Chuyện tình Trúc - Mai

Đọc trường ca “Cảm ơn người sông MeKong” của nhà thơ Lê Tuấn Lộc, NXB Hội Nhà văn, quý IV năm 2022

Một ngày cuối tuần, tôi xuống dưới nhà mở cửa khi nghe chuông gọi. Anh xe ôm trao cho tôi chiếc túi giấy, rồi nói: “Chú Lê Tuấn Lộc nhờ cháu chuyển tới bác túi này”. Mang chiếc túi vào nhà, ngay lập tức tôi mở ra xem. Một cuốn sách, cuốn trường ca, bìa cứng màu hồng, với tiêu đề: “Cảm ơn người sống MeKong”. Thú thực, cho đến nay tôi đã được bạn thơ tặng khá nhiều trường ca, nhưng chưa có cuốn trường ca nào “nặng ký”, “hoành tráng” và “sang trọng” như cuốn trường ca này. Sách giấy tốt vàng ngà, khổ to, dày trên 600 trang, cầm khá nặng tay. “Nhìn mặt bắt hình dong”, tôi háo hức lao vào đọc ngay bản trường ca dài như sông Mekong bắt nguồn từ Tây Tạng, vì tôi nghĩ bụng, chắc là hay. Lại nữa, Lê Tuấn Lộc và tôi là đôi bạn vong niên cùng quê Thanh, làng anh và làng tôi cách nhau chẳng bao xa, sáng sáng ngủ dậy, người làng tôi và người làng anh ngước nhìn ra đàng xa là cùng nhìn thấy dãy núi Nưa sừng sững ngay trước mặt.

Chuyện tình Trúc - Mai - 1

Trường ca “Cảm ơn người sông MeKong” của nhà thơ Lê Tuấn Lộc

1. Tôi nhâm nhi bản trường ca này một tuần liền. Tác phẩm khiến tôi trải qua nhiều cung bậc của tâm trạng, của cảm xúc, lúc mừng vui, lúc âu buồn, lúc suy tư trăn trở về những câu chuyện, về cảnh, người và những vấn đề mà trường ca đề cập. Hồn cốt của trường ca này là chuyện tình của Măng Trúc và Ma Kiều Mai, là những bài thơ tình họ làm tặng nhau trong chuyến du ngoạn dọc sông MeKong, cùng những câu chuyện, những bài thơ về những con người, về những vùng đất, những địa danh, trải dài từ Tây Tạng (Trung Quốc), thượng nguồn sông MeKong, qua đất Lào, Campuchia xuống tận đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

2. Chuyện tình Măng Trúc và Ma Kiều Mai

Trúc và Mai quen nhau rồi yêu nhau trên một chuyến bay từ Hà Nội đi Nha Trang. Trúc vào Nha Trang tham dự cuộc hội thảo về môi trường sông MeKong, tổ chức tại Nha Trang. Trúc là người Việt, Mai là người Lào - Thái gốc Việt, nói được tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Lào. Kiều Mai là một hoa hậu, Măng Trúc là một nhà thơ và tiến sĩ về môi trường. Cả hai cùng yêu thơ nên dễ ý hợp tâm đồng. Mai có tiền, Mai mời Trúc cùng đi du lịch do nàng chi trả. Mai đề nghị Trúc ký hợp đồng yêu năm năm, một bản hợp đồng vô tiền khoáng hậu. Các điều khoản của hợp đồng ghi: Ngủ chung, ăn chung, tiêu không mất tiền và không được ân ái. Cuộc du ngoạn của đôi bạn dọc theo sông MeKong, bắt đầu từ Tây Tạng.

Tại Tây Tạng lần đầu tiên Trúc được Mai tặng thơ, bài thơ về mối tình đầu, mối tình khiến cho ao ước của nàng thành sự thật: Người đàn ông em yêu/ Người đàn ông em mong đã gặp/ Trong giấc mơ từ thuở biết yêu/ Gặp anh rồi em biết đời thơ mộng/ Biết dỗi hờn chờ đợi mỗi tối vắng anh/ Em biết rằng em yêu anh nhiều đến thế/ Người đàn ông không tuổi là anh (Người đàn ông em yêu).

