Phương pháp mới giải quyết những nguy cơ của đô thị
Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh đã dẫn tới sự phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Quá trình phát triển và mở rộng đô thị hóa có nhiều điểm tích cực nhưng cũng tồn tại những thảm họa lớn và những mối nguy mới.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện chuyên đề (Những) Thành phố bền vững, ngày 10/6, tại Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học (Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Phát triển đô thị & Những nguy cơ mới” do Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu vì sự Phát triển (IRD), Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup tổ chức.
Các diễn giả tham gia tọa đàm
Nội dung của buổi tọa đàm là phần giới thiệu của ba diễn giả: Chuyên gia nghiên cứu Tin học Alexis Drogoul, Chuyên gia nghiên cứu Tin học Patrick Taillandier, Tiến sĩ Khoa học Máy tính Nguyễn Ngọc Doanh về 3 dự án cụ thể về mô hình hóa mô phỏng các nguy cơ ở đô thị: Thiết kế các chiến lược sơ tán trong trường hợp lũ lụt (dự án ESCAPE); Mối liên hệ giữa phương thức tổ chức của thành phố và ô nhiễm không khí (dự án Hoan Kiem Air) và Chính sách y tế trước tình hình dịch bệnh ở các đô thị (dự án COMOKIT).
3 dự án cụ thể về mô hình hóa mô phỏng các nguy cơ ở đô thị
Đô thị hóa là sự mở rộng của đô thị, tính theo tỉ lệ phần trăm giữa số dân đô thị hay diện tích đô thị trên tổng số dân hay diện tích của một vùng hay khu vực. Có rất nhiều mối nguy nảy sinh từ quá trình đô thị hóa, đang tiềm ẩn đe dọa cuộc sống của chúng ta có thể kể tới như: ô nhiễm môi trường, phân mảnh về mặt xã hội, suy giảm các hệ sinh thái và đặc biệt là mối nguy đối với con người,…
Vậy nên, cần có những phương pháp để có thể nhìn nhận chính xác hơn về những mối nguy này. “Phương pháp mô hình hóa mô phỏng” được xem là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về các mối nguy này.
“Phương pháp mô hình hóa mô phỏng” là phương pháp dựa trên việc xây dựng và mô phỏng các thế giới nhân tạo, nơi hành vi của các tác nhân và môi trường xung quanh được thể hiện một cách chi tiết. Phương pháp này có thể cho phép xem xét lại cách thức hoạt động của chúng ta, hình dung thế giới theo một cách khác và hỗ trợ quá trình chuyển đổi lối sống tại đô thị theo hướng bền vững hơn.
Hiểu một cách ngắn gọn, “Phương pháp mô hình hóa mô phỏng” là phương pháp thể hiện những vấn đề một cách dễ xem và dễ hiểu bằng mô hình hóa mô phỏng. Phương pháp này dần trở thành một công cụ thiết yếu để bàn về các vấn đề xã hội-môi trường cũng như để nghiên cứu, thậm chí để xây dựng các kịch bản ứng phó với những hạn chế, đôi khi là mâu thuẫn nhau, của các bên liên quan.
Với vấn đề ô nhiễm không khí, Chuyên gia nghiên cứu Tin học Alexis Drogoul cho biết nhóm cư dân trong những khu vực đô thị hóa đã phải đối mặt với những mối nguy về ô nhiễm không khí, sau đó ông đã trình bày các nội dung của dự án Hoan Kiem Air. Theo đó, để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí ở những trung tâm có mật độ dân số lớn, lượng xe đi lại nhiều, Hà Nội và nhiều thành phố khác trên thế giới đã thực hiện thành công với mô hình phố đi bộ.
Về phòng ngừa nguy cơ lụt lột, Chuyên gia nghiên cứu Tin học Patrick Taillandier cho rằng hiện nay rất nhiều thành phố trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lụt lội và tác hại của nó không hề nhỏ, ở Việt Nam nó cũng là một thiên tai mang đến những rủi ro to lớn.
Chuyên gia này cho rằng cần phải đưa ra những kịch bản ứng phó, nếu không có phương án dự phòng từ trước khi lụt lội xảy ra nhanh chóng, bất ngờ sẽ gây ra nhiều tình trạng hỗn loạn như tắc đường, chen lấn, bị thương,… Chiến lược để ứng phó với lụt lội mà diễn giả Patrick Taillandier đưa ra là thực hiện sơ tán, trong đó ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương được di chuyển đến vùng an toàn gần nhất trước.
Về vấn đề dịch bệnh, Tiến sĩ Khoa học Máy tính Nguyễn Ngọc Doanh đã trình bày Chính sách y tế trước tình hình dịch bệnh ở các đô thị (dự án COMOKIT). Ông cho biết, mục tiêu của dự án là xây dựng bộ kit mô hình dựa trên máy tính để đánh giá cũng như là so sánh các chính sách lúc đầu được áp dụng ở các xã phường, sau đó được áp dụng ở các quận huyện.
Trên tinh thần “Toán – Tin ở khắp mọi nơi, Toán – Tin trong hơi thở cuộc sống” việc sử dụng mô hình hóa dựa trên tác tử cho thấy các thông tin của con người, các tương tác của con người với nhau được biểu diễn một cách chi tiết diễn biến theo không gian, thời gian trong những biến đổi của dịch bệnh. Mô hình hóa dựa trên tác tử với khả năng nghiên cứu các quỹ đạo có thể xảy ra, xác định các phân nhánh của chúng, đặc biệt là các phân nhánh liên quan đến các nguy cơ mới và tính dễ bị tổn thương của quần thể dân số.
“Phương pháp mô hình hóa mô phỏng” cho phép các nhà nghiên cứu biểu diễn và tái lập các tiểu thế giới ảo, bắt chước hoàn toàn những hành vi có thể có trong thế giới thật, việc mô phỏng này giúp họ đưa ra các quyết định, chính sách phù hợp. Ứng dụng toán học, công nghệ thông tin nhằm xây dựng các mô hình hướng đến các vấn đề về phát triển bền vững.
Chương trình “(Những) Thành phố bền vững” tổ chức lần đầu vào tháng 11 năm 2021 với 02 tọa đàm, 08 bài báo cáo từ các chuyên gia trong và ngoài nước, hơn 100 người tham dự và 5400 lượt theo dõi trực tuyến. Tiếp nối thành công đó, tháng 04 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, chuỗi 05 tọa đàm với tên gọi “Những ngày Phát triển bền vững 2022”, quy tụ hơn 20 chuyên gia đầu ngành đến từ Pháp và Việt Nam đã được thực hiện để cùng chia sẻ, thảo luận về chủ đề phát triển bền vững tại Việt Nam qua những góc nhìn khác nhau. Sự kiện thu hút hơn 550 người tham dự, 5800 lượt xem và gần 9000 lượt tiếp cận qua Facebook. |
Bình luận