Liên hoan Phim Môi trường đầu tiên tại Việt Nam: Truyền cảm hứng về gìn giữ thiên nhiên

Liên hoan Phim Môi trường Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam sẽ khai mạc ngày 23/9 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mở màn với bộ phim Tây Ban Nha có tựa đề “Panteras - Theo dấu chân loài báo” của đạo diễn Andoni Candela.  

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động quốc tế thuộc Tuần lễ khí hậu 2022 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, "#It's Time To Act" - Liên hoan Phim Môi trường tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 23/9 đến ngày 7/10, do Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha tài trợ với sự hợp tác của 14 quốc gia và nhiều tổ chức vì môi trường tại Việt Nam.

Sau nhiều thập kỷ với các bằng chứng khoa học đáng báo động về sự sụp đổ của các giới hạn sinh thái, cùng với niềm tin rằng chúng ta phải hành động ngay trong thập kỷ quan trọng này, “#It's Time To Act” mang tới hơn 15 bộ phim về các vấn đề môi trường từ các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ Latinh và Việt Nam.

Liên hoan lần này là nơi quy tụ tiếng nói của các nhà hoạt động vì môi trường trên khắp thế giới và là nền tảng cho các cuộc thảo luận về việc xây dựng một tương lai bền vững.

Liên hoan Phim Môi trường đầu tiên tại Việt Nam: Truyền cảm hứng về gìn giữ thiên nhiên - 1

Liên hoan sẽ chiếu phim truyện, phim tài liệu và phim ngắn có phụ đề bằng tiếng Việt, kết hợp cả chiếu trực tiếp và trực tuyến

Trong khuôn khổ Liên hoan phim cũng sẽ diễn ra các buổi tọa đàm về các chủ đề nổi bật như: "Phụ nữ, những nhà bảo vệ môi trường" và "Đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng" với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tiến sĩ Oriol Solà Pardell - Điều phối viên Liên hoan phim Môi trường tại Việt Nam từ Đại sứ quán Tây Ban Nha cho biết: “Liên hoan phim sẽ truyền cảm hứng cho khán giả trong việc bảo vệ và giữ gìn thiên nhiên. Năm đầu tiên của Liên hoan phim là sự nỗ lực của tập thể quốc tế nhằm mang lại hy vọng cho thiên nhiên. Bây giờ đã đến lúc: Hãy cùng cứu lấy tương lai".

Góp mặt trong Liên hoan Phim Môi trường năm nay, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương của Việt Nam sẽ giới thiệu bộ phim "Ô nhiễm trắng" do Dương Văn Huy đạo diễn. Phim nói về thực trạng rác thải của người dân Việt Nam với những thói quen hằng ngày khi sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần một cách tràn lan, vô ý thức, vô tình đã tạo ra hiểm họa đối với môi trường, cuộc sống của chính thế hệ mình và thế hệ tương lai.

Bộ phim cũng đưa ra các phân tích của các nhà khoa học nhằm có cái nhìn sâu hơn về tác hại của "Ô nhiễm trắng" với sức khỏe con người. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp đã và đang thực hiện với quyết tâm kiểm soát

Một số bộ phim nổi bật khác sẽ công chiếu tại Liên hoan Phim Môi trường:

Panteras – Theo dấu chân loài báo (Tây Ban Nha)

Siêu phẩm mở màn Liên hoan phim sẽ đến từ một trong những quốc gia có nền văn hóa đặc sắc nhất trên thế giới. Là một bộ phim tài liệu của Tây Ban Nha ra mắt vào năm 2021, “Panteras – Theo dấu chân loài báo” kể về Andoni Canela - một nhiếp ảnh gia thiên nhiên nổi tiếng đã cùng cậu con trai Unai của mình bắt đầu một chuyến phiêu lưu hấp dẫn đi tìm những loài mèo lớn trên hành tinh như báo đốm Mỹ, hổ, sư tử, báo sư tử, báo gê-pa, báo hoa mai...

Liên hoan Phim Môi trường đầu tiên tại Việt Nam: Truyền cảm hứng về gìn giữ thiên nhiên - 2

"Panteras – Theo dấu chân loài báo" sẽ chiếu vào 19 giờ ngày 23/9 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội)

Cuộc hành trình kéo dài trong vài năm và kết thúc giữa vùng núi cao Tây Tạng và dãy Himalaya, nơi hai cha con cố gắng tìm dấu vết loài báo tuyết huyền thoại. Sự khó khăn của nhiệm vụ, cách biểu đạt tuyệt vời của thiên nhiên hoang dã và sự nhạy cảm của hai cha con Andoni và Unai đã biến bộ phim thành lời kêu gọi bảo vệ môi trường đầy cảm xúc và đồng thời cũng là hành trình khám phá nội tâm của chính mình.

Khu rừng kỳ diệu (Pháp)

“Khu rừng kỳ diệu” là bộ phim tài liệu mới của đạo diễn Pháp gắn bó với dòng phim tài liệu - Luc Jaquet. Ông nổi danh qua các phim về tự nhiên và động vật hoang dã như "March of the Penguins" hay "The Fox and the Child". Cuộc gặp gỡ giữa đạo diễn với nhà thực vật học Francis Hallé làm chào đời bộ phim về những khu rừng nguyên sinh nhiệt đới rộng lớn.

Phim mới sử dụng lối quay hiện đại: rất nhiều đại cảnh và cảnh quay từ trên cao khiến người xem như ngụp lặn vào bữa tiệc hình ảnh mãn nhãn. Tác phẩm là chuyến phiêu lưu khám phá đặc biệt về thế giới hoang dã còn nguyên trạng. Với cách kể chuyện độc đáo và đầy lý thú, phim của ông gây xúc động và thán phục.

Nữ hoàng không có đất (Na Uy)

Đây là một bộ phim nhẹ nhàng và nhạy cảm về cuộc gặp gỡ giữa Frost, một mẹ gấu Bắc Cực xinh đẹp và một nhà làm phim về động vật hoang dã người Na Uy. Đó là một hành trình kéo dài 5 năm, kể từ lần chạm trán đầu tiên của họ vào năm 2013 tại ngôi nhà Bắc Cực của cô ở Svalbard.

Biến đổi khí hậu và đặc biệt là nhiệt độ tăng là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái của cô ấy khi băng tan đi với tốc độ kỷ lục. Vẻ đẹp rực rỡ của Bắc Cực vẫn đẹp mê hồn. Phong cảnh rộng lớn, ánh sáng khó quên và tất cả các dạng sống từ tảo cực nhỏ đến hải mã khổng lồ kết hợp với nhau để làm nổi bật một cuộc đấu tranh sinh tồn chưa từng có.

Liên hoan Phim Môi trường đầu tiên tại Việt Nam: Truyền cảm hứng về gìn giữ thiên nhiên - 3

"Nữ hoàng không có đất" chiếu 19h ngày 28/9 tại Viện Goethe (Nguyễn Thái Học, Hà Nội)

Trong khi tránh những cách diễn giải mang tính giáo huấn và chuẩn mực, bộ phim là một cái nhìn sâu sắc về vị trí của con người trên trái đất và sự tôn kính đối với cuộc sống. Với những cảm xúc xen kẽ liên tục giữa hy vọng và tuyệt vọng dành cho Frost và đàn con nhỏ của cô, bộ phim khám phá câu hỏi "hành tinh này là nhà của tất cả chúng ta, liệu chúng ta có thể bỏ qua nó không?"

Tìm về đại dương (Pê-ru)

Pacificum, tìm về đại dương – nơi khởi nguồn sự sống là bộ phim tài liệu Peru đầu tiên được sản xuất và ra mắt tại rạp chiếu phim Peru. Sau khi trình chiếu, bộ phim đã được khán giả đón nhận một cách tích cực nằm ngoài mong đợi, điều này đã giúp ekip làm phim được vinh danh tại Liên hoan phim tại thủ đô LIMA năm 2017 và ẵm về giải thưởng do khán giả bình chọn.

Bên cạnh đó, thông điệp được truyền tải qua bộ phim tài liệu đã tạo tiền đề cho sự thành lập của “phong trào Pacificum”, một tổ chức khuyến khích các cá nhân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường biển.

Không lâu sau, Netflix đã mua lại bản quyền phim và trước khi phát sóng phim trên nền tảng của mình, đế chế phim trực tuyến này đã trao cơ hội được công chiếu phim tài liệu cho tổ chức văn hóa hữu nghị giữa Peru và Vương quốc Anh tại Anh.

Liên hoan phim Môi trường tại Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép tổ chức với sự tham gia của Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội. Các bộ phim đều sẽ được xét duyệt và cấp phép phổ biến của Cục Điện ảnh trước khi được chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim. Việc tổ chức Liên hoan phim tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Địa điểm chiếu phim tại Hà Nội: Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Khai mạc và chiếu phim Tây Ban Nha), Viện Goethe và Casa Italia, Trường Pháp Alexandre Yersin, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội; Đại học Bách khoa Hà Nội, tại thành phố Hồ Chí Minh: Ươm Art Hub.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.