Những áng văn lưu dấu cảnh Việt

Với sự giao lưu chia sẻ của các khách mời đặc biệt: Nhà văn Nguyễn Trương Quý, Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh, họa sĩ Trương Văn Ngọc, tại buổi Giao lưu và ra mắt sách “Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương” ngày 20/4, người yêu sách Thủ đô đã cùng tìm hiểu và khám phá cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam qua các đoạn trích hay nhất trong sách giáo khoa chương trình phổ thông. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Sách và Văn hoá đọc 2023 do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức.

“Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương” tuyển chọn những đoạn trích văn thơ về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp Việt Nam từ Bắc đến Nam. Những đoạn trích văn thơ đó được lấy ra từ những tác phẩm văn học nổi tiếng, quen thuộc của các nhà văn, nhà thơ lớn của Việt Nam từ trung đại cho đến hiện đại. Cuốn sách giúp độc giả được tìm hiểu thêm những kiến thức về địa lí, lịch sử, văn hóa và con người trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc.

Những áng văn lưu dấu cảnh Việt - 1

Các diễn giả chia sẻ về cuốn “Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương” tại buổi giới thiệu và ra mắt sách.

Những áng văn lưu dấu cảnh Việt

Đất nước Việt Nam chúng ta là kết tinh của lịch sử hào hùng, thiên nhiên tươi đẹp cùng sức sáng tạo vô biến của con người, một đất nước xinh đẹp với nhiều vùng văn hóa khác nhau. Vẻ đẹp của đất nước Việt Nam cũng đã được thể hiện đậm nét trong những tác phẩm văn chương từ xưa đến nay. Thông qua mỹ cảm và con mắt nghệ thuật của các nhà văn, chúng ta đã được ngắm nhìn, được khám phá những góc nhìn khác về vẻ đẹp của những vùng miền trên dải đất hình chữ S.

Nhờ có văn chương, chúng ta có khả năng đặt chân đến những nơi chốn mình chưa từng được tới. Chúng ta thấy mình ngồi trên tảng đá rêu, dưới bóng râm Côn Sơn khi ngâm ngợi vần thơ Nguyễn Trãi, chúng ta trầm trồ trước vẻ đẹp của miền đất Tây Tiến nhờ những câu thơ của Quang Dũng, chúng ta ghi nhớ dáng hình của sông Đà qua ngòi bút Nguyễn Tuân, dẫu cho chưa một lần đặt chân tới những miền đất ấy. Hình hài, mùi vị và câu chuyện về những vùng đất trên khắp Việt Nam dù gần gũi hay xa xôi, đã thuộc lòng hay chưa rõ, đều trở nên gắn bó, quen thân bởi những câu thơ, áng văn như thế.

Những áng văn lưu dấu cảnh Việt - 2

Nhờ có văn chương, chúng ta có khả năng đặt chân đến những nơi chốn mình chưa từng được tới.

Cái đẹp của văn chương là sự khắc họa những vùng đất không chỉ qua một bức ảnh chụp hay một thước phim mà còn mang cách nhìn, tình cảm, sự tưởng tượng và sáng tạo trong việc ngắm nhìn và ghi lại cảnh đẹp. Vì thế, các tác phẩm văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn đưa chúng ta đi xa hơn những gì mình thấy hằng ngày.

Những bức tranh lưu dấu cảnh Việt

Hội họa cũng có thể nối gót những áng văn để tiếp tục hành trình lưu dấu cảnh Việt và cho người đọc cách nhìn và cảm nhận khác hơn, giàu có hơn về những miền đất trên quê hương mình.

Những áng văn lưu dấu cảnh Việt - 3

Một trang trong “Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương”.

“Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương” thêm đặc biệt bởi những bức tranh minh họa đặc sắc của các họa sĩ đương đại. Mỗi bức tranh trong cuốn sách là một phong cách rất riêng, có những bức tranh ấm áp, trong sáng, có bức tranh thì vẽ theo phong cách hội họa siêu thực, trừu tượng, có những bức tranh thì tạo điểm nhấn với gam màu nổi bật. Tuy đứng độc lập nhưng nhìn chung các tác phẩm hội họa này vẫn khơi gợi được bóng dáng của những khung cảnh trong tác phẩm.

Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, họa sĩ Trương Văn Ngọc cho biết, với một chủ đề sách về thiên nhiên đất nước rất tươi đẹp, không nhất thiết phải vẽ một cách dữ dội, gào thét, bởi thiên nhiên vốn dĩ đã hiền hòa. Tùy theo cảm xúc của họa sĩ với tác phẩm, theo anh, tiếp nhận nó bằng một cách tự nhiên thì nó cũng trở nên rất tuyệt vời.

Vì khi chúng tôi vẽ những năng lượng sẽ ít nhiều lưu lại ở trên tranh, vẽ một bức tranh cho những cuốn sách này phải cố gắng điều chỉnh lại cảm xúc, phải làm sao để truyền được những năng lượng tích cực vào tác phẩm”, họa sĩ Trương Văn Ngọc nhấn mạnh.

Khi hội họa đặt cạnh văn chương

Theo họa sĩ Trương Văn Ngọc, cuốn sách chủ yếu dành cho lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng, nên nhóm tác giả đã chủ trương theo đuổi tinh thần của cái đẹp, cái hay bởi những điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý phát triển của trẻ.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết thêm, khi một người nghệ sĩ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, anh ấy đã để lại một phần con người ở trong đó, để lại một phần năng lượng của mình lên tác phẩm nghệ thuật đó. Có thể có một cái phần vô hình nào đấy là một cái tâm thức của người nghệ sĩ sáng tạo ra lưu lại dữ liệu ở trong tác phẩm nghệ thuật của họ.

Những áng văn lưu dấu cảnh Việt - 4

Cuốn sách có thể được sử dụng như tư liệu dạy và học.

Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh, xét về mặt giáo dục, văn chương và hội họa khi hai nghệ thuật được đặt cạnh nhau, nó đã góp phần thúc đẩy cảm hứng sáng tạo, nó dạy cho học sinh ý thức được cái quyền năng sáng tạo để tiếp nhận, để được hoàn toàn tự do trong trí tưởng tượng của mình.

Từ giá trị này, cuốn sách có thể được sử dụng như tư liệu dạy và học – một gợi ý giúp các giáo viên và học sinh tiếp cận tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông trong sự giao thoa với các hình thức nghệ thuật khác.

Mỗi địa danh luôn có nhiều hơn một đời sống

Việc "Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương" ra đời là một cách tiếp cận rất đáng kể của những người làm sách.

Những áng văn lưu dấu cảnh Việt - 5

Cuốn sách nói với người đọc, người xem rằng mỗi địa danh luôn có nhiều hơn một đời sống cho chúng ta ngắm nhìn, khám phá và cũng có thật nhiều cách để những miền đất ta yêu mến được lưu giữ và nhớ về.

Cuốn sách được nhóm biên soạn thực hiện với niềm mong muốn tái hiện hành trình mà cảnh sắc Việt đã bước vào văn chương để rồi tiếp tục trở lại trước mắt ta với những bức tranh. Trong hành trình lưu giữ và ghi lại ấy là sự tiếp nối của quan sát, hình dung, của tài năng sáng tạo và lòng yêu mến. Cuốn sách nói với người đọc, người xem rằng mỗi địa danh luôn có nhiều hơn một đời sống cho chúng ta ngắm nhìn, khám phá và cũng có thật nhiều cách để những miền đất ta yêu mến được lưu giữ và nhớ về.

Bắt đầu từ những đoạn trích trong sách giáo khoa phổ thông đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ, nhóm biên soạn cũng đưa vào những vần thơ, áng văn viết về các nơi chốn khác.

“Chúng tôi mong muốn tấm bản đồ cảnh sắc quê hương từ ngôn từ và tranh trong cuốn sách này thêm phong phú và rực rỡ. Mong rằng độc giả tận hưởng cuốn sách này với cảm giác thân thuộc và cả ngạc nhiên về cảnh sắc những miền đất quê hương trong văn chương Việt Nam”, đại diện nhóm biên soạn chia sẻ.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.