Hoàng Nhuận Cầm và những áng thơ xanh mãi

Trong số những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hoàng Nhuận Cầm là một trong những gương mặt thơ sáng giá được rất đông bạn đọc mến mộ bởi chất trữ tình sôi nổi, trẻ trung, mang đậm một phong cách riêng. Khi còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi cùng bạn đồng môn, đặc biệt là là các bạn nữ, chuyền tay nhau chép thơ của Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phạm Tiến Duật... và nhiều hơn cả là thơ Hoàng Nhuận Cầm. Những áng thơ của ông như có chất men lạ, khơi lên trong chúng tôi những cảm xúc mộng mơ cùng kỷ niệm trong trẻo của tuổi học trò một thời để nhớ. Nửa thế kỷ đã qua kể từ khi ra đời, nhưng những sáng tác của ông còn xanh mãi với thời gian.

Một cuộc đời từng trải, một nghệ sĩ đa năng, nhiều thành công 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (1952 – 2022) là trai Hà Nội chính gốc, cha ông là nhạc sĩ Hoàng Giác, mẹ là cụ bà Kim Châu. Khi đang học khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1971, ông tình nguyện nhập ngũ, biên chế vào Sư đoàn 325B. Sau thời gian huấn luyện, ông tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị vô cùng ác liệt. Nhiều đồng đội của ông, trong đó có bạn rất thân như Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh. Khi đất nước thống nhất, năm 1975, ông trở về trường học hoàn thiện chương trình đại học. Hoàng Nhuận Cầm về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam năm 1981, rồi chuyển sang làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam thời gian ngắn. Năm 2005, ông trở lại Hãng phim truyện Việt Nam. 

Hoàng Nhuận Cầm cùng vợ lập hãng phim tư nhân Điệp Vân. Ông là nhà biên kịch phim tài năng với những tác phẩm nổi tiếng như: Hà Nội mùa Đông năm 46; Áo chàm Bắc Sơn; Mùi cỏ cháy; Lỗi lầm; Đằng sau cánh cửa; Pháp trường trắng; Ai lên xứ hoa đào; Đoạn trường chiêm bao; Nhà tiên tri. Ngoài ra, ông đã từng tham gia đóng các phim: Đêm hội Long Trì; Số đỏ; Hà Nội mùa đông năm 1946. Ông đã được vinh dự nhận Giải Cánh diều vàng năm 2011.

Hoàng Nhuận Cầm và những áng thơ xanh mãi - 1

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Ảnh: Hoàng Phương

Tuy làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam không lâu nhưng khán giả vẫn nhớ đến ông ở chương trình Gặp nhau cuối tuần VTV3 trong vai trò Bác sĩ Hoa súng với nhiều câu trả lời hóm hỉnh, thông minh. Không những thế, công chúng nhớ đến ông một nhà thơ đầy tâm huyết. Yêu thơ mê đắm nên thi nhân Hoàng Nhuận Cầm là diễn giả của nhiều Hội nghị chuyên đề thơ, nhiều buổi giao lưu Câu lạc bộ thơ ở các tỉnh thành. Khi trò chuyện thơ, nhất là khi đọc thơ, ông như người lên đồng. Từ giọng đọc, ánh mắt, cử chỉ và toàn bộ ngôn ngữ hình thể con người ông, người ta thấy tỏa ra nguồn năng lượng mạnh mẽ, đầy cuốn hút. Ai đã được gặp, nghe nhà thơ truyền lửa đam mê thơ ca, dù chỉ một lần cũng nhớ mãi khó quên.

Hoàng Nhuận Cầm và những áng thơ xanh mãi - 2

Vai bác sĩ Hoa Súng do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đóng trong "Gặp nhau cuối tuần". Ảnh chụp màn hình

Hồn thơ trữ tình phong phú, in đậm phong cách riêng

Trong sự nghiệp sáng tác thơ, ông có nhiều tác phẩm, tiêu biểu là: Thơ tuổi 20 (in chung, 1974); Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983); Xúc xắc mùa thu (1992); Thơ với tuổi thơ (2004); Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007); Chiếc lá đầu tiên (2007); và 36 bài thơ (2008). Xuyên suốt những tác phẩm ấy là cảm xúc trữ tình mang đậm một phong cách rất riêng. 

Tiếng thơ ấy trẻ trung sôi nổi, tươi ròng sự sống. Thơ Hoàng Nhuận Cầm xuất hiện trên thi đàn khi tác giả tuổi đời còn rất trẻ, mới 19, 20 tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Vậy nhưng người thanh niên ấy sớm ý thức được trách nhiệm với non sông, đã xếp bút nghiên lên đường. Vào bộ đội chưa lâu, người chiến sĩ trẻ ấy đã gửi về một chùm thơ viết từ chiến trường còn khét mùi thuốc súng: “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Thư mùa thu”, “Anh bộ đội và tiếng nhạc la”, “Nhật ký”. Thật bất ngờ và phấn khởi, ông giành được Giải Nhất Cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ năm 1972 – 1973 (cùng với Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu và Lâm Thị Mỹ Dạ).

Kết quả đó thật đáng tự hào bởi xuyên suốt trong thơ là hình ảnh nhân vật trữ tình náo nức hướng về mặt trận và khát khao cống hiến. Thơ ông đã nói lên suy nghĩ, khát vọng chung của thế hệ trẻ thời ấy. Ngay trên chốt, trước giờ nổ súng, tâm hồn người lính vẫn đón nhận những âm thanh của cuộc sống thường nhật: “Ngụy trang công sự xong rồi/ Mới hay đồi chốt là đồi lắm chim”. Không chỉ tái hiện tiếng của nhiều loài chim, nhà thơ còn cảm nhận được tiếng hát của con người, tiếng nhạc la, tiếng gà báo sáng, tiếng tắc kè trong đêm.

Lúc này, thính giác nhạy bén và tâm hồn giàu cảm xúc giúp nhà thơ nắm bắt và lưu giữ được những âm thanh đáng yêu, đáng quý quanh mình. Từ đó, người lính càng ý thức rõ hơn hoàn cảnh thực trong cuộc chiến và trách nhiệm của tuổi trẻ: phải bảo vệ vùng đất và bầu trời để cho con người được sống tự do, cho đàn chim được ca hót. Từng bài, từng câu trong cả chùm thơ là những nghĩ suy, xúc cảm của lứa tuổi thanh xuân căng tràn sức sống, giàu mơ mộng và cũng ý thức sâu sắc sứ mệnh của mình trước thời đại và đất nước.

Niềm hoài niệm tuổi học trò da diết và tình yêu sáng trong, thơ mộng

Hoàng Nhuận Cầm là một trong số hiếm thi nhân có nhiều sáng tác được bạn đọc yêu thích như: Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu, Chiếc lá đầu tiên, Sông Thương tóc dài, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Thư mùa thu,… Có được điều ấy bởi người ta nhận ra nhà thơ không chỉ nói hộ những nỗi niềm khát khao cháy bỏng mà còn nói rất sáng tạo, hợp với tâm lý và cảm xúc của tuổi trẻ.

Hoàng Nhuận Cầm và những áng thơ xanh mãi - 3

Tuyển tập "Xúc xắc mùa thu" của Hoàng Nhuận Cầm, xuất bản năm 1992. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Bài Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến viết theo thể thơ tám chữ hiện đại là một khúc ca buồn. Ngay khổ thơ mở đầu đã là một sự lỡ hẹn trái ngang trong tình yêu: “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/ Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi". Cảm xúc thơ có những câu chỉ là suy nghĩ mang tính triết luận về tình yêu. Hình ảnh“Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ/ Gió em vào - nếu chán - gió lại ra” là tiếng nói ngậm ngùi, chua chát với những dự cảm bất an về một cuộc tình tương lai không có hậu.