Trúc đáp lại Mai khi biết thân phận mình là một nhà thơ, đời chẳng có gì ngoài thơ, lại đa đoan, hay thương vay khóc mướn, buồn hộ kiếp người ta: Em đừng yêu anh đến thế/ Đời anh không có gì đâu/ Bài thơ như đồng xu lẻ? Tung lên rơi xuống mặt hồ/ Em đùng yêu anh đến thế/ Thi nhân thì hay đa đoan/ Rồi lại giận hờn vô lý/ Rồi lại nuôi con một mình/ Thi nhân thương vay khóc mướn/ Lại buồn hộ kiếp người ta/ Mấy ai trả công thương hộ/ Rồi ra lại khóc một mình/ Bài thơ dù hay đến mấy/ Như mây rồi tan biến thôi/ Để em suốt đời ân hận/ Yêu nhầm một kiếp thi nhân. (Em đừng yêu anh đến thế).

Nhưng Mai không “yêu nhầm kiếp thi nhân” đâu, Mai yêu Trúc đến độ nàng thốt lên những lời này: Em nói thế này thôi/ Tình yêu không có tuổi/ Em yêu anh đắm đuối/ Anh là nguồn thơ em (Tình yêu không có tuổi). Hay: Thơ anh như trang sách/ Xếp lên em tầng tầng/ Em xin làm thư viện/ Giữ thơ anh trong tâm/ Anh là một bài thơ/ Em chỉ cần chép lại. (Em yêu thơ anh). Em muốn được ôm anh/ Được gần anh mãi mãi/ Em muốn được đê mê/ Nhìn anh cười êm ái/ Nụ cười duyên của anh/ Làm em bình yên lại/ Em muốn được mãi mãi/ Hôn anh và yêu anh. (Em muốn được gần anh).

Bài thơ “Cùng em lên đỉnh Chomolungma”, Trúc làm tặng Mai khi đôi bạn tình đang du ngoạn ở Tây Tạng, nơi khởi nguồn sông MeKong, là một bài thơ tình hay, giàu cảm xúc, sử dụng ngôn từ toán học. Bài thơ cho thấy nỗi niềm của Trúc đối với Mai trong mối tình gần mà xa, xa mà gần, lắm khi thăng trầm: Hai ta như hai đường song song/ Dù điểm gặp nhau mãi tận vô cùng/ Hai ta như hai đường tiệm cận/ Dù điểm chạm nhau sẽ ở vô cùng. Hoặc: Phương trình ta không giải được đâu/ Nghiệm dương sẽ không có/ Dù lãng mạn, đời như nhung lụa/ Nghiệm âm là khả thi. Rồi Trúc nói với mai rằng: Anh không bao giờ hình sin đâu em/ Lúc cực đại, lúc cực tiểu/ Phải cắt trục hoành là điểm yếu/ Đời rồi sẽ bằng không. Trúc khẳng định: Tình yêu ta chỉ có một trên đời/ Ai khen chê mặc họ/ Vua cũng thế, thần dân cũng thế/ Trời nào bằng em.

Tuy nhiên, đến Myanmar, đến Tam giác vàng, tình cờ Mai gặp lại Phiện, người tình cũ, đã trở thành chủ một băng cướp buôn lậu thuốc phiện và cuộc tình trong sáng của Trúc Mai tan vỡ, do mưu mô thâm độc của gã tình cũ này. Mất hết tiền, Mai đi theo một công ty du lịch và hát rong trên đất Thái. Trúc đi theo công ty du lịch lữ hành khác. Nỗi buồn ghen tuông và hờn giận đã làm hai người xa nhau, nhưng những bài thơ tình trên mạng họ vẫn gửi cho nhau.

Những bài thơ của Mai trên đất Thái Lan, Chiềng Mai, làm cho Trúc hiểu rằng, Mai vẫn còn yêu mình: Anh trong em vẫn một mối tình xưa/ Em qua một đời chồng là anh dấy/ Lặng lẽ vậy, anh vẫn anh đến vậy/ Còn đa tình đắm đuối nữa không. Chắc Trúc phải an lòng khi Mai thổ lộ: Với em, vẫn yêu anh trọn đời/ Vẫn chung thủy như ngày ta hò hẹn/ Chia tay nhau là do trời định/ Ngày gặp nhau. Còn đấy, vẫn trời đầy/ Với em, anh vẫn anh trọn đời/ Chỉ có một, không ai thay thế được/ Không ai yêu hơn, nghĩa tình như nước/ Chỉ có anh và một mối tình già/ Em nõn nà trinh nguyên của anh đây. (Anh vẫn là của em).

