Lê Vượng - Một nhân cách nghệ sĩ đích thực

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lê Vượng sinh ngày 18/04/1918. Mất ngày 21/10/2021 tại Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, cũng là người sáng lập Đoàn cải lương Tố Như. Ông bắt đầu dùng nghề ảnh để hoạt động, dạy học tại Thanh Hóa (1945 - 1954). Năm 1962 làm biên tập ảnh và sáng tác tại Nhà xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc, Bộ Văn hóa - Thông tin.

Năm 1974 ông về công tác tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật cho đến khi nghỉ hưu, 1985. Hơn 10 năm làm việc, ông đã chụp, in phóng hơn 80.000 ảnh tư liệu giúp cho việc nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã cộng sự cùng với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (Giám đốc, người sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), họa sĩ - Viện sĩ Trần Văn Cẩn (Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam), nhà nghiên cứu Văn hóa - Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, nay là Nhà xuất bản Thế Giới) gần hai chục đầu sách nghệ thuật phát hành tại các quốc gia: Ý, Đức, Liên Xô, Đan Mạch, Pháp…

Hơn 70 năm cầm máy, ông đã có một gia tài tác phẩm đồ sộ, tham dự triển lãm ở trong nước và các quốc gia như Rumani, Pháp, Malaysia, Liên Xô, Nhật Bản… và 10 cuộc triển lãm cá nhân ở nước ngoài.

Lê Vượng - Một nhân cách nghệ sĩ đích thực - 1

Nghệ sĩ Lê Vượng

Ba tác phẩm được trưng bày tại các Bảo tàng nghệ thuật nước ngoài, đó là “Cội nguồn” (tại Tây Ban Nha - 1994), “Đường nét công nghiệp” và “Lòng đất” tại Mỹ (1993).

Ông là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đi sáng tác ở nước ngoài nhiều nhất tại các quốc gia: Thái Lan, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Italia, Mỹ, Pháp…

Ông được phong tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tước hiệu Nghệ sĩ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế, được tặng hai Bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin, do Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ký (1955 - 1970), Bộ trưởng Bộ văn hóa - Thông tin Nguyễn Văn Hiếu ký (1980).

Ông được Chủ tịch nước tặng Huân Chương Lao động Hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trường Chinh ký (12/11/1991), Công dân ưu tú Thủ đô (2017), Giải thưởng lớn “Vì tình yêu Hà Nội” - Giải Bùi Xuân Phái (2016).

Huy chương Chiến sĩ Văn hóa - Bộ Văn hóa - Thông tin; Huy chương Vì sự nghiệp phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Bảo tồn di sản Văn hóa dân tộc Việt Nam.

Lê Vượng - Một nhân cách nghệ sĩ đích thực - 2

Nghệ sĩ lão thành Lê Vượng; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Lê Phúc và Nhà thơ, Vụ trưởng Vụ báo chí Vũ Duy Thông tại nhà riêng Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Trong buổi lễ trao giải Bùi Xuân Phái – “Vì tình yêu Hà Nội” năm 2016, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh bậc trưởng lão Lê Vượng, người được trao giải thưởng lớn ở tuổi 99. Ông đã khóc, khóc như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt chảy tràn trên má, đôi mắt ông chớp chớp liên tục. Ông khóc vì xúc động!

Tôi quen biết ông từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, qua những lần đến tại nhà riêng khai thác ảnh về in trên Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Ông rất hào hứng cộng tác và còn tâm sự với tôi về cuộc đời ông. Ngày ấy cách đây trên 40 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in trong ký ức. Nhìn những giọt nước mắt ở tuổi 99 hôm nay tôi chợt nhớ đến những chuyện cũ của ông đang hiển hiện.

CHUYỆN LY KỲ, HẤP DẪN VÀ MẠO HIỂM NGOÀI NHIẾP ẢNH

Tháng 5 năm 1945, dân tình Hà Nội manh nha có thể sắp có một biến cố lịch sử lớn nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra yên ắng. Đêm, tiếng tàu điện vẫn leng keng, tiếng rao hàng quà đêm lanh lảnh, tiếng gõ “sực tắc” mời ăn mì vằn thắn… Các rạp Chuông Vàng, Quảng Lạc vẫn sáng đèn sân khấu. Tại rạp cải lương Hý Viện phố Hàng Bạc, đoàn cải lương tuồng Bắc Rạp Tố Như do Lê Vượng làm trưởng đoàn đang trình diễn vở tuồng Phụng Nghi Đình. Vở diễn đến tích “Lã Bố hý Điêu Thuyền” thì đèn sân khấu bỗng phụt tắt. Khi đèn sáng trở lại, trên sân khấu xuất hiện một cán bộ cách mạng với giọng sang sảng đang diễn thuyết về tội ác thực dân Pháp, phát xít Nhật, về độc lập chủ quyền dân tộc và kêu gọi mọi người vùng lên đấu tranh để giành chính quyền về tay nhân dân.

