Từ nợ nần đến triệu phú: TikToker nổi tiếng chia sẻ bí quyết vực dậy bất ngờ

Trong bối cảnh nhiều người lo lắng vì lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế, Jasmine Taylor – một TikToker từng ngập trong nợ nần – đã tìm được lối thoát nhờ phương pháp "cash stuffing" và tư duy ngân sách rõ ràng. Với doanh thu hơn 2,2 triệu USD một năm từ chính phương pháp này, cô cho rằng: “Lỗi lớn nhất là không cho đồng tiền một mục đích cụ thể.”

Lập ngân sách quan trọng trong thời kỳ kinh tế bất ổn

Theo báo cáo từ Conference Board, niềm tin tiêu dùng hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2011. Nguyên nhân đến từ nỗi lo về thuế quan, lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế. Trong tình hình đó, các chuyên gia tài chính khuyên nên chuẩn bị sẵn sàng cho khủng hoảng bằng cách tăng khoản tiết kiệm khẩn cấp và siết lại chi tiêu.

Jasmine Taylor – người sáng lập Baddies & Budgets – cho biết: “Khi giá cả leo thang, sai lầm phổ biến nhất là chi tiêu theo cảm tính. Chính lúc này, việc có một kế hoạch tài chính càng trở nên cấp thiết.”

Việc lập ngân sách không chỉ giúp bạn kiểm soát tiền bạc mà còn khiến bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt: cắt giảm ở đâu, giữ lại điều gì quan trọng. Đặc biệt, Taylor nhấn mạnh việc “phân công” rõ ràng cho từng đồng tiền – hay nói cách khác, “cho tiền một công việc”.

Phương pháp "cash stuffing" là gì và tại sao lại hiệu quả?

“Cash stuffing” là phương pháp quản lý tiền bằng cách chia toàn bộ thu nhập thành các khoản nhỏ và đặt chúng vào phong bì riêng, mỗi cái đại diện cho một danh mục chi tiêu như ăn uống, hóa đơn, tiết kiệm hay giải trí.

Taylor từng mang trên mình khoản nợ hơn 69.000 USD từ học phí, viện phí và thẻ tín dụng. Nhưng nhờ phương pháp này, cô không những thoát nợ mà còn biến trải nghiệm của mình thành nội dung lan truyền trên TikTok.

Từ mạng xã hội, cô mở rộng thành một doanh nghiệp cung cấp khóa học quản lý tiền, dụng cụ lập ngân sách và phụ kiện, thu về 2,2 triệu USD trong năm 2024. Dù giờ đây, công việc đã mở rộng sang nền tảng số, lời khuyên cốt lõi của cô vẫn là: mỗi đồng tiền vào tài khoản cần có mục đích rõ ràng.

Từ nợ nần đến triệu phú: TikToker nổi tiếng chia sẻ bí quyết vực dậy bất ngờ - 1

Jasmine Taylor, 34 tuổi, là người sáng lập Baddies & Budgets.

Ngân sách kiểu “zero-based” có thể giúp gì cho bạn?

Phương pháp "zero-based budgeting" (ngân sách về 0) yêu cầu bạn phân chia toàn bộ thu nhập tháng cho từng khoản mục, từ tiền nhà, ăn uống đến khoản đầu tư, trả nợ, hay thậm chí là cà phê mỗi sáng - cho đến khi hết sạch tiền.

Taylor cho rằng đây là cách tốt nhất để nắm được dòng tiền. Khi vật giá leo thang, bạn có thể dễ dàng xác định phần nào nên cắt giảm mà vẫn đảm bảo các nhu cầu thiết yếu.

Nếu phải tăng tiền chợ vì thực phẩm đắt đỏ hơn, bạn sẽ biết chính xác cần giảm ở đâu – ví dụ như hủy bớt các gói giải trí không cần thiết. “Không có đồng nào bị lọt lưới,” Taylor nói.

Nên cắt giảm chi tiêu ở đâu trong lúc thắt chặt ngân sách?

Taylor khuyên nên bắt đầu từ các khoản như bảo hiểm và cước điện thoại – những nơi ít ai nghĩ đến. “Hãy thường xuyên gọi cho công ty bảo hiểm để hỏi giá tốt hơn. Không nên quá trung thành với họ,” cô chia sẻ.

Tương tự, với nhà mạng hoặc các dịch vụ giải trí, bạn có thể được giảm giá nếu dọa sẽ hủy. Một số người còn có thể tìm thêm nguồn thu từ công việc phụ hoặc thu nhập thụ động nếu chi tiêu đã được tối giản hết mức.

“Có lúc bạn phải cắt cả những điều mình yêu thích để lo cho gia đình,” Taylor nói. “Nếu cắt hết rồi vẫn không đủ, bạn nên nghĩ đến việc tăng thu.”

Taylor khẳng định: nhiều người hiểu lầm rằng lập ngân sách là để "nói không" với mọi thứ. Thực tế, nó là công cụ để bạn "nói có" với những điều thực sự quan trọng.

“Tôi dạy mọi người cách tiêu tiền vào điều khiến họ hạnh phúc và bỏ đi những thứ không cần thiết,” cô nói. Việc này không chỉ giúp bạn sống trong khả năng tài chính mà còn thấy nhẹ nhõm hơn khi đối mặt với biến động kinh tế.

Xuyến Chi (Theo CNBC)

Tin liên quan

Tin mới nhất