Nguyễn Tuân - Bậc kỳ tài sáng láng văn chương

Nguyễn Tuân vắng mặt trên cõi đời này đã trên ba mươi năm. Nhưng bây giờ và chắc còn lâu nữa, cũng ch­ưa hề trở nên cũ kỹ, hết thời ngay giữa thời biến động của các thị hiếu, giao thoa của các quan niệm văn học. Ông vẫn là một đối tượng để ng­ười ta luận đàm, trao đổi, ngẫm nghĩ. 

1. Ngày Nguyễn Tuân từ giã cuộc đời, 28/7/1987, có người viết: “Nhà văn mất đi như một cây đại thụ bị đốn ngã để lại một khoảng trống vắng trong khu rừng văn chương”. Cảm giác trống vắng ấy là có cơ sở.

Thôi thế là từ nay, không còn thấy bóng ông lão mặc chiếc áo khoác ba-đờ-xuy, chống chiếc batoong hàng ngày đi dạo trên con phố Yết Kiêu, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du, bên hồ Thiền Quang. Không còn được thấy gương mặt ông với cái cười hiền hậu và hóm hỉnh dưới bộ râu rất được tướng của ông. Không còn được đọc những trang văn uyên bác và tài hoa của ông nữa. Cảm giác trống vắng là có thật. Ấy là khi các bậc tài danh, những người thân yêu của ta ra đi.

“Người đi, một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”

Tuy nhiên cảm giác trống vắng có lẽ thuộc về tâm trạng hơn là thực thể. Vì một ngày nào sau nỗi buồn đau đó, mọi người bỗng nhận ra, khoảng trống vắng đó là không tồn tại. Nguyễn Tuân vẫn hiện diện trong cuộc đời này, hiện diện trên các trước tác của ông, trong các câu chuyện và giai thoại về ông, trong sách giáo khoa môn Ngữ văn của học sinh phổ thông có truyện ngắn Chữ người tử tù và thiên bút ký Người lái đò sông Đà của ông.

Chết mà vẫn còn sống trong lòng người là không mất. Đó là một lẽ. Chết mà còn hiện diện trên những gì làm được còn lại cho nhân quần là không mất. 

Nguyễn Tuân vắng mặt trên cõi đời này đã trên ba mươi năm. Nhưng bây giờ và chắc còn lâu nữa, cũng ch­ưa hề trở nên cũ kỹ, hết thời ngay giữa thời biến động của các thị hiếu, giao thoa của các quan niệm văn học. Ông vẫn là một đối tượng để ng­ười ta luận đàm, trao đổi, ngẫm nghĩ. 

Các nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn vẫn còn tiếp tục viết về ông, bàn bạc về văn chương, nhân cách độc đáo tài hoa của ông. Ông là một văn nhân hiếm hoi của văn học sử, một giá trị lâu dài của văn chương nước Việt. Với PGS.TS Đoàn Trọng Huy, ở công trình này, cuốn sách này, Nguyễn Tuân là ngọn nguồn cảm hứng vô cùng dồi dào sung mãn.

2. PGS.TS Đoàn Trọng Huy là thầy dạy tôi hồi tôi cùng với nhà văn Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Tô Hoàng, Tô Nhuận Vỹ, Chi Phan… là sinh viên của Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước.

Đã hơn nửa thế kỷ qua rồi, mà tới nay tôi vẫn không thể quên được hình ảnh, tiếng nói ông những buổi chúng tôi được trực tiếp học ông. Một cặp kính trắng sáng láng. Một gương mặt thông tuệ. Một tiếng nói khúc chiết, truyền cảm. Những cảm nhận kỹ lưỡng, sâu sắc, vừa mực thước, vừa tinh tế, tài hoa.

Vâng, vừa mực thước vừa tinh tế tài hoa, hai phẩm chất ở trong một con người vừa mang cốt cách một nhà sư phạm vừa có tố chất một nghệ sĩ trong cảm nhận văn chương. Vâng, suốt mấy chục năm sau, được đọc cả loạt các công trình của ông, được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện và trao đổi với ông, tôi vẫn lưu giữ trong mình cái mặc định ấy. Và lần này, với công trình về Nguyễn Tuân, mặc định nọ càng trở nên một đinh ninh.

Nguyễn Tuân - Bậc kỳ tài sáng láng văn chương - 1

Nhà văn Nguyễn Tuân 

Viết về Nguyễn Tuân dễ mà khó. Nguyễn có cái bề nổi dễ thấy và cái phần chìm ở phía sau không dễ lặn lội tới. Thành ra để hiểu Nguyễn, tôi nghĩ, PGS.TS Đoàn Trọng Huy ắt hẳn là phải có ít nhiều sự đồng điệu nhất định với ông rồi.

