“Hồ Xuân Hương tiếng vọng”, bức chân dung thân thế nữ sĩ

Trong làng báo, tôi vừa là người anh vừa là đồng nghiệp của Nghiêm Thị Hằng, quen biết nhau đã mấy chục năm. Năm 2011, khi là Tổng Biên tập báo Người cao tuổi, tôi mời Nghiêm Thị Hằng sau khi nghỉ hưu ở báo Nông nghiệp Việt Nam về làm Báo Người cao tuổi, được bổ nhiệm là Trưởng phòng Pháp luật và Bạn đọc của báo. Nghiêm Thị Hằng còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của nhiều bài thơ được phổ nhạc, trong đó có bài Mùa hoa cải. Đầu năm 2021, Nghiêm Thị Hằng nói với tôi: “Em nghỉ ở tòa soạn để nghiên cứu và viết về Hồ Xuân Hương!”...

Thế là sau nghề báo, nghiệp thơ, ở tuổi 66 Nghiêm Thị Hằng rẽ ngang sang nghiên cứu, đây là lĩnh vực lần đầu chị thử sức. Cuối năm 2021 chị đã trình làng cuốn khảo cứu Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nhà báo Trần Nhung nhận xét: “Lần đầu tiên có một cuốn sách nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và có căn cứ lịch sử, địa lí, xã hội và văn học về nhà thơ nữ nổi tiếng Hồ Xuân Hương. Với 316 trang, tác phẩm giải mã được 9 bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”.

Liên tiếp trong 2 năm (2021 và 2022) nhân sự kiện UNESCO vinh danh “Danh nhân văn hóa” và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức đón nhận danh hiệu “Danh nhân văn hóa” cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương, báo chí trong nước đưa tin về 2 sự kiện này. Cuốn khảo cứu Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Nghiêm Thị Hằng được báo chí và giới nghiên cứu văn học trong nước đánh giá “là công trình khoa học công phu, tác giả đã dày công sưu tầm, nghiên cứu”; “Nghiêm Thị Hằng đã phải vận dụng tất cả vốn tri thức mình đã có, ngoài những tài liệu khảo cứu còn phải biết tử vi, kinh dịch, ngoại cảm... là các bộ môn “siêu thực”.

Theo PGS.TS Vũ Nho, đây là “Bước tiến quan trọng nghiên cứu thân thế cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. Trên báo Quân đội nhân dân, La Sơn nhận xét: “Sau dư một thế kỷ, gần đây xuất hiện khảo luận Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Nghiêm Thị Hằng (NXB Hồng Đức, 2021) với định hướng nghiên cứu phi truyền thống…”.

Dư âm về cuốn Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương chưa hết, thì giữa tháng 10/2022, Nghiêm Thị Hằng xuất bản tiểu thuyết lịch sử Hồ Xuân Hương tiếng vọng. Tác phẩm như một bức tranh lịch sử, kể lại thân phận cuộc đời nữ sĩ, vốn xưa nay vẫn mờ mờ tỏ tỏ. Sách dày 342 trang gồm 5 phần: “Quả Ngọt cuối mùa”; “Thời thiếu nữ kiêu sa”; “Lấy chồng làng Gáp”; “Chữ tài gắn với chữ tai”; “Họa tam tai”.

“Hồ Xuân Hương tiếng vọng”, bức chân dung thân thế nữ sĩ - 1Tiểu thuyết lịch sử Hồ Xuân Hương tiếng vọng 

Phần 1 “Quả ngọt cuối mùa” gồm các chương “Thầy đồ dứt áo xa quê”; “Tìm em nhờ bạn tứ trấn”; “Hội hoa mẫu đơn - duyên trời định”; “Đầu thu hoa nở”; “Học theo cha thuộc làu kinh sử”; “Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”; “Thầy đồ về cõi phật”. Các chương nối kết theo mạch thời gian. Bắt đầu từ gia phả Trung chi 2 họ Hồ ở Quỳnh Đôi. Hồ Xuân Hương có ông trẻ (em trai cụ Hồ Phi Cơ, cụ nội của nữ sĩ) là Hoàng giáp Hồ Phi Tích, Phó Tể tướng và Vua Quang Trung Nguyễn Huệ là hậu duệ đời thứ 12, là anh họ nữ sĩ họ Hồ.

