Nhà thơ Chế Lan Viên với quê hương Quảng Trị

Chế Lan Viên (1920 - 1989) là nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam, là nhà văn hóa tiêu biểu có uy tín của đất nước trong thế kỷ XX. Chế Lan Viên sinh sống và làm việc ở nhiều nơi, nhưng mảnh đất ân tình Quảng Trị đã nuôi dưỡng, ươm mầm cho tài năng thơ của ông. Vì thế, tác phẩm văn thơ của ông với một niềm khắc khoải da diết khôn nguôi với nơi sinh thành.

Nghĩ về quê hương, viết về quê hương, thơ Chế Lan Viên trước hết nghĩ và viết về mẹ cha, người đã sinh thành nuôi dưỡng mình và những người yêu thương nhất.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, Chế Lan Viên tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xây dựng, tổ chức văn hóa Trung bộ do các nhà cách mạng Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu thành lập “Tủ sách công dân” in các sách báo chính trị, khoa học, văn nghệ… phục vụ Nhân dân. Chế Lan Viên ra Đông Hà Quảng Trị đưa cho mẹ nửa số tiền Việt Minh Trung bộ thưởng và 10 cây cam mua từ Huế và dặn: “Mẹ chăm vườn mai sau đánh xong Tây, con về nhà thì có cam ăn”.

Năm 1947, quân Pháp từ biên giới Lào theo quốc lộ 9 tràn về chiếm Cam Lộ, Đông Hà, nơi gia đình Chế Lan Viên từ Bình Định trở về đang sinh sống trong gian khó. Lúc này Chế Lan Viên và nhiều văn nghệ sĩ Huế được tổ chức cho chuyển ra Hà Tĩnh, Nghệ An. Qua Đông Hà lòng ông quặn thắt khi nghe đại bác bắn inh ỏi. Tại Vinh, Chế Lan Viên viết thư gửi mẹ cha trong vùng địch chiếm: “Cha mẹ ta chạy về đâu?/ Nhất là cha ta, mỗi lần lại hốt hoảng/ Tội biết mấy, hở trời …”.

Năm 1949, Chế Lan Viên đi công tác Bình Trị Thiên để giúp củng cố các nhóm văn nghệ kháng chiến ở đây, vừa đi thực tế sáng tác. Đặc biệt trong chuyến đi này ông đã được kết nạp vào Đảng ngay tại Ba Lòng - Quảng Trị quê hương. Tại lễ kết nạp Đảng, ông mặc bộ cánh nâu “Con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc”.

Nhà thơ Chế Lan Viên với quê hương Quảng Trị - 1

Chế Lan Viên

Năm 1952, Chế Lan Viên được chi hội văn nghệ kháng chiến khu bốn cử vào giúp đỡ phong trào văn nghệ Bình Trị Thiên. Dọc đường kháng chiến khi lên đỉnh Trường Sơn nhìn về đồng bằng Quảng Trị ông nhớ mẹ khôn nguôi:

“Mẹ ở dưới thành phố đó

Lô cốt ngời vôi mái đồn máu đỏ

Con đi đây trên chót vót đỉnh rừng

Nghĩ đến mẹ nhiều nước mắt rưng rưng”

(Gửi mẹ trong vùng giặc chiếm)

Năm 1972, Quảng Trị giải phóng, Chế Lan Viên về quê thăm mẹ nhưng ông không thể đến viếng mẹ được vì đường còn đầy mìn. Vườn mẹ ở Cam An, Cam Lộ bị tàn phá, nhưng quê mẹ và mảnh vườn xưa trong thơ ông day dứt nỗi hoài thương: “Vườn mẹ xe ủi sạch/ Lối về bom với mìn/ Đường xa nhìn kỷ niệm/ Ban mai sao hoàng hôn” (Vườn mẹ).

Ông nhớ đến nao lòng bữa cơm thường với mẹ giản dị mà thân thương, quên làm sao được: “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/ Khế trong vườn thêm một tí rau thơm/ Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ/Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm” (Canh cá tràu).

Ông vô cùng xa xót vì nửa đời xa quê, xa mẹ khi trở lại nhìn làng xóm bị thiêu cháy, bến đò bị bom tọa độ bắn phá tan tành: “Con nửa đời xa mẹ/ Đi sông Ngô bể Sở/ Ngoảnh lại bến đò xưa/ Làng xóm hóa ra tro/ Đất trời thành tọa độ” (Bến đò mẹ tiễn). Rồi ông ngạc nhiên đến sửng sốt: “Con đò mẹ tiễn đưa/ Đã cháy vèo trong lửa/ Sao mẹ còn tại chỗ/ Sao mẹ còn nguyên đó/ Đầu tóc bạc phơ phơ” (Bến đò mẹ tiễn).

Một ngày trên biển Cửa Việt không còn mẹ nữa, ông thương nhớ khôn nguôi: “Ta về trong một trời không mẹ/ Bát ngát sông dài… ta vắng em” (Cửa Việt). Mẹ là người chăm chút cho nhà thơ không chỉ tấm áo, miếng cơm, trái gió trở trời, mà còn chăm chút cho trang thơ của ông. Chế Lan Viên xúc động: “Hồn thơ con chính mẹ đem cho”. Mẹ thắp sáng thêm ngọn đèn, tâm hồn rạng sáng với tình mẫu tử. Mẹ thắp sáng đèn là thắp sáng thêm hồn thơ cho đứa con đang say mê trang viết: “ Khi rón rén đến gần trang viết/ Mẹ thêm dầu sợ bóng đèn lu”.

So với viết về mẹ, Chế Lan Viên viết về cha ít hơn, nhưng khi viết về cha thì áng thơ vô cùng ám ảnh: “Con hỏi cha sao cha già thế?/ Cha im, nhìn ta gãi đầu/ Mặt cha gò má nhô cao/ Ta gặp ở đâu đấy nhỉ?/ Mới đây, mới đây thôi mà!”. Nhà thơ giật mình tỉnh giấc, biết mình đang mơ: “Giật mình hóa ra trong mộng/ Tỉnh dậy, trong lòng xót xa/ Hai mươi năm trời, hôm qua/ Hai mươi năm trời gần thế”! Và ông thương mình vì đã về già, mất luôn tuổi trẻ: “Tỉnh dậy mất luôn tuổi trẻ/ Bây giờ ta gần năm mươi/ Chưa bao giờ đi ngược lại/ Con đường đã qua trong đời”… (Mơ thấy cha).

Chế Lan Viên luôn khắc khoải nhớ về cha mẹ mình với một tình cảm đặc biệt. Tình mẹ con được khởi đầu bằng bài thơ cảm động Gửi mẹ trong vùng giặc chiếm (1952), Kết nạp Đảng trên quê mẹ (Ánh sáng và phù sa). Bởi mẹ là quê hương, mẹ đã là  đất nước. Hình ảnh mẹ như đã nhập vào cờ đỏ búa liềm: “Mẹ chưa là đồng chí nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ”. Chính mẹ đã giới thiệu con vào Đảng và “Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu”.

Rồi có bao chuyện riêng, sinh ly từ biệt day dứt cõi lòng: “Nay mộ mẹ ở Đông Hà, mộ cha trên núi/ Mộ chị Ba ở rừng cao su sẩm tối/ Chị Tư heo hút một mình/ Chỉ còn tôi cái dây xâu các hạt xổ ra tung tóe/ Lắp lại các mảnh gương đã vỡ” (Một thời).

Là người sinh hạ, mẹ cũng là người nuôi dưỡng và là chỗ dựa một đời cho con.Với cha mẹ mình, Chế Lan Viên bao giờ cũng là trẻ nhỏ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Con cò)…

Quê hương Quảng Trị - nơi nuôi dưỡng ươm mầm hồn thơ kỳ tài, Chế Lan Viên khắc khoải nhớ về với những trang viết chan chứa ân tình.

Chế Lan Viên có nhiều đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động văn nghệ Trị Thiên, được tổ chức đánh giá cao. Năm 1947, ở Vinh ông có những trang viết về quê hương trong vùng giặc chiếm hết sức cảm động: “Bao giờ ngày độc lập đến cho những cuộc đời tăm tối của bao bà mẹ Việt Nam anh hùng lên một chút vui mừng mà họ mong đợi xưa nay trong bụi cát rơm rạ…”.

Năm 1949, Chế Lan Viên vào Bình Trị Thiên công tác. Thời gian này, nhóm văn nghệ Nguồn Hàn đã ra đời ở chiến khu Ba Lòng, quy tụ những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hồng Chương, Lê Chưởng, Dương Tường, Lương An, Vĩnh Mai, Lê Tri Kỷ, Tấn Hoài, Nguyễn Khắc Thứ… Nhóm Nguồn Hàn đã góp phần khai sinh cả một dòng thi ca kháng chiến hào hùng làm phong phú hoạt động văn nghệ kháng chiến. Chế Lan Viên có những đóng góp rất quan trọng phát triển nhóm văn nghệ Nguồn Hàn. Đặc biệt, ông được kết nạp vào Đảng ngay trên quê hương Ba Lòng, Quảng Trị. Từ sự kiện “đỏ chói hồn” trong đời, Chế Lan Viên sáng tác bài thơ Kết nạp Đảng trên quê mẹ rất nổi tiếng. Rồi ông xúc động khi được gọi là đồng chí giữa đất quê hương. Ông biết ơn quê hương và “Tưởng như cả quê hương giới thiệu tôi vào Đảng”. Kết nạp Đảng trên quê mẹ là một trong những tác phẩm hay nhất, xúc động nhất của Chế Lan Viên viết về Đảng.

Trong những năm Quảng Trị bị chia cắt thành hai miền ở Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải, Chế Lan Viên luôn trăn trở với nỗi đau này: “Sông Ngân Hà tình yêu cháy rực hai bờ ai cũng thấy/ Anh và em chưa đến đó bao giờ/ Ly biệt đoàn viên ngày nay là giữa đất bùn và bom đạn/ Mà con sông đôi lứa ngày nay đều chia cắt đôi bờ” (Hai bờ Bến Hải).

Và tiếng chim ở Vĩnh Linh sau ngày Mỹ ngừng ném bom, ngoại cảnh chỉ có thế, nhưng nội tâm nhà thơ đi qua gian lao của chiến tranh đã  tạo ra tình thế thơ xúc động: “Bốn năm đạn lửa chim bay hết/ Nay tiếng bom im cánh biếc về/ Tiếng hót đầu tiên, ơ lạ lắm!/ Cả làng rưng lệ đứng im nghe” (Chiêm biếc Vĩnh Linh).

Rồi ông liên tưởng, mô phỏng tiếng chim cu gáy những trưa quê rất khêu gợi: “Hồn đất nước bâng khuâng theo tiếng chim dân dã/ Như chưa nghe bao giờ/ Mà như đã nghe rồi/ Tự đâu thời xa xưa xa xưa”…

Với Chế Lan Viên, Quảng Trị quê hương ông gió Lào và cát trắng bủa vây, đồng nghĩa với cái đói, cái nghèo, gian truân, vất vả: “Quảng Trị vốn là quê mẹ/ Gió Lào râm ran” (Gửi trạng thông họ Hoàng); hoặc “Cha mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong gió Lào và khoai sắn Bình Trị Thiên”. Chế Lan Viên từng thốt lên: “Ôi gió Lào ơi/ Ngươi đừng thổi nữa/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người” (Kết nạp Đảng trên quê mẹ).

Nơi sinh thành - Quảng Trị, mảnh đất gió Lào, cát trắng, nơi chiến tranh tàn khốc, bão lũ liên miên, nhưng ông đã yêu da diết, không bao giờ xa cách: “Dẫu đến chết, không bao giờ từ tạ/ Đất quê mẹ sim, mua và vạt áo vá quàng” (Đêm hò từ tạ)…

Chế Lan Viên là nhà thơ kỳ tài, nhà văn hóa tiêu biểu của đất nước ta trong thế kỷ XX. Tổ quốc - Quê mẹ và Thơ là tất cả đối với ông. Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu trong kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Chế Lan Viên (1920 - 2020) tại Quảng Trị: “Tên tuổi Chế Lan Viên làm vẻ vang cho quê hương Quảng Trị, làm vẻ vang cho Tổ quốc chúng ta. Ông mãi mãi là tấm gương cao quý, rực sáng về lòng yêu nước, yêu quê hương, một tinh hoa văn hóa rực sáng của thời đại Hồ Chí Minh”.

Nguyễn Văn Dùng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Sau tuyên bố của ông Trump về thuế quan với Trung Quốc, đồng USD tăng mạnh

Sau tuyên bố của ông Trump về thuế quan với Trung Quốc, đồng USD tăng mạnh

Đồng đô la Mỹ tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chính sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang xem xét áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc. Thị trường tài chính tiếp tục biến động do các chính sách khó đoán của chính quyền Tổng thống Trump, trong khi nền kinh tế Mỹ duy trì sự ổn định và lãi suất cao.

CR-V, Sportage, CX-5: Cuộc chiến chạm đỉnh cảm xúc

CR-V, Sportage, CX-5: Cuộc chiến chạm đỉnh cảm xúc

CR-V, Sportage và CX-5 đang tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt trong phân khúc crossover cỡ C tại Việt Nam. Với sự khác biệt từ thiết kế, công nghệ đến trải nghiệm lái, mỗi mẫu xe đều chạm đến cảm xúc người dùng theo cách riêng, hứa hẹn làm khó bất kỳ ai khi phải lựa chọn.

Tài sản của các tỷ phú vọt lên mức “không thể tưởng tượng”

Tài sản của các tỷ phú vọt lên mức “không thể tưởng tượng”

Báo cáo mới nhất từ Oxfam cho thấy tài sản của giới tỷ phú toàn cầu đã tăng vọt lên mức 15 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Đồng thời, tổ chức này cảnh báo về sự xuất hiện của năm nghìn tỷ phú trong vòng 10 năm tới, làm nổi bật khoảng cách ngày càng gia tăng giữa giàu và nghèo.