Khúc ca của tế bào: Khám phá phần tử cơ bản của sinh vật và con người mới

Trong mỗi chúng ta tồn tại hàng chục nghìn tỷ tế bào – những đơn vị nhỏ bé nhưng mang trong mình sức mạnh kiến tạo nên toàn bộ cơ thể. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: Chúng thực sự vận hành ra sao?

Khúc ca của tế bào: Khám phá phần tử cơ bản của sinh vật và con người mới - 1

"Khúc ca của tế bào" của Siddhartha Mukherjee đưa người đọc vào một hành trình khám phá kỳ diệu về đơn vị cơ bản nhất của sự sống: tế bào.  

Trong mỗi chúng ta tồn tại hàng chục nghìn tỷ tế bào – những đơn vị nhỏ bé nhưng mang trong mình sức mạnh kiến tạo nên toàn bộ cơ thể. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi: Chúng thực sự vận hành ra sao? Câu trả lời không đơn thuần nằm trong những bài giảng sinh học, mà được hé lộ sống động, sâu sắc và đầy nhân văn trong “Khúc ca của tế bào”, tác phẩm mới nhất của Siddhartha Mukherjee – một bác sĩ, nhà khoa học và cây bút tài năng từng đoạt giải Pulitzer.

Khúc ca của tế bào: Khám phá phần tử cơ bản của sinh vật và con người mới - 2

Cuốn sách là hành trình khám phá kỳ diệu về tế bào – từ những quan sát đầu tiên qua kính hiển vi ở thế kỷ 17 đến những đột phá mang tính cách mạng trong y học hiện đại. Mukherjee dẫn dắt người đọc đi qua từng cột mốc quan trọng trong lịch sử khoa học, làm sống lại hình ảnh của các nhà tiên phong như Robert Hooke – người đặt tên cho “cells” – hay Antonie van Leeuwenhoek với phát hiện chấn động về thế giới vi sinh vật.

Điều đặc biệt ở “Khúc ca của tế bào” là cách tác giả lồng ghép những kiến thức chuyên sâu với giọng văn đầy mê hoặc. Những khái niệm tưởng chừng khô khan như màng tế bào, nhân, ty thể hay các bào quan khác bỗng trở nên sinh động, dễ hiểu qua cách lý giải sáng rõ và đầy cảm hứng. Tác giả không chỉ phân tích từng cấu trúc, mà còn mở rộng cái nhìn về cách các tế bào phối hợp, tương tác để xây dựng nên sự sống toàn vẹn – từ mô, cơ quan đến toàn bộ cơ thể con người.

Khúc ca của tế bào: Khám phá phần tử cơ bản của sinh vật và con người mới - 3

Không dừng lại ở khía cạnh sinh học, cuốn sách còn mở ra những liên hệ sâu sắc với y học, bệnh tật và sự chữa lành. Mukherjee – với tư cách một bác sĩ ung thư – đã giúp người đọc hiểu được vì sao khi tế bào rối loạn, cơ thể con người lại lâm bệnh. Ông chỉ ra những cơ chế phức tạp nhưng có thể can thiệp, từ đó giới thiệu những liệu pháp tiên tiến như liệu pháp gen, liệu pháp miễn dịch, hay sử dụng tế bào gốc để tái tạo mô tổn thương – những tiến bộ đang mở ra hy vọng lớn lao cho tương lai y học.

Tác phẩm cũng không ngần ngại đặt ra những câu hỏi về mặt đạo đức, xã hội và triết học – khi con người ngày càng tiến gần đến khả năng can thiệp vào chính nền tảng của sự sống. Mukherjee viết bằng một ngôn ngữ giàu hình ảnh, đậm chất văn chương, khiến người đọc không chỉ được cung cấp kiến thức, mà còn bị cuốn vào dòng suy tưởng sâu xa về bản chất của sự sống, của ý thức và của chính con người.

Với “Khúc ca của tế bào”, bạn sẽ không chỉ nhìn thấy thế giới bên trong cơ thể mình một cách rõ ràng hơn, mà còn cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế, phức tạp và kỳ diệu của sự sống. Đây là cuốn sách dành cho bất kỳ ai yêu tri thức, khao khát hiểu về chính mình và thế giới – một tác phẩm vừa mạnh mẽ về nội dung, vừa sâu lắng về cảm xúc.

Không ngẫu nhiên mà “Khúc ca của tế bào” đã được vinh danh với những giải thưởng danh giá như PROSE Award for Excellence in Biological and Life Sciences hay Chautauqua Prize 2023, đồng thời được xếp vào danh sách Notable Book của The New York Times.

Khúc ca của tế bào: Khám phá phần tử cơ bản của sinh vật và con người mới - 4

Một lời ngợi ca sâu lắng dành cho tế bào – đơn vị nhỏ nhất nhưng lại mang trong mình cả một vũ trụ. Và là một lời mời gọi mỗi chúng ta bước vào hành trình khám phá chính sự sống đang diễn ra từng phút giây bên trong cơ thể mình.

Ngoài ra, Omega+ đã xuất bản hai tác phẩm trước của Siddhartha Mukherjee là “Lịch sử Ung Thư – Hoàng đế của bách bệnh” và “Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại”.

Cuốn sách thuộc Tủ sách Y sinh của Omega+

Siddhartha Mukherjee là một bác sĩ, nhà nghiên cứu ung thư và tác giả từng đoạt giải thưởng Pulitzer. Sinh ra ở New Delhi, Ấn Độ, ông theo học tại Đại học Stanford, Đại học Oxford (với tư cách là học giả Rhodes) và Trường Y Harvard. Mukherjee hiện là phó giáo sư y khoa tại Đại học Columbia và là bác sĩ ung thư tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia.

Ông nổi tiếng với khả năng kết hợp khoa học phức tạp với lối kể chuyện hấp dẫn, thu hút cả độc giả chuyên môn và đại chúng. Tác phẩm đầu tay của ông, "Lịch sử ung thư: Hoàng đế của bách bệnh" (2010), đã được trao giải Pulitzer cho sách phi hư cấu, đồng thời được đánh giá cao về sự uyên bác, sâu sắc và nhân văn trong việc khám phá lịch sử và bản chất của căn bệnh ung thư.

T.Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Xuất bản lần thứ 2 cuốn “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình

Xuất bản lần thứ 2 cuốn “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình

Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc hội đàm kéo dài ngày nhất, ròng rã 4 năm, từ năm 1968 đến năm 1973. Hội nghị có 4 trưởng đoàn, trong đó có duy nhất một nữ trưởng đoàn - bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

“Suối Cọp” của Hữu Ước - thành công mới của tiểu thuyết  về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

“Suối Cọp” của Hữu Ước - thành công mới của tiểu thuyết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

Tiểu thuyết “Suối Cọp” của nhà văn Hữu Ước được xuất bản lần đầu năm 2022, lần tái bản gần đây nhất là vào tháng 4 năm 2024, do nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện. Tiểu thuyết gây tiếng vang lớn, được nhiều người tìm đọc, tiểu thuyết cũng được dịch ra tiếng nước ngoài, xuất bản tại Hungary, Mỹ và Thụy Điển…