Giữa lúc không khí trong rạp im phăng phắc lắng nghe diễn thuyết thì đột nhiên dưới khán đài một tên lính Nhật cao lênh khênh bật đứng lên rồi tìm đường chuồn ra ngoài. Tên lính Nhật vừa ra khỏi rạp thì bị một cán bộ bảo vệ tên là Nguyễn Phúc Tín (tức Hùng) bắn vào bụng. Hắn ngã gục chết ngay tại chỗ. Tin lan truyền tức thì. Không khí trong rạp bắt đầu nhốn nháo. Sự xuất hiện của cán bộ cách mạng diễn thuyết và cái chết của tên lính Nhật tạo nên tình huống phức tạp diễn ra quá đột ngột ngoài dự kiến. Người gánh chịu hậu quả tất nhiên phải là chàng thanh niên Lê Vượng đang ở tuổi 27, người chủ gánh hát tuồng ấy. Anh cũng đủ bình tĩnh và khôn khéo trong đối đáp với chính quyền thực dân đương thời rồi cuối cùng cũng thoát hiểm.

Lại có lần Lê Vượng tự lái xe xuống tận Hải Phòng mua vũ khí giúp Việt Minh, những ngày tiền khởi nghĩa trong bối cảnh việt gian rình rập, mật thám theo dõi và cảnh binh các đồn từ Hà Nội xuống Hải Phòng luôn khám xét, vậy mà Lê Vượng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chàng thanh niên Lê Vượng còn cùng đồng bào đi vận động nhân dân và tự tay đóng góp trong “Tuần lễ Vàng” ấy.

Những việc làm của Lê Vượng đã được cấp trên biết đến. Cụ Huỳnh Thúc Kháng khi ấy là quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trực tiếp ngợi khen.

Tuổi trẻ của Lê Vượng có những pha gay cấn, ly kỳ và hấp dẫn như “chuyện kiếm hiệp”. Quá hưng phấn, nhiều đêm Lê Vượng thức trắng để suy nghĩ và cũng để tự tưởng thưởng cho chiến công của mình.

NHỮNG CHUYỆN THĂNG TRẦM TRONG NHIẾP ẢNH

Ông sinh năm 1918, sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc một năm, đến năm 2016 ông đã đi hết chiều dài thế kỷ, quả là đại thọ và hạnh phúc. Ông bắt đầu cầm máy từ tuổi 18. Thời ấy có tiền mua một chiếc máy ảnh phải là những cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu hay quyền quý và bố mẹ cũng phải chiều con, phải chịu chơi lắm mới dám “mở két” xuất kinh phí để mua sắm. Ông được người cậu em mẹ dìu dắt, lang thang sang tận Ai Lao, Cao Miên với chiếc máy ảnh toòng teeng bên mình oai như một hoàng tử theo Vua cha đi kinh lý. Đây là một lợi thế ở nước ta thời ấy ít người có được.

Lúc đầu chỉ chơi bời nhưng khi chụp có hình, cậu mê mẩn và trở thành “nghiện” lúc nào không biết.

Cải cách ruộng đất, một cuộc cách mạng lớn để thực hiện người cày có ruộng và hình thành giai cấp rõ rệt. Gia đình ông Vượng bị liệt vào loại “Lý lịch không trong sạch”, bởi ông là cháu nội của Tổng đốc Lê Hoan, quan khâm sai đại thần Triều Nguyễn, bị lên án là “tên việt gian bán nước hại dân”. Bị án oan nhưng không thể xóa bởi bức màn bí mật khi ấy chưa được hé mở. Bối cảnh lịch sử đã tạo nên một Lê Vượng khác. Khi ấy bạn bè xa lánh, họ sợ liên lụy nên ông bị rơi tõm vào cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Ông hoang mang cực độ. Ông chán ghét những kẻ thay đen đổi trắng. Hiện tượng đố kỵ tài năng được cơ hội phát triển. Ông im lặng và quyết tâm tìm ra lối thoát. Bỏ cuộc chạy ra nước ngoài ư? Như vậy thì hèn quá, không được. Phải kiên trì bám trụ để tìm ra con đường sáng. Ông vẫn tin vào sự đúc kết mang tính triết luận của cụ Hồ:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”

Giữa lúc bĩ cực ông gặp được quý nhân - Giáo sư, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, người tổ chức và sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật đã phát hiện ra Lê Vượng là cháu của danh họa Lê Phổ, đã tiếp nhận nhiếp ảnh gia Lê Vượng là một trong 10 nhân sự đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phương châm hành động của ông lúc này là im lặng, gạt bỏ mọi hiềm khích và mặc cảm để làm việc.

