Mấy vấn đề về tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật

“Tính dân tộc" và "tính hiện đại" trong văn học, nghệ thuật là một vấn đề có đường biên rộng và khá co dãn. Bàn về vấn đề này rất dễ rơi vào mông lung, lặp lại, kinh viện, chẳng có gì mới. Tự liệu sức mình, tôi xin nêu lên một vài ý kiến để thảo luận, để xới lên vấn đề rồi cùng suy nghĩ tiếp, vì vấn đề này vẫn theo đuổi chúng ta lâu dài.

Trước hết, nói về khái niệm tính dân tộc, ta phải tìm về cội nguồn lịch sử của dân tộc, tức là ta phải tính đến sự sinh thành dân tộc vói những phức tạp của nó. Ở đây, có vai trò của sinh học, nhân chủng học, khảo cổ học, ngữ học... Dân tộc Việt chúng ta đã hình thành từ bao giờ, như thế nào... là một vấn đề đang nghiên cứu.

Từ trước, theo những phát hiện khảo cổ học và ngữ học, ta tin rằng gốc người Việt là thuộc hệ người Môn- Khme, chứ không phải là người Việt có gốc từ Bách Việt (Trung Hoa). Thực tế, trong vốn ngôn ngữ dân tộc Việt, số lượng các tiếng gọi là thuần Việt thật ra rất ít, khoảng vài trăm từ; còn lại là một thứ tiếng pha trộn với nhiều thứ tiếng, trong đó, theo nhà ngữ học Cao Xuân Hạo, từ gốc Hán chiếm khá nhiều, rồi đến Thái, Mường...

Gần đây, rộ lên nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ (đã được thông tin vào Việt Nam): theo kết quả phân tích khoảng cách di truyền giữa các sắc dân và các hiện vật khảo cổ, con người hiện đại di dân từ châu Phi đến châu Á khoảng 100.000 năm trước đây. Đầu tiên họ đến Trung Đông và từ Trung Đông đến định cư ở Đông Nam châu Á. Từ Đông Nam Á, một nhóm di dân đến Trung Quốc và Nhật Bản khoảng 55.000 năm trước đây. Điều này phù hợp với các dữ kiện di truyền cho thấy người Trung Hoa, nhất là người Nam Trung Hoa, rất gần và có tổ tiên ở vùng Đông Nam Á. Người Việt là người Đông Nam Á và có thể là một dân tộc cổ nhất ở Đông Nam Á.

Có thể là qua các đợt di dân thời tiền sử, người Việt cổ đã lên vùng Hoàng Hà, đã hòa huyết với các người Đông Nam Á chủng tộc khác, sinh thành Bách Việt rồi bị dồn về địa bàn cũ. Có người chứng minh rằng chính là người phương Nam - cư dân trồng lúa nước - đã đem đến văn minh trồng lúa nước và cổ đại Trung Hoa. Nghe có vẻ ngược đời, nghịch lý nhưng mà nay người ta đang tìm cách chứng minh bằng các xét nghiệm ADN chứ không chỉ dừng ở mức giả thuyết như Kim Định trước đây ở Miền Nam và sau này một vài tác giả văn hóa học ở Miền Bắc, vì muốn cho công trình của mình độc đáo nên đã nương theo.

Từ việc nhìn nhận một cách sơ bộ vấn đề cội nguồn dân tộc, chúng ta có cơ sở khoa học để xem xét về một vấn đề khác - vốn không dễ - là "tính cách dân tộc". Để tưởng tượng về cội nguồn của mình, người Việt thường coi mình là "con Lạc - cháu Hồng" được sinh ra từ cái bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, tức coi mình là "con Rồng cháu Tiên", là dòng dõi từ Trung Hoa... Nhưng chắc chắn là những truyền thuyết này đã được Hán hóa vào thời Trung Quốc xâm chiếm nước ta.

Mấy vấn đề về tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật - 1

Tranh minh họa truyền thuyết "Con rồng cháu tiên".

Vấn đề này chắc chắn vẫn cần sự lý giải đến ngày nay. Ta là ai, ta đã hòa trộn với máu ai, tiếp nhận và biến đổi những nền văn minh văn hóa nào... đó không còn là một vấn đề trừu tượng, sách vở mà là một vấn đề cụ thể, tế nhị, rất thú vị và cũng lắm rắc rối.

Vấn đề tộc người và đặc điểm, bản sắc của tộc người là một khoa học riêng. Ở đây, nhân bàn về tính dân tộc trong văn hóa, nghệ thuật, ta lướt qua như thế để thấy rằng vấn đề mà chúng ta đang bàn là rất rộng. Ta hay nói trống đồng Lạc Việt, trống đồng Ngọc Lũ ẩn chứa cả một nền văn minh độc đáo - cả dân tộc và cả hiện đại - trong đó. Nhưng trống đồng là một hệ, trải dài từ Nam Trung Hoa cho đến Indonesia... nên chúng ta phải tìm ra cho được cái độc đáo của trống đồng Ngọc Lũ, tìm ra nét bản địa của nền văn minh Đông Sơn.

Vấn đề tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật có thể được nhìn nhận một cách rõ ràng và khách quan hơn khi xem xét nó theo quan niệm: nhân loại là một và bất cứ dân tộc nào cũng tiếp xúc, học hỏi, tiếp nhận từ nhân loại, đồng thời bền giữ cái căn cước, cái bản sắc của mình. Hai yếu tố này tuy là hai nhưng lại là một: tận cùng dân tộc, tận cùng ta, ta sẽ gặp nhân loại. Nói thì dễ như thế nhưng trên thực tế thì phức tạp vô cùng vì lịch sử, vì hình thái kinh tế xã hội cao thấp khác nhau, vì những quyền lợi và quan điểm khác nhau (quan điểm dân tộc lớn, dân tộc thượng đẳng chẳng hạn), vì sự khác nhau về ngôn ngữ sẽ tạo nên những rào cản văn hóa.

Và như vậy, ngôn ngữ cũng là cái bản sắc chắc chắn nhất của văn hóa. Ở đây, cần tránh ngộ nhận. Một là, vấn đề này có từ lâu, có từ khi con người và xã hội loài người xuất hiện chứ không phải đến giờ chúng ta mới đặt thành vấn đề. Việt Nam ta đã bao lần tiếp biến (acculturation) các nền văn hóa. Và mỗi lần như thế, văn hóa của chúng ta phong phú, lớn mạnh lên biết bao.

Mấy vấn đề về tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật - 2

Ảnh minh họa

Hiện nay, không đủ dữ liệu lịch sử để hình dung ra thật rõ ràng những điều kiện của sự tiếp biến ấy của ông cha ta nhưng chúng ta không thể không nhận thấy: sau 1.000 năm Bắc thuộc, cha ông ta dùng chữ Nôm để ghi tiếng mẹ đẻ, để làm văn chương - Trần Nhân Tông viết “Cư trần lạc đạo phú” rồi Nguyễn Trãi viết “Quốc âm thi tập”; bên cạnh những lời thơ thanh khiết, tao nhã "Đêm thanh nguyệt bạch khách lên lâu" lại có những "Nhà quen thú thừa ngại nuôi văn"... đem con văn, con vện, dậu mùng tơi, bè rau muống vào thơ, mở ra một hệ mĩ học mới làm cơ sở cho sự ra đời của “Truyện Kiều” sau này.

Thứ hai, khái niệm "hiện đại hóa" ngày nay được nhiều người hiểu là học phương Tây, lấy phương Tây làm chuẩn vì họ phát triển hơn ta. Cái đó cũng là điều khó tránh. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận một thực tế - người Nhật thời Minh Trị Thiên Hoàng đã thoát Á nhập Âu, sau khi đã trở nên hùng mạnh rồi thì lại thoái Âu nhập Á, lấy châu Á làm trung tâm, làm cốt lõi - "dĩ Á vi thế, dĩ Âu vi dụng" (lấy Á làm bản thể, lấy Âu làm phương tiện). Rõ ràng, các giá trị châu Á ngày nay đang đi lên; không nhất thiết chỉ phải học Tây và Tây mới hiện đại.

Thứ ba, không nên phân biệt hai khái niệm "hiện đại" và "tiên tiến". Quả thật là tình hình văn hóa-xã hội của ta hiện nay nhiều cái rối; lý tưởng thẩm mĩ, lý tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa đang bị xói mòn; nhiều người mê mải theo cái mode hiện đại trong văn hóa, nghệ thuật của phương Tây, cho hiện đại ấy mới là tiên tiến. Theo tôi, đó là một sự nhầm lẫn. Đã đành, ta không bài bác nhất loạt nhưng cũng phải hết sức cẩn trọng, chọn lọc trong khi học tập, tiếp nhận những trào lưu phương Tây.

Có hai hướng cực đoan trong vấn đề này. Hướng thứ nhất "đi về" phương Tây một chiều, lấy Tây làm trung tâm và chạy vòng quanh nó, theo nó, copy nó, không tính đến các điều kiện lịch sử, nhân tố chính trị, kinh tế-xã hội, tâm lý dân tộc... Một hướng khác - khá bảo thủ - khi cho rằng: chúng ta còn ở quá xa nhân loại, quá xa hiện đại (vì sự tiếp xúc còn ít, vốn văn hóa của ta còn nghèo, sự định hướng của ta còn buông thả, và văn hóa của chúng ta đang chịu những sức ép không đáng có...).

Do đó, trong sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong văn học, nhiều người cứ viết theo lối cũ, không chịu nghiền ngẫm, tiếp nhận, sáng tạo những thành tựu của thế giới. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết thì cái lối kết cấu mở, cái độc thoại dòng ý thức, cái lối nhìn và tả nhân vật từ bên trong, cái cách đa điểm nhìn... là những kỹ thuật tiểu thuyết làm cho con người được miêu tả sâu hơn và thực hơn nhưng còn được ít người chú ý. Cũng như vậy, về thơ, cái lối thơ dàn trải tuyến tính, thật thà, không có những đột biến của tâm trạng hoặc những kết cấu ngôn từ mới lạ... vẫn đang rất thịnh hành.

Ngược lại, số chạy theo hình thức thì thường không có tâm trạng, không có điều gì gửi gắm, chỉ cốt làm cho câu thơ rắc rối để khoe mẽ ta là "hậu hiện đại" "tân hình thức"... cũng không được ai chú ý, ngoại trừ chính họ. Trong thế kỷ vừa qua, chỉ có Chế Lan Viên với tầm nghĩ cao và vốn văn hóa Đông-Tây phong phú của mình đã làm một cuộc phối hợp dân tộc và hiện đại thành công, liên tiếp đưa ra những tác phẩm và những suy nghĩ rất đáng chú ý về vấn đề này.

Thực tiễn sáng tác và lý luận, phê bình hiện nay đòi hỏi phải đặt vấn đề một cách sòng phẳng, riết róng, tích cực trong việc tìm giải pháp ở tầm nhìn văn hóa, vừa cụ thể vừa thiết thực, hiệu quả để huy động tổng thể văn hóa, từ giáo dục, văn hóa, kinh tế... vào cuộc để làm một cuộc chuyển biến đúng hướng, đúng tầm, nâng văn hóa dân tộc lên, để cứu nguy văn hóa dân tộc đang bị xâm hại, bị thoái hóa và mất năng lượng. Nếu không, dù có giàu lên chút ít về kinh tế (mà so vói các dân tộc khác còn chưa ăn thua gì) nhưng ta sẽ để mất văn hóa dân tộc, mất con người, do đó dân tộc yếu đi và rất dễ suy thoái, rối loạn.

Đây là cả một vấn đề lớn, rất cần người chỉ huy - nhạc trưởng, cần có quyết tâm chính trị, cần có vốn văn hóa - tầm nhìn xa rộng cả vào quá khứ, đúng nghĩa "trông Bắc, trông Nam trông cả địa cầu" chứ không để cho những lợi ích vụn vặt, thuộc về giải trí (không ai phủ nhận sự quan trọng của giải trí) để ăn quảng cáo, dìm chết nền văn học, nghệ thuật, nền văn hóa của chúng ta vào dòng nước giá băng của những toan tính chợ nhỏ...

Như trên đã nêu, vấn đề tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật là mênh mông. Tôi chỉ nêu một vài vấn đề cạn cợt, dễ thấy. Còn nghiên cứu sâu xa thì chưa đủ điều kiện. Các vấn đề như truyền thống và cách tân trong lịch sử văn nghệ dân tộc và thế giới; những dự báo chiến lược về văn hóa, nghệ thuật thế giới và Việt Nam trong nền kinh tế thị trường hiện đại; sự suy thoái văn hóa đọc; sự lên ngôi của văn học mạng; vấn đề văn nghệ bị dạt ra ngoại biên, mất vị trí trung tâm trong văn hóa; về vị trí của âm nhạc, điện ảnh và văn học ngày nay; vai trò, tác động tốt-xấu của văn hóa đại chúng; tâm lý lớp trẻ ngày nay...

Trong khoảng 10 năm, 20 năm tới, cứ cho là bình an, phát triển văn nghệ, văn hóa sẽ đi tới đâu, nó sẽ góp gì vào việc nâng sức mạnh và tầm vóc người Việt Nam?... và nhiều vấn đề cụ thể khác nhau như trong âm nhạc thì dòng âm nhạc trẻ và nhạc hàn lâm, nhạc "đỏ" cần được giải quyết ra sao; trong thơ thì sự rối rắm, tù mù, kênh kiệu mà không có thông điệp nhưng cũng có một vài nỗ lực... của một số cây bút trẻ; trong điện ảnh thì cần hay không sự nhìn nhận, đánh giá khách quan giữa điện ảnh trên truyền hình và điện ảnh thứ thiệt (nếu có thể gọi như vậy), chiến lược của sự phát triển điện ảnh dân tộc-cách mạng; vấn đề kế thừa nghiêm chỉnh truyền thống cách mạng-kháng chiến-dân tộc trong tìm tòi, đổi mới... xem ra hiện nay chưa được chú ý.

Bao nhiêu vấn đề đó đáng cho chúng ta suy nghĩ để tìm ra giải pháp cho sự phát triển văn học, nghệ thuật theo hướng hài hòa giữa tính dân tộc và tính hiện đại.

Mấy vấn đề về tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật - 3

Ảnh minh họa

Cuối cùng, xin nói vài điều về lý luận văn học. Từ khi Liên Xô - Đông Âu sụp đổ, lý luận theo kiểu Liên Xô mất vị trí ở ta. Ta mở cửa cho lý luận phương Tây, đủ tất cả các trường phái vào Việt Nam. Có cái hay là phong phú, nhộn nhịp, khắc phục được cái buồn tẻ, đơn điệu trước đây. Lý luận về thi pháp văn học, nghệ thuật, các lý luận về chủ nghĩa cấu trúc (và hậu cấu trúc)... và gần đây là lý luận về hậu hiện đại, tân hình thức, tân cổ điển... đang được thâm nhập vào nước ta qua các nghiên cứu ở nhà trường, trong các luận án, các tác phẩm báo chí...

Đã có một "cơn sốt" cao về thi pháp ở ta - không một luận án nào, một công trình nào mà không sử dụng nó. Thi pháp cơ bản là vấn đề hình thức. Nhưng hình thức mang tính nội dung, hòa hợp với nội dung nên sau khi chán cách lý giải xã hội học, người ta đi tìm thi pháp, tìm hình thức... để rồi ở đâu, nghiên cứu nào cũng nhắc tới "không gian nghệ thuật", "thời gian nghệ thuật", "ngôn từ"... Dường như gần đây, thi pháp đã bão hòa và đã hết "sốt".

Làm sao mà văn học, nghệ thuật "tự trị", không liên quan gì với đời sống con người, cuộc đời, ta không cần biết nó nói gì, chỉ cần biết nó được làm ra thế nào... và đối tượng của ta chỉ là hình thức, là kỹ thuật, bất cần nội dung! Điều này là trái quy luật, không phải chỉ trái với lý luận marxist mà còn trái với toàn bộ di sản văn nghệ, lý luận văn nghệ của toàn nhân loại. Cuối cùng, Tv. Todorov, đại biểu kiệt xuất của chủ nghĩa cấu trúc, trong cuốn “La Litte'raiure en péril” (Nền văn chương đang lâm nguy), năm 2007, đã tuyên bố chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hình thức trong lý luận giảng dạy ở nhà trường là lạc hướng, là không phản ánh cái bản chất đích thực của văn học và tuyên bố quay về chủ nghĩa nhân văn... Sau đó Todorov lại viết cuốn “Nỗi sợ hãi dã man” đề cập đến "cú sốc của nền văn minh" (le choc de civilisations) gây tiếng vang ở châu Âu.

Thì ra, mấy chục năm qua, thế kỷ qua, châu Âu và phương Tây cũng đang khủng hoảng sâu sắc trong tâm trạng, trong tìm đường, trong lý luận... Nói rằng lý luận marxist khủng hoảng rồi đi tiếp nhận vô điều kiện cái lý luận của một xã hội khủng hoảng là điều không hợp lẽ. Cho nên, hợp lý nhất là phối hợp Đông-Tây, dân tộc và hiện đại phương Tây, trên những kinh nghiệm và thử thách đã có của chúng ta, từ đó mới tìm ra được lý luận mạnh mẽ, đích thực, có giá trị.

Mai Quốc Liên

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.