Tính nhân văn trong tác phẩm của Taras Shevchenko và Nguyễn Du

Taras Shevchenko và Nguyễn Du - hai nhà thơ lớn ở hai đất nước xa nhau về địa lý, nhưng hai trái tim lớn của họ đều đập cùng nhịp với muôn triệu trái tim của nhân dân cần lao với hướng đi: "đến với dân, sống vì dân và làm thơ vì hạnh phúc của nhân dân".

Thời đại Shevchenko (1814 – 1861) là thời đại của chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng nửa đầu thế kỷ 19 với chế độ nông nô hà khắc mà chính nhà thơ cũng là một nạn nhân. Nhà thơ đã chứng kiến những cảnh đời bất công đầy rẫy trong xã hội của đế chế Nga nên từ trong dòng sữa của người mẹ nông nô nhà thơ đã lớn lên trong không khí phản kháng chế độ chuyên chế, đòi xóa bỏ chế độ nông nô.

Thời đại Nguyễn Du (1765 -1820) là thời đại mục nát của chế độ phong kiến cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, một thời đại đau khổ nhưng vô cùng oanh liệt bởi nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nối tiếp nhau, điển hình là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã lật đổ chế độ vua quan, đánh bại hơn 20 vạn quân nhà Thanh xâm lược, nhưng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ vẫn không thoát khỏi chế độ phong kiến mà người dân vẫn là tầng lớp chịu nhiều đau khổ nhất.

Tính nhân văn trong tác phẩm của Taras  Shevchenko và Nguyễn Du - 1

Tượng đài Taras Shevchenko và Nguyễn Du.

Hai cảnh đời, một nỗi đau nhân tình

Taras Shevchenko xuất thân là nông nô. Thuở nhỏ Taras đã từng là “gia nô hầu phòng” ở nhà chúa đất, đã nếm trải thân phận của những kẻ chịu lặng câm muôn thuở sống cảnh nô lệ tôi đòi. Trong suốt 47 năm sống dưới chế độ hà khắc của nước Nga chuyên chế thì 24 năm đầu của cuộc đời Taras đã phải cam chịu thân phận nô lệ bị ràng buộc trong tay tên chúa đất Pavel Enghengardt. Nhiều năm sống cảnh tôi đòi bị đọa đày, nhân phẩm bị xúc phạm Shevchenko ý thức rất rõ về giá trị con người, điều quý giá đầu tiên của loài người khi sinh ra trên thế gian này.

Hơn ai hết, Taras Shevchenko đã đề cao giá trị con người đang bị đọa đày trong xã hội của Đế chế Nga nửa đầu thế kỷ 19 trong nhiều thi phẩm của mình. Trong bài thơ Giấc mơ (1858) với niềm cảm thông vô bờ với cuộc đời của những con người cùng cảnh ngộ, Shevchenko đã thay mặt họ mơ về một giấc mơ đẹp khi giá trị con người được tôn trọng, cảnh nô lệ được giải thoát khi trở lại làm người tự do: 

Làm lao dịch, gặt lúa mì cho chủ

Mệt rã rời chị đâu dám ngơi tay 

Thất thểu bước chị gom từng lượm lúa

Thở đứt hơi…con khát sữa, khóc hoài... 

Chị mơ thấy thằng Ivan của chị

Thoát kiếp tôi đòi, giàu có đẹp trai

Cưới cô gái tự do thôi kiếp đời nô lệ

Gặt lúa ruộng mình, cùng ghé sức chung vai. 

Nhà thơ xuất thân từ nông nô thực sự “đau lòng” khi chứng kiến cảnh đời bất công của đồng loại, trong đó có cả chính mình. Chính vì vậy để bảo vệ giá trị con người đúng với nghĩa của nó, Taras Shevchenko không nguôi nghĩ tới một giấc mơ đòi giải phóng thoát kiếp đời nô lệ. 

Khác với Shevchenko, Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình một vị tể tướng có nhiều người giữ chức trọng quyền cao dưới triều Lê. Cuối thế kỷ 18, Nguyễn Du ra làm quan, tận mắt chứng kiến đời sống xa hoa trụy lạc của giai cấp thống trị, điển hình là chúa Trịnh thâu tóm mọi quyền bính trong tay. Trong xã hội, người dân phải sống cảnh điêu linh, loạn lạc. Thảm họa Trịnh - Nguyễn phân tranh ở hai miền đã đẩy đất nước vào cảnh chiến tranh liên miên, người dân vẫn là người chịu nhiều đau khổ nhất. Tất cả những cảnh đời sang hèn trái ngược nhau đập vào mắt nhà thơ, gây xúc động mạnh đến tâm hồn Nguyễn Du vốn nhạy cảm và giàu lòng nhân ái.

Trái tim lớn của một nhà thơ và cũng là của một nghệ sĩ luôn luôn tiếp dòng máu nóng cho những lời thơ xuất phát từ thiện tâm của một nhà thơ biết yêu, ghét hợp lẽ đời. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một minh chứng sinh động cho tấm lòng nhân ái của nhà thơ trước số phận đau khổ của bao kiếp người, điển hình là nhân vật Thúy Kiều. Có thể nói, toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du (trong đó nổi bật có Truyện Kiều) bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm đã toát ra một tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Con người với giá trị đích thực của nó được Nguyễn Du nói lên với sự trân trọng và với tấm lòng nhân ái. Con người dưới con mắt Nguyễn Du là của báu của cuộc đời, ông đau xé lòng khi phải chứng kiến cảnh ngộ thương tâm của con người cùng khổ. Khi đi sứ Trung Quốc dù ở địa vị cách biệt với quần chúng lao khổ, tấm lòng nhân ái ở Nguyễn Du đã khiến ngòi bút của ông không thể kìm giữ những câu chữ xuất phát từ con tim nhạy cảm trong bài thơ chữ Hán Thái bình mại ca giả. Đó là cảnh bi ai, ảo não của một ông già mù đi hát rong ở châu Thái Bình, Quảng Tây (Trung Quốc). Một hôm đi chơi thuyền Nguyễn Du chứng kiến thuyền bên cạnh gọi một ông già mù xuống hát. Trên sông gió thổi vi vu, trăng soi vằng vặc. Mọi người lắng nghe tiếng ông già vừa đàn vừa hát. Nguyễn Du không rời mắt khỏi ông già mù: 

Miệng sùi bọt mép, tay mỏi rã rời;

Ông già ngồi xuống, xếp đàn, ngỏ lời đàn hát đã xong

Đứa bé đã dẫn ông ra khỏi thuyền

Ông còn quay lại ngỏ lời chúc tụng.

Còn Truyện Kiều, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Du, lấy con người làm đề tài trung tâm, nâng nó lên thành vấn đề xã hội. Đọc Truyện Kiều chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn giá trị của con người, càng hiểu rõ hơn con người là cái quý giá nhất trên đời cần được trân trọng, bảo vệ.

Càng yêu người càng chăm lo cho hạnh phúc con người

Con người tồn tại như một thực thể trên thế gian trong một xã hội nhất định. Nó phải hoạt động, làm việc, chế ngự thiên nhiên, làm ra của cải vật chất để xây dựng cuộc đời ấm no, hạnh phúc. Như vậy con người phải được phát triển toàn diện trong môi trường tốt đẹp, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, người với người đều yêu thương nhau, giúp đỡ cộng tác với nhau. 

Taras Shevchenko là một nhà thơ xuất thân từ nông nô, nhưng từ thuở nhỏ tài năng về hội họa của ông đã có nhiều hứa hẹn. Chính bản thân Shevchenko đã nhận được sự ưu ái của đồng bào mình - những họa sĩ có tên tuổi thời đó đã đứng ra giúp ông vào học ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật Saint Petersburg. Nhưng trước hết phải giải thoát Shevchenko khỏi thân phận người nông nô thì tài năng đó mới được phát triển.

Họa sĩ danh tiếng Briullov giảng dạy ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật và nhà thơ Zhukovsky đã bàn cách kiếm đủ số tiền lớn quá sức tưởng tượng thời đó – 2500 rúp – để chuộc tự do cho  Shevchenko. Họa sĩ đã vẽ chân dung nhà thơ Zhukovsky để đem bán đấu giá. Nhờ sự giúp đỡ của chính nhà thơ Zhukovsky và bá tước nhạc sĩ Viengorky bức chân dung đã được đem bán đấu giá trước bàn dân thiên hạ sau buổi hòa nhạc tại nhà bá tước. Các họa sĩ đã thu đủ tiền để chuộc lại tự do cho Shevchenko và thế là Shevchenko được nhận vào Viện Hàn lâm Mỹ thuật Saint Petersburg làm học trò giáo sư họa sĩ Briullov.

Như chim sổ lồng, Shevchenko say mê vẽ tranh, trau dồi cách bố cục tranh vẽ, và đồng thời trong thời kỳ này tài năng thơ của ông như được chắp cánh khi tinh thần đầu óc được giải tỏa. Đó là ngày 22 tháng 4 năm 1838 ngày Shevchenko được trở lại làm người tự do. Nhớ ơn những người đã giúp mình thoát khỏi thân phận nông nô, Shevchenko đã nhanh chóng hoàn thành trường ca Katerina (1838) để nhớ ngày đổi đời. Với lời đề tặng nhà thơ Zhukovsky, Shevchenko đã ghi lại ấn tượng mạnh mẽ của cuộc đổi đời, từ thân phận dê, chó, ngựa, trâu được trả lại tự do làm người.

Hạnh phúc đơn sơ khó thực hiện đối với người nông nô đối với Shevchenko thật vô cùng quý giá. Nhà thơ đã dồn hết tim óc sáng tạo nên bản trường ca để trả nợ cuộc đời, cũng là để nhớ ơn những con người thiện tâm đã vun đắp hạnh phúc cho mình. Với năm chương gồm 750 câu thơ trong trường ca Katerina Shevchenko đã sáng tạo nên hình tượng nghệ thuật làm xúc động lòng người. Qua Katerina, Shevchenko đã gắn số phận và hạnh phúc mong manh của cô gái nông nô với hoàn cảnh xã hội đầu thế kỷ 19 ở nước Nga và Ukraina, đưa cuộc đời riêng của nhân vật trở thành điều trăn trở trước hạnh phúc của bao số phận con người. Đây là một cách nhìn tiến bộ mang tính nhân văn sâu sắc, vì con người và hạnh phúc con người.

Trong truyện vừa Nàng Lida bạc phận của Karamzin và trong trường ca Nàng Eda của Batưnsky những nhân vật nữ là những con người bị chà đạp lên nhân phẩm, nhưng các tác giả chỉ dừng lại ở sự lên án những hành vi vô đạo đức, bội bạc trong tình yêu. Khác với Nàng Lida bạc phậnNàng Eda, trường ca Katerina của Shevchenko ngoài tính nhân văn của nó còn mang tính xã hội đậm nét: thay vì cam chịu thụ động là thái độ lên án chế độ nông nô hà khắc qua cái chết phẫn chí của cô gái Katerina, yếu tố quan trọng tạo nên mối đồng cảm tự nhiên ở người đọc: 

 Ôi! Chàng đây rồi, ôi số phận

 Nàng ngước nhìn rồi đưa tay dụi mắt:

 Đúng rồi! Chính người đầu tiên cưỡi con tuấn mã

 Ivan chàng ơi, người em vô vàn yêu quý

 Trái tim em, hạnh phúc đời em

 Sao bấy lâu chàng biền biệt bặt tin?

Và khi thoáng biết chàng lính trẻ năm xưa phản bội tình yêu, nàng không ngần ngại hạ mình vì hạnh phúc của đứa con: 

 Xin chàng đừng hắt hủi bỏ rơi em

 Xin chàng nhận em làm gia nô hầu hạ

 Và chớ quay lưng chẳng ngó ngàng con 

Chàng cứ yêu đi, một người con gái khác

 Em sẽ quên rằng hai ta đã yêu nhau

 Rằng con trai em có chàng là cha đẻ

 Rằng vì chàng em chịu nhục đớn đau

 Cả tuổi xuân em chịu điều tai tiếng

 Chàng cứ quên em đi, vĩnh viễn

 Nhưng đứa con trai, xin chàng chớ bỏ rơi!

Trường ca Katerina là sự khởi đầu cho nhiều thi phẩm sau này của Shevchenko mang tính xã hội cao hơn, ở đó sự cam chịu với số phận mình và hạnh phúc của mình đã được thay thế bằng thái độ lên án mạnh mẽ chế độ nông nô và bộ máy vua quan áp bức dân lành.

Trong nhiều tác phẩm, Shevchenko đã viết những vần thơ ca ngợi những con người biết hy sinh để bảo vệ hạnh phúc của người mình yêu dấu. Ở Orenburg Shevchenko đã sáng tác truyện thơ Petrus có lẽ dựa theo truyện kể của những người tù hình sự bị đi đầy mà nhà thơ gặp họ trong những năm cuối của cảnh đi đày. Số phận của chàng trai chịu tội thay cho cô gái yêu chàng tha thiết đối với Shevchenko là hiện thực khách quan khiến nhà thơ đã viết nên những lời thơ ca ngợi tình cảm trong sáng cao đẹp của chàng trai.

Yêu tha thiết con người, Shevchenko luôn cảm thấy lòng mình rạo rực sung sướng khi viết được những lời thơ về giấc mơ những ngày hạnh phúc đẹp đẽ ngày mai: Ơi đất mẹ nở hoa/ Thảo nguyên dài tít tắp/ Lòng rộng mở đất ơi/ Mầm tự do đón nhận!

Nguyễn Du là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, bởi chính Nguyễn Du đã đề cập đến vấn đề muôn thuở là con người ở những khía cạnh đời thường nhất được người dân lao động quan tâm đến nhất, vì thế mà trở nên trường tồn nhất: đó là tình yêu và hạnh phúc con người. Yêu người tha thiết nên Nguyễn Du viết ra những vần thơ không phải từ ngòi bút chảy ra mà từ con tim nhạy cảm đầy nhân ái.

Trong Truyện Kiều Nguyễn Du ca ngợi tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng, và mặc dù để nàng Kiều lâm vào cảnh lưu lạc mười lăm năm, ngòi bút Nguyễn Du vẫn luôn bênh vực Thúy Kiều. Dù bị sóng gió cuộc đời vùi dập thậm chí có lúc bị nhấn xuống bùn nhơ, nhưng Thúy Kiều dưới ngòi bút của Nguyễn Du vẫn là con người trong trắng chiếm được cảm tình của người đọc. Miêu tả số phận nàng Kiều một cách chân thực, hợp với lẽ đời, không câu nệ bởi vấn đề trinh tiết của người phụ nữ, Nguyễn Du thực sự đã vì hạnh phúc của con người bị cuộc đời vùi dập như nàng Kiều mà viết nên những câu thơ xúc động đầy thuyết phục bênh vực cho quyền được sống, quyền được yêu và bảo vệ tình yêu của người phụ nữ.  

Lên tiếng phản kháng khi nhân phẩm con người bị chà đạp 

Tiếp nối âm hưởng chống lại chế độ nông nô và bảo vệ hạnh phúc con người ở trường ca Katerina, các thi phẩm sau đó của Shevchenko đã đề cập đến những nỗi thống khổ của nhân dân và người phụ nữ dẫn đến cái chết thảm thương của người đàn bà thường dân như trong Người đàn bà mù (1842), Mụ phù thủy (1847), Công tước tiểu thư (1847), Marina (1847), Maria (1849).

Khác với trường ca Katerina, trong Người đàn bà mù nhân vật nữ đã trả thù tên chúa đất và chị đã chết sau khi trả được mối hận thù. Qua cái chết của người đàn bà mù, Shevchenko đã lên án chế độ nông nô tàn bạo và lên tiếng kêu gọi đấu tranh qua cách dùng thủ pháp nghệ thuật mượn câu chuyện cổ La Mã - chuyện tên bạo chúa Nero, để mô tả nước Nga nông nô của Nga hoàng, mô tả những kẻ chuyên chế độc tài, những tên chúa đất đè nén nhân dân, vẽ nên một nước Nga “nhà tù của các dân tộc” đang đẩy nhân dân Nga vào cảnh tối tăm: Gia đình nào nước mắt cũng thành sông/ Bởi người thân bị giam cầm ngục tối/ Hay bị đày nơi heo hút xa xăm… Trong bài thơ nổi tiếng khác Không nói gở đâu, tôi nào có ốm đau… viết ngày 22/11/1858, Shevchenko đả phá ảo tưởng đặt tất cả hy vọng vào Nga hoàng Aleksandr II. Đối với nhà thơ không có vua hiền: “Vua chúa bao giờ cũng là lũ bạo chúa và chuyên quyền, là kẻ thù của nhân dân lao động”. 

Nhà thơ đã tiên đoán ngày cáo chung của chế độ chuyên chế Nga hoàng và tin chắc lũ vua chúa, công hầu không thể tránh khỏi một kết thúc bi thảm: Gió lên từ đồng nội/ Thổi bay hết bụi lầm/ Đường sạch quang rác rưởi... Cũng trong thời kỳ này tư tưởng của nhà thơ ngày càng kiên định. Shevchenko là nhà thơ lúc nào cũng lên tiếng chống lại những ảo vọng về một “Nga hoàng từ thiện” như Ghecxen từng lầm tưởng. Nhà thơ đã viết Bức thư từ một tỉnh lẻ, dưới ký bút danh Một người Nga đăng trên tờ Tiếng chuông ngày 1/3/1860 để trả lời bài xã luận của Ghecxen cố tình tán tụng Nga hoàng. 

Bức thư từ một tỉnh lẻ đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong dư luận xã hội, nhất là trong giới thanh niên. Trong đoạn cuối của bức thư Shevchenko gửi Ghecxen có những lời đanh thép: “Ngài đừng rung Tiếng chuông báo giờ làm lễ mà hãy đổ hồi những tiếng chuông cảnh tỉnh! Hãy kêu gọi nước Nga đứng dậy cầm lấy búa rìu. Ngài hãy nhớ rằng đã hàng trăm năm nay đức tin vào thiên căn của Nga hoàng đã giết chết nước Nga. Xin Ngài chớ làm kẻ nâng đỡ cho niềm tin đó”.

Đương nhiên ở nước Nga Sa hoàng, tác phẩm của Shevchenko bị cấm xuất bản. Sinh thời chỉ có gần 40 tác phẩm (tức là chỉ khoảng 1/5 toàn bộ sáng tác) của nhà thơ được công bố. Hơn thế nữa suốt 10 năm bị lưu đày, Shevchenko vẫn bị lệnh nghiệt ngã của Hoàng thượng “cấm viết và vẽ” ràng buộc. Chính vì vậy mà từ những năm 1840 đến những năm 1860, các giới tiến bộ ở Ukraina cũng như ở nước Nga đã không ngừng tiến hành cuộc đấu tranh để truyền bá những bài thơ cách mạng của Shevchenko. Có thể nói, trong suốt những năm 1860, bên cạnh những di sản văn học của Chernyshevsky, Dobroliubov, Gherxen, Ogaryov và Nekrasov, thơ ca của Shevchenko đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành những tư tưởng dân chủ cách mạng, trong đó trong một số tác phẩm, Shevchenko đã sáng tác với tư cách là người hoa tiêu của con tàu đi trong bão táp.

Nguyễn Du là một nhà thơ yêu nước, những nhân vật được Nguyễn Du ca ngợi và kính trọng là những người yêu nước, những người dám đứng lên chống lại sự áp bức của chế độ phong kiến vua quan. Đọc Truyện Kiều không ai cầm được nước mắt, thương xót nàng Kiều, căm phẫn bọn quan lại tham nhũng và bọn tay sai sâu mọt hại dân, hệ quả của chế độ phong kiến bất công và cũng là nguyên nhân đẩy nàng Kiều lâm vào bước đường lưu lạc mười lăm năm bèo dạt hoa trôi nhục nhã trăm bề. Với Nguyễn Du một nhà thơ yêu nước thì mỗi cảnh ngộ, mỗi sự đày đọa đối với nàng Kiều đều chứa đựng trong đó thái độ của tác giả: đó là sự phẫn nộ, một lời phản kháng gián tiếp nhằm vào những kẻ gây ra tai họa. Dù nói trực tiếp hay bóng gió Nguyễn Du luôn lên tiếng bảo vệ nhân phẩm con người chống lại bất cứ những gì chà đạp lên quyền sống và giá trị con người. Nhưng do hạn chế lịch sử của thực trạng xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 và tư tưởng định mệnh, những lời thơ tâm huyết của Nguyễn Du chưa trở thành những lời kêu gọi quyết liệt chống lại cường quyền và sự áp bức đè nén của giai cấp phong kiến đang nắm quyền. Mặt khác do nguồn gốc xuất thân và vị thế xã hội là một vị quan của nhà Nguyễn nên Nguyễn Du chỉ dừng lại ở sự giải thích những hiện tượng bất công trong xã hội là Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu!

Taras Shevchenko và Nguyễn Du đều là những nhà thơ yêu nước, những nhà thơ của nhân dân. Ở Ukraina và nước Nga Shevchenko được mệnh danh là người Ca sĩ của nhân dân. Shevchenko là nhà thơ có nhiều thi phẩm toát lên tinh thần nhân văn sâu sắc. Nhiều bài thơ trữ tình của Shevchenko đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt. Ở Hoa Kỳ tại quảng trường Dupont Circle ở Thủ đô Washington cách Nhà Trắng không xa (khoảng 2km) giữa bùng binh ngã bảy ngã tám của những phố và đại lộ giao nhau có một tượng đài toàn thân Shevchenko thời trẻ đã được dựng lên uy nghiêm và trân trọng.

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc của Việt Nam. Năm 1965 Nguyễn Du được Hội đồng Hòa bình thế giới công nhận là danh nhân văn hóa và chính thức ra quyết định kỷ niệm 200 năm sinh vào năm 1965 cùng với 8 danh nhân văn hóa thế giới. 

Những thi phẩm của hai nhà thơ lớn, hai nghệ sĩ lớn sẽ mãi mãi gây xúc động hàng triệu trái tim người đọc.

Nguyễn Xuân Hòa

Tin liên quan

Tin mới nhất