Thông điệp hòa bình trong cụm tác phẩm nhiếp ảnh Giải thưởng Nhà nước của tác giả Hồ Sỹ Sô
Cụm tác phẩm bộ ảnh Fidel Castro - Quảng Trị, một ngày lịch sử - 1973 là tác phẩm phản ánh khi chiến tranh đang trong thời kỳ ác liệt mà nhà lãnh đạo cách mạng Cu-Ba Fidel Castro đã vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam và vào thẳng vùng tuyến lửa Quảng Trị.
Cụm tác phẩm: Bộ ảnh gồm 4 ảnh:
1. Niềm vui chiến thắng;
2. Dưới chân Fidel Castro là nòng pháo vua chiến trường của Mỹ trên cao điểm 241 Quảng Trị;
3. Quà của nhân dân Quảng Trị do Bí thư Tỉnh uỷ mang đến tặng Fidel và phái đoàn CuBa;
4. Chào mừng nữ du kích Gio Linh chiến thắng.
Chuyến đi của Chủ tịch Fidel Castro đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Trị nói riêng về một người bạn lớn đã cùng chung khát vọng đấu tranh vì độc lập và tự do. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô là một trong số ít phóng viên may mắn được chứng kiến gần như trọn vẹn chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Fidel Castro.
Niềm vui chiến thắng. Ảnh: Hồ Sỹ Sô
Được biết gần 300 tác phẩm ảnh chụp Chủ tịch Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị vào tháng 9/1973. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô đã tập hợp trong số gần 300 bức ảnh và cho ra mắt cuốn sách ảnh Fidel Castro - Quảng Trị một ngày lịch sử, 1973, vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm lãnh tụ Fidel thăm vùng giải phóng với những bức ảnh chụp lãnh tụ Fidel ghé thăm cầu Hiền Lương, căn cứ Tân Lâm, thị xã Đông Hà, Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ. Các tác phẩm ở đây là đại diện và xuất sắc nhất của ông được chọn để trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Dưới chân Fidel Castro là nòng pháo vua chiến trường của Mỹ trên cao điểm 241 Quảng Trị. Ảnh: Hồ Sỹ Sô
Hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro đạp lên nòng súng Vua chiến trường của Mỹ nguỵ trên điểm cao 241, nơi còn khét mùi thuốc súng và ngổn ngang xác xe tăng, đại bác của quân địch sẽ mãi in đậm trong tâm người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết anh em gắn bó, thủy chung giữa hai dân tộc. Những lời phát biểu chí tình, chí nghĩa và hùng hồn của Chủ tịch Fidel Castro tại vùng giải phóng Quảng Trị là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm ý chí sức mạnh cho quân và dân Việt Nam quyết tâm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn: “Vì Việt Nam, Cu-Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Niềm tin đó đã thành hiện thực vào ngày 30/4/1975.
Tính hiện thực Bộ ảnh Fidel Castro - Quảng Trị, một ngày lịch sử - 1973 của tác giả Sỹ Sô
Bộ ảnh của tác giả Sỹ Sô tính hiện thực là tiêu chí quan trọng nhất. Tác giả đã thu thập những bằng chứng đầy chân thực về lẽ phải và công lý. Đó là sức mạnh của sự thực và chân lý mà nhiếp ảnh truyền tải. Những tác phẩm ảnh báo chí của tác giả Sỹ Sô đã góp phần làm cho bạn bè thế giới hiểu rõ chính nghĩa và ủng hộ cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam.
Quà của nhân dân Quảng Trị do Bí thư Tỉnh uỷ mang đến tặng Fidel và phái đoàn CuBa. Ảnh: Hồ Sỹ Sô
Mỗi bức ảnh là một mảnh ghép của hiện thực, trong đó có đầy đủ những nỗi đau, nỗi mất mát, hay sự đồng cảm, sẻ chia của công chúng toàn thế giới khi đón nhận những thông điệp đầy trách nhiệm của người cầm máy. Hiện thực xã hội và cuộc sống con người luôn là tiêu điểm của ảnh báo chí. Tác giả đã cung cấp cho công chúng những hình ảnh chân thực, sống động diễn biến của lịch sử chiến tranh cách mạng. Mỗi bức ảnh đều là một sản phẩm tư liệu có giá trị. Nó là một chứng cứ, một sự thật được xác thực.
Bộ ảnh Fidel Castro - Quảng Trị, một ngày lịch sử - 1973 là sự chắt lọc và cô đọng hiện thực. Nó cung cấp những cứ liệu xác định về cuộc sống, con người, sự kiện đã diễn ra dưới sự chứng kiến của tác giả. Những thông tin trong ảnh và chú thích ảnh được tác giả diễn tả khách quan, bản chất, thể hiện đúng đặc trưng, thời điểm điển hình của đối tượng, sự việc, sự kiện. Nó kêu gọi lương tâm và thúc đẩy hành động trong sâu thẳm nhận thức và tình cảm mỗi người muốn lắng nghe sự thật đằng sau mỗi hiện tượng mà họ nhìn thấy.
Chào mừng nữ du kích Gio Linh chiến thắng. Ảnh Hồ Sỹ Sô
Khi bản chất hiện thực được sáng rõ thì sức lôi cuốn, ảnh hưởng của bộ ảnh càng lay động tâm lý, thuyết phục nhận thức của công chúng.
Nếu tất cả mọi người đều đồng cảm với những số phận con người trong chiến tranh, chứng kiến nỗi bấp bên giữa sự sống và cái chết của người thân và chính mình thì sẽ không còn tồn tại các cuộc chiến vô nghĩa. Mỗi một bức ảnh báo chí xuất sắc của tác giả Sỹ Sô đều là thông điệp hòa bình, bảo vệ tự do và hạnh phúc vốn có của con người, là trí tuệ, tình cảm, năng lực thẩm mỹ, xã hội, và quan điểm, thái độ chính trị của người cầm máy.
Bình luận