Cụ Hồ Phi Gia có 2 con trai là Hồ Phi Diễn (cha của Hồ Xuân Hương) và Hồ Phi Lãng lưu lạc theo nghĩa quân của Lê Duy Mật. Khi bố mẹ qua đời, người vợ của thầy đồ Hồ Phi Diễn cũng qua đời ở tuổi gần 60, nhớ lời cha mẹ dặn phải tìm người em trai Phi Lãng lưu lạc. Phi Diễn buông liếp mái tranh nghèo giao cho vợ chồng em họ là Hồ Phi Thiện trông giữ, ra Thăng Long vừa dạy học vừa nhờ bạn tứ trấn tìm tung tích em trai. Trong lần đi tìm, Phi Diễn đã gặp Hà Thị ở hội hoa mẫu đơn chùa Phật Tích.

Nhân duyên se cho thầy đồ xứ Nghệ với người phụ nữ Kinh Bắc. Họ cưới nhau năm nàng 36 tuổi, thầy đồ họ Hồ 68 tuổi. Hà Thị làm nghề trồng hoa ở làng Ngọc Hà, hay đi bán hoa ở các đền, chùa. Nàng dâng lễ đền Quán Thánh gặp ông thầy dặn rằng sau này con gái của nàng sẽ làm nhà ở cạnh nhà thần. Mùa thu tháng bảy, Hà Thị sinh con gái đặt tên là Hồ Phi Mai (tự là Hồ Xuân Hương), năm ấy Hà Thị 38 tuổi, cụ đồ 70 tuổi. Hồ Phi Mai có cá tính, học giỏi hơn người, chỉ nghe lỏm cha dạy học mà tinh thông kinh sử. Năm Phi Mai 13 tuổi thì cụ đồ Hồ Phi Diễn mất.

Phần 2 “Thời thiếu nữ kiêu sa” kể về thời thiếu nữ kiêu sa của nàng thơ. Danh tiếng nữ sĩ, khiến các sĩ tử về kinh thành dự thi đều muốn đến hiệu sách phố Nam để ngắm dung nhan, để được đối thơ với nàng, đúng cảnh “Vườn Xuân ong bướm dập dìu”. Là con nhà nghèo, cha mất sớm, Xuân Hương không được hứa hôn với con nhà gia thế. Năm 1791 Nguyễn Du (cậu Bảy), con Tể tướng Nguyễn Nghiễm, lên Thăng Long giúp anh trai là Nguyễn Nễ tu sửa lại dinh tự Gác tía của anh trai là Tiến sĩ - Tể tướng Nguyễn Khản, bị tàn phá sau họa kiêu binh năm 1780.

Ở Gác tía làng Nghi Tàm, nhân duyên xui khiến Nguyễn Du gặp Hồ Xuân Hương, 17 tuổi hồn nhiên tươi trẻ. Hai tâm hồn thơ đồng điệu, gắn kết qua mối tình thơ, một tình yêu trong mộng. Vì gia cảnh, Nguyễn Du trở về quê Tiên Điền xa cách. Nhân duyên không thành, để lại sự chống chếnh trong tâm hồn Xuân Hương. “Tình trong mộng” ấy, hình bóng của Nguyễn Du, nàng ví cao như núi, dài như sông. Thế nên Xuân Hương mới rơi vào cảnh “Kén cá chọn canh”, “Cao không tới thấp không vừa” trong nhân duyên.

