Nhà văn Trần Thùy Mai - Cây bút viết truyện ngắn đầy bản lĩnh

Bắt đầu bước vào nghiệp văn chương từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhà văn Trần Thùy Mai đã có gần bốn mươi năm gắn với nghiệp viết. Là nhà văn điển hình của xứ Huế, nữ văn sĩ có văn phong nhẹ nhàng, tinh tế, thanh đạm, sâu lắng. Từ hàng trăm truyện ngắn đã được in trong và ngoài nước, gần đây Trần Thùy Mai chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử với tác phẩm tầm vóc “Từ Dụ thái hậu” dày hơn 800 trang…

Huế xuyên suốt gia tài tác phẩm

Trần Thùy Mai tên khai sinh là Trần Thị Thùy Mai sinh ngày 8/9/1954 tại Hội An, Quảng Nam, quê quán ở làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Phát lộ năng khiếu văn chương khá sớm, Trần Thùy Mai được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi còn đang học ở trường Đồng Khánh trước giải phóng (1975). Tốt nghiệp Tú tài 2 từ năm 1972, chị thi đậu thủ khoa môn văn Đại học Sư phạm Huế.

Nhà văn Trần Thùy Mai - Cây bút viết truyện ngắn đầy bản lĩnh - 1

Nhà văn Trần Thuỳ Mai

Sau năm 1975, chị học tiếp Đại học Sư Phạm. Năm 1977 được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và nghiên cứu môn Văn học dân gian. Sau mười năm đứng trên bục giảng, năm 1987 chị quyết định chuyển sang làm biên tập viên ở nhà xuất bản Thuận Hóa - một quyết định mạnh mẽ quả cảm, khá táo bạo và sáng suốt. Làm việc ở nhà xuất bản, chị có điều kiện viết lách hơn.

Dần dần, Trần Thùy Mai xem viết văn là một nghề. Chị viết khỏe, khá đều tay và toàn tâm, toàn ý với nghề viết nhọc nhằn, cô đơn, “lành ít dữ nhiều”. Trần Thùy Mai giãi bày: chị “viết để tồn tại trong những cảnh đời khác nhau”, để “được sống những gì mình mơ ước”, “được nói những điều mình không nói giữa đời thường”, “là cách thoát khỏi sự hữu hạn của đời người”.

Công việc viết văn với chị thật có ý nghĩa lớn lao: “Nhờ viết văn mà cuộc đời tôi mở rộng. Tôi vượt qua giới hạn chật hẹp của chính mình. Và viết văn với tôi là cách yêu thương chính mình và những người xung quanh”. Viết đã trở thành nhu cầu và đam mê của Trần Thùy Mai.

Sở trường của Trần Thùy Mai là truyện ngắn. Tính từ truyện ngắn đầu tay Một chút màu xanh, in trên tạp chí Sông Hương, đến nay nhà văn xứ Huế này đã có gần 40 năm cầm bút với hàng trăm truyện ngắn in trong 16 tập truyện, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến. Những truyện đã làm nên “văn hiệu” Trần Thùy Mai như: Gió thiên đường, Thương nhớ hoàng lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ vàng của chị đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật. Một số truyện ngắn xuất sắc của chị đã được dựng thành phim như: Thập tự hoa, Gió thiên đường, Trăng nơi đáy giếng. Bộ phim Trăng nơi đáy giếng đã đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2008, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai.

Nhà văn Trần Thùy Mai - Cây bút viết truyện ngắn đầy bản lĩnh - 2

Bộ tiểu thuyết - lịch sử Công chúa Đồng Xuân của nhà văn Trần Thùy Mai.

Truyện ngắn của chị đã nhận được nhiều giải thưởng văn học: giải thưởng văn học Cố đô lần 2 (1998) và lần 3 (2004), giải thưởng NXB Trẻ (2002), giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (2002), giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2003), giải thưởng thường niên của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, giải thưởng Văn chương của Hội Hữu nghị San Francisco thành phố Hồ Chí Minh (2011). Tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm của Hội Nhà văn Việt Nam (2020).

Là người con của vùng đất kinh kỳ, một vùng đất có nền văn hóa đặc sắc, sống và gắn bó với đất và người xứ Huế từ nhỏ, con người và cảnh vật của xứ sở cổ kính này với những nét đặc trưng đã thấm đẫm những trang văn của Trần Thùy Mai. Chị là nhà văn rất Huế, “Huế từ sắc thái câu văn, cho đến không gian, tinh thần nhân vật. Huế xuyên suốt gia tài tác phẩm” (Văn Thành Lê).