Cô đơn trên đất Lào, trong chiều sông Nậm Ngừm, Mai buồn tênh, giật mình nhớ xưa, muốn gặp lại người tình cũ, muốn gĩai bày mà không làm được: Hoàng hôn đỏ trong buồn xa lạ/ Cô đơn em nhớ anh/ Sông Nậm Ngừm như em/ Nước mênh mang êm đềm/ Em nhỏ bé tan vào anh bao la/ Ước gì anh ở đây/ Em vịn vào anh/ Sông im lặng trong chiều xanh lãng mạn/ Nước trôi xuôi phẳng lặng trong hoàng hôn đỏ thắm/ Nhớ anh buồn thăm thẳm/ Cánh chim xa về đâu/ Nỗi lòng em cay đắng lắm…/ Em khao khát có anh chiều nay/ Dấu chân còn in trên đường/ Bóng hình còn in trong tim/ Hoàng hôn xưa hồ xanh Thanh Hải/ Ta hứa với nhau/ Ta hẹn ước/ Hẹn ước bây giờ ai mà tin được/ Em chỉ tin khi nụ hôn đã trao/ (Nụ hôn còn bỏ ngỏ)/ Bây giờ xa biền biệt/ Chắc anh giận em đến hết đời/ Văng vẳng trong em nỗi buồn thăm thẳm/ “Đời là bể khổ, tình là dây oan”. (Hoàng hôn cửa sông Nậm Ngừm).

Trúc Mai về lại Campuchia. Mai buồn, Mai nhớ Trúc bất kỳ ở đâu,  trên đất Lào, trên đất Thái và trên đất Campuchia: Chiều buồn tênh trên phế tích Angcor/ Trúc ơi anh đâu rồi/ Để em buồn và em hóa đá/ Đêm em nằm mơ thấy/ Em bay trên kinh thành Angcor…(Thả thơ tặng anh trên trời Angcor Wat).  Họ lại tìm đến với nhau, cùng làm du lịch. Họ chẳng thể xa nhau được nữa, nhưng chưa thành đôi vợ chồng, hợp đồng vẫn còn dang dở. Rủ nhau đi hoang miền Tây Bắc Campuchia, tưởng rằng được ái ân, nhưng chưa. Chuyến lữ hành về bảo tàng diệt chủng Pol Pot ở Phnom Pênh là nguyên cớ cuối cùng để Trúc Mai chẳng thể xa nhau.

Về lại Việt Nam, Trúc Mai hứa hẹn sẽ viết những bản tình ca bằng thơ trên sông Cửu Long. Những bài dân ca trên sông Hậu, những câu thơ trên sông Tiền, những điệu lý trên sông Hàm Luông khơi nguồn cho Măng Trúc viết những bài thơ hay nhất của mình. Đôi bạn tình càng hiểu là họ không thể thiếu nhau trong mỗi khóa tu, trong mỗi Đạo Tràng , trong mỗi ngôi chùa, trong mọi lễ hội đua ghe sông nước phương Nam. Gặp lại những bài tình ca trên đồng bằng sông Cửu Long, họ yêu nhau hơn, họ muốn hôn nhau thật nhiều mỗi đêm đờn ca trên sông. Tuy nhiên, giữ lời đã hứa, họ chẳng dám ái ân.

Trúc và Mai hẹn nhau sẽ cưới nhau trên sông Hậu. Trúc mơ đêm tân hôn, mường tượng đêm tân hôn, chờ đợi đêm tân hôn, cái đêm hạnh phúc vô tiền khoáng hậu của hai người: Anh chờ đợi từ năm năm trước/ Chúng mình Tân hôn! Chúng mình Tân hôn!/ Gió cũng lặng đêm không còn nữa/ Tân hôn! Đêm bình minh!/ Anh chờ đợi từ năm năm trước/ Mơ ước quấn nhau như rắn quấn nhau/ Lại quằn quại như là hoang dã/ Đêm Tân hôn thần tiên/ Đêm Tân hôn, em như nữ hoàng/ Lại như là nguyên thủy/ Còn gì hơn em nhỉ/ Hoang sơ, vương giả tột cùng/ Đêm tân hôn thánh thiện vô cùng/ Tưởng không gì hơn thế/ Em ơi đừng rên hoang dại nhé/ Hãy đan vào nhau đi!/ Anh đan vào em như mây đan mây/ Quấn vằn vện như thừng vặn chão/ Đêm Tân hôn sướng nhất trên đời/ Ta là ta trần tục/ Như không còn những ngày xưa cùng cực/ Ta thành tiên trên trời/ Đêm tân hôn đừng rên em ơi! Chỉ có đêm nay, hôm qua chưa có/ Chỉ có đêm nay, hôm qua chưa có/ Tân hôn! Ta chỉ một lần đời …(Anh mơ đêm tân hôn).

Tối hôm tân hôn, Mai mặc đẹp, váy trắng, tóc cài hoa. Mai muốn dành cho Trúc niềm hạnh phúc lớn nhất, vì theo cam kết đã năm năm họ không chăn gối, không ái ân. Bài thơ đêm tân hôn Trúc đã làm và đưa cho Mai đọc trước. Nhưng rồi, ngay cái đêm ấy, nước sông Hậu dâng nhanh do các đập thủy điện trên thượng nguồn sông MeKong bất ngờ xả nước. Thuyền cưới bị lật, Mai bị nước cuốn trôi, mất tích, không tìm thấy xác. Trúc buồn, Trúc thất vọng, Trúc như điên như dại: Sông Hậu, đám cưới đã sẵn sàng/ Đăng ký đã trên bàn/ Hai chữ ký như hai lời hò hẹn/ Lời thề trăm năm/ Nhưng sông Hậu như là sông định mệnh/ Trúc ngơ ngác/ Nỗi đau cùng cực xé lòng. (Đám cưới thành đám tang).

Bi kịch ập đến quá bất ngờ, và Trúc vẫn nghĩ rằng: Hay là em lên tiên…/ Em lên tiên còn anh trần tục/ Ta vẫn là của nhau/ Em giờ đang ở đâu/ “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/  Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. (Em đã thành hư vô).

Đâu là nguyên do cái chết của Mai? Xin hãy đọc những câu thơ sau đây: Sông MeKong/ Nguyên nhân của cái chết bất ngờ/ Cái chết không đáng chết/ Thủy điện! Nguyên nhân là thủy điện? Hô hoán nhiều cũng thế mà thôi/ Ngửa mặt hô: Trời ơi! Trời có thấu/ Xét cho cùng, MeKong không có tội/ Thiên nhiên hàng triệu năm cân bằng/ Công bằng/ Đất và trời dung hòa/ Hài hòa/ Tội là do con người/ Con người đang tự giết mình!... (Đám cưới thành đám tang).

3. Trong lời “Tự bạch, vì sao có tác phẩm này”, nhà thơ Lê Tuấn Lộc thổ lộ, tại sao anh lại chọn tên tác phẩm là “Cảm ơn người, sông MeKong”: “…Sau năm 2015 tôi quyết định làm tiếp công trình mà tôi cho là phiêu lưu ấy và đặt tên là Dòng sông phật giáo. Thể loại dự kiến: Du ca. Cốt truyện về một đôi tình nhân đi du lịch trên suốt chặng đường từ Tây Tạng đến Việt Nam, dọc sông MeKong. Nhưng sau đó tôi lại phát hiện ra, nhà văn Trần Đức Tuấn, thành viên của đoàn làm phim Mê Kông ký sự đã viết một cuốn sách mang tên Đi dọc Dòng sông phật giáo. Rắc rối quá. Tôi đổi tên tác phẩm của tôi là Cảm ơn người, sông Mekong”.

Theo tôi, với bút pháp “đa thể loại” mà tác giả trường ca này sử dụng, ta có thể gọi đây là trường ca, là du ký thơ, là truyện thơ, là ký sự bằng thơ và là tiểu thuyết thơ, đều được. Tuy nhiên, tôi thiên về “du ký thơ”, khi đây là một cuộc du ngoạn của đôi bạn tình Măng Trúc và Kiều Mai, từ Tây Tạng Trung Quốc, qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và về Việt Nam.

Tại những địa danh, những vùng đất, nơi khởi nguồn MeKong và nơi con sông này chảy qua, họ thăm thú danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, thăm viếng chùa chiền, đền đài, các công trình thế kỉ, họ làm du lịch, họ làm thơ, và họ yêu nhau.  Tiếc rằng, cuộc tình của họ đã kết cục như một tấn bi kịch. Có thể nói, mối tình Trúc Mai là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc du ngoạn đầy lãng mạn của đôi tình nhân này, từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông MeKong - đồng bằng Cửu Long.

Ở phần cuối của tác phẩm, tác gỉa trường ca cho rằng, sông MeKong là linh hồn của trời đất: Sông MeKong!/ Bí ẩn như thần linh/ Thiêng liêng như phật giáo/ Kỳ bí như Đại Chiêu tự Tây Tạng/ Như Chùa Shwedagon ở Myanmar/ Như Angcowat ở Campuchia/ Như Chùa Phật Ngọc ở Thái Lan/ Như Chùa Dơi ở Sóc Trăng Việt Nam/ Sông MeKong! Tế nhị như tình yêu/ Sôi động như nhịp trống Para Nưng/ Nhạy cảm như chính trị, Quý như vàng/ Giàu nứt đố đổ vách như tài sản bất động sản mà trời đất ban cho/ Trung Hoa, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Sông MeKong là con sông của tình hữu nghị, là con sông bồi tích mối tình ASEAN: Sông MeKong/ Bồi tích nên mối tình ASEAN/ Bài ca không biên giới/ Điệu múa không cần lời/ Áo dài, biết là Việt Nam/ Vũ điệu Apsara biết ngay là Campuchia/ Vũ điệu Lăm Vông biết ngay là Viên Chăn/ Em múa chắp tay trước ngực/ Biết ngay em Bangkok/ Sông MeKong/ Dải khăn xanh vũ điệu ASEAN (Sông MeKong, sông của tình hữu nghị).

Tuy nhiên, sông MeKong đang gặp đầy rẫy những khó khăn và những vấn đề phức tạp, một nước không khắc phục nổi, phải đồng lòng, phải hợp tác cùng nhau. Sông MeKong là câu hỏi khổng lồ trên trời Đông Nam Á, là vấn đề môi trường: Sông MeKong! Khó khăn không thể không khả thi/ Không làm không thể được/ Một nước không làm được/ Thành công là đồng lòng/ Sông MeKong là câu hỏi/ Là động vật quý hiếm/ Là chống nạn phá rừng/ Phi thủy điện/ Nước biển dâng/ Nhiệt độ trái đất nóng lên…(Sông MeKong! Ngổn ngang phức tạp).

Viết bản trường ca này, nhà thơ Lê Tuấn Lộc đã cho người đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc về cuộc tình nhiều lãng mạn, lắm phiêu lưu và cực kỳ éo le của đôi bạn Trúc Mai. Cái chết bi đát của Mai trên dòng sông Hậu để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm và trăn trở về việc khai thác một cách hợp lý, lành mạnh và cùng có lợi nguồn nước quý giá của con sông xuyên qua năm quốc gia này.

Bức thông điệp của cái chết oan uổng của Mai chính là: Xin đừng biến thủy điện thành thủy tai, thành thủy họa, kể cả thành thủ phạm, như trường hợp cái chết tang thương của Mai trong tác phẩm. Cái chết của cô gái trẻ cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề môi trường sông MeKong.

Đọc bản trường ca giàu tâm huyết và lắm công phu này, ta như được thụ hưởng một chuyến du lịch kỳ thú qua các vùng đất, các quốc gia mà sông MeKong chảy qua: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây cũng là một nhân tố  cấu thành giá trị của trường ca Cảm ơn người sông MeKong mà nhà thơ Lê Tuấn Lộc mang đến cho người đọc.

Lê Bá Thự

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.