Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 tiếp tục phục hồi tích cực

Chiều 9/9, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo về thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước; Số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022.

Nền kinh tế Thủ đô tiếp tục phục hồi tích cực và phát triển tốt

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng thông tin về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 tiếp tục phục hồi tích cực - 1

Toàn cảnh buổi họp báo.

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 8/2022 và 8 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luỹ kế ước thực hiện đến hết tháng 8 là 223.132 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán, bằng 110,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương luỹ kế ước thực hiện đến tháng 8 là 43.129 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán đầu năm, bằng 110,1% so với cùng kỳ.

Về đầu tư nước ngoài, tháng 8, có 24 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký 10,75 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2022, thành phố thu hút 992,4 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn 141,3 triệu USD; 122 lượt tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 374,6 triệu USD và 258 lượt góp vốn với số vốn 476,2 triệu USD.

Ước tính trong tháng 8, thành phố Hà Nội có 2.527 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 25.257 tỷ đồng (tăng 133% về số lượng doanh nghiệp và tăng 49% vốn đăng ký).

Các chỉ số hoạt động kinh doanh tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ, nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực và phát triển tốt.

Về an sinh xã hội, trong tháng 8, thành phố giải quyết việc làm cho 16.197 lao động, tăng 12.913 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 393,2% so với tháng cùng kỳ năm 2021 (khi thành phố đang phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, thành phố giải quyết việc làm cho 153.523/160.000 lao động, đạt 96% kế hoạch năm, tăng 38.728 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 33,7% so với 8 tháng đầu năm 2021.

Công tác giáo dục nghề nghiệp được chú trọng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp toàn thành phố tuyển sinh và đào tạo 172.423 lượt người, đạt 76,8% kế hoạch, tăng 161,37% so với cùng kỳ năm 2021...

Công tác đảo đảm an sinh xã hội có nhiều điểm mới

Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, cho thấy hệ thống y tế của thành phố được quan tâm đầu tư, nâng cấp; HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Cụ thể, lĩnh vực y tế dự kiến đầu tư 237 dự án với kế hoạch vốn 10.407,5 tỷ đồng. Thành phố đã bố trí vốn trong năm 2021-2022 là 11.291,302 tỷ đồng để thực hiện các dự án của 3 lĩnh vực.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ, đến nay, thành phố đã hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19; Thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng; 100% số đối tượng được phê duyệt đã nhận hỗ trợ (bao gồm: hỗ trợ bằng tiền mặt là 2.335,565 tỷ đồng, hỗ trợ cho vay là 324,204 tỷ đồng; kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương là 1.096,955 tỷ đồng, kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương là 1.562,814 tỷ đồng).

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã chi trả bằng tiền mặt và giảm mức đóng vào Quỹ BHXH cho 3,239 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền 4.112,837 tỷ đồng.

Về Dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: nghị quyết quy định đối tượng áp dụng là công chức, viên chức, lao động hợp đồng đang làm việc tại thời điểm nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.

Các mức hỗ trợ được đề xuất theo mức độ công việc và cho từng vị trí trực tiếp làm chuyên môn y tế và không trực tiếp làm chuyên môn y tế bao gồm: Mức 1 là 10 triệu đồng/người; mức 2 là 7 triệu đồng/người; mức 3 là 5 triệu đồng/người.

Triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Tháng 9 và các tháng cuối năm 2022, thành phố Hà Nội sẽ triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 tiếp tục phục hồi tích cực - 2

Hà Nội sẽ triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Về việc thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách; đẩy nhanh tiến độ 3 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và khởi công xây dựng 2 cảng cạn ICD; xác định vị trí, ranh giới, diện tích 2 trung tâm logistics; tiến độ thực hiện dự án Bãi đỗ xe trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai.

Tập trung xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ. Hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên (khu 1, 2, 3); Quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai (khu 1, 2, 3); một số quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt là tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát; đảm bảo cân đối cung - cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, điều hành bình ổn giá phù hợp, phấn đấu kiểm soát chỉ số giá dưới 4%. Tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch về bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng, liên kết vùng, triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… trên địa bàn thành phố.

Tổ chức đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn thành phố và tại các tỉnh, thành phố. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân Thủ đô, thúc đẩy tăng trưởng thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Hoàn thiện Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2040 trình HĐND thành phố. Ban hành và thực hiện Quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai. Đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Điện rác Seraphin, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.

Nguyễn Chi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm mùa hè miền Bắc thường có sự kết hợp giữa món mặn, rau xanh, bát canh thanh mát và hoa quả theo mùa. Cà pháo muối, dưa chua, các món nộm,... giúp giải ngán, kích thích vị giác cũng rất được ưa chuộng.