Có thể nói, cái phong vị của một vùng đất đã thấm vào hồn cốt những trang văn của chị. Huế thật đẹp và nên thơ, “phảng phất không gian cổ tích” với những miệt vườn xanh tươi, những sườn đồi cỏ xanh mướt mát, những dốc đồi xanh, những con ngõ hoa giăng đầy, những phố cổ, lữ quán nhỏ bé, dòng sông Hương thơ mộng trữ tình chảy giữa lòng thành phố…

Đó là một xứ Huế mộng mơ với vẻ đẹp thuần khiết, tinh khôi. Rồi kiến trúc nhà vườn, những ngôi nhà vườn Huế, môi trường tồn tại của các nhân vật, ở đó có sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Rồi vẻ đẹp của kinh thành Huế cổ kính và tĩnh lặng chốn thần kinh, nơi từng là kinh đô của 13 triều Nguyễn; của những đền đài âm u, phủ rêu, thâm nghiêm, kiêu kỳ vàng son, thơ mộng nhưng u hoài, từ Lăng Tự Đức đến Điện Hòn Chén…

Rồi những âm thanh trầm mặc, u buồn của tiếng chuông chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm - những ngôi cổ tự danh tiếng của cố đô. Rồi chút bảng lảng “sương khói mờ nhân ảnh” của đất trời, chút “mây núi hiu hiu, chiều lặng lặng”, một cái vẻ dịu dàng rất Huế. Thiên nhiên, cảnh vật và cái nền không gian văn hóa ấy không thể thiếu cho những nhân vật, tình tiết câu chuyện của Trần Thùy Mai phát triển. Chính Trần Thùy Mai cũng từng thừa nhận ở Huế chị “có không gian tĩnh lặng cho sự suy ngẫm, có khung cảnh thiên nhiên để nuôi dưỡng cảm xúc”.

Trên cái nền của không gian văn hóa ấy là những con người Huế hiện lên qua từng trang sách của Trần Thùy Mai: giàu tình nghĩa, nhường nhịn, bao dung, tha thiết yêu cuộc sống, có đời sống nội tâm phong phú, ít hướng ngoại, nặng tâm linh, thâm trầm, sâu sắc, tinh tế..., đặc biệt những người phụ nữ Huế đoan trang, nền nã, dịu dàng, kín đáo. Tóm lại, trong tác phẩm của Trần Thùy Mai, tất cả đều mang đậm nét đặc trưng của thiên nhiên, cảnh vật, văn hóa, con người xứ Huế.

Tự tìm một lối riêng, viết về đời thường

Đề tài quen thuộc trong các truyện ngắn của Trần Thùy Mai là tình yêu - một trong những đề tài vĩnh cửu của văn chương nhân loại. Thế giới văn chương của Trần Thùy Mai là thế giới của những giấc mơ yêu.

Nhà văn Trần Thùy Mai - Cây bút viết truyện ngắn đầy bản lĩnh - 3

Thế giới văn chương của Trần Thùy Mai là thế giới của những giấc mơ yêu.

Tình yêu tràn ngập trên những trang viết của chị với những vấn đề muôn thuở của tình yêu như: yêu và được yêu, sự hy sinh và lòng vị tha, lòng chung thủy, sự bội bạc… Tình yêu dẫu có đắng đót, xót xa thì vẫn đẹp, vẫn chở đầy khát khao, vẫn hướng thiện.Theo tác giả thì tình yêu là: “động lực của sự sống, biểu hiện tối ưu của tính nhân văn”, “là đôi cánh giúp cho con người vượt qua biên giới của chính mình”.

Nhân vật của chị chiêm nghiệm: “Trong tình yêu, hạnh phúc thật ngọt ngào mà đau khổ cũng đầy thi vị. Chỉ có sự trống rỗng chán chường của kẻ không yêu mới là khủng khiếp”. Ngoài cái “lẽ chung” ấy, hình như còn có cái “lẽ riêng”: người phụ nữ rất Huế, nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc ấy dường như luôn ẩn chứa một trái tim khao khát yêu thương, khao khát sẻ chia.

Với Trần Thùy Mai: “viết về cái gì thì bắt đầu cũng là từ thương yêu và kết thúc là thương yêu”. Mỗi câu chuyện Trần Thùy Mai kể là một tình khúc buồn, nhẹ nhàng, sâu lắng. Thủy chung với đề tài này, đến tuổi “tri thiên mệnh” chị vẫn giữ được lối viết về tình yêu trong trẻo, đắm say, mãnh liệt như vậy.

Trong thế giới nhân vật của mình, một điều dễ dàng nhận thấy: Trần Thùy Mai dành tình cảm rất riêng cho các nhân vật nữ. Đa phần những nhân vật chính trong các truyện ngắn của chị là phụ nữ, có nội tâm, dịu dàng, đoan trang, nhường nhịn, bao dung, khao khát yêu thương. Họ là hiện thân của sự trong sáng, thánh thiện nhưng mong manh, yếu đuối. Kiểu nhân vật điển hình của Trần Thùy Mai là kiểu nhân vật tâm tưởng. Chị đặt ngòi bút của mình vào trạng thái tâm tưởng của nhân vật. Hầu hết các câu chuyện tình yêu của họ đều có vị đắng với những đớn đau, sự tổn thương và mất mát. Mỗi câu chuyện là một niềm đau đáu, mỗi nhân vật là một hoàn cảnh với những vết thương lòng khác nhau. Nhưng, tất cả đều mang một khát vọng của Trần Thùy Mai, khát vọng về một tình yêu mãnh liệt, bất tử.

Phải chăng, với họ: “Cái cứu chuộc sự nhọc nhằn của kiếp người chính là tình yêu”? Dành cho các nhân vật nữ mà mình yêu quý một kết thúc không có hậu, “Trần Thùy Mai muốn họ tỏa sáng giữa những điều tầm thường của cuộc sống, dẫu đó là sự tỏa sáng trong khổ đau”.Những “thân phận của tình yêu” ấy, hầu như Trần Thùy Mai lấy nguyên mẫu từ những người xung quanh và cả “thân phận tình yêu” của chính cuộc đời mình để viết. Mỗi câu chuyện đau đáu một nỗi niềm, một khao khát yêu thương, khao khát sẻ chia.

Trần Thùy Mai nói rằng: “Tôi tự tìm một lối riêng, viết về đời thường”, truyện ngắn của chị đầy ắp những chi tiết giản dị, đời thường. Giọng văn của Trần Thùy Mai rất riêng, rất Huế: vừa như thì thầm vừa như có ma lực dễ bám sâu vào tâm trí người đọc. Văn phong Trần Thùy Mai nhẹ nhàng, thanh dịu, tinh tế mà sâu lắng, luôn ẩn chứa những đợt sóng ngầm dữ dội quyết liệt, cứ chuyên chở vào hồn người những trăn trở, suy nghĩ và day dứt.

Có thể nói, Trần Thùy Mai là cây bút viết truyện ngắn đầy bản lĩnh và có phong cách trên văn đàn hiện nay.

Truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng

Trăng nơi đáy giếng là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất của nhà văn Trần Thùy Mai. Truyện ra đời vào những ngày áp Tết năm 2000, in lần đầu tiên ở tạp chí Sông Hương, sau đó in trên tạp chí Nhà văn số 6/2001 và tuần báo Văn Nghệ số 13 ngày 30/3/2002.

Nhà văn Trần Thùy Mai - Cây bút viết truyện ngắn đầy bản lĩnh - 4

Trăng nơi đáy giếng là một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất của nhà văn Trần Thùy Mai.

Truyện ngắn này cũng được dùng làm tên chung cho một tập truyện ngắn của chị.Về hoàn cảnh ra đời, nhan đề và nguyên mẫu của truyện, nhà văn Trần Thùy Mai kể: “Ở Huế quê tôi, phía đầu nguồn sông Hương có điện Hòn Chén, một ngôi điện bé nhỏ nằm cheo leo trên mỏm đá cao, trước một vực sâu thẳm. Hàng năm vào tháng ba và tháng tám, cả ngàn người tụ về, ca hát, nhảy múa, cầu khấn trên hàng trăm con thuyền neo dưới chân ngôi điện.

Trong mấy ngày đêm lễ hội, họ như sống trong một thế giới khác, nơi họ có thể gặp và giao tiếp với các vị thần linh. Nơi họ tin là họ được yêu thương, được che chở và không bao giờ bị phản bội. Có thể nói, đó là một thế giới của huyễn mộng. Nhưng cái khao khát được đắm mình trong huyễn mộng lại là một nhu cầu có thật. Nhu cầu ấy xuất phát từ sự bất toàn, chắp vá của thế giới này. Hàng nghìn năm qua, ở rất nhiều nơi, con người vẫn đi tìm những vầng trăng nơi đáy giếng, dưới hình thức này hay hình thức khác. Câu chuyện này tôi viết từ lần gặp gỡ với một người đàn bà hiền hậu có đôi mắt buồn, trên con thuyền đi dự hội Rằm tháng tám. Rất nhiều nhân vật, lời thoại, khung cảnh trong tác phẩm của tôi là đến từ cuộc sống có thật ở Huế”.

Truyện Trăng nơi đáy giếng viết về số phận một cô giáo tên Hạnh. Cô đã từng có chồng, có một gia đình yên ấm nhưng cuối cùng sống không chồng con, cô đơn lạnh lẽo. Đọc truyện, độc giả ấn tượng với cô Hạnh nền nã, ý tứ, tinh tế chiều chồng đến từng chi tiết. Không chỉ chăm chồng trong từng bữa ăn, giấc ngủ, bộ quần áo mà vì không sinh được con, vì quá yêu thương chồng không chịu nổi vẻ buồn thầm lặng trên khuôn mặt ông cô đã chủ động giúp chồng đi với người phụ nữ khác để có con.

Khi chồng có vợ bé con riêng, cô dọn dẹp nhà mới cho chồng và vợ lẽ ra ở riêng để tránh tiếng cho chồng. Hạnh còn nhẫn nhịn người đàn bà của chồng, dặn dò vợ mới chăm sóc chồng mình như mình từng chăm sóc. Không dừng ở đó, Hạnh còn hy sinh cả danh phận của mình, chấp nhận ly hôn để chồng hợp pháp hóa vợ bé và hai đứa con, giữ được uy tín, thể diện và chức hiệu trưởng của chồng đang bên bờ vực thẳm. 

Hết hy sinh này đến mất mát khác, cô phải nhận lãnh mọi hậu quả đau đớn giáng xuống đời mình. Đầu tiên là sự ra đi của người chồng, ”người cô yêu thương, tôn thờ, tôn thờ cho đến nửa đời người”, ”ông là thánh sống, là thần tượng đối với cô”, người đàn ông ấy ”là cả cuộc đời”, ”là chỗ dựa tinh thần” của cô. Bây giờ:  ”Anh đi rồi, căn nhà trống đến khủng khiếp. Đi làm về, tiếng mở cửa, tiếng bước chân tôi cứ vang lên lạnh lẽo từ thế giới nào. Vào đến gian bếp, nhìn thấy chiếc áo may ô của anh còn sót lại trên dây phơi, tôi sụp xuống, nức nở khóc”. Sau đó, tình cờ phát hiện ra chồng lừa dối mình, cô suy sụp. Tiếp đó là thằng bé - đứa con của người vợ hai ”cái phiên bản của người đàn ông mà cô tôn thờ”- mẹ nó đến đón nó đi.

Rồi cuối cùng cả con chó con cũng bỏ cô về nhà chủ cũ.Người đàn bà đó đã mất tất cả. Bao đau khổ, đọa đầy đã làm cô hai lần sụp xuống ốm nặng: “tóc rụng gần nửa đầu”, “tóc rụng lả tả trên gối”. Đã mấy lần thần chết định mang cô đi vì ”mấy lần cô đã bắt chuồn chuồn, cấm khẩu”.

Cảm thương sâu sắc với số phận của nhân vật, Trần Thùy Mai đã viết những trang thật xúc động. Có phải nhà văn muốn nói với độc giả rằng: ở người phụ nữ có lẽ cái đau khổ nhất đối với họ không phải là cái đói, cái khổ mà là sự cô đơn. Họ có thể gánh bao nỗi vất vả nhọc nhằn trên vai nhẹ như không. Họ có thể hy sinh tất cả cho chồng, cho con nhưng họ không thể thiếu tình thương yêu. Người đàn bà cần tình thương yêu như cần cơm ăn, nước uống và khí trời vậy.

Tấm lòng nhân đạo của tác giả không chỉ biểu hiện ở tình cảm xót thương nữ nhân vật của mình mà còn ở việc tố cáo cái ác, cái xấu. Ta gặp trong tác phẩm những con người đã hút đi tất cả những gì yêu quý nhất của đời cô: một bà thư ký công đoàn trường luôn giả nhân, giả nghĩa mà lập mưu kéo chồng cô ra khỏi tay cô; một người chồng bạc bẽo, vô tình; một người vợ lẽ vô ơn, nhẫn tâm.Khi mất niềm tin, mất tình yêu và lý do sống, người phụ nữ bất hạnh đó tìm chỗ trú ngụ cho tâm hồn ở một cõi khác - cõi tâm linh.

Trong cõi đó cô có “chồng”, có “con”. Cô thờ một ông hoàng chung tình làm chồng. “Chồng” của cô là “Ông Hoàng trấn thủ tỉnh Thừa Thiên” đẹp đẽ, phương phi, oai phong “tay cầm kiếm, chân đạp lên mấy tầng mây”, “con” cô - đứa con trai kháu khỉnh. Cô thủy chung với người chồng đó vì “ông đã đỡ đần tôi khi thập tử nhất sinh”, “ông ấy không bỏ tôi, không ruồng rẫy tôi bao giờ”. Từ tôn thờ ông chồng bằng xương bằng thịt, cô chuyển sang tôn thờ “ông chồng Hoàng” mũ áo xênh xang trên bàn thờ nghi ngút khói hương, lại phục dịch “ông chồng Hoàng” chẳng khác gì ông chồng bạc bẽo trong nửa cuộc đời trước: cũng mua bún bò mỗi buổi sáng, cũng đĩa khoai luộc nóng hổi cùng đĩa muối trên bàn thờ.

Có ông, cô thấy hạnh phúc, cô nhất quyết không bỏ ông theo lời khuyên của chồng.Cái khát khao hạnh phúc gia đình, khát vọng sống sâu thẳm mãnh liệt không gì cản nổi của người phụ nữ đó sao mà đau đớn, xót xa. Cô mong muốn được hưởng một hạnh phúc bình dị như tất cả những người phụ nữ khác, nhưng cô không bao giờ với tới nó. Nó chỉ là mặt hồ ảo ảnh trên sa mạc mênh mông với người khách lữ hành, nó chỉ là bóng trăng nơi đáy giếng.

Người đàn bà của Trần Thùy Mai gợi nhớ cho ta nàng Ơgiêni Grăngđê của H. Balzac: “Đó là người đàn bà sống giữa cõi trần mà không phải là người của cõi trần. Có khả năng tuyệt vời để làm vợ, làm mẹ nhưng lại không chồng con, không thân thích”.Thể hiện chân thực, cảm động cái khát khao được làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, ngòi bút của Trần Thùy Mai trong tác phẩm này hết sức nhân bản.

Sức hấp dẫn của Trăng nơi đáy giếng là ở giá trị nhân đạo.Nếu sáng tạo tình huống là vấn đề then chốt của nghệ thuật viết truyện ngắn thì ở truyện này Trần Thùy Mai đã xây dựng được một tình huống hấp dẫn: người vợ giúp chồng đi với người khác để có con, cuối cùng mất chồng.Trần Thùy Mai đặc biệt thành công khi sử dụng chi tiết - những chi tiết có sức ám ảnh, bám riết lấy tâm trí người đọc, nó “nói” lên rất nhiều về nhân vật.

Chi tiết  “sáng sáng cô đi mua bún bò cho chồng bưng ngược vào ngõ, những bữa trời mưa lâm thâm cô kéo chiếc nón che tô bún, quên cả che đầu” được lặp lại hai lần cho ta thấy cái tận tụy, yêu thương của người vợ. Chi tiết “trước hiên nhà cô lại xuất hiện những cái áo xanh, đỏ phơi trên dây” đã nói cho ta cái khát khao được làm mẹ của người đàn bà này. Chi tiết “Cô Hạnh đứng bật dậy, run bần bật như bị xúc phạm nặng nề. Hai răng cô đánh cầm cập vào nhau, rồi bỗng cô thình lình vớ lấy cả cái khay ấm chén trước mặt ném vào người chồng cũ”, khi ông nói: “nhưng làm gì có cái gọi là Ông Hoàng, làm gì có cái bóng ma ấy, nó chỉ có trong trí tưởng tượng của bà thôi” đã cho thấy bi kịch của của người đàn bà ấy đã lên đến đỉnh điểm.

Nhà văn Trần Thùy Mai - Cây bút viết truyện ngắn đầy bản lĩnh - 5

Với tấm lòng yêu thương con người, với nghệ thuật viết truyện khá già dặn, độc giả có quyền tin rằng trong tương lai, nữ văn sĩ xứ Huế này sẽ còn viết được những truyện ngắn hay nữa.

Nếu trước đây, “mỗi cái nhìn của ông là mệnh lệnh với cô”, cô coi ông như một thánh sống còn mình là một tín đồ, thì nay với cô ông là một thần tượng đã hết linh thiêng, hình ảnh thánh sống trong đời thực vỡ tan, như một khoảng trời pha lê đã vỡ.

Trăng nơi đáy giếng là một truyện ngắn hay của nhà văn Trần Thùy Mai. Đọc xong truyện, người đọc không khỏi xúc động, ám ảnh, xót xa đến tận đáy lòng cho số phận của nữ nhân vật chính. Với tấm lòng yêu thương con người, với nghệ thuật viết truyện khá già dặn, độc giả có quyền tin rằng trong tương lai, nữ văn sĩ xứ Huế này sẽ còn viết được những truyện ngắn hay nữa.

Nguyễn Thị Lan

Tin liên quan

Tin mới nhất