Văn chương làm cho ký ức lấp lánh hơn, huyền diệu hơn

Tiểu thuyết "Khắc tinh với thần chết" của nhà văn Lê Hoài Nam vừa nhận giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng (2020 – 2025) tiếp nối những thành công trước đó của ông với "Hạc hồng" và "Thanh xuân như cỏ". Dịp này phóng viên có cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Hoài Nam, ông đã hé lộ những câu chuyện xúc động đằng sau ngòi bút, những khó khăn và trăn trở khi tái hiện một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc. Đồng thời, ông cũng chia sẻ những suy nghĩ về sứ mệnh của nhà văn viết về chiến tranh và niềm tin vào thế hệ độc giả hôm nay và mai sau.

Văn chương làm cho ký ức lấp lánh hơn, huyền diệu hơn - 1

Nhà văn Lê Hoài Nam nhận Giải thưởng sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020 - 2025

PV: Ông có thể kể ra những thành tựu đáng tự hào, những giải thưởng ông đạt được trong suốt sự nghiệp văn chương của mình không?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Tôi rất vui vì thành quả lao động của mình đã được ghi nhận. Hơn 40 năm cầm bút, tôi đã từng nhận khá nhiều giải thưởng, thí dụ: Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1981, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ năm 2013, giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1995 và năm 2002, giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam (2016 - 2020) cho tiểu thuyết Hạc hồng, giải thưởng cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2025) cho tiểu thuyết Thanh xuân như cỏ và bây giờ là giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2020 - 2025) cho tiểu thuyết Khắc tinh với thần chết.

Đấy là chưa kể các giải thưởng khác cho tập kịch bản phim truyện Một ngày và một đời và tập bút ký, truyện ngắn, phóng sự Ngang qua Gạc Ma đến đảo Sinh Tồn viết về biển - đảo… Nhưng tôi không mang tâm lý “tự hào” vì nó có vẻ lớn lao, phô phang quá, không hợp với nghề văn. Hơn nữa những tác phẩm mà tôi được giải thưởng ấy nó còn phải chịu sự thử thách nghiệt ngã của thời gian thì mới đảm bảo rằng nó có giá trị đến đâu. 

PV: Nhà văn Lê Hoài Nam bắt đầu viết văn từ lúc còn đang cầm súng, luôn dấn thân hết mình cho văn học. Phải chăng ông đã kinh qua nhiều trải nghiệm mới có vốn sống dồi dào để viết nên các tác phẩm về chiến tranh chân thực, lạ và khác biệt như vậy? Ông có thể chia sẻ những câu chuyện đã nghe/đã thấy về chiến tranh khiến ông có nguồn cảm hứng/sự ám ảnh để viết về đề tài này? 

Nhà văn Lê Hoài Nam: Tôi có mặt ở chiến trường trong thời gian không dài, nhưng vốn yêu thích và khát khao sáng tác văn chương, tất cả những gì chứng kiến mà gây ấn tượng, tôi đều ghi chép lại dưới dạng nhật ký.

Khi tôi ra Bắc về đoàn an dưỡng, tôi cho một nữ chiến sĩ nuôi quân mượn cuốn nhật ký ấy và khi tôi đòi lại thì cô ấy nói đã bị ai lấy mất. Tôi nuối tiếc vô cùng. Nhiều năm sau khi tôi đã chuyển ra Hà Nội sinh sống và sáng tác thì đến một ngày tự nhiên tôi nhận được cuốn nhật ký của mình mà người gửi không tiết lộ danh tính. Đến lúc này đọc lại thì tôi nhận ra cuốn nhật ký như một vật cứu cánh, một vị “thần hộ mệnh” cho công việc sáng tác văn chương của tôi.

Dựa vào cuốn nhật ký ấy mà tôi sáng tác một loạt truyện ngắn như Thung lũng sỏi, Đêm xuân may mắn, Sói con, Chuyện này sẽ kể, Bên hàng rào kẽm gai, Cây hoa lạ ở góc vườn, Tình yêu vỗ cánh… đã đăng trên các báo và tạp chí. Nhưng trong cuốn nhật ký ấy, tôi vẫn dành lại cái phần quan trọng nhất với hy vọng để sáng tác một cuốn tiểu thuyết.

