Không gian đặt tác phẩm chưa thật sự được quan tâm và sự kết hợp giữa hình tượng - hình thể - không gian của tác phẩm cũng chưa được nhìn nhận đến một cách sâu sắc.

Nghệ thuật công cộng từ năm 1975 đến nay

Sau năm 1975, NTCC với hình thức chủ yếu là tượng đài đã được phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng trong phạm vi cả nước. Mỗi tỉnh, thành phố đều có kế hoạch xây dựng tượng đài. Chủ đề của các tượng đài trong thời kỳ này vẫn là tôn vinh chiến thắng của địa phương, dân tộc; tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Hình thức biểu thị của các tượng đài thời kỳ này (1975 - 1985) đã có sự đa dạng hơn do mang nội dung gắn với các địa phương. Ngôn ngữ tạo hình cũng đã có nhiều dấu hiệu thay đổi về bút pháp và phong cách.

Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới (1986), đặc biệt là khi sự “hội nhập” (1996), cùng với những đổi mới trong tư duy sáng tạo, sự ổn định và ngày một tăng trưởng của đời sống kinh tế, sự mở rộng các quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế, mỹ thuật Việt Nam nói chung, NTCC Việt Nam nói riêng đã có những chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động các mặt. Đặc biệt, cũng trong thời kỳ này, do sự phát triển mở rộng của các đô thị, thành phố, nhu cầu xây dựng tượng đài tăng nhanh một cách rõ rệt. Hầu như đô thị nào cũng muốn có tượng đài để khẳng định vị thế cho đô thị của mình. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, trong khoảng từ năm 2000 - 2006, đã có tới 15 tượng đài được xây dựng. Theo thống kê của ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) số tượng đài đáng kể tên trong nước đã lên tới hơn ba trăm và đạt được những thành công nhất định như: Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Nam Định của nhà điêu khắc Vương Duy Biên; tượng Mẹ dũng sĩ của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ở thành phố Đà Nẵng, nhóm tượng Mẹ Tổ quốc của Nguyễn Hải ở Thủ Đức, tượng đài tượng Bác Hồ với các cháu thiếu nhi của Diệp Minh Châu đặt trước trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Hiện nay đã được xây dựng lại bằng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Nghệ thuật công cộng Việt Nam - 3
Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh (Tạp chí Kiến trúc)

Tuy nhiên, bên cạnh đó đã có không ít tượng đài sau khi xây dựng chẳng những không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người dân, mà còn làm tổn hại cả môi trường cảnh quan đô thị. Hiện tượng tượng đài là những nhân vật lịch sử có diện mạo, phong thái, bố cục “nhang nhác” như nhau, đặt ở vị trí không thích hợp xuất hiện ở nhiều nơi. Ảnh hưởng của phong cách tạo hình hiện thực từ các tượng đài kỷ niệm của Liên Xô (cũ) và Trung Quốc vẫn in đậm dấu trong các tác phẩm. Điều này khiến NTCC không thể phát huy vẻ đẹp của chính mình, không kết nối được không gian cảnh quan xung quanh, không mang tác động tích cực cho xã hội là hiện tượng thường thấy ở nhiều đô thị Việt. Các thể loại khác như: tượng vườn, tượng đường phố, tượng trang trí kiến trúc và quảng trường, tranh tường, design kiến trúc, vật dụng đô thị…còn rất nghèo nàn và không tác động hiệu quả đến thẩm mỹ môi trường đô thị.

Quảng cáo thương mại trong nền kinh tế hàng hóa  ngày nay với những bảng quảng cáo, đèn hiệu màu sắc đang tràn ngập khắp các KGCC. Tuy nhiên, nhiều trong số “Urban design - Thiết kế mặt tiền” này đã chiếm đóng, kìm hãm và xiết chặt các KGCC của đô thị bởi chúng không có ý tưởng sáng tạo, mà trình độ sản xuất và chất lượng nghệ thuật cũng vô cùng hạn chế. Design công cộng là bước quan trọng nhất trong việc tạo dựng hình ảnh đô thị thì chưa bao giờ được tính đến. Vì vậy việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào văn hóa nghệ thuật nhất là vào  thiết kế, sáng tạo NTCC là vấn đề cần thiết. 

 Phát triển đô thị hiện đại ở nước ta thời kỳ này có thể tạo ra không ít điều kiện để NTCC thực hành. Bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền và tính địa lý tự nhiên, sự biến đổi phong phú môi trường sống hiện tại của cư dân là điều kiện để NTCC ở các đô thị Việt Nam nói chung hay Hà Nội nói riêng vẫn còn rất nhiều cơ hội để khởi sắc.

Như vậy nghệ thuật công cộng Việt Nam đã góp phần vào định hình bản sắc đô thị Việt, đó cũng là một trong những điểm nhấn của đô thị, là một trong những điểm thu hut du khách trong và ngoài nước tham quan và thưởng ngoạn. Chính vì vậy chúng ta cân có những chính sách quản lý, duy tu và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật những công trình này trong ngành du lịch một ngành công nghiệp không khói trong phát triển kinh tế, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nghệ thuật trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa nghệ thuật.

Nguyễn Văn Dương

Tin liên quan

Tin mới nhất