Nguyễn Tuân, bậc kỳ tái sáng láng văn chương - cảm tình của tôi với cuốn sách xuất hiện ngay từ khi thoạt đọc thấy nhan đề này. Nguyễn là một đấng bậc kỳ tài, đúng như định danh xác tín nọ. Tài có thường tài và kỳ tài. Người xưa đã nói vậy và giải thích thêm: phải dựa vào vạn vật rồi thành tài, đó là thường tài. Còn kỳ tài là cái tài không mượn cái đẹp từ bên ngoài, không  dựa vào sự giúp đỡ của nghe nhìn, ở đây là cái tài đích thực của Nguyễn, cái tài của các đấng bậc chỉ khai thác từ lòng mình, từ nội lực của mình mà có thể hiểu thấu sự biến đổi của vạn vật!

Cũng như vậy, tôi thật sự tâm đắc với nhiều ý tưởng trong các chương mục của cuốn sách, kể từ chương Nguyễn Tuân - nhà văn hoá tài hoa trở đi qua các chương: Cảm quan đặc sắc Nguyễn Tuân, Hình tượng không gian đa dạng trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân... đến chương Nguyễn Tuân - sự thống nhất biến hoá kỳ lạ trong một con người, Nghĩ về lối sống và viết “phá cách” của Nguyễn Tuân và các phần sau.

Chẳng hạn, ở chương mục Nguyễn Tuân trong tâm trí của tôi, ông viết: “Với Nguyễn Tuân, phải chăng hạt nhân tính cách là hai chữ thiên lương? Cái mã khóa để mở tâm hồn nhà văn có lẽ cũng ở đấy… Chính cái thiên lương là tiềm lực mạnh tạo nên sức nổ trong tư tưởng nghệ thuật để biến ông có lúc là người duy mỹ thuần túy trở thành người nghệ sĩ mới đi tìm cái đẹp lý tưởng của thời đại chúng ta hiện nay. Thiên lương đã cứu rỗi tâm hồn ông trong thời cũ, lúc ông gần như rơi xuống bờ vực sa ngã. Thiên lương mở đường cho ông phát huy cái tôi đích thực khi trái tim đã thuộc  về nhân dân và cách mạng… Để giữ được thiên lương trong đời viết, cuộc đấu tranh bản thân của ông đã diễn ra với tính cách quyết liệt của nhà văn!”. Đúng là những nhận xét có tính khám phá. Và đọc chúng, tôi bỗng thấy vô cùng hào hứng để dẫn thêm câu nói sau đây của Đức Khổng Phu tử: Người có đức hạnh ắt có ngôn từ!

Chẳng hạn, cũng ở chương này tác giả viết: “Nhà văn nào chẳng chủ quan? Tuy vậy có thể nói thế này chăng: Nguyễn Tuân là hạng nhất, nhì trong những nhà văn cực kỳ chủ quan. Bởi vì cái tôi nghệ sĩ nổi lên rất rõ rệt, cả từ phong cách sống cũng như viết... Ở đó ông tự do tung hoành, tự do khai thác đến tận cùng cái tôi nhà văn - cái tôi phóng túng tài hoa, độc đáo. Điều đó chứng tỏ một cá tính mãnh liệt”.

Đọc đến đây lại nhớ buổi ông nói chuyện ở Hội trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962. Đang chuyện trò vui vẻ với cử tọa, bỗng động đến chuyện một ai đó phê bình ông là duy mĩ, vô tâm, thế là ông liền nổi cơn giận dữ. Ông lấy đoạn cuối truyện Bữa rượu máu ra đọc, sang sảng phân tích cái chi tiết ngọn gió thổi bay tung chiếc mũ của viên quan, rồi một mình ông tạo nên một cuộc luận chiến gay gắt trên bục giảng, nhất quyết không chịu nhượng bộ một kẻ nào đó đó hiểu sai ông, quyết liệt bênh vực cho lòng yêu nước chân chính của mình.

Năm 1972, ông qua thăm Lào Cai. Một buổi, Bí thư­ Tỉnh ủy Lào Cai Trư­ờng Minh tiếp ông cùng các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Trần Hiếu Minh (tức Nguyễn Văn Bổng) và Mạc Phi. Đang trò chuyện, ông bỗng quay sang hỏi tôi, rằng hồi này làm việc gì, ở đâu. Tôi đáp tôi là phóng viên làm việc ở tờ báo Lào Cai đổi mới của tỉnh. Ông hỏi móc: “Chứ không làm lãnh đạo, hả?”. Và sau khi nhà văn Nguyễn Đình Thi nói rằng: “Nh­ư thế là có điều kiện dễ thâm nhập đời sống rất tốt”, ông liền đế thêm: “Chứ làm lãnh đạo mà dở dở ­ương ư­ơng thì khổ thiên hạ lắm!”.

4. Tôi tự thấy không đủ năng lực để thẩm định toàn bộ giá trị cuốn công trình nghiên cứu này của PGS.TS Đoàn Trọng Huy. Chỉ có cảm tưởng là cảm phục và thích thú. Cảm phục và thích thú vì quy mô, vì sự phong phú của nó. Vì đọc xong thấy một chân dung Nguyễn Tuân kỳ tài đúng như mình đã đọc, đã hiểu, đã thấy ông.

Sinh thời, tôi cách Nguyễn Tuân hơn một thế hệ. Nhưng vừa “kính nhi viễn tri ông” như nhiều bậc đàn anh, thấy ông cao vời vời lại vừa thấy ông gần gũi thân thuộc như một đồng nghiệp của cái nghề chữ nghĩa. Ông vừa là cây cao bóng cả vừa là cái bóng che mát cho các thế hệ sau. Sống ở miền tây Tổ quốc cả mấy chục năm mà khi đọc Sông Đà của ông, tôi mới hiểu được tất cả cái đẹp đẽ kỳ lạ hùng vĩ của vùng đất mình sống. Nguyễn Tuân có một sức lan tỏa và một lức hấp dẫn lạ lùng. Gặp ông dù chỉ một lần cũng khó có thể quên. 

Ông đến Lào Cai, nơi tôi sống một thời trai trẻ, trong cuộc đi không ngư­ng nghỉ, trong cái thú thẩm mỹ xê dịch của ông, trong tình yêu Tổ quốc cụ thể, xác thực là đư­ợc nhìn thấy tận mắt non sông đất nước mình, trong cái nghĩa: đi như một nghiệp dĩ của nghề viết. Trong một bài tùy bút, ông gọi Sa Pa là cái lẵng hoa của đất n­ước. Và tôi cứ ngờ ngợ rằng ông đến Lào Cai là bởi sức quyến rũ của dải sơn mạch Hoàng Liên và ngọn Phan Si Păng cao 3.143m kiêu hùng.

Nguyễn Tuân đã leo núi Phan Si Păng cùng một đoàn thám hiểm ngư­ời n­ước ngoài. Nghe nói, ông đã lên tới độ cao 2.600m. Cái dáng phủ phục đồ sộ của nó đã hút hồn ông, tạo nên một mê đắm trong tâm linh ông. Ông luôn là ng­ười muốn đi tới cái đẹp tuyệt cùng.

Cách ngày ông mất ít năm, t­ưởng ông đã quên nhãng Lào Cai, nào ngờ vừa gặp ông đã bảo: “Này ông Ma Văn Kháng, có gặp các bạn Lào Cai thì bảo mình sẽ lên Lào Cai! Lần này, các bạn giúp mình đi Si Ma Cai, qua cầu La Hờ v­ượt sông Chẩy, leo dốc lên Pha Long nhé!”. Ôi, con đư­ờng v­ượt sông Chẩy, leo dốc lên Pha Long cheo leo hiểm trở, mới chỉ là con đư­ờng mòn, bên núi, bên vực. Con đ­ường vẫn như­ một khắc khoải trong ông, ông quyết chinh phục nó. Ông đã chuẩn bị cho cuộc đi. Ông dành một lạng cao hổ để bồi bổ sức khỏe sửa soạn cho cuộc chiếm lĩnh đỉnh cao. Ông rủ Hoàng Trung Thông cùng đi. Tiếc là chuyến đi đã bị tuổi tác và bệnh tật cản ngăn.

Nhưng có hề gì đâu. Vì sống trong ông, trong văn ông vẫn là một khát khao v­ươn lên, đạt tới cái tột đỉnh, cái nhất tuyệt, cái siêu ngôn ngữ, cái cao ngạo mà vẫn tao nhã và duyên dáng vô cùng ở cốt cách con người ông. Và bây giờ, đọc xong cuốn sách này của PGS.TS Đoàn Trọng Huy thì một lần nữa bạn đọc xa gần lại như thấy ông đã ở trên đỉnh Phan Si Păng cao vời vợi của tài năng và phẩm giá rồi!

Ma Văn Kháng

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Gia đình – kết nối yêu thương”: Cuộc thi ảnh ý nghĩa nhân dịp Trung thu

“Gia đình – kết nối yêu thương”: Cuộc thi ảnh ý nghĩa nhân dịp Trung thu

Cuộc thi ảnh “Gia đình - Kết nối yêu thương” do UBND quận Tây Hồ phối hợp với Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức là hoạt động chính trong khuôn khổ chương trình “Đêm hội trăng rằm 2024” và “Hội chợ xúc tiến Thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa địa phương tại Quận Tây Hồ” tổ chức từ 13-16/9/2024 tại Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội, đây l

Apple bốc hơi 100 tỷ USD vốn hóa khi nhu cầu iPhone 16 bị bỏ ngỏ

Apple bốc hơi 100 tỷ USD vốn hóa khi nhu cầu iPhone 16 bị bỏ ngỏ

Cổ phiếu của Apple đã giảm mạnh khi các báo cáo cho thấy nhu cầu đối với iPhone 16 có thể thấp hơn dự kiến. Dù vẫn là công ty đại chúng có giá trị lớn nhất thế giới, nhưng Apple đang đối mặt với những lo ngại về doanh số của dòng sản phẩm iPhone mới nhất.