Nhà thơ, dịch giả Dương Tường rời cõi tạm
Trong giới dịch thuật, Dương Tường được kính trọng bởi ông luôn thử sức mình ở những tác phẩm khó, làm việc hết sức mình, tạo nên những bản dịch tài hoa và gìn giữ vẻ đẹp của tiếng Việt.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời lúc 20h08 tối 24/2 tại Bệnh viện 108, Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thông báo tin buồn này trên trang cá nhân của mình: “Ông là một người thực sự dấn thân cả đời cho văn học trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật. Cho đến tận những năm cuối đời, dù sức khỏe ông đã quá hao mòn nhưng cảm hứng sáng tạo của ông lúc nào cũng như tràn đầy. Ông là một ví dụ cho sự dấn thân trên con đường đi tìm cái mới. Xin cúi đầu tiễn biệt ông”.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường bắt đầu với công việc dịch thuật từ những năm 1960. Gia tài dịch thuật của ông phong phú, đồ sộ gồm hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học lớn như Anh, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản. Trong đó, nhiều bản dịch của ông chinh phục nhiều thế hệ độc giả như: Lolita, Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Bức thư của người đàn bà không quen, Kafka bên bờ biển, Con đường xứ Flandres, Đi tìm thời gian đã mất,...
Dịch giả Dương Tường được kính trọng và yêu mến bởi những bản dịch tài hoa.
Ngoài dịch thuật, Dương Tường phê bình văn học, mỹ thuật, làm thơ. Ông từng thể nghiệm thể loại mà ông gọi là "thơ ngoài lời", với cách biểu đạt, hình thức mới. Ông đã in các tập Dương Tường - Thơ, 36 bài tình (in chung với Lê Đạt), Đàn (thơ ngoài lời),... Dương Tường còn là tác giả của tạp luận Chỉ tại con chích chòe và tập truyện ký Thuyền trưởng (bút danh Nguyễn Trinh).
Hai năm trước khi mất, ông cho ra mắt bản chuyển ngữ tiếng Anh Truyện Kiều (Nguyễn Du) có tên Kiều in Dương Tường’s version.
Dương Tường sinh năm 1932, quê gốc ở Nam Định, cha ông là một nhà thầu khoán ở Hà Nội. Ông học tiểu học tại Nam Định, học trung học tại Hà Nội tới khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông đi theo cách mạng. Năm 1955, ông giải ngũ về Hà Nội sinh sống. Từ năm 1955 đến giữa thập niên 1960, Dương Tường là phóng viên tổ văn xã (văn hóa xã hội) của Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Ông về hưu năm 1979, chuyên chú hơn cho văn chương, dịch thuật cho tới tận cuối đời. |

NSND Trần Tiến đã rời cõi tạm sau 87 năm sống, sáng tạo, cống hiến hết mình cho nghệ thuật vào chiều ngày 22/1/2023 do...
Bình luận