Đúng vào dịp đó, tôi được đọc cuốn nhật ký của trung úy cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm. Tôi nhận ra những gì anh Thậm ghi chép khiến tôi rất đồng cảm, thế là tôi xin phép anh Thậm cho tôi được sử dụng một số tư liệu trong nhật ký của anh cộng với những tư liệu trong nhật ký của tôi để thai nghén và sáng tạo nên tiểu thuyết Khắc tinh với thần chết.

Bởi vậy, nhân vật trong tiểu thuyết tuy cũng có hư cấu nhưng dựa vào nguyên mẫu các nhân vật thật trong hai cuốn nhật ký ấy. Đấy là những lý do: hai cuốn nhật ký ghi từ thời chiến tranh mà mãi đến năm 2023 tôi mới viết tiểu thuyết Khắc tinh với thần chết.

Văn chương làm cho ký ức lấp lánh hơn, huyền diệu hơn - 2

Nhà văn Lê Hoài Nam

PV: Trước ông đã có rất nhiều nhà văn viết tiểu thuyết về đề tài này, liệu ông có ảnh hưởng gì ở họ không?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Trước khi viết ba cuốn tiểu thuyết Hạc hồng, Thanh xuân như cỏ và Khắc tinh với thần chết, tôi cũng từng đọc một số cuốn tiểu thuyết về chiến tranh của các nhà văn Việt Nam và cả các nhà văn nước ngoài nữa. Tôi học được rất nhiều điều ở họ. Nhưng tôi không bắt chước, rập khuôn theo một cách viết của ai. Tùy theo mỗi cốt truyện, không gian và thời gian trong truyện, tôi chọn một cách thể hiện sao cho phù hợp.

Điều mà tôi muốn gửi gắm khi viết 3 cuốn tiểu thuyết ấy là: phẩm chất cống hiến và hy sinh của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam không phải ngẫu nhiên mà có, càng không phải họ được trả tiền để cầm súng như phía đối phương; người chiến sĩ quân giải phóng miền Bắc đi chiến đấu, vượt qua sông Bến Hải là trong túi không có một đồng xu nào; họ chiến đấu bằng lòng yêu nước, yêu giống nòi, được truyền từ trong khí huyết qua nhiều thế hệ từng đối mặt với nhiều đội quân xâm lược, hun đúc nên phẩm chất anh hùng và đã thành căn tính của người Việt Nam.

Trong Thanh xuân như cỏ là những người lính trẻ vừa học xong phổ thông hoặc chưa xong phổ thông, mặc bộ đồ quân phục trông họ non tươi như cỏ, họ hồn nhiên, nghịch ngợm như cỏ, nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt họ lại có sức sống bền bỉ, mãnh liệt như cỏ, và khi họ hy sinh, cỏ chính là thứ trang trí cho nấm mồ của họ. Nói cách khác, họ mang trong mình cả một nền văn hiến Việt Nam ra trận. Điều đó lý giải vì sao đội quân xâm lược nào đến Việt Nam, dù là đội quân hùng mạnh nhất nhì thế giới, cũng bị đánh bại.

PV: Khi viết các tác phẩm về đề tài chiến tranh, cụ thể là 2 cuốn tiểu thuyết mà ta đang nói đến, thì ông có gặp những khó khăn, trở ngại nào không? Nhiều nhà văn tâm sự rằng nhiều khi họ cầm bút như đánh trận, và không biết tiếp theo mình nên viết tình tiết, chi tiết gì, có bao giờ ông lâm vào hoàn cảnh như vậy khi viết?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Khi viết xong cuốn Khắc tinh với thần chết, tôi rơi vào tâm trạng trống trơn như không còn gì để viết nữa. Nếu cố tìm cảm xúc để viết tiếp cái mạch từ cuốn vừa viết, chắc chắn cuốn sau sẽ lặp lại cuốn trước, nếu không trùng lặp cốt truyện thì lại trùng lắp về kết cấu hoặc bóng dáng nhân vật, khẩu khí văn chương. Bởi vậy tôi phải làm cho mình biết quên đi những gì đã viết, cần phải có một khoảng trống thời gian để tìm thấy những điều mới lạ hơn, độc đáo hơn mới viết.

Cuốn Thanh xuân như cỏ ra đời hầu như không có gì liên quan đến Khắc tinh với thần chết, kể cả  một chút “hơi hướng” văn phong là vì thế. Tuy cả hai cuốn tiểu thuyết tôi viết khi cuộc chiến tranh đã lùi xa nhưng nhờ tư liệu của chính mình và đồng đội  ghi chép mà tôi viết rất hào hứng, đam mê. Văn chương làm cho ký ức trở nên lấp lánh và huyền diệu hơn.

PV: Điều gì khiến ông trăn trở để viết ra hơn 300 trang văn trong “Khắc tinh với thần chết” và hơn 300 trang văn trong “Thanh xuân như cỏ” có số lượng chi tiết lớn và ám ảnh như vậy? Ông có khóc nếu để nhân vật của mình chết không (như Kơniel trong tác phẩm “Khắc tinh với thần chết”, hay Sự trong “Thanh xuân như cỏ”). Nhiều độc giả cho rằng nhà văn nhẫn tâm khi để nhân vật của mình chết nhưng phải chăng đằng sau nỗi sinh ly tử biệt của nhân vật là ngụ ý của ông?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Hầu hết các nhân vật chính trong hai cuốn tiểu thuyết đều lấy từ nguyên mẫu thật. Vì thế không ít lần đọc soát những trang nói về sự hy sinh của họ, tôi đều rất xúc động, có khi nước mắt nhòe mi mà tôi không biết.

PV: Ý kiến phản hồi của độc giả về “Khắc tinh với thần chết” và “Thanh xuân như cỏ” ra sao? Phản hồi nào từ bạn đọc gây ấn tượng nhất với ông?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Cả hai cuốn đều được phát hành trong quân đội, tôi chỉ dùng tiền nhuận bút để mua vài trăm cuốn tặng bạn bè và phát hành qua facebook. Cuốn Thanh xuân như cỏ phản hồi ít thôi, nhưng Khắc tinh với thần chết thì khá nhiều ý kiến thú vị. Khi sách hết, nhiều người muốn đọc mà không mua được, tôi nhờ trang Hồng Lan radio đọc và đưa lên youtube. Nhờ trang này mà có hàng ngàn thính giả trong và ngoài nước nghe được. Có những phản hồi khiến tôi rất xúc động.

PV: Viết về chiến tranh là một đề tài khó. Ông nghĩ sao về sứ mệnh của các nhà văn viết về chiến tranh? Ông kỳ vọng điều gì ở thế hệ độc giả hôm nay và mai sau không?

Nhà văn Lê Hoài Nam: Hầu như tất cả những người cầm súng mà có mơ ước cầm bút thì họ đều chọn đề tài chiến tranh để viết, bởi chiến tranh là lĩnh vực họ hiểu biết và cũng tạo cho họ nhiều cảm xúc nhất. Còn vấn đề họ đi đến đâu thì còn phụ thuộc vào tài năng nữa.

Về các nhà văn trẻ thì nhiều năm qua số đông họ theo đuổi những trường phái mới lạ. Ham khám phá sự mới lạ là một trong những phẩm chất của người viết văn trẻ. Tuy thế cũng có những tác phẩm mới lạ nhưng lại không có bạn đọc, trong khi văn chương ngàn đời nay chỉ có thể sống được nhờ bạn đọc.

Bên cạnh hiện tượng ấy, thời gian gần đây, tôi vẫn nhận ra vẫn có một số lượng bạn đọc trẻ, các nhà văn trẻ quan tâm và yêu thích những tác phẩm văn học chiến tranh. Điều ấy khiến tôi tin văn học viết về chiến tranh vẫn có sức sống lâu bền trong văn chương Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cám ơn nhà văn.

Trương Thị Quỳnh Anh (thực hiện)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá vàng cắm đầu giảm, do đâu?

Giá vàng cắm đầu giảm, do đâu?

Giá vàng tiếp tục giảm trong bối cảnh đồng USD tăng trở lại và giới đầu tư ít mặn mà với các tài sản trú ẩn như vàng. Diễn biến này xuất hiện khi thị trường kỳ vọng vào khả năng cải thiện quan hệ thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cùng nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị khác.

Tác động hai chiều trong hội nhập: Cần một bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Tác động hai chiều trong hội nhập: Cần một bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, văn hóa Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải được nâng tầm trở thành sức mạnh mềm quốc gia. Việc đưa văn hóa Việt vươn ra thế giới hay tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa nhân loại là bước đi có tính chiến lược, góp phần củng cố nội lực và định vị văn hóa Việt trên bản đồ thế giới.

Hội nhập và phát triển thương hiệu quốc gia về văn hóa

Hội nhập và phát triển thương hiệu quốc gia về văn hóa

“Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế” là một chủ trương đúng đắn và thiết thực, nhằm nâng cao vị thế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, góp phần tích cực vào phát triển văn hóa nhân loại và vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.