“Ám ảnh chữ” - Lời tri ân sâu nặng gửi tới bạn văn chương của nhà thơ Hữu Thỉnh
Với “Ám ảnh chữ”, nhà thơ Hữu Thỉnh khiến nhiều độc giả, bạn văn chương choáng ngợp với các tên sách, tên tác giả thuộc đủ các lĩnh vực thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật… được ông đề cập đến trong cuốn sách.
Tập tiểu luận và phê bình văn học thứ 3 của nhà thơ Hữu Thỉnh với nhan đề Ám ảnh chữ đã được ra mắt bạn đọc vào sáng 28/5, tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội). Cuốn sách dày 600 trang, là tập hợp 47 bài được nhà thơ Hữu Thỉnh viết trong vòng 5 năm (từ 2020 đến 2025).
Các văn nghệ sĩ, độc giả đến tham dự buổi ra mắt sách của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Trước đó, tác giả đã từng xuất bản hai cuốn sách cùng thể loại này là Lý do của hy vọng (2010) và Bến văn và những vòng sóng (2020).
Tại buổi giao lưu nhân dịp cuốn sách được ra mắt, GS. Phong Lê nhận định, Ám ảnh chữ xứng đáng là một trong số ít công trình tiểu luận và phê bình tiêu biểu trong giai đoạn 2020 – 2025 của một người viết có vẻ như là không chuyên nhưng rất đáng tin cậy. Đây là cuốn sách công phu và kỹ lưỡng, từ các bộ tiểu thuyết hoành tráng về lịch sử của Hoàng Quốc Hải, về Hồ Chí Minh của Hoàng Quảng Uyên hay thể hiện sự tinh tế, đằm thắm với sự nghiệp thơ của Chế Lan Viên, Trần Dần, Bằng Việt, Vũ Quần Phương,… nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn không bỏ qua hay bỏ sót những tên tuổi mới.
“Ở tuổi nghỉ hưu, Hữu Thỉnh vẫn tiếp tục lao động nghề nghiệp bằng sự song hành giữa sáng tác thơ và viết tiểu luận phê bình, tôi thực sự khâm phục và kính nể sức đọc và sức viết của anh. Đọc và viết đó là hai động thái cơ bản của giới nghề nghiệp chúng ta, ‘ám ảnh chữ’ là kết quả của hai động thái đó, hoặc mượn cách nói của Lê Đạt là ‘phu chữ’. Tôi rất thích cả hai cách nói này, nó là sự giản dị hóa, bình dân hóa định nghĩa văn học là nghệ thuật của ngôn từ”, GS. Phong Lê nói.
GS. Phong Lê chia sẻ vể cuốn sách “Ám ảnh chữ” của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Đọc cuốn sách của nhà thơ Hữu Thỉnh tôi vô cùng cảm động vì anh không chỉ là người có tài quản lý mà còn là người luôn tận tụy với anh em đồng nghiệp. Không những với những người đang sống mà còn cả những người đã khuất, anh không quên một ai cả, với nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình nào, Hữu Thỉnh cũng tìm ra được cái xuất sắc, cái hay của họ để tôn vinh”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định sự tận tụy của tác giả với bạn bè văn chương.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng cho rằng Ám ảnh chữ là lời tri ân sâu nặng của nhà thơ Hữu thỉnh với bạn bè văn chương: “Trong cuộc đời chúng ta, ‘mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại’, Ám ảnh chữ chính là cái tình của Hữu Thỉnh đối với các thế hệ nhà văn. Ông đã nhắc đến cả 5 thế hệ nhà văn trong gần 100 năm của văn đàn Việt Nam, cái tình của ông đã phả ra từ những cây đại thụ cho đến những anh em mới vào nghề”.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh, để có được 600 trang sách của Ám ảnh chữ thì tác giả đã phải đọc cả triệu trang sách, số lượng sách ấy ở những người đọc trung bình thì cũng phải mất 20 năm để đọc.
Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ về tác phẩm mới nhất của mình.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã có những chia sẻ về con đường bước vào lĩnh vực lý luận phê bình của mình: “Công việc viết phê bình văn học chỉ đến với tôi khi làm công tác Hội. Vì tôi phải tổng kết, đánh giá không chỉ một vài tác phẩm mà cả bức tranh rộng lớn của đời sống văn học. Thế là càng phải đọc nhiều hơn. Công việc buộc tôi phải đưa ra những chủ kiến và phải chịu trách nhiệm về các chủ kiến đó”.
Từ đó, phê bình văn học dần làm ông hứng thú không kém gì sáng tác. Và những cuốn sách về lĩnh vực này cứ lần lượt được ra đời.
Chia sẻ về cuốn sách tiểu luận và phê bình thứ 3 Ám ảnh chữ, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, từ ngày được nghỉ hưu, thời gian chủ yếu của ông là dành cho việc đọc sách. Những gì được gọi là cảm nghĩ, là phẩm bình do việc đọc sách đem lại trong 5 năm qua đã được ông tập hợp lại thành cuốn Ám ảnh chữ.
"Ám ảnh chữ" dày 600 trang, là tập hợp 47 bài được nhà thơ Hữu Thỉnh viết trong vòng 5 năm (từ 2020 đến 2025).
Qua việc viết cuốn sách, ông cảm thấy càng thêm quý trọng các nhà viết lý luận phê bình vì đây là một lĩnh vực rất khó, nó đòi hỏi sự công phu, thời gian và nhiều tâm sức.
“Khi đặt bút viết lý luận phê bình, tôi phải đọc đi đọc lại, cân nhắc nhiều lần rồi mới đặt bút. Tôi coi những nhà lý luận phê bình là những người thầy của tôi, họ đã dạy tôi cách viết bởi vì tôi vốn không được đào tạo về lý luận phê bình, không được chuẩn bị để trở thành một nhà lý luận phê bình, khi vào cái tuổi đáng chuẩn bị nhất thì tôi lại có mặt ở chiến trường. Tôi chỉ tiếp tục trở lại công việc học tập sau khi hòa bình nên các anh, các chị cứ coi tôi như một học trò nhỏ, kể cả trong sáng tác cũng như lý luận phê bình”, nhà thơ tâm sự.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng bày tỏ niềm đam mê với việc đọc sách: “Đọc sách đem lại cho tôi sung sướng. Đó là sự sung sướng được bắt gặp cái hay, cái đẹp, cái tài, cái tình của những người cầm bút. Đó là một món quà vô giá mà cuộc đời đã ban tặng cho tôi. Tôi xem đọc sách như bước vào trường học lớn, một kiểu trường ngoài đời không có được. Ngoài sáng tác, tôi còn đọc nhiều tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình từ những tác giả của Việt Nam và nước ngoài. Tôi coi cách người ta bình phẩm văn chương như những bài học làm lòng”.
Cuốn sách là lời tri ân sâu nặng gửi tới bạn văn chương của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Ông cũng chia sẻ sự say đọc, ham đọc của mình tới mức khi đọc gần xong một cuốn sách, ông có cảm giác chỉ sợ nó hết, dù có những cuốn đã đọc đến mấy nghìn trang.
“Hiện tại tôi đang đọc Truyện Kiều, không phải bây giờ tôi mới đọc mà là tôi muốn đọc thuộc Kiều. Đến nay tôi đã thuộc gần 2000 câu Kiều rồi, học thuộc lòng và có thể đọc không vấp váp gì cả. Mục tiêu của tôi là phải thuộc cả 3254 câu trong Truyện Kiều, bởi vì không có một trường học nào lớn bằng đọc những tác phẩm tinh túy”, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Bây giờ, khi nhà thơ Hữu Thỉnh đã thôi mọi công tác quản lý được vài năm, đã có độ lùi nhất định để có cái nhìn...
Bình luận