Thi phẩm Viên xúc xắc mùa thu có 8 khổ với 32 câu thơ viết theo thể tự do. Mượn hình ảnh viên xúc sắc, nhà thơ nói đến các phương diện trong cuộc đời con người: ngọt bùi luôn đi đôi với cay đắng; hạnh phúc song hành với bão giông. Từ đó thi nhân giãi bày suy nghĩ, tâm trạng của mình. Mấy khổ thơ áp cuối, thi nhân liên hệ với câu chuyện tình của Mỵ Châu – Trọng Thủy. Giống như người xưa, thi sĩ cũng mang trong mình nỗi đau, niềm hối hận với người yêu. Khổ cuối bài rất ấn tượng: “Giọt mực em thong thả đến trong đời/ Không giấu được trong lòng tay nhỏ bé/ Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé/ Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh”. Đến đây, nhà thơ hóa thân thành viên xúc xắc xoay tròn, hiển lộ đủ các mặt và bày tỏ niềm tiếc nuối về cuộc tình dang dở của chính mình. 

Còn trong Chiếc lá đầu tiên, nhà thơ gợi lại nhiều hoài niệm về mái trường, thầy cô và bạn hữu cùng những rung động tình đầu:“Em thấy không, tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/ Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/ Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say". Dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình đưa người đọc trở lại mùa hè trong quá khứ “Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”.

Thơ Hoàng Nhuận Cầm lôi cuốn người đọc vào dòng cảm xúc tràn trề, sôi nổi như nhịp đập con tim tuổi trẻ luôn háo hức trước cuộc đời. Bài thơ hấp dẫn người đọc bởi giọng điệu và nhịp thơ khác biệt, tạo thành một phong cách riêng: sôi nổi, nồng nàn, da diết với những bâng khuâng, xao xuyến bất ngờ trong câu chữ và cả trong âm hưởng thơ. Tiếng thơ ấy neo lại bền lâu trong trái tim và trí não nhiều độc giả, mang đến cho thơ ca không khí tươi trẻ, lạc quan của tuổi học trò. Chính những âm điệu ngọt ngào và chất trữ tình sôi nổi, trẻ trung đã làm nên thương hiệu riêng của thơ ông, có người gọi đó là điệu cầm thi. 

Hoàng Nhuận Cầm được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn với tập thơ Xúc xắc mùa thu năm 1993. Vinh dự hơn nữa năm 2012, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đó là sự tôn vinh và ghi nhận xứng đáng với những đóng góp quan trọng của ông đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Hoàng Nhuận Cầm vĩnh biệt chúng ta hồi 16h30 phút ngày 20 tháng 4 năm 2021 (tức ngày 9 tháng 3 âm lịch), sau một cơn đau đột ngột - vào một ngày đầu mùa hạ, để lại nỗi bàng hoàng tiếc thương cho bao thế hệ độc giả. Tuy thể phách ông đi xa nhưng tinh thần của ông qua những sáng tác đầy tâm huyết của nghệ sĩ dâng tặng cuộc đời như cây ngàn vẫn luôn xanh tươi mãi trong lòng bạn đọc.

Thái Dũng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tổ chức Cuộc vận động sáng tác âm nhạc chủ đề “Hát tiếp khúc quân hành”

Tổ chức Cuộc vận động sáng tác âm nhạc chủ đề “Hát tiếp khúc quân hành”

Chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), 35 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề “Hát tiếp khúc quân hành”.

Tiếp tục xây dựng và phát triển cộng đồng nhân sự cấp cao tư vấn về chuyển đổi số

Tiếp tục xây dựng và phát triển cộng đồng nhân sự cấp cao tư vấn về chuyển đổi số

Vừa qua, Lễ khai giảng Khóa 2 chương trình "Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số cấp cao” do Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia và trí thức đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ, kinh tế, quản lý nhà nước, và nhiều ngành nghề khác.