Chuỗi Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng kinh doanh ra sao?
Trước khi được chấp thuận niêm yết trên HoSE, chuỗi nghỉ dưỡng Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ban hành quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của CTCP Vinpearl với mã chứng khoán VPL. Theo công bố, Vinpearl sẽ niêm yết hơn 1,79 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ hơn 17.933 tỷ đồng.
Hiện, Tập đoàn Vingroup là cổ đông lớn nhất, sở hữu 1,5 tỷ cổ phiếu VPL, tương đương 85,5% vốn điều lệ của Vinpearl.
Đầu tháng 2/2025, Vinpearl huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng thông qua đợt phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu cho 105 nhà đầu tư với giá 71.350 đồng/cổ phiếu. Qua đó, vốn điều lệ của công ty được nâng lên mức 17.933 tỷ đồng. Với mức giá phát hành này, Vinpearl được định giá gần 5 tỷ USD.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vingroup ngày 24/4/2025, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết các thủ tục niêm yết cổ phiếu Vinpearl đang được hoàn tất. Dự kiến, Vinpearl sẽ chính thức niêm yết trên HoSE trong tháng 5/2025, đánh dấu bước phát triển mới của công ty trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng.
Cổ phiếu chuỗi nghỉ dưỡng Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được chấp thuận niêm yết trên HoSE
Kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2024
Trước khi được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết, chuỗi nghỉ dưỡng Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục đạt kết quả kinh doanh tích cực. Năm 2024, Vinpearl ghi nhận doanh thu 14.376 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.550 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 671 tỷ đồng của năm trước.
Tính đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu của Vinpearl đạt gần 31.500 tỷ đồng, tăng 137% so với đầu năm. Tổng tài sản tăng 74%, lên gần 76.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 3 tỷ USD.
Quý 1/2025: Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Trong 3 tháng đầu năm 2025, nhu cầu nghỉ dưỡng bùng nổ giúp Vinpearl duy trì kết quả kinh doanh tích cực. Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.971 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 1.682 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận gộp đạt 818 tỷ đồng, tăng mạnh so với 246 tỷ đồng trong quý 1/2024.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 3.264 tỷ đồng xuống 515 tỷ đồng, chủ yếu do không còn khoản lãi 3.222 tỷ đồng từ chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh như quý 1/2024. Chi phí tài chính giảm từ 509 tỷ đồng xuống 429 tỷ đồng, nhưng chi phí bán hàng tăng gấp đôi lên 224 tỷ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 324 tỷ đồng lên 451 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 228 tỷ đồng, giảm đáng kể so với 2.538 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Sau khi trừ chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận ròng của Vinpearl chỉ còn 90 tỷ đồng, giảm sâu so với 2.242 tỷ đồng trong quý 1/2024.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Vinpearl đạt hơn 78.069 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả giảm từ gần 45.000 tỷ đồng xuống 42.483 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính chiếm hơn 11.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 31.484 tỷ đồng lên 35.587 tỷ đồng, với 3.162 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tăng trưởng lượng khách và mục tiêu 2025
Quý 1/2025, lượng khách lưu trú tại hệ thống khách sạn Vinpearl tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong khi VinWonders đón gần 1,6 triệu lượt khách, tăng 29%. Hiện Vinpearl quản lý 30 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại 17 tỉnh thành trên cả nước.
Năm 2025, Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu thuần khoảng 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.700 tỷ đồng. Để đạt được kế hoạch, công ty sẽ mở rộng cơ sở hạ tầng, khai trương thêm khách sạn, công viên giải trí và sân golf mới. Đồng thời, Vinpearl tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo để nâng cao trải nghiệm và thu hút du khách.
Bình luận