Phần 3 “Lấy chồng làng Gáp” kể về khi tuổi đối thơ với ba chàng tú đất Phong Châu vào cuối mùa đông năm 1801. Đội Kình đối được thơ, thua cuộc nữ sĩ trở thành vợ ba của Đội Kình khi nàng 29 tuổi. Từ một nữ sĩ đất kinh kỳ quen dạy học, làm thơ và buôn bán, giờ đây làm dâu làng Gáp, nàng phải quen việc nhà nông, phải quen ăn cơm độn sắn, khoai. Nhưng nàng không thể quen và chịu cảnh chung chồng “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” nên đã phản kháng, dám bỏ chồng về nhà mẹ. Bi kịch chồng chung khép lại ở câu thơ “Thiếp bén duyên chàng có thế thôi”.

Phần 4 “Chữ tài gắn với chữ tai”. Theo thời gian, tác giả kể tiếp nữ sĩ rời làng Gáp về kinh thành Thăng Long, nghiệp thơ níu với bạn bè văn sỹ. Nàng dựng Cổ Nguyệt đường bên Hồ Tây, giáp đền Quán Thánh. Đây là nhà ở, nơi bán giấy bút, sách vở cho các sĩ tử về kinh thành dự thi cũng là quán thơ để gặp bạn bè. Tại Cổ Nguyệt đường, nàng quen tri phủ Tam Đái - Trần Phúc Hiển (biệt hiệu là Mai Sơn Phủ). Hai người hẹn cùng nhau, đợi khi chàng về miền Yên Quảng nhậm chức (năm 1814) sẽ cưới nàng làm thiếp.

Phần 5 “Họa tam tai”. Sau khi Hồ Xuân Hương đoạn tang mẹ, năm 1816 Quan tham hiệp Trần Phúc Hiển cưới nàng về làm “Bà chúa vùng Đông Hải”. Đây là những tháng ngày hạnh phúc nhất của nữ sĩ. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Quan tham hiệp gặp hoạ, bị bắt tháng 5/1818. Nữ sĩ chạy đôn chạy đáo từ Bắc vào Nam kêu án cho  chồng.

Đến kinh thành Phú Xuân, Hồ Xuân Hương gặp lại Nguyễn Du đang giữ chức Tham tri bộ lễ. Thương cảm và giữ tình xưa nghĩa cũ, quan Tham tri bộ lễ dâng sớ kêu oan của Xuân Hương tới Vua Gia Long. Vua ban cho Phúc Hiển đặc ân sống thêm 60 ngày, được tự chọn nơi và cách hành quyết. Phúc Hiển chọn tự vẫn bằng dải lụa đào mong được chôn tại quê gần phần mộ của Tiền hiền mở đất họ Trần làng Tam Kỳ.

Chuyện Hồ Xuân Hương tiếng vọng khép lại, Nghiêm Thị Hằng nói về dự định mới  trước khi chia tay chúng tôi.Theo chị, cuốn tiểu thuyết Hồ Xuân Hương tiếng vọng, chưa giải được nỗi oan cho Quan tham hiệp Trần Phúc Hiển, chưa tìm được dấu tích phần mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Vì thế, chị sẽ tiếp tục nghiên cứu về ngôi mộ cổ vô thừa nhận số 1850 mang tên Huỳnh Hoàn Nhân, ở phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Việc nghiên cứu đã và đang được UBND thành phố Tam Kỳ đồng thuận, để được phép khai quật ngôi mộ này. UBND thành phố Tam Kỳ mời PGS.TS Nguyễn Lân Cường, nhà nhân cổ học số 1 Việt Nam tham gia khảo cứu, để có kết luận khoa học công bố về giới tính hài cốt người trong mộ.

Hiện nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng đang viết truyện kí Hành trình tìm mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Những dữ liệu nghiên cứu mới cả phần tiếng vọng của người xưa, cả phần kết luận của cơ quan nghiên cứu khảo cổ, sẽ được nhà báo - nhà văn Nghiêm Thị Hằng công bố ở truyện kí của mình.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất