Nửa thế kỷ thi ca sau chiến thắng 30/4/1975 lịch sử: xu hướng và giới hạn

Sau chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, đất nước thu về một mối. Nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa trọng đại của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ cũng bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới: Giai đoạn bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, đồng thời tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Văn học cũng có sự chuyển đổi bắt nhịp với đời sống hiện thực. Đây là giai đoạn thơ ca được viết trong thời bình, bởi các nhà thơ Việt Nam trên cùng một mảnh đất từng bị chia cắt. Cho dù các nhà thơ về một góc độ nào đó còn chưa đồng đều về mặt nhận thức bắt nhịp cùng tiến trình lịch sử thì đấy vẫn là một dấu mốc quan trọng trong tâm thức của những người cầm bút.

Đa số các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh giai đoạn đầu sau chiến thắng vẫn tiếp tục viết về đề tài chiến tranh, nhưng trong một cách tiếp cận mới và một thi pháp mới, được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa chiều về chiến tranh.

Điển hình trong giai đoạn này là các nhà thơ: Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn...

Hàng loạt các tác phẩm có giá trị ra mắt công chúng, đặt biệt là thể loại trường ca có tính sử thi về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Điển hình ở thể loại này là Nguyễn Khoa Điềm với Mặt đường khát vọng; Hữu Thỉnh với Sức bền của đất, Đường tới thành phố; Thanh Thảo với Những người đi tới biển, Trần Mạnh Hảo với Mặt trời trong lòng đất...

Ở Thanh Hóa, thế hệ này cũng góp mặt những tên tuổi, xuất hiện trên thi đàn được đọc giả biết đến, họ gắn bó với thi ca suốt cả cuộc đời: Vương Anh, Huy Trụ, Văn Đắc, Nguyễn Ngọc Quế, Anh Chi, Mã Giang Lân, Phạm Ngọc Cảnh,  Nguyễn Bao, Từ Nguyên Tĩnh, Mạnh Lê, Lã Hoan, Đỗ Xuân Thanh, Mai Ngọc Uyển, Trịnh Thanh Sơn, Bùi Nhị Lê, Đào Phụng, Trịnh Ngọc Dự, Vũ Thị Khương…

Nhìn chung, giai đoạn đầu sau chiến thắng 30/4 lịch sử, về mặt hình thức thơ ca mang yếu tố truyền thống chiếm ưu thế nhưng về mặt thi pháp thi đã có nhiều biến đổi sâu sắc, với nhiều mới lạ có tính thẫm mĩ cao đem đến sự tiếp nhận cho người đọc một không gian đa chiều, nhiều màu sắc thú vị hơn: “Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra/ Ngày giỗ tết họ hàng nội ngoại/ Chị ngồi xuống mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh); “Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất/ đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền/ thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết/ bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn” (Đò Lèn - Nguyễn Duy); “Giặc bỏ bom ngang/ Ta xây làng dọc/ Giặc bỏ bom dọc/ Ta dựng làng ngang/ Trận địa ta giăng hàng/ Rộng hơn vòng bom giặc” (Làng sơ tán - Văn Đắc); “Ôi có phải khi cái chết nằm kề/ Người ta sống có linh hồn đến thế/ Ấy vì thế mà con không thể/ Ấy vì thế mà con trở về/ Nơi con đã sinh ra/ Nơi mẹ gọi tên con/ Tóc rụng trắng bàn thờ” (Trao lại cho con - Huy Trụ)…

Bên cạnh các nhà thơ quen thuộc trải qua chiến tranh viết về chiến tranh, là một thế hệ các nhà thơ sinh ra trong chiến tranh, ít nhiều có tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới hoặc vì một lý do nào đó hoạt động trong các lĩnh vực khác ở hậu phương. Các nhà thơ thế hệ này nổi lên hai xu hướng:

Một là vẫn tuân theo và bảo vệ các giá trị thơ truyền thống nhưng thi pháp được “cách mạng” lên một tầm mức cao hơn, khả năng liên tưởng, biểu cảm của từng câu thơ dồi dào, đa thanh, đa sắc. Điển hình xu thế này là các nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Trương Nam Hương, Nguyễn Bình Phương, Lê Quang Sinh, Nguyễn Minh Khiêm.

Hãy cùng lắng lại với những câu thơ của họ, chỉ điểm qua trong khuôn khổ bài viết nhưng chất trữ tình và tráng ca vẫn đầy xúc động: “Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng/ Biển một bên và em một bên/ Biển ồn ào, em lại dịu êm/ Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ/ Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía/Biển một bên và em một bên (Thơ tình người lính biển - Trần Đăng Khoa); “Tổ quốc tôi cong cong hình chữ S/ Sóng biển Đông dào dạt suốt chiều dài/ Nắng đủ ngọt để heo may làm mật/ Ngày tịch điền, vua cởi bỏ cân đai” (Tổ quốc tôi - Lê Quang Sinh); “Trong thời khắc cuối cùng của mùa đông/ Anh giã từ chính mình thật khẽ khàng/ Và anh là núi đồi mơ màng/ Chưa lìa xa bóng tối/ Ở bên kia lá từ từ rơi/ Trên những nóc nhà nghiêng trên cánh tay buông hờ sau rèm vải/ Một người ngước nhìn quá khứ bằng cái nhìn thân ái/ Người ấy chính là anh/ anh là núi đồi mơ màng”… (Ban Mai - Nguyễn Bình Phương); “Chân chúng tôi không giày, không dép/ Và có khi mất ngón, mất bàn/ Đầu chúng tôi nón mũ không còn/ Người hóa phù sa, người thành cát trắng/ Thành đầu đạn bay đi và thành lệnh bắn/ Chúng tôi chưa mơ dựng tượng bao giờ”... (Trường ca Bầu trời màu hoa gạo - Nguyễn Minh Khiêm); “Mời em vào quán Thời gian/ nâng ly ký ức uống làn hương xưa/ Mời em vào quán Không mùa/ ta chia nhau ngọn gió mùa rét căm”… (Quán thời gian - Trương Nam Hương).

Nửa thế kỷ thi ca sau chiến thắng 30/4/1975 lịch sử: xu hướng và giới hạn - 1

Ảnh minh họa

Khuynh hướng thứ hai nổi lên trào lưu thơ đề cao sự tự do của hình thức câu chữ và sáng tạo nghĩa mới. Những câu thơ trong xu thế thơ này hết sức tự do, gần với văn xuôi, thậm chí là nghiêng về tạo lập chữ hơn là cảm, câu đơn giản, phá vỡ cú pháp câu thơ, chú trọng về mặt hình thức hơn (tân hình thức) là chú tâm về tạo lập tứ, thể hiện ý tưởng bằng ngôn từ giản dị, cố gắng kích thích tối đa suy tư của độc giả, tìm kiếm sự chia sẻ, đồng điệu từ đối tượng quan tâm, những trăn trở, kiếm tìm những đề tài, chủ đề mới, tách khỏi những giới hạn của truyền thống...

Nổi bật trong xu hướng này là Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung, Inrasara, Trần Quang Quý.... “Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc/ Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn/ Tỏa mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi/ Một cây ngô cuối vụ khô gầy/ Suốt đời buồn trong tiếng lá reo”… (Sông Đáy - Nguyễn Quang Thiều); “Em cất tiếng hát, khi tôi đánh/ thức em. Em đã có - đường nét/ và hình khối, dáng đứng với điệu/ cười. Apsara Apsara”… (Chuyện 12: Apsara - Inasara); “Tôi lại về dưới mái nhà rêu mốc thả trong mơ/ Qua những khu vườn hồi hộp quả/ Tiếng chân trâu còn khấp khểnh giấc ngủ lão nông/ Cánh đồng hổn hển bầu ngực trễ nải thiếu phụ/ Làng cất nhọc nhằn vào bóng tối/ Đêm cất làng về thuở nghìn năm”… (Đêm ở làng - Trần Quang Quý).

Trong xu hướng này, ở Thanh Hóa có sự góp mặt của các cây bút có tác phẩm xuất hiện trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương, nhiều cây bút góp mặt ở cả 2 xu hướng như Lê Quang Sinh, Nguyễn Minh Khiêm, Lâm Bằng, Viên Lan Anh, Phạm Thị Kim Khánh, Đinh Ngọc Diệp, Trương Vạn Thành. Và rất nhiều cây bút gần đây được bạn đọc quan tâm: Hoàng Quốc Cảnh, Nguyễn Xuân Nha, Phạm Khang, Hải Minh, Hải Chinh, Nguyễn Trọng Liên, Nguyễn Duy Chinh, Nguyễn Ngọc Bỉnh, Lê Văn Sự, Cao Nguyên Quyền... Số lượng tác giả đông, xin được khảo sát tiếp ở những dịp khác.

Một thế hệ trẻ mới tiếp nối với nhiều thể nghiệm đang hình thành, cố gắng học hỏi, tìm tòi, bứt phá với nhiều hy vọng còn ở phía trước… Thơ đương đại hôm nay đã xuất hiện những tác giả cách tân thơ với hướng tìm tòi náo nhiệt. Họ sống hết mình với thơ là luôn tìm cách để khoác lên nàng thơ của mình chiếc áo mới cá tính nhất và phù hợp nhất. Trẻ là yếu tố góp phần làm thay đổi diện mạo văn học. Trẻ gắn liền với sự sung sức, sự phát hiện, bung phá thậm chí là gầm gào, mất trật tự, hay là sự vượt thoát đầy táo bạo.

Đó những người đa phần sinh sau năm 1975, trên dưới 40 tuổi, có sáng tác thành danh từ những năm 2000 đến nay là Bình Nguyên Trang, Nguyễn Quang Hưng, Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Thị Kim Nhung, Vi Thuỳ Linh, Ly Hoàng Ly, Lữ Thị Mai, Hồng Thủy Tiên. Ở các địa phương cũng nhiều cái tên đã nhiều tìm tòi, thể nghiệm, được giải thưởng ở các cuộc thi, mang đến sự đa dạng của thi đàn như: Bùi Việt Phương (Hòa Bình), Trần Huy Minh Phương (Sóc Trăng), Phạm Thùy Vinh (Nghệ An), Lê Quang Trạng (An Giang), Nguyễn Hải Yến (Phú Thọ), Ngô Bá Hòa (Lạng Sơn), Hà Sương Thu (Bắc Kạn)… Bởi thế thơ ca rất cần được định hướng và tiếp sức để những tác giả đã được định hình ngày càng yêu say với nghề và những tác giả mới được phát hiện, bồi dưỡng cũng chuyên tâm cho thơ.

Nhìn lại, nửa thế kỷ qua phần lớn đội ngũ nhà thơ ở nhiều thế hệ là những cây bút giàu lòng yêu nước, những nhà thơ - chiến sĩ biết vượt lên thử thách, biết chấp nhận rủi ro, tìm tòi, khám phá đem đến cho thi ca Việt sự đa dạng, tính biểu cảm mang dấu ấn tâm hồn Việt Nam truyền thống, hiện đại. Tương lai của thơ ca Việt Nam vẫn cần đến sự tiếp nối, trau dồi, vun đắp của thế hệ trẻ để nuôi dưỡng mạch nguồn thơ ca ngày càng mang hơi thở của đời sống, sung sức và hấp dẫn hơn, góp phần quan trọng cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nói riêng, và rộng hơn là cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là kỷ nguyên mới đã mở ra - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thy Lan

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ai đang âm thầm mua vào vàng giữa lúc thị trường còn thận trọng?

Ai đang âm thầm mua vào vàng giữa lúc thị trường còn thận trọng?

Khi niềm tin vào trái phiếu chính phủ Mỹ lung lay vì gánh nặng nợ công ngày càng tăng, vàng đang trở thành lựa chọn đáng cân nhắc với giới đầu tư toàn cầu. Theo chuyên gia Thorsten Polleit, dù giá vàng có thể điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, kim loại quý này sẽ còn tiếp tục tăng giá khi rủi ro kinh tế ngày một lớn.

Phụ nữ thông minh mỗi sáng đều sẽ làm 3 việc này với chồng

Phụ nữ thông minh mỗi sáng đều sẽ làm 3 việc này với chồng

Trong hôn nhân, phụ nữ thông minh không phải là người giỏi kiếm tiền nhất hay đẹp nhất. Mà là người hiểu rằng, để tình cảm vợ chồng bền chặt, để tổ ấm hạnh phúc thì không cần quá nhiều lời hoa mỹ, chỉ cần mỗi sáng, âm thầm làm 3 điều này thôi…

Giá vàng tăng mạnh, mốc tiếp theo là bao nhiêu?

Giá vàng tăng mạnh, mốc tiếp theo là bao nhiêu?

Giá vàng vừa kết thúc một tuần tăng mạnh trong bối cảnh giới đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn, giữa lúc niềm tin vào đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ suy giảm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo đà tăng này có thể chỉ là tạm thời nếu thị trường trái phiếu phục hồi hoặc căng thẳng địa chính trị dịu bớt.