Từ đấy ông thường đi điền dã với Viện trưởng, nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung nghiên cứu nền văn hóa Mỹ thuật Việt Nam ở vùng dân cư đồng bằng Bắc Bộ, đến với các dân tộc vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc. Công việc chính của ông là nghiên cứu, sưu tầm và bằng ống kính máy ảnh để ghi chép. Ông như một con ong thợ cần mẫn đi tìm hoa, hút mật và xây tổ. Chỉ dăm năm sau ông đã có được kho tư liệu ngày một giàu có cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, dư “vốn liếng” để cộng sự với nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện viết cuốn sách “Lartisanat Greateur” in tại Pháp nhằm giới thiệu những làng nghề truyền thống Việt Nam, cuốn “Tranh sơn mài Việt Nam” ông cộng tác với giáo sư họa sĩ Trần Văn Cẩn, cuốn “Điêu khắc gỗ dân gian Đình làng”, cộng tác với nhà nghiên cứu, viện trưởng Viện nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung…

Không chỉ dừng lại ở chụp ảnh tư liệu, đây là thời cơ đi vào sáng tác ảnh nghệ thuật. Ông mạnh dạn gửi tác phẩm tham gia cuộc thi và triển lãm ở nước ngoài. Tại Rumani, các năm 1967 - 1971 -1973 - 1977 với các tác phẩm “Bàn tay khéo”, “Cảnh đẹp Đồng Văn”, “Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”, “Thác Bản Giốc”. Tại Pháp, các năm 1971 - 1972 với hai tác phẩm “Vịnh Hạ Long” và “Điệu múa cổ dân tộc”. Tại Liên Xô 1980 với tác phẩm “Nghệ nhân Song Hỷ”. Tại Nhật Bản 1984 với tác phẩm “Đền Hùng”. Tại Trung Quốc với tác phẩm “Lòng đất”. Tại Thổ Nhĩ Kỳ với tác phẩm “Origine”. Tại Ấn Độ năm 1994 với hai tác phẩm “Lòng đất” và “Đường nét công nghiệp”, do ngài Thomas Davit tổ chức và triển lãm tại 11 bang ở Mỹ (từ 1993 - 1995). Tại Hồng Kông, Pakistan, Canada năm 1997. Tại Băng-la-đét, tại Pháp năm 1998. Tại Tây Ban Nha tác phẩm “Cội nguồn”. Các tác phẩm “Đường nét công nghiệp” và “Lòng đất” được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng nghệ thuật Tây Ban Nha (1994), tại Mỹ (1993).

Tác giả Lê Vượng cũng đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và nhóm tác giả tại Paris (1998), tại Đức và Mỹ năm 2000. Triển lãm cá nhân tại Hà Nội mang tên “Nhìn từ Hàn Quốc” (năm 2000), tại Trung tâm văn hóa Pháp-Hà Nội với “Cái nhìn giao nhau” (năm 2003), triển lãm “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”, tại Trung tâm văn hóa Pháp (2006), Tại Rumani với triển lãm “Việt Nam - đất nước, con người” do Bộ văn hóa - Thông tin phối hợp với Đại sứ quán Rumani tổ chức năm 2002, triển lãm “Nhật Bản - đất nước hoa anh đào” năm 2008 cùng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế khác.

Lê Vượng - Một nhân cách nghệ sĩ đích thực - 3

Chân dung thiếu nữ La Hủ - Ảnh Lê Vượng

Năm 2012, lão nghệ sĩ Lê Vượng lại cho ra mắt bạn đọc một công trình sách ảnh lớn ở tuổi 94 mang tên “Lê Vượng, những khoảnh khắc” gây chấn động dư luận trong giới nghệ thuật khi công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong công trình nghệ thuật đồ sộ ấy, tác giả hình thành hai phần chính:

1. Dặm dài đất nước: Đây là cách nhìn tổng quan qua tác phẩm nhiếp ảnh.

2. Những sắc màu dân tộc đề cập đến nét đẹp chiều sâu qua cách nhìn dân tộc học.

Dặm dài đất nước là cuộc tuần du khắp mọi miền đất nước với những tác phẩm ghi nhận những miền đất ông đã đi qua, những cảnh đẹp thiên nhiên ông đã gặp, được lưu giữ trên các trang sách thì “Những sắc màu dân tộc” là cách nhìn chiều sâu được thể hiện qua góc nhìn dân tộc học. Đây mới là phần chính và công phu đáng kể trong sự nghiệp nghiên cứu, sưu tầm trang phục các dân tộc Việt Nam do Viện Mỹ thuật (sau này là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cử ông đi điền dã. Công việc bắt đầu từ năm 1975 và hàng chục năm sau ông mới hoàn tất công trình nghiên cứu, sưu tầm và ghi chép bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến (cùng cơ quan) sau nhiều chuyến cùng đi điền dã đã chứng kiến cách thể hiện của nghệ sĩ Lê Vượng: “Ông kỹ tính đến từng chi tiết nhỏ. Một cô gái người Mông có trang phục đẹp, ông giơ máy định chụp, chợt phát hiện ra cô ta dùng vải hoa Trung Hoa ở tay áo, ông không chụp nữa, bỏ đi. Trong lễ hội cồng chiêng, đua voi ở Tây Nguyên, các chàng trai Ê-đê đóng khố, phô những cặp đùi khỏe mạnh rám nắng, ông thích lắm, định chụp thì phát hiện anh ta để lộ quần ngắn lòi ra ngoài khố. Ông đề nghị anh ra sửa lại trang phục, cũng như ông nhờ tôi giúp các cô gái Ba-na bỏ các đồ nữ trang hiện đại đang đeo trên người và nhất nhất phải đi chân đất.

Lê Vượng - Một nhân cách nghệ sĩ đích thực - 4

Nắng sớm - Ảnh Lê Vượng

Bằng cách làm việc kỹ tính như vậy, ông đặc tả nét đẹp nền nã trong trang phục Việt, biến điệu của tấm áo trong nhóm ngôn ngữ Tạng miên, nét đẹp tinh tế trong trang phục Dao, nét thẩm mỹ trong trang phục Tày - Thái, giản dị trong trang phục Tày - Nùng, rực rỡ trong trang phục Mông, nét đẹp trong trang phục cao nguyên nắng và gió, sự khác biệt trong trang phục nhóm môn Khmer (Nam Á). Cụ thể là trang phục Ba-na, trang phục Kor, trang phục Mông, trang phục nữ dân tộc Cơ-tu, trang phục nữ Xê-đăng, trang phục Rơ-năm, Xtieng, trang phục nữ dân tộc Pa-cô, trang phục dân tộc Mạ…”.

Cũng từ công trình sách công phu ấy, một triển lãm ảnh “Trang phục 54 dân tộc Việt Nam” đến Pháp với tên gọi “Vietnam, un et multiple”, trưng bày gần 100 bức ảnh về các dân tộc Việt Nam của hai nghệ sĩ: Lê Vượng và Sebastien Laval, sự kiện do Hội hữu nghị Pháp - Việt, Hội kiến trúc sư Việt Nam tại Pháp, Hội người Việt Nam tại Pháp cùng phối hợp tổ chức trong khuôn khổ “Năm Việt Nam tại Pháp”. Hôm khai mạc triển lãm đã được ngài Chủ tịch Thượng viện Pháp đến dự trực tiếp đọc diễn văn khai mạc và tỏ lời khen ngợi.

Một chương trình ca múa nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy.

Nhìn những giọt nước mắt của cụ Lê Vượng hôm nay, tôi sực nhớ đã có lần vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ông Lê Vượng tâm sự với tôi: “Bà Hoàng Thị Thế, con gái lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ở Pháp về, có gặp ông Lê Hứa (bố tôi), là con thứ 5 của cụ Lê Hoan và nói: “Hiện tại họ đang hiểu sai về mối quan hệ giữa hai gia đình, giữa hai cụ Đề Thám và Lê Hoan. Với thời gian, họ sẽ hiểu lại, anh yên tâm!”. Và thời gian đã trả lời. Từ thập niên 90 của thế kỷ XX một câu hỏi lớn: Lê Hoan là việt gian phản bội hay yêu nước đã được các nhà sử học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước như Tiến sĩ sử học Gerand Sasges, Giáo sư Charles Fouriau, Giáo sư Lê Thành Khôi, Tiến sĩ sử học Phan Thanh Minh (Pháp), nhà văn hóa Hữu Ngọc, Giáo sư Viện sĩ Phan Huy Lê, các nhà nghiên cứu sử học như Dương Trung Quốc, Đào Hùng… lần lượt được giải mã và bức màn bí mật ấy đã được hé mở.

Lần ấy nghe ông kể, ông cũng khóc và những giọt nước mắt cùng chảy tràn trên má như sáng nay trong buổi lễ trao tặng giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái – “Vì tình yêu Hà Nội” 2016.

Những giọt nước mắt ấy tôi “nhìn” thấy có cả niềm vui cuồng nhiệt thời trai trẻ của ông, có cả nỗi đắng cay, vị mặn chát của cuộc đời nhiều thăng trầm, sóng gió, có cả ý chí, nghị lực và niềm tin tất thắng luôn khu trú trong cuộc đời ông. Ông tên là Lê Vượng - Nghệ sĩ lớn, một nhân cách nghệ sĩ đích thực./.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất