Những ma trận đời sống

Đọc “Lốc xoáy”, tiểu thuyết của Võ Minh, Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2022

“Sự thật là đứa con duy nhất của thời gian” (Leonardo Da Vinci)

Nhà văn Võ Minh là cựu chiến binh (thương binh hạng nặng 1/4). Vì thế, khi viết tác giả có cái vốn liếng của trải nghiệm sống trực tiếp, trải nghiệm văn hóa để dựng lại một biên niên sử bằng ngôn từ tiểu thuyết. Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn tựa trên phạm trù mỹ học “cái bi kịch”. Ba cơn lốc xoáy, hay là những cuồng phong lịch sử, chính là nội dung có tính chất toàn cảnh (panorama) của tiểu thuyết: Cải cách ruộng đất (sau đó có sửa sai); chiến tranh lâu dài và ác liệt, hy sinh vô bờ bến; hậu chiến, bước vào làm ăn kinh tế trong cơ chế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa).

Những cuốn sách đã “chạm” đến Cải cách ruộng đất, với lịch sử, có thể coi đó là một trang bi kịch. Nếu Lốc xoáy chỉ xoáy vào biến cố này, tác giả sẽ khó vượt thoát được các bậc tiền nhiệm. Nhưng cơn lốc xoáy Cải cách ruộng đất chỉ là một trong nhiều cơn lốc xoáy - những cuồng phong lịch sử  - khác đã diễn ra trên dải đất hình chữ S thời hiện đại. Viết về một thời kỳ lịch sử đầy phong ba bão táp, thông qua con người, là cách nhà văn khác nhà lịch sử chỉ quan tâm và tôn trọng sự kiện.

Những ma trận đời sống - 1

Tiểu thuyết "Lốc xoáy"

Tác giả đã thực sự “khôn ngoan” chuẩn bị “sân chơi” cho các nhân vật xuyên suốt tác phẩm dài hơi (495 trang in). Có hai nhân vật (không phải phân thành chiến tuyến mà là cộng sinh và hiện sinh) được ném lên sân khấu bi - hài kịch nhân gian: Ngô Kiểm (cán bộ Đội Cải cách ruộng đất, thời ấy dân gian gọi là “nhất Đội nhì Trời”), Du “him” (như là hạt giống để mùa sau, điều đó ứng báo linh nghiệm).

Tác giả không biến nhân vật thành công cụ biểu đạt cho các phạm trù tích cực/ tiêu cực, tốt/xấu, lý tưởng/hiện thực. Mỗi nhân vật đều có đủ cả phần “con” và phần “người”. Tác giả đã dàn dựng màn kịch cho Ngô Kiểm quan hệ với vợ của Du “him”, đẻ ra cô con gái Khánh Hòa, để mấy chục năm sau khi cả Ngô Kiểm và Du “him” già cỗi cóc cáy thì đã có lớp tre già măng mọc. Vì thế Lốc xoáy được nối mở bằng ba phần: Trời long đất lở - Ma quỷ cõi người - Luật đời nhân quả.

Du “him” từ thân phận dưới đáy bỗng như ăn mày gặp chiếu manh, may mắn giáng xuống đầu, thăng tiến từ anh cốt cán do Đội Cải cách ruộng đất chiếu cố nhấc lên, sau này cứ quan trường mà phi lộ (mấy chục năm sau lên đến chức Phó Chủ tịch tỉnh). Những chuyện đấu tố, oan khuất, đập phá chùa chiền, bài trừ văn hóa phong kiến, cho đến ra đời hình thức hợp tác hóa nông nghiệp,... đều là cuộc bể dâu, dưới ngòi bút của tác giả, hiện lên trần trụi, gai góc qua từng con chữ. Cảm hứng hiện thực phê phán trên tinh thần nhân văn thấm đậm ngòi bút.

Cơn lốc xoáy thứ hai là chiến tranh với những cảnh tàn phá, chết chóc nơi hậu phương và những hành động xả thân nơi chiến trường của nhiều người dân lành cũng như người lính quả cảm. Nhân vật Minh Quang nhận sứ mệnh - như sợi chỉ đỏ - quán xuyến, kết nối các nhân vật, sự kiện, tình huống, kết quả,... Minh Quang là nhân vật lý tưởng, khi chiến tranh lan rộng ra cả nước, dẫu có giấy báo đại học nhưng đã tạm gác giấc mơ học lên cao, viết đơn gia nhập quân đội.

Hết chiến tranh, anh trở về với đời thường. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, làm việc ở một viện nghiên cứu ở Thủ đô. Nhưng chiến tranh dường như vẫn chưa kết thúc với những người như Minh Quang. Những ký ức lương thiện luôn sống trong tâm tưởng anh. Không chỉ có Minh Quang, Lãng (con trai Du “him”) cũng viết đơn bằng máu xin được nhập ngũ (nhưng bên trong là nước cờ của bố, để lấy điểm nhà có người đi bộ đội, có lợi trong cuộc chạy đua với ông Luân vào ghế Chủ tịch huyện). Ký ức của Minh Quang về đồng đội, đồng chí (về sự hy sinh anh dũng của Ngô Trung, Thìn) luôn trở về trong giấc mơ của anh. Người ta sinh ra vốn không phải là lính. Nhưng những ký ức về chiến trận thường sâu lắng nhất và cũng da diết, bền lâu nhất, lương thiện nhất. Nhưng trong Lốc xoáy các trang viết về chiến tranh, theo cách viết “có đầu có đuôi”, vẫn đứng được vì nó liền mạch, cố kết, hòa mạng được với phần I và III.

Cơn lốc xoáy thứ ba không có tiếng rít của đạn bom song không kém phần khốc liệt vì thị trường cũng có khi đổ máu như chiến trường, cũng nhiều thân bại danh liệt, cũng nhiều lao lý, cũng bể dâu ngút trời, cũng khủng hoảng vỡ trận... . Không gian và thời gian sinh tồn của nó có đặc điểm “cộng sinh - chúng sinh - hiện sinh”.

Lãng là nhân vật lĩnh sứ mệnh thể hiện chủ đề kép của tác phẩm. Quan hệ của Lãng với Ông Lý (người Hoa), đặc biệt với Kiều Trinh (vợ thứ hai) là điển hình cho sân khấu bi hài thời hiện đại. Sự phất lên của Lãng về tiền tài, địa vị, danh vọng cuối cùng chỉ là phù du. Nhưng đó là cái “bả” mà con người đương thời dễ bị mê hoặc và bị đánh độc cả tâm hồn, cả thể xác, dễ dàng bán linh hồn cho quỷ dữ vì nó.

Ở phần III, tác giả viết rất sâu về cộng sinh biểu đạt sự đa dạng sinh học/xã hội học/ kinh tế học/đạo đức học/ tâm lý học (kẻ tốt người xấu, kẻ sang người hèn, kẻ có chức quyền với xã hội đen, người trong hệ thống công quyền nhà nước và người  tự do) với các mục đích lợi ích khác nhau (lợi ích nhóm/ cá nhân), đã vô tình hay cố ý gắn kết lại thành một khối để chia chác quyền lợi từ ông quan đầu tỉnh đến “anh em xã hội”, đến những kẻ hãnh tiến, thừa cơ đục nước thả câu. Cộng sinh là cái nền tảng cho chúng sinh (toàn dân) và hiện sinh (hiện hữu) mọc lên như một thân cây có gốc rễ tươi tốt. Những cái kết chát đắng (cái chết của ông Du, bi kịch gia đình của Lãng bị Kiều Trinh xỏ mũi) đều là “luật đời nhân quả” (như nhan đề  Phần III).

Nhân vật của Lốc xoáy tránh được tính chất đơn nhất như cách trước đây được mô tả, nó được thể hiện như là những con người có tính đa nhân cách, hay gọi là “phi truyền thống”. Lấy một ví dụ: nhân vật Du “him”. Lúc đầu độc giả có cảm giác đây là một điển hình của “mù lòa trí tuệ”, một thứ “xe tăng mù” (theo cách diễn đạt của nhà thơ Xuân Diệu), đầy bản năng gốc. Nhưng sau này gặp vận hội, ông ta lên đến chức Phó Chủ tịch tỉnh, thì đâu đến nỗi nhem nhuốc, hèn mọn.

Ông ta có bí mật của mình, hay nói cách khác là nỗi đau đời khi cô con gái rượu Khánh Hòa lại là con của đồng chí mình, cấp trên của mình - ông Đội Ngô Kiểm. Cả cái chết của ông (tai nạn xe lửa) cũng lấy đi nước mắt của người tử tế và lương thiện (cứ thấy tội nghiệp cho ông lão, không thấy ghét bỏ hay hận thù dù cho một thời cũng hung hãn, a dua, gây ác với đồng loại). Vì sao? Vì không chỉ người này, mà nhiều người khác xét đến cũng là “nạn nhân của hoàn cảnh”. Nên người ta mới đinh ninh câu nói của C. Mác: “Muốn con người trở nên nhân đạo thì trước hết phải làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn”.

Những ma trận đời sống - 2

Nhà văn Võ Minh

Kỹ thuật tiểu thuyết theo “hiệu ứng Domino”, là nét độc đáo của Lốc xoáy. Hiệu ứng Domino là một phản ứng chuỗi xảy ra khi một thay đổi nhỏ tại điểm gốc của hệ thống có thể gây ra những thay đổi tương tự tại các điểm lân cận, từ đó lan tỏa ra các điểm xa hơn và tạo ra một chuỗi thay đổi tuyến tính. Tôi nghĩ, có thể tác giả có ý thức vận dụng kỹ/ chiến thuật của “hiệu ứng domino” khi viết Lốc xoáy.

Du “him”, nhân vật đi suốt tác phẩm là “điểm gốc”, “con cờ số 1” của trò chơi/hiệu ứng domino. Nếu theo chiều tuyến tính (thời gian trình tự) chúng ta thấy: Du “him” từ một người nông dân nghèo đói, ít chữ nghĩa, may được ông Đội Ngô Kiểm để mắt nâng đỡ (cũng lại nhờ bà vợ được ông Đội thích). Thế rồi, như diều gặp gió, ông ta từ nhân mối tích cực của Đội Cải cách ruộng đất, lên Phó Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch huyện, Phó Chủ tịch tỉnh. Du “him” với quan lộ của bản thân khá điển hình cho mô hình trưởng thành của cán bộ ở ta cả một thời kỳ dài (ăn nhau ở lý lịch, thành phần cơ bản, trung thành hết mực, được rèn luyện qua thực tiễn).

Rồi từ cú hích đầu tiên ấy, quân cờ số 1 ấy, đã sản sinh ra con trai Lãng, đã qua chiến trường, sau đó lao vào thị trường, cuối cùng thảm bại vì không hiểu thị trường là gì (trong khi Kiều Trinh là “người vợ thị trường”). Các nhân vật khác như ông Luân, ông Hai Trí, bà Hai Thương, ông Toàn, bà Nga, Xuân “lắc”, Lan “rượu”, Tạo, Hoa... đều bị cú hích ban đầu - đều được nhào nặn từ một khuôn mẫu; họ đều không có khả năng tự/ được khai phóng. Nói như nhà văn Nga hiện đại tài danh I. Bondarev, tác giả  tiểu thuyết Tuyết nóng đã được dịch ra tiếng Việt thì: “Một sự thật không thể chối cãi và đau đớn khi tất cả chúng ta đều là tù binh của hoàn cảnh”.

“Hiệu ứng domino” và “ma trận” (matrix), tôi nghĩ, chính là kỹ thuật/bí kíp viết riêng của tác giả được vận dụng thành công trong tiểu thuyết đầu tay Lốc xoáy, đã để lại nhiều dư âm./.

Bùi Tùng Ảnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên trong mỗi con người

Điện Biên trong mỗi con người

Kể từ khi bài thơ đầu tiên “Về một khúc sông” in trên báo Văn Nghệ số 174 ngày 26/8/1966 đến nay còn hai năm nữa, Hữu Thỉnh đã có tròn 60 năm theo nghiệp bút nghiên thơ.