Giọt nắng mồ côi (truyện ngắn)
Cảm ơn mọi người đến viếng và đưa tiễn cụ Vân xong, ông chủ tịch phường lấy trong túi một cái khăn tang. Ông nhẹ nhàng quấn lên đầu, bên dưới mấy chục người cũng bắt đầu quấn khăn. Họ tự nguyện vậy dù không là con cháu, họ hàng. Họ hiểu tất cả họ đang thành kính trước một con người còn xứng đáng được tôn trọng hơn thế...
- Này Nắng, hôm nay con không khỏe à? Sao nhìn con bà thấy nhợt nhạt thế? Nếu mệt cứ bảo bà, bà cho con uống thuốc!
Bà cụ Vân vừa lẩm bẩm, vừa hấng giọt nắng nhạt vào lòng bàn tay, cử chỉ nhẹ nhàng. Một lúc sau, giọt nắng trượt ra khỏi tay bà, nó méo dần thành hình ovan. Bà cụ Vân cao giọng hơn:
- Mệt thế mà con vẫn muốn đi chơi à? Đi từ từ thôi, mai lại về với bà nhé.
Cụ Vân hấp háy mắt nhìn theo giọt nắng đã thành hình dài hơn phía dưới nền nhà. Cụ nói nhỏ nhưng vẫn đủ nghe:
- Lớn thế mà vẫn mải chơi, bà thì cho mấy roi bây giờ.
Nói xong cụ lồng hai bàn tay vào nhau, mắt nheo lại nhìn ra cửa. Người và xe cứ loang loáng qua cái khuôn cửa đã cũ.
Con phố nhỏ nhà cụ Vân được nâng cấp trải nhựa thì người ta mới đi nhiều. Trước đây, hồi còn chưa cải tạo làm gì có đông người và xe cộ thế. Cũng gần hai chục năm bà cụ Vân mua nhà về ở đây. Hồi ấy cụ mới hơn sáu mươi, còn khỏe. Cụ bày bán rau quả ngay trước cửa nhà. Cũng chả phải đi lấy từ đâu xa, cứ sáng sớm có cậu Thành ở Nhổn thồ hai sọt rau, chuyển một ít cho bà. Còn lại cất buôn cho người ta ngoài chợ. Cụ Vân cũng chỉ bán được vài năm, phần vì sức khỏe, phần vì biến cố. Bà cụ Vân ít nói nên chỉ bà Lan - Hội trưởng phụ nữ phường là biết ít nhiều về hoàn cảnh của cụ. Neo đơn, lại không có thu nhập nên cụ Vân thuộc diện hưởng chính sách xã hội. Thế là đủ, có một mình thì tiêu pha gì đâu, nấu một bữa cơm ăn tới ba bữa, nhiều khi không hết. Bà Lan và nhiều người trong Hội phụ nữ ái ngại, nhưng chính cụ Vân lại là người động viên lại nên mọi người cũng yên tâm.
Trước khi về đây, cụ Vân ở phố Hàng Cân. Đã gần chín mươi, nhưng nhìn dáng vóc, nhất là khuôn mặt cụ vẫn phảng phất nét đẹp của người phố cổ. Khi còn nhỏ, nhà cụ ở phố Hàng Than. Bố Vân là một công chức tầm trung ở sở Bưu điện. Học chưa hết kì cuối của trường nữ sinh Đồng Khánh, cô bé Vân đã phải nghỉ học. Cô trở thành mồ côi cả bố với mẹ chỉ sau một đêm.
Bố mẹ cô về quê nội ở Hưng Yên ăn giỗ. Đạp xe từ quê lên, một quả đại bác vu vơ của người Pháp đã làm cho họ vĩnh viễn nằm xuống. Vân ở một mình, chỉ thỉnh thoảng lắm dì cô mới đảo qua thăm cháu. Vốn vừa xinh lại vừa khéo tay, Vân làm bánh cốm bán ngay tại nhà. Năm mười tám tuổi, Vân cũng không lựa chọn khi đồng ý lấy Dũng, con của gia đình bạn bố cô ở phố Hàng Cân.
Sau năm 1954, cô bàn với chồng và bố mẹ chồng, bán căn nhà ở Hàng Than. Cửa hàng của cô và mẹ chồng trở nên nổi tiếng với nhiều loại vải đẹp. Nhà cô lúc nào cũng tấp nập các bà các cô gái trẻ đến chọn. Các nhà may lớn đều đến lấy vải, các nhà buôn các tỉnh quanh Hà Nội cũng về đặt hàng lấy từng xe. Mãi tới gần ba mươi tuổi cô mới sinh được một cậu con trai. Cũng chỉ vậy, đã nhiều lần vợ chồng cô cố gắng mà cũng không sinh thêm được nữa. Không hiểu số phận thế nào mà cả nhà cô, nhà chồng và đến vợ chồng cô cũng chỉ toàn con độc.
Đang buôn bán tốt, bố mẹ chồng lần lượt ra đi trong hai năm liền. Vợ chồng Vân vẫn tiếp tục buôn bán vải nhưng ngày càng khó khăn hơn. Cả phố giờ có tới mười mấy nhà mở cửa hàng buôn vải. Đã không ít lần xảy ra tranh giành khách. Khó khăn ngày càng khó khăn...
Nhiều năm sau, Hùng con trai bà tốt nghiệp Đại học Ngoại thương. Không đi làm nhà nước, Hùng lựa chọn ở nhà chuyển hướng kinh doanh. Hùng sửa sang cửa hàng, bày bán đồ thủ công mỹ nghệ, ít lâu sau nhận bán thêm tranh của nhiều người, nhiều họa sĩ có tiếng cũng đem tranh tới gửi bán. Cửa hàng “Quỳnh” tên mẹ chồng bà vẫn được giữ nguyên, giờ lại có tiếng trong giới nghệ thuật, khách mua lúc nào cũng đông. Dạo ấy người ta nhận thấy không ít người trong giới đồ cổ cũng thường xuyên ra vào.
Giục mãi Hùng mới chịu cưới vợ. Vợ Hùng là giáo viên cấp hai, nhà cũng cùng phố. Chả biết yêu từ bao giờ nhưng khi hỏi, Hùng nói nếu mẹ muốn ngày mai con cưới luôn. Cưới xong, vợ Hùng thôi dạy học, ở nhà buôn bán với Hùng. Kim vợ Hùng, kém Hùng hai tuổi. Kim dễ nhìn nhưng người mỏng manh yếu đuối, tính Kim ngoan hiền, hợp với bà Vân. Trông yếu đuối nhưng Kim lại khéo léo trong buôn bán, cửa hàng càng đông khách hơn từ khi có Kim.
Chưa nhìn thấy cháu nội, chồng bà Vân đã mất sau một cơn trụy tim. Bà Vân chống chếnh một thời gian dài. Không hiểu sao những người thân của bà cứ lần lượt ra đi khi họ chưa phải là nhiều tuổi lắm. Mong có cháu bế mà sao mãi chưa thấy. Nhìn con dâu, bà Vân thầm nghĩ đến mình khỏe mạnh thế mà cũng hơn chục năm mới có thằng Hùng, nhìn nó yếu thế kia không biết đến bao giờ. Bà Vân đi lễ nhiều hơn, chùa nào trong thành phố bà cũng đi. Bà và các bà cùng phố nhiều khi còn đi lễ chùa, đền ở các tỉnh xa, có chuyến đi lễ Mẫu Thượng ngàn ở Đông Cuông - Yên Bái mất mấy ngày.
Không biết các Phật, các Thánh có thấu hiểu mong mỏi của bà không nhưng cũng phải tới gần sáu năm sau bà mới toại nguyện. Kim sinh con trai. Thằng bé bụ bẫm khỏe mạnh. Khi sinh nó nặng hơn bốn cân. Bà Vân mừng, khoe suốt với mấy bà bạn hay đi lễ cùng. Ai cũng vui và chúc mừng bà có cháu đích tôn. Duy chỉ có một điều làm bà Vân nghĩ ngợi: Số là thằng bé từ lúc ra đời đã có một cái bớt to ở lòng bàn chân, cái bớt màu nâu sậm, hình thù giống hệt bàn chân người, mà nó lại ở bên chân trái. Khi đặt tên cháu, bà nói với Hùng:
- Con là Hùng, mẹ muốn cháu mẹ tên là Mạnh, cũng là mong con và nó cứ như tên mà sống mà phát triển.
- Mẹ muốn sao cũng được, nhưng con nghĩ đâu cứ có tên đẹp là sẽ như ý đâu. Con người có số cả mẹ ạ.
Hùng chỉ nói với mẹ vậy, sau đấy Hùng lại lao vào buôn bán, để mặc việc nuôi dưỡng con cho mẹ và vợ. Không nói ra nhưng bà Vân vẫn canh cánh trong lòng về cái bớt chân của cháu nội. Khi thằng Mạnh hơn một tuổi, bà đem nỗi lo lắng hỏi sư cụ trên chùa Quán Sứ. Cầm tấm ảnh của thằng bé sư cụ nhìn rất lâu. Quay sang bà Vân sư cụ khẽ cười rồi nói:
- Bà đừng lo lắng quá. Theo tôi nghĩ vui như thế này, có bớt với con người là chuyện bình thường, nhiều người có. Ai lớn lên mà chả phải đi. Có điều cậu cả này đi nhiều hơn người khác thôi. Biết đâu lớn lên cậu ấy lại đi học nước ngoài thì sao.
Nói xong sư cụ cười lấy lệ, rồi đưa tay kéo tà áo. Bà Vân trong lòng nhẹ hơn. Sư cụ nói vậy chắc cụ cũng biết ít nhiều, bà chợt tưởng tượng thằng cu Mạnh đã là một thanh niên, nó cao lớn đẹp trai, tay cầm cặp bước ra từ tòa nhà to lắm. Bà Vân nét mặt cười tươi bước xuống thềm chùa. Đứng bên cửa nhìn theo bà Vân, sư cụ chợt giật khóe mép, cụ bật ra mấy câu nho nhỏ:
- Tiếc thay, tiếc thay… Thằng bé ấy về sau đi nhiều mà chẳng nhìn thấy đường về.
Cu Mạnh năm tuổi mà vẫn chưa thấy có thêm em, bà Vân thủ thỉ với Kim, Kim cười và nói con có kế hoạch gì đâu, thả rông suốt mà cũng không thấy có. Cô ôm lấy mẹ chồng bảo chắc ông giời chỉ cho có vậy, giống mẹ. Bà Vân không nói gì, ừ mà sao cả nhà bà, nhà chồng bà rồi đến con bà, mỗi đời cũng chỉ có vậy.
Cu Mạnh học lớp một, nó trông càng ngày càng giống bố, mới có sáu tuổi mà đã lớn hơn những đứa cùng lớp gần một cái đầu. Cuộc sống vẫn đang đều đều như vậy, bỗng vào gần giữa chiều một ngày tháng bảy, hai chú công an và ông tổ trưởng, tổ phó dân phố đến nhà. Vợ chồng con trai bà đi vắng, nhà chỉ có tranh và đồ mỹ nghệ, bà cũng chỉ loáng thoáng biết đến việc đồ cổ nhưng Hùng chỉ giao dịch mua bán đâu đó chứ trong nhà bà biết có đồ gì là cổ đâu. Không hiểu có chuyện gì... Sau khi nghe anh công an nói, bà Vân đổ sập người xuống.
Minh họa của Ngô Xuân Khôi.
Bà tỉnh lại. Mắt bà Vân nhìn xung quanh vô hồn. Hàng xóm, tổ dân phố đều không một ai biết nói gì với bà lúc này. Bà hoảng loạn, chả lẽ là vậy? Thế là chỉ còn bà và thằng cu Mạnh trên cõi đời này sao? Họ đến báo tin, vợ chồng con trai bà tử vong cùng một lúc khi va chạm với ô tô trên đường từ Bắc Ninh về Hà Nội. Sáng nay khi đi Hùng chỉ nói với bà rằng hai vợ chồng sang Bắc Ninh vì có mối hàng mới.
Nhiều tháng sau bà Vân mới thấy nguôi ngoai đôi chút. Nhìn Mạnh, bà như có một chỗ để níu giữ, để mà dựa mình vào nhưng căn nhà thì trở nên lạnh. Bà tuổi cũng đã có, nếu quay lại nghề buôn bán vải cũng chả còn sức. Đặt cái tủ nhỏ bán lặt vặt thì chỉ đủ sống. Còn thằng Mạnh, nó càng ngày càng lớn, bao nhiêu thứ cần phải chi tiêu. Điều ấy ám ảnh Bà Vân suốt mấy năm liền. Tới khi thằng Mạnh học hết cấp một, bà Vân quyết định bán nhà...
*
Mười giờ sáng, cụ Vân lại lặng lẽ ngồi xuống cái ghế tựa đã cũ. Giống như mọi ngày, cụ lại ngồi chờ thằng Nắng về chơi. Cụ Vân không lẫn. Nhưng việc chờ, rồi nói chuyện với thằng Nắng đã có mười mấy năm rồi. Hình như cụ có thằng Nắng vào năm thằng Mạnh học lớp mười khi đang là một thằng bé ngoan, học giỏi, niềm tự hào của cụ. Nó thương cụ lắm, cứ đi học về là làm đủ thứ, từ cơm nước đến bán mấy thứ rau cỏ lặt vặt trước cửa nhà. Ai cũng khen thằng cháu ngoan có hiếu. Vậy mà không hiểu sao thằng Mạnh dần có những biểu hiện khác thường. Bắt đầu là những câu hỏi của mấy đứa bạn về việc nó ốm thế nào mà không đến lớp trong khi có thấy thằng Mạnh bị ốm đau gì đâu. Sau đến việc hôm nào cũng tới nửa đêm nó mới về, cụ lo lắng hỏi, nó chỉ bảo đi học thêm. Gần tám mươi, sức đâu mà kèm nó. Nó vẫn lễ phép với cụ nhưng càng ngày cụ càng cảm thấy nó tuột xa khỏi tầm tay. Thế rồi nó không về nữa, nó đi biệt tăm. Sau đó có đứa học cùng đến nói với cụ thằng Mạnh bị bọn nghiện ngập lôi kéo, rồi gây ra những việc xấu. Nó có về thăm cụ đâu được hai lần. Nó cao lớn, râu ria đầy mặt, xăm trổ đen kịt hai cánh tay. Những lần ấy nó cũng không nói nhiều, chỉ thủ thỉ mấy câu bà tha thứ cho cháu. Nó dúi vào túi bà ít tiền. Lúc ấy cụ chỉ khóc. Cụ cần gì tiền của nó, chỉ cần nó thôi, cần đứa cháu mà cụ chăm bẵm từ lúc mới đẻ. Nó có khác gì con, khác gì bố Hùng nó.
Đã sáu bảy năm nay cụ không gặp Mạnh. Năm ngoái cụ mới biết nó bị bắt, bị đi tù tận trong Thanh Hóa. Từ đấy cụ ngày nào cũng ngồi đợi cháu về. Càng chờ cụ thấy nó càng biệt tăm. Thế rồi thằng Nắng đến. Nó đến từ phía sau cụ. Nó nhảy nhót trong lòng bàn tay cụ. Qua trưa rồi đầu giờ chiều nó tuột khỏi tay, nó trườn xuống đất, nó dài ra và rồi nó mất hút như thằng Mạnh.
Nhưng khác thằng Mạnh, nó chỉ đi qua đêm, hôm sau lại về, còn thằng Mạnh đi mãi bây giờ cũng chưa thấy. Cụ Vân ngước nhìn lên mái nhà, cái lỗ thủng tròn nho nhỏ trên tấm Fibro xi măng, lối thằng Nắng vẫn đi về. Cụ không lẫn nhưng cụ vẫn lẩm bẩm nói chuyện. Cụ nói với nó nhiều lắm, từ chuyện cụ hồi nhỏ thế nào đến chuyện sau này của gia đình cụ. Có hôm cụ lẩm bẩm: “Bà nói với con nhiều chuyện thế con có chán không? Đừng chán con nhé, làm người phải có quá khứ. Nếu không thì không nên người đâu”. Ít ai biết cụ nói chuyện với thằng Nắng nhưng trong đầu cụ có phải Nắng đâu, thằng Mạnh đấy! Cụ nói chuyện với Nắng, gọi tên Nắng, như trong đầu cụ là hình ảnh của thằng Mạnh, thằng cháu đích tôn của cụ. Đúng là dòng giống, là ruột thịt, dù có sao đi nữa vẫn là dòng máu chảy trong huyết quản của cụ. Ừ mà cháu cụ có hư, nó đang đi tù, nhưng cụ vẫn tin, cụ đợi được nó về, rồi nó sẽ ngoan, sẽ tử tế để còn sống với đời chứ.
Hai hôm nay, người ta không thấy cụ Vân ngồi ở gần cửa nữa. Bà Lan Hội trưởng phụ nữ phường vội đến thấy cụ Vân đang nằm, cụ nói bà Lan cho mình ngồi dậy, tựa lưng vào đầu giường, cụ Vân thì thào nói:
- Tôi thấy khó ở rồi, bà cho tôi gặp các anh ở phường, tôi có chuyện muốn nói.
- Cụ yên tâm tôi xin báo ngay.
Bà Lan hiểu chắc cụ Vân sức đã cạn.
Buổi chiều, mọi người có mặt đông đủ. Cụ Vân ngồi tựa vào người bà Lan. Cụ ngước ánh mắt nhìn mọi người một lượt. Mấy cô cậu thanh niên trên tay cầm điện thoại, để ở chế độ ghi hình.
Cụ Vân nói nhỏ nhưng mọi người vẫn nghe rõ:
- Tôi biết tôi chẳng còn được bao lâu, tôi muốn để lại nguyện vọng, mong các ông bà chấp nhận.
- Vâng chúng cháu có đầy đủ ở đây cụ cứ nói ạ.
Ông chủ tịch phường cúi xuống sát cụ Vân, cầm tay cụ khẽ lắc.
- Các cháu tháo dây thép mang cái hòm quần áo ở kia mang ra đây cho bà.
Một lúc loay hoay, mấy cậu thanh niên mới mang được cái hòm ra. Sao cái hòm lại nặng thế, thêm một cậu nữa mới bê được lên giường. Cụ Vân tay run run lần túi lấy ra cái chìa khóa, đưa cho ông chủ tịch phường. Tất cả ngó vào, toàn quần áo. Mọi người nhìn nhau. Cụ Vân hất nhẹ tay, hiểu ý một cô gái nhấc hết quần áo ra ngoài. Cũng chỉ là quần áo của bà, có cả một cái áo bông chần bằng vải lụa màu rất đẹp, chắc là áo từ xưa của cụ. Chiếc hòm trống không. Có người thì thào chắc bà cụ lẫn rồi. Cụ Vân nhìn ông chủ tịch nói:
- Nhờ mọi người lấy hộ tôi cái chìa khóa ở trong cái hốc cột góc nhà kia.
Cụ Vân ra ý mọi người mở tiếp khóa trong hòm. Thì ra đáy hòm còn một lớp nữa được khóa cẩn thận. Tất cả mọi người có mặt đều ồ lên kinh ngạc. Hàng lớp vàng miếng được xếp ngay ngắn. Toàn vàng hiệu con rồng. Ông tổ trưởng dân phố đếm, tất cả có chín mươi ba miếng. Có người nhẩm tính nhanh rồi nói, gần bốn cân vàng đấy. Cụ Vân nhìn mọi người nói:
- Đây là tài sản của tôi có được sau khi bán căn nhà cổ trên Hàng Cân. Tôi không còn được lâu nữa đâu. Tôi có nguyện vọng giao lại cho phường, xây sửa cái trường cấp một mới cho các cháu.
Nói đến đây hình như mệt, cụ Vân thở dốc. Bà Lan cho cụ Vân nhấp một ngụm nước. Cụ Vân nói tiếp:
- Trong số vàng này tôi chỉ xin lại mười cây, nhờ bà Lan và chính quyền bảo quản, khi nào thằng Mạnh cháu tôi nó về, nhờ các ông bà giao lại cho cháu cùng cái nhà này. Hộ khẩu tôi vẫn để trong cái tủ kia kìa. Cảm ơn tất cả mọi người.
Nói xong cụ Vân đầu gục xuống thở yếu ớt.
Mười một giờ đêm, cụ Vân trút hơi thở cuối cùng. Phường và các đoàn thể lo cho lễ tang cụ. Quan tài của cụ được đặt ngay ngắn ở gian nhà ngoài chỗ cụ vẫn ngồi hàng ngày. Hôm sau qua giờ ngọ, ông chủ tịch phường đọc điếu văn. Những giọt nước mắt lăn trên má mọi người. Họ xúc động trước một tấm lòng rộng lớn của người đã khuất. Lúc di quan, giọt nắng khẽ lấp lánh trên quan tài của cụ Vân. Thằng Nắng cứ tiến dần từ cuối đến đầu quan tài, cho đến khi cụ Vân ra khỏi cửa. Thằng Nắng trườn xuống đất như muốn theo cụ ra tới tận xe tang. Nhiều người qua đường dừng lại. Họ thắc mắc đám tang mà không thấy một ai trở khăn.
Cảm ơn mọi người đến viếng và đưa tiễn cụ Vân xong, ông chủ tịch phường lấy trong túi một cái khăn tang. Ông nhẹ nhàng quấn lên đầu, bên dưới mấy chục người cũng bắt đầu quấn khăn. Họ tự nguyện vậy dù không là con cháu, họ hàng. Họ hiểu tất cả họ đang thành kính trước một con người còn xứng đáng được tôn trọng hơn thế...
*
Hơn mười ngày sau đám tang cụ Vân. Quán nước bên kia đường trước nhà cụ, một người đàn ông ngồi đó đã gần hai tiếng đồng hồ. Bà chủ quán tỏ ra sốt ruột mặc dù người khách uống nước và mua nhiều thứ. Người đàn ông đội mũ, đeo kính, khẩu trang, trời nóng mà mặc áo dài tay cài khuy. Thấy người đàn ông cứ thỉnh thoảng quay đầu rất lâu về bên kia đường, hình như là nhìn nhà cụ Vân. Cảnh giác, bà chủ quán nhìn người đàn ông rồi hỏi:
- Ông định tìm mua nhà hay sao?
- Bà ơi… Sao hôm nay không thấy bà cụ bên kia bán rau hả bà?
Người đàn ông vẫn để nguyên khẩu trang nói, giọng trầm trầm.
- Hàng chục năm nay bà ấy có bán rau nữa đâu, mà bà cụ mất được gần hai tuần rồi. Thế ông cũng biết bà cụ à?
Người đàn ông khẽ sững người, quay lại nhìn bà chủ quán mà không nói câu nào. Đêm ấy nhiều người xung quanh nhà cụ Vân hoảng hốt, vì họ thấy trong nhà cụ Vân có ánh đèn.

Chị mải miết đi như thế, dưới nắng xanh trong của trời Quảng Trị. Những mảng mây rất nhẹ, trôi trên đầu, không đủ...
Bình luận