Về người được ví như “con ngựa thồ văn hóa”

Dương Tường là dịch giả gạo cội của văn học Việt, ông cần mẫn, miệt mài chuyển ngữ những tác phẩm hay, khó của văn chương thế giới sang tiếng Việt, ông được mệnh danh là “con ngựa thồ văn hóa”, “cây cầu nối” văn học.

Tối 24/2, Nhà thơ, dịch giả Dương Tường rời cõi tạm để lại niềm tiếc thương đối với giới văn chương và độc giả. Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng diễn ra từ 9 giờ 15 phút đến 10 giờ 30 phút ngày 1/3/2023 (tức ngày 10/2 năm Quý Mão), lễ truy điệu vào hồi 10 giờ 45 phút ngày 1/3/2023 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Về người được ví như “con ngựa thồ văn hóa” - 1

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên xúc động chia sẻ về sự ra đi của dịch giả Dương Tường trên trang cá nhân của mình: “Sự ra đi của Dương Tường đối với tôi vẫn là quá đột ngột, dẫu biết ông đã ngoài tuổi chín mươi, dẫu biết ông đã nằm viện hơn hai tháng nay, dẫu biết ông có thể rời bỏ cõi đời bất cứ lúc nào. Khoảng thời gian ông ở bệnh viện không ai người ngoài được vào thăm do những quy định nghiêm khắc của ngành y tế đối với người bệnh. Và thế là tôi đã không được gặp ông lần cuối như những lần tôi đến nhà ngồi bên ông. Phút cuối bên ông có vợ chồng con trai, vợ chồng con gái, và một đứa cháu. Ông đã rời cõi thế trong một cơn mê kéo dài”.

Gia tài của người dành cả đời đánh cược với chữ

Sinh thời ông là người thích chọn những gì khó, thách thức lớn về mặt ngôn ngữ, tư tưởng để làm. Cả tiếng Anh và tiếng Pháp ông đều tự học với động lực ban đầu là do ham mê văn học, muốn đọc văn học sau đó là muốn mang những tinh hoa của nhân loại mình có thể dịch cho càng nhiều người biết.

Về người được ví như “con ngựa thồ văn hóa” - 2

Chân dung Dương Tường qua tranh của Bùi Xuân Phái.

Là một người lao động cần mẫn, ông đã dành cả cuộc đời mình để phưu lưu cùng những con chữ, hơn 50 tác phẩm văn chương của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp, Brazil, Nhật Bản, Na Uy… đã được ông dịch sang tiếng Việt. Ông nổi tiếng và được nhiều bạn đọc biết tới khi là người chuyển ngữ của của nhiều tác phẩm văn học có giá trị như “Cuốn theo chiều gió”, “Cội rễ”, “Đồi gió hú”, “Bức thư của người đàn bà không quen”, “Kafka bên bờ biển”, “Con đường xứ Flandres”…

Năm 2020, ở tuổi 88 và khi thị lực đã giảm nhiều, ông còn dịch xong tác phẩm “Truyện Kiều” sang tiếng Anh. Ông coi đây là “đỉnh núi cuối cùng” cần chinh phục trong sự nghiệp dịch thuật của mình và cũng coi như mình đã trả hết nợ cho đời, cho tiếng Việt khi đưa tác phẩm đẹp nhất của nước Việt ra thế giới.

Về người được ví như “con ngựa thồ văn hóa” - 3

Hai năm trước khi mất, ông cho ra mắt bản chuyển ngữ tiếng Anh Truyện Kiều (Nguyễn Du) có tên Kiều in Dương Tường’s version.

Bên cạnh việc dịch thuật, ông cũng dành tình yêu cho thơ, ông đã in các tập “Dương Tường – Thơ”, “36 bài tình” (in chung với Lê Đạt), “Đàn” (thơ ngoài lời),... Dương Tường còn là tác giả của tạp luận “Chỉ tại con chích chòe” và tập truyện ký “Thuyền trưởng” (bút danh Nguyễn Trinh).

Không chỉ giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, Dương Tường trước hết là một người giỏi tiếng Việt. Chính vì thế, khi đọc những bản dịch của ông người ta sẽ thấy rằng bên cạnh đọc một kiệt tác văn chương thế giới, đó còn là việc thưởng thức ngôn ngữ Việt nhuần nhụy, ngôn ngữ văn chương thuần khiết qua vốn từ, sự uyên bác và cách làm việc công phu của Dương Tường.

Người thúc đẩy sự gặp gỡ giữa các nền văn hoá

Dịch giả Dương Tường đã dịch nhiều tác phẩm của văn học Pháp sang tiếng Việt, ông được đánh giá là một người hoạt động nhiệt tâm trong việc thúc đẩy sự gặp gỡ giữa các nền văn hoá. Các tác phẩm tiếng Pháp sang tiếng Việt có thể kể đến như “Những con đường xứ Flandres”, “Những đại lộ ngoại vi”, “Phố những cửa hiệu u tối”...

Về người được ví như “con ngựa thồ văn hóa” - 4

Ông được mệnh danh là “con ngựa thồ văn hóa”, “cây cầu nối” văn học.

Vào năm 2009, ông vinh dự được Đại sứ Pháp Hervé Bolot trao tặng Huy chương Văn học Nghệ thuật của Chính phủ Pháp vì đã có công đem nhiều tác phẩm văn chương Pháp đến với độc giả Việt Nam.

Nói về giải thưởng danh giá này, ông đã từng xúc động chia sẻ: “Tôi có thể nói không quá lời rằng đời tôi, tôi tự nuôi mình bằng văn hóa Pháp. Từ thiếu thời, những lý tưởng tự do và dân chủ của Jean-Jacques Rousseau đã dẫn tôi đến cách mạng tháng Tám mà đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tôi khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Đến năm 1949, tôi đã đi đánh đuổi xâm lược Pháp, trong balô có một cuốn từ điển tiếng Pháp và tập thơ Con tàu say của Arthur Rimbaud. Nghe có vẻ nghịch lý nhỉ, nhưng chính từ nghịch lý đó, tôi đã đi qua chặng hành trình của tôi bằng cách làm giàu văn hóa của chính chúng tôi bằng vốn văn hóa Pháp của tôi và điều đó dẫn tôi đến huân chương ngày hôm nay. Tôi phải nói rằng vinh dự này tôi chịu ơn những bậc thầy tư tưởng lỗi lạc của Pháp, tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến họ và đến văn hóa Pháp".

Dương Tường sinh ngày 04/8/1932 tại thành phố Nam Định. Ông tham gia cách mạng năm 1945 tại Vĩnh Yên, thời kỳ kháng chiến chống Pháp (từ năm 1949-1955) tham gia quân đội, cán sự văn nghệ Trung đoàn 66, sư đoàn 304. Ông bắt đầu làm thơ từ năm1952, dịch sách từ 1961.

Dương Tường là một nghệ sĩ đa tài, người ta biết đến ông với nhiều vai trò: dịch giả, nhà thơ, phóng viên, nhà phê bình nghệ thuật, sân khấu, văn học, âm nhạc, điện ảnh..

.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tìm kiếm tài năng Guitar toàn quốc

Tìm kiếm tài năng Guitar toàn quốc

Cuộc thi Festival guitar talent toàn quốc năm 2024 được Viện Phát triển giáo dục và văn hóa Việt Nam phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức nhằm tìm kiếm và phát triển tài năng âm nhạc Việt Nam diễn ra từ ngày 1/8